VOA 9-12-13
Mục "Bạn đọc làm báo"

Hiến pháp và tư cách pháp nhân của Đảng

bởi Vũ Đức Khanh
 

Thế là cuối cùng cái Quốc hội bù nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) lại một lần nữa tự lột trần bộ mặt thật trước nhân dân.
 
Với 486 phiếu thuận trên tổng số 488 phiếu, cái Hiến pháp mới 2013, mà thực chất chỉ là một cái "Đảng pháp" không hơn không kém, đã được thông qua!
 
Trong suốt gần 3 năm qua với không biết bao nhiêu tài sản quốc gia đã đổ vào cái mà ĐCSVN gọi là "Sửa đổi Hiến pháp 1992" để cuối cùng "đảng ta" vẫn tiếp tục khẳng định rằng "quan điểm định hướng của lần sửa Hiến pháp này là tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội."
 
Theo Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh thì từ tháng 4/2012, Ban Chấp hành Trung Ương ĐCSVN đã nhóm họp và biểu quyết thông qua bản "Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992"  trước khi trình Quốc hội để có những quyết định chính thức đầu tiên cho định hướng phạm vi, nội dung sửa đổi Hiến pháp 1992.
 
Hôm 21/2/2012, chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, người đã chủ trì phiên họp thứ hai của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, cũng cho biết rằng sau khi tiếp thu ý kiến của Trung Ương Đảng, Quốc hội sẽ chính thức quyết định về định hướng, phạm vi, nội dung, cách thức và thời gian sửa đổi Hiến pháp 1992. Sau đó Quốc hội sẽ công bố rộng rãi và thu thập ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân.
 
Tất cả đều chỉ là diễn tuồng và Đảng đã diễn một vở tuồng tương đối khá tệ!

Nhân dân là ai, ở đâu và có quyền gì?
 
Theo Điều 83 của Hiến pháp 1992 thì Quốc hội vừa có quyền lập hiến và lập pháp. Điều 84 khoản 1 trao quyền hiến định cho Quốc hội làm và sửa đổi Hiến pháp và Điều 147 khẳng định chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền sửa đổi Hiến pháp.
 
Vậy tại sao phải cần có ý kiến của Trung Ương Đảng trước khi Quốc hội ra quyết định chính thức về định hướng, phạm vi, nội dung, cách thức và thời gian sửa đổi Hiến pháp 1992 trong khi Quốc hội theo quy định của Hiến pháp thì có toàn quyền về vấn đề này?
 
Hơn thế nữa, Điều 2 và Điều 6 của Hiến pháp quy định Nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội, cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Vậy tại sao chỉ lấy ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân sau khi Đảng và Quốc hội đã ra quyết định rồi? Vậy nhân dân là ai, ở đâu và có quyền gì?
 
Ngoài Điều 4 của Hiến pháp có quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước không có điều khoản nào khác trong Hiến pháp hoặc trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam quy định việc Quốc hội phải xin ý kiến của Trung Ương Đảng trước khi ra quyết định!
 
Chẳng lẽ cái Quốc hội này là của Đảng và nếu như trong thực tế Quốc hội chỉ là bù nhìn, là công cụ riêng của Đảng thì một cách tế nhị nhất Đảng cũng không nên quá lộ liễu như vậy? Quả thật là Đảng đã quá khinh thường nhân dân, xem nhân dân như một "hình nộm" muốn nắn tròn hay méo, muốn làm sao cũng được. Đảng đã tự cho mình là Hiến pháp, là pháp luật. Luật và Hiến pháp là Đảng, của Đảng, do Đảng và vì Đảng?
 
Mỉa mai thay khi chính Điều 4 Hiến pháp lại quy định rằng mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Và càng nhục nhã thay cho nhân dân Việt Nam khi quyền làm chủ hiến định của họ bị nhạo báng một cách trắng trợn.
 
Vì thế Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không phải là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân như Điều 2 của Hiến pháp quy định mà là Nhà nước của Đảng, do Đảng và vì Đảng mà phục vụ. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Đảng. Mọi tổ chức hoạt động của Nhà nước, chính quyền các cấp, Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật được thống nhất, chịu sự lãnh đạo trực tiếp và quản lý toàn diện của Đảng. Đảng là tất cả và tất cả là Đảng và vì Đảng...
 
Đảng, Anh là ai?
 
Vậy một câu hỏi khác cũng được đặt ra là "Đảng, anh là ai?" Nếu như trong Điều 4 của Hiến pháp và Điều lệ Đảng có ghi rõ ràng rằng Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật thì nhân dân Việt Nam có quyền xét hỏi "tư cách pháp nhân" của Đảng.
 
