Nhân quyền VN: thắng thua thua thắng
Trần Nhật Phong
Gửi cho BBC từ California
Cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền Việt Nam tại LHQ gọi tắt là UPR diễn ra tại Geneva hôm 5 tháng 2 vừa qua có vẻ đã gây chú ý cho dư luận ở hải ngoại khá nhiều.
Với sự có mặt của một số cá nhân đáng chú ý trong phong trào tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam và một phái đoàn đông đảo từ phía chính quyền Hà Nội, cuộc khảo sát đã chấm dứt, nhưng dư âm vẫn còn.
'Bên thắng cuộc'
Dường như cả hai phía nhà nước Việt Nam lẫn những người tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam cũng như một số người Việt hải ngoại đều tự ca ngợi phe mình chiến thắng.
Phía những người
tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền và
một số người Việt hải ngoại cho rằng họ
đã chiến thắng vẻ vang.
Thứ nhất, đánh động được dư luận các nước chú ý hơn đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam, kể cả những quốc gia được xem là đồng minh của Việt Nam như Nga, nước cũng nhấn mạnh đến thái độ xử dụng những điều luật mơ hồ để buộc tội những người tranh đấu cho nhân quyền của phía an ninh Việt Nam.
Thứ hai, phía này cũng cho rằng mình thành công qua việc vạch ra những chiến thuật mà nhà nước Việt Nam thông qua bộ ngoại giao thường áp dụng để đối phó với những chỉ trích về nhân quyền như lần khảo sát năm 2009.
Người giúp cho phía tranh đấu nhân quyền vạch ra chiến thuật là nhân vật tên Đặng Xương Hùng, người từng phục vụ trong Bộ Ngoại giao Việt Nam và rời khỏi Đảng Cộng Sản năm 2012.
Thứ ba là cuộc tường trình từ những nhân vật tranh đấu cho nhân quyền trong nước đặt biệt là trường hợp ông Phạm Chí Dũng, người vào giờ chót bị công an Việt Nam ngăn chặn không cho lên máy bay, nhưng vẫn có bản tường trình qua hình ảnh video, cho thấy họ vẫn chiến thắng trước sự ngăn cản của nhà nước Việt Nam.
Trong khi đó phía nhà nước Việt Nam cũng cho rằng họ chiến thắng vẻ vang trước cuộc khảo sát và tạo ra hình ảnh tốt trước sự chứng kiến của cộng đồng quốc tế.
Thứ nhất, qua lời phát biểu của Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh tại Việt Nam, khi ông khẳng định những chỉ trích đến từ "thế lực xấu" để vô hiệu hóa chính nghĩa của cuộc tranh đấu nhân quyền tại Việt Nam.
Tuy không nêu rõ, nhưng ai cũng hiểu ông Phạm Bình Minh muốn nói đến Đảng Việt Tân, một tổ chức luôn tìm cách trở thành đảng đối lập tranh quyền cai trị với Đảng Cộng Sản, nhưng chưa bao giờ được chính thể quốc gia nào thừa nhận.
Phía Việt Nam cho rằng họ đã chiến thắng khi vạch ra động cơ chính trị đằng sau cuộc vận động khảo sát UPR lần này.
Thứ hai, phía nhà nước Việt Nam cho rằng họ đã gây bất ngờ cho phía chỉ trích, khi đem tất cả những bộ, ban ngành liên hệ đến tường trình và ghi nhận ở Thụy Sỹ, bao gồm cả Bộ công an, Bộ thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
Điều này phía Việt Nam cho rằng họ chiến thắng vì thuyết phục được cộng đồng quốc tế qua sự giải thích của các ban ngành chuyên môn, và phá vỡ "âm mưu chính trị của những thông tin thiếu khách quan" từ phía chỉ trích.
Thứ ba nhà nước Việt Nam cho rằng họ chiến thắng với những lời khen ngợi của một số quốc gia về những phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cũng như nâng cấp đời sống dân chúng.
Phía Việt Nam cho rằng họ đã thành công khi đưa được các thông tin này ra trước sự chứng kiến của nhiều quốc gia, để xác định về ý nghĩa rộng rãi hơn của hai chữ nhân quyền mà không bị đóng khung thuần túy trong các quyền ngôn luận, đi lại hay tôn giáo.
'Bên thua cuộc'
Tuy các phía đều cho rằng họ chiến thắng trong cuộc khảo sát định kỳ phổ quát nhân quyền UPR hôm 5 tháng 2 vừa qua, nhưng dư luận bên ngoài vẫn cho rằng các phía đều đã thua tơi tã, và dư luận đánh giá rằng cuộc khảo sát lần này kết quả cũng chỉ là tuyên cáo chung chung, sẽ không có một kết quả cụ thể nào.
Phía những người tranh đấu cho dân chủ nhân quyền và một số nhân sự, tổ chức ở hải ngoại cũng bị đánh giá là thua trận, do chủ quan, định hướng và chiến thuật.
Cái thua thứ nhất là bên cạnh những tổ chức NGO, những cá nhân tranh đấu cho công bằng xã hội, dân chủ và nhân quyền, sự có mặt của một số tổ chức chính trị đã khiến cho ý nghĩa và chính nghĩa họ đã bị mất, vì họ đã trở thành công cụ cho những tổ chức chính trị dùng để đả kích đảng cầm quyền ỡ Việt Nam, với mục tiêu là lật đổ chế độ đang cầm quyền, không còn ý nghĩa tranh đấu nhân quyền nên tiếng nói không được chú ý nhiều và tác động lớn.
