Giá trị của Kim Chi Ty Du
Người ta sẽ quảng cáo cho kim chi. Tôi xin lưu ý: chữ kim chi này tôi viết thường, nhưng Hội thảo về Kim Chi, tôi phải viết hoa. Có ý tứ cả đấy. Kim chi là món ăn dân dã, truyền thống của Hàn quốc, của cả Triều Tiên. Nó giống như dưa cải, cà muối của chúng ta. Ngon mà cũng bổ ích. Tôi từng ăn cháo trắng với kim chi, vừa ngon vừa có lợi cho sức khỏe. Kim chi trở thành món ăn đặc trưng của Hàn quốc, đến nỗi người ta từng ví, từng gọi Hàn quốc là xứ Kim Chi. Thường khi người ta ăn, uống một thức gì đó, và người ta cũng nhâm nhi luôn cả cái hình ảnh của xứ sở có cái sản phẩm ấy. Mỗi lần ăn kim chi tôi đều nghĩ tới xứ sở của món ăn này. Nhiều liên tưởng thú vị. Vậy xứ sở Kim Chi, trong liên tưởng của chúng ta, nhân khi vác một bó tiền ném lên trời trong 30 điểm toàn Hà Nội để kỷ niệm 60 năm Tiếp quản Thủ đô, cũng có nhũng giá trị của nó. ”Giá trị của Kim Chi”, trong dịp này, được nhâm nhi, nghĩ ngợi cũng lý thú lắm. Này nhé 60 năm trước, họ cũng còn nghèo và nàn như chúng ta, họ cũng chỉ ăn kim chi để lùa cơm như chúng ta thường ngày vẫn chỉ tương cà mắm muối. Gia đình tôi, có năm ăn tới 27 kg cà muối trong một mùa hè. Bây giờ nhiều gia đình Việt Nam chúng ta vẫn còn trong cảnh nghèo này. Còn họ, nông dân có đủ tiền đi tậu vợ đẹp, giỏi giang tận nhưng miền quê hiền hòa của xứ “dưa cà”. Họ ăn đứt ta về khỏan có thể đưa dân giàu có lên hơn hẵn ta. Bây giờ họ bán sang ta không phải chỉ có kim chi, mà cả xe ô tô xịn đủ loại, tivi, máy tính, tủ lạnh, máy giặt đủ loại đời mới. Ôi chao họ thật sự là một nền kinh tế thị trường văn minh, hiện đại. Sản phẩm của họ là sản phẩm của nền kinh tế tri thức, hàm lượng tri thức của hàng hóa rất cao. “Giá trị của Kim Chi” là gì? Là một đất nước cũng trãi qua chiến tranh, cũng chia cắt, cũng bị đô hộ, cũng nghèo nàn, lạc hậu, trong cùng một thời gian lịch sử như nhau, họ tiến vọt lên làm nên sự thần ký của xứ sở Kim Chi. Sáu mươi năm trước, ta với họ cùng một trình độ phát triển, thì nay họ đã bỏ xa ta dễ đến cả 60 lần. Nhân dịp này nghe nói Thành ủy cứ bắn pháo hoa để mừng 60 năm trì trệ, lạc hậu so với thiên hạ, nói so với thiên hạ là vì cha ông ta cũng thường xuyên nhắc nhở: Trong nhà nhất mẹ nhì con / Ra đường lắm kẻ lại giòn hơn ta. Thôi thì thói đời người nghèo vẫn luôn hoang phí. Nhưng nhân dịp có ánh sáng rực rỡ, ta cũng cứ ngước mặt lên bầu trời ngắm cái vẽ lung linh chốc lát, để thấy cái phù hoa thì cũng bọt bèo chốc lát mà thôi. Điều quan trọng là có ngẩng lên, thì cũng biết cúi xuống ngắm lại mình mà suy ngẫm. Nên lợi dụng pháo hoa cũng như lợi dụng món kim chi để nhâm nhi và suy ngẫm cuộc đời, nó sẽ cho chúng ta những khoảnh khắc có giá trị, chẳng vô bổ đâu. Cũng như người ta đồng cảnh, đồng ngộ, mà họ đổi đời, còn ta lẹt đẹt. Đúng là cái món kim chi ta nuốt ngon lành, nhưng bài học ”Kim Chi” thì sao lại nghẹn trong lòng. Các quốc gia-dân tộc trong thời hiện đại có bốn yếu tố quan trọng để phát triển. Một là tài nguyên của xứ sở, nhiều hay ít. Hai là truyền thống văn hóa (một thứ vốn xã hội rất quý) phong phú hay nghèo nàn. Ba là tố chất của con người thông minh hay đần độn. Phải thừa nhận rằng cả ba yếu tố trên Việt Nam ta đều có ưu thế, đều có tính trội. Chỉ còn yếu tố thứ Tư, là những quan hệ xã hội hiện hữu, nó có công năng đẩy lên hay kéo lùi lịch sử. Phải thừa nhận rằng về mặt này, chúng ta có quá nhiều tiêu cực, yếu kém. Đặc biệt là hai lĩnh vực có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển hay trì trệ lạc hậu là thể chế chính trị, thiết chế kinh tế văn hóa của Việt Nam ta từ 60 năm qua đã không thích ứng cho sự thăng hoa, phát triển, đưa dân tộc có độc lập, có dân chủ, có hạnh phúc xứng đáng. Bạn cũng muốn mời ta món kim chi nhân lễ mừng 60 năm tiếp quản một cơ ngơi dân tộc. Ta cũng mừng cho bạn đã sang giàu lên hơn hẵn ta rất nhiều.Nhưng chỉ cúi mặt mà ăn thì chẳng khác kẻ phàm phu lú lấp đần độn, chỉ biết ăn mà không biết nghĩ. Lúc nhỏ mẹ tôi hay bảo , “miếng ăn, ngậm mà nghe”. Nghe ra ý vị của món kim chi thật là thú vị./.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 7-10-14 |