Theo pháp luật Việt Nam hiện hành thì mọi cá nhân, đoàn thể, tổ chức muốn hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đều phải có tư cách pháp nhân hẳn hòi và có giấy phép đăng ký hoạt động.
 
Theo sử liệu chính thức thì ĐCSVN ngày nay được thành lập năm 1930 tại Hương Cảng, xuất thân từ Đảng Cộng sản Đông Dương theo yêu cầu của Quốc tế Cộng sản, là một phân bộ của Quốc tế Đệ Tam Cộng sản, theo chủ nghĩa Mác - Lê.
 
Ngày 11 tháng 11 năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán để giấu sự liên hệ cộng sản với nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà vừa mới thành lập, lấy tên gọi mới là Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, mọi hoạt động công khai của đảng từ đây đều thông qua Mặt trận Việt Minh.
 
Trong giai đoạn kháng chiến 1946-1954, Đảng được "lập lại" và công khai tại Việt Nam với tên gọi Đảng Lao Động Việt Nam vào tháng 2 năm 1951, tại Đại hội Đảng lần thứ II tại Tuyên Quang.

Sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt và thống nhất đất nước, tên Đảng được đổi lại thành Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội Đảng lần thứ IV năm 1976 tại Hà Nội. Tên này chính thức được sử dụng cho đến nay.
 
Trong suốt quá trình từ ngày thành lập cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có lúc đã hoạt động công khai hoặc có lúc không công khai nhưng một điều không thể chối cải được đó là trong thực tế ĐCSVN chưa hề bao giờ có "tư cách pháp nhân" chính thức và hợp pháp cho dù ĐCSVN đã liên tục cầm quyền từ năm 1954 ở miền Bắc cũng như tại miền Nam sau năm 1975.
 
Nếu xét thuần túy về phương diện pháp lý thì rõ ràng rằng Đảng đang hoạt động bất hợp pháp tại Việt Nam vì Đảng không có tư cách pháp nhân hợp pháp. Đảng vẫn tiếp tục đang sống, làm việc và hoạt động ngoài vòng pháp luật như trong thời kỳ kháng chiến nếu không muốn nói là trên pháp luật. Vậy thì còn có ý nghĩa gì khi chính Điều 4 Hiến pháp lại nói rằng mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật?
 
Thực tế cho thấy Đảng chưa bao giờ tôn trọng và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng luôn tự cho mình pháp luật và mọi thứ pháp luật nếu có phải là của Đảng, do Đảng và vì Đảng. nhân dân đối với Đảng chẳng qua là thân, cây và hoa, lá cành được Đảng đem ra làm hàng trang trí xa xỉ cao cấp che mắt thiên hạ. Quyền làm chủ của nhân dân mà Đảng ban phát chỉ là một trò hề dân chủ giả hiệu, mỵ dân loại rẻ tiền. Nay một lần nữa chúng ta lại thấy thông qua bản Hiến pháp mới 2013 với sự tái khẳng định vai trò "lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội".
 
Không còn lầm lẫn gì nữa về quan điểm của Đảng. Nếu thực sự Đảng quyết tâm sửa sai để sửa đổi cứu nguy cho Đảng và cho cả dân tộc, đất nước này như Đảng vẫn thường lớn tiếng rêu rao thì những gì Đảng có thể làm ngay lập tức được, cụ thể như là tự giải thể Đảng Cộng sản Việt Nam, đình chỉ thực thi Hiến pháp hiện hành, tổ chức bầu cử tự do bầu Quốc hội Lập hiến để soạn thảo Hiến pháp mới hoặc tối thiểu phải hợp thức hóa ngay lập tức "tư cách pháp nhân" của Đảng, hủy bỏ Hiến pháp 1992 cũng như Hiến pháp 2013 sắp có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, phúc quyết và thực thi Hiến pháp 1946. Có thế, Đảng mới còn có tính chính danh mà tiếp tục tham chính, cầm quyền cũng như sửa sai những lỗi lầm trong quá khứ của Đảng bằng không Đảng sẽ luôn xứng danh "Đảng là Hiến pháp, là luật - Hiến pháp và luật là Đảng, của Đảng và vì Đảng".
 
Tóm lại, để trả lời cho những người thường hỏi tôi vì sao tôi lại muốn cứu Đảng. Đơn giản chỉ là "còn Đảng, còn anh em dân chủ mình quý bác ạ!" Với bề dày của 83 năm hiện hữu, Đảng không thể một sớm một chiều bị vùi sâu vào quên lãng được cho dù Đảng sẽ không thoát khỏi quy luật "đào thải của Tạo Hóa". Tương lai của Đảng dù là đảng cầm quyền hay đảng đối lập, Đảng và "Ta" chắc chắn sẽ còn gặp nhau dài dài...

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.