LUẬT KHOA
“Nga xâm lược Ukraine cũng giống Việt Nam can thiệp Campuchia”? Sai,
sai và sai.
Không có gì tương đồng giữa hai sự kiện này.
VINCENTE NGUYEN
Kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine, không ít người Việt Nam bày tỏ
sự ủng hộ đối với hành động này của Nga. Họ cho rằng Nga xâm lược
Ukraine là điều đúng đắn, và việc Nga bị quốc tế phản đối cũng giống như
Việt Nam xâm lược Cambodia năm xưa bị quốc tế phản ứng.
Dưới đây là ba lý do vì sao sự kiện Việt Nam can thiệp vào Cambodia
không có gì tương đồng với chuyện Nga xâm lược Ukraine.
1. Tham vọng lãnh thổ của Đảng Cộng sản Kampuchea
Diễn ngôn “giành lại lãnh thổ” đã mất của Cambodia đối với vùng Tây Nam
Bộ của Việt Nam vẫn còn sống trong các thảo luận chính trị của Cambodia
cho đến tận ngày nay.
Vào những năm 1970, khi lực lượng Đảng Cộng sản Kampuchea (hay Khmer Đỏ)
vừa giành quyền kiểm soát Cambodia, bên cạnh mục tiêu quan trọng nhất là
thanh lọc dân tộc khỏi “những kẻ tư sản”, “bọn chế độ cũ” và “bọn ngoại
bản”, thì việc giành lại “thời đại huy hoàng” của lãnh thổ Kampuchea
luôn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu. [1]
Trong niềm tin của nhiều lãnh đạo chóp bu Khmer Đỏ (và của một bộ phận
không nhỏ người Cambodia hiện đại), họ cho rằng quá trình mở rộng lãnh
thổ của các triều đại phong kiến Việt Nam, bắt đầu từ thế kỷ thứ XV, đã
gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguyên trạng lãnh thổ của Cambodia, đàn
áp người Cambodia và đi cùng đó là những dã tâm thôn tính hoàn toàn đất
nước Cambodia (điển hình là công cuộc chinh phạt quốc gia này của hoàng
đế Minh Mạng nhà Nguyễn từ năm 1841 đến 1845).
Nhiều nghiên cứu quốc tế ghi nhận việc Cambodia tuyên truyền liên tục về
tham vọng lấy lại vùng Khmer Hạ của họ (Khmer Krom), điển hình như các
bài viết của tờ Tung Padewat (Revolutionary Flag – tạp chí tư tưởng
chính thống của Đảng Cộng sản Kampuchea).
Những thù địch lịch sử cùng tham vọng lãnh thổ cao độ có tính hệ thống
và được thiết chế hóa của Cambodia trở thành mối quan ngại lớn cho nước
Việt Nam hiện đại trong một thời gian dài.
Liên hệ tình hình Ukraine:
Hoàn cảnh này không thể áp dụng ở bất kỳ góc độ nào cho nhà nước
Ukraine. Chính người Ukraine phải chật vật đấu tranh với những toan tính
của Nga nhằm thâu tóm lãnh thổ ở miền Đông và Nam của nước này.
Cơ sở nào để so sánh tình thế tiến thoái lưỡng nan của Việt Nam khi phải
đối phó với một chính quyền láng giềng cực đoan tuyên truyền xâm lược
nhằm tái chiếm lãnh thổ, với nước Nga vốn tự thân đang ức hiếp lấn chiếm
một người anh em láng giềng suốt gần một thập niên qua?
2. Các chiến dịch quân sự dai dẳng và tàn bạo của Khmer Đỏ nhắm đến
lãnh thổ Việt Nam
Các chiến dịch quân sự của Khmer Đỏ nhắm vào biên giới Tây Nam Việt Nam
không phải chỉ diễn ra trong ngày một ngày hai.
Các sử gia lẫn các nhà nghiên cứu pháp luật quốc tế đều đồng thuận rằng
bắt đầu từ năm 1973, các toán quân Khmer Đỏ đã tổ chức những cuộc tấn
công nhỏ lẻ, cướp phá, giết hại người dân ở các khu vực biên giới sát
với Cambodia thuộc Việt Nam. Tính đến năm 1978, trong suốt 5 năm, cả hai
chính quyền Việt Nam liên tiếp nhau là Việt Nam Cộng hòa và Cộng hòa Xã
hội Chủ nghĩa Việt Nam đều đã phải đối mặt với sự quấy phá của lực lượng
này.
Thêm vào đó, theo các tác gia về quan hệ – pháp luật quốc tế như Sean D.
Murphy và Gregory H. Fox, cách mà lực lượng Khmer Đỏ tấn công Việt Nam
không đơn thuần chỉ là những cuộc bố ráp xuyên biên giới. [2]
Cụ thể, Khmer Đỏ huy động tổng cộng hơn 100.000 lượt quân nhân, tổ chức
những cuộc tấn công đa diện, đa quy mô, diễn ra trong một thời gian dài
và cướp đi hàng nghìn nhân mạng (bao gồm thường dân) bên trong lãnh thổ
Việt Nam. Có thể khẳng định hành vi mà Cambodia thực hiện lúc đó không
thể được xem là những xung đột biên giới thông thường. Trong một bài
viết gần đây, Luật Khoa đã từng bàn đến tính nghiêm trọng trong hành
vi gây hấn của Cambodia. [3]
Liên hệ