BBC 13-2-14

Ban tuyên giáo 'không tác động gỡ bài'

 

Một chùm phóng sự về cuộc Chiến Biên giới Việt - Trung năm 1979 trên tờ Một Thế Giới hôm 12/2/2014 vừa bị gỡ xuống làm dấy lên nghi vấn liệu truyền thông Việt Nam có chịu áp lực, hạn chế hoặc kiểm soát gì trong dịp đánh dấu cuộc chiến 35 về trước giữa hai quốc gia láng giềng cộng sản hay là không.

BBC đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và câu hỏi đầu tiên được đặt ra với ông Kỷ là liệu tờ Một Thế giới gỡ bài phóng sự được chuẩn bị công phu có phải do mắc sai phạm gì hay không.

Ông Nguyễn Thế Kỷ:Tôi nói rất thực là tôi không biết về việc này. Việc họ đưa lên hay đưa xuống thì chắc chắn là việc của họ. Còn tôi không có tác động bất cứ gì vào chuyện đấy.

BBC: Về cuộc chiến năm 79, nếu báo chí đưa thông tin đúng sự thật, có kiểm chứng thì có được đưa tin thoải mái, hay có hạn chế gì không?

Tôi nghĩ cái này là suy nghĩ của Tổng Biên tập các báo.

Tôi nghĩ là thế này, ví dụ như chỉ vì một ai đó có thời kỳ có gì đó trong quan hệ trong quá khứ có điều gì đó không ổn chẳng hạn, nhưng trong hiện tại khi hai bên đang cố gắng có thiện chí để thiết lập quan hệ tốt hơn thì thường người ta cũng có cân nhắc xem ngồi với nhau thì có nên kể lại những chuyện ngày xưa hay không.

Thì đó là cái ứng xử tôi nói là của cá nhân với nhau để rồi mình nói rộng ra hơn là giữa các quốc gia với nhau.

'Có chỉ đạo gì không?'

BBC:Từ phía nhà nước có chủ trương hay có chỉ thị gì về đưa tin bài về sự kiện này không?

Việt Nam với Trung Quốc vẫn là hai nước láng giềng với nhau.

Mà chúng tôi vẫn mong muốn hai bên, đặc biệt là từ phía Việt Nam, có quan hệ tốt hơn theo tinh thần tôn trọng nhau, láng giềng hữu nghị, hợp tác thân thiện, ổn định lâu dài hướng tới tương lai.

Thì đây là mong muốn không phải chỉ của nhà nước đâu, mà của cả người dân Việt Nam. Ai cũng muốn rằng những nước láng giềng với nhau sống yên ổn, hòa bình.

Còn những chuyện quá khứ thì không ai làm lại được lịch sử, nhưng nếu nghĩ lại thì có lẽ là người ta có những bài học từ lịch sử để cuộc sống hôm nay được tốt hơn.

BBC:Gần đây có những tâm lý về tranh chấp biển đảo, tranh chấp lãnh hải, một số người cho rằng TQ từ trước đến nay vẫn có ý bành trướng, xâm lược VN, vậy đưa những thông tin lịch sử, những câu chuyện như vậy liệu có phải là điều có lợi cho người dân?

Tôi nghĩ điều này thì cơ quan truyền thông tự cân nhắc lấy, xem việc đó có lợi hay không, với sự bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, với trách nhiệm với đất nước.

BBC: Như vậy có thể hiểu là các báo, Tổng biên tập hoàn toàn có tự quyền tự quyết trong việc đưa tin?

Tôi xin nói là Việt Nam có luật báo chí, thì các cơ quan báo chí, đặc biệt là các ông tổng biên tập hoạt động theo luật báo chí. Và họ có quyền đăng cái gì, không đăng cái gì theo luật.

Ông Nguyễn Thế Kỷ từng đảm nhiệm vị trí Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Giám đốc Đài PTTH Nghệ An, Tổng biên tập báo Nghệ An, Phó ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An, Bí thư huyện ủy Nam Đàn (Nghệ An).