Cái thua thứ hai là thiếu sự định hướng, nên bên cạnh cuộc kiểm điểm UPR lại xuất hiện cuộc biểu tình với cờ vàng ba sọc đỏ, điều này có thể có ý nghĩa quan trọng đối với những người Việt từng phục vụ dưới lá cờ đó và sự thiêng liêng, nhưng nếu đem đến những nơi như trụ sở LHQ thì xem như trật lấc.
Đó là vì trụ sở LHQ sẽ không kiếm ra lá cờ đó biểu tượng cho quốc gia nào trong hiện tại, và phía nhà nước Việt Nam lại khẳng định, những người tham gia cuộc chỉ trích chỉ muốn lật đổ chế độ hiện nay để tái lập thể chế VNCH đã không còn hiện hữu chứ không phải tranh đấu cho nhân quyền gì cả.
Cái thua thứ ba chính là chiến thuật, thay vì tranh thủ cơ hội tiếp cận với những ban ngành do phía nhà nước Việt Nam đưa ra, để trực diện tranh đấu thì những tổ chức, cá nhân lại chọn thái độ tránh né vì sợ mang tiếng "tiếp xúc với Cộng Sản", và chỉ nhắm vận động vào các quốc gia tham dự, điều này với cái nhìn từ bên ngoài thì có vẽ là chiến thuật gây áp lực hữu hiệu, nhưng với cái nhìn của những người trong nước , thì chính là cầu viện ngoại bang hay "cõng rắn cắn gà nhà", khiến cho những người tranh đấu nhân quyền và dân chủ càng bị đẩy ra xa hơn với người dân trong nước.
Phía nhà nước Việt Nam cũng bị đánh giá là thua thê thảm trong lần này, xem như những cố gắng tham gia vào hội đồng nhân quyền LHQ không còn giá trị gì cả.
Thứ nhất, việc ngăn chặn cá nhân ông Phạm Chí Dũng tham gia cuộc kiểm điểm UPR của an ninh Việt Nam, đã trở thành bằng chứng rõ ràng nhất về quyền tự do đi lại bị xâm phạm trước con mắt của cộng đồng quốc tế, cho thấy nhà nước Việt Nam đã làm ngược lại với bản hiến pháp mà họ vừa tu chính cách đây không lâu.
Cái thua thứ hai khi bị truy vấn đến quyền tự do báo chí, Việt Nam vẫn không thuyết phục được mọi giới khi khung luật pháp của họ khẳng định không cho phép tư nhân được ra báo chí, ngược lại với qui định của hiến pháp về quyền tự do ngôn luận, và không cho phép người dân được sở hữu đất đai, một cái quyền mà bất cứ người nào trên trái đất cũng có.
Cái thua thứ ba là các giải thích đều lái vấn đề qua phát triển xã hội, khiến cho nhiều quốc gia nhìn thấy chính quyền Việt Nam đang cố gắng biện minh cho các hành động bị xem là vi phạm nhân quyền, mà không chứng minh được thiện chí cải tổ về khung luật pháp, thái độ ứng xử, để người dân cảm thấy họ được bảo vệ quyền làm người như các quốc gia khác, cái thua chính là cộng đồng quốc tế nhìn thấy tại Việt Nam nhân quyền được ban phát chứ không phải được tôn trọng.
'Đánh mất cơ hội'
Dù có nhiều dư luận trái chiều về thắng và thua của các phía, nhưng cũng có những ý kiến khác cho rằng các phía đã đánh mất cơ hội tốt lần này để giải quyết những khác biệt.
Nhiều dư luận cho rằng phải chăng thay vì đưa ra những lý luận bảo vệ quan điểm của bên cầm quyền, phía nhà nước nước Việt Nam nên dùng cơ hội này chủ động thăm hỏi những người tranh đấu cho dân chủ nhân quyền, tổ chức buổi gặp gỡ bên lề UPR, lắng nghe tâm tư của những người chống đối hay khác ý kiến về việc điều hành đất nước.
Một buổi như vậy không chỉ là để tiếp xúc với những người Việt hải ngoại mà cả với những cá nhân như Đặng Xương Hùng, Phạm Chí Dũng, thân mẫu của Lê Quốc Quân hay thân phụ của ông Trần Huỳnh Duy Thức, thì có lẽ kết quả sẽ đẹp hơn nhiều, ít nhất có thể đối thoại và giải quyết trong tin thần xây dựng.
Ngược lại đối với những tổ chức NGO, hay những cá nhân tranh đấu cho công bằng xã hội, nhân quyền và dân chủ, định hướng rõ mục tiêu sau cùng của họ, sẵn sàng tiếp cận quan chức Nhà nước Việt Nam ở Thụy Sỹ, thẳng thắn vạch ra những tiêu cực và những điều chưa đúng của nhà nước Việt Nam về quan điểm nhân quyền, đừng để những tổ chức chính trị hay những cá nhân có động cơ chính trị ảnh hưởng thì có lẽ mục tiêu của họ sẽ dể dàng đạt được nhiều hơn, thay vì sự chỉ trích và khát vọng nhân quyền của họ bị biến thành công cụ chính trị.
Đáng tiếc những điều ghi nhận ở trên đều không xảy ra, và cái mọi người nhìn thấy chỉ là những con dân Việt Nam, những người nói tiếng Việt của cả hai phía đang tìm cách triệt hạ nhau trước cặp mắt của những trọng tài quốc tế, mà họ dường như không bao giờ đưa ra kết quả chung cuộc.
Bài viết thể hiện quan điểm và lối hành văn của ông Trần Nhật Phong, một người hoạt động trong ngành truyền thông tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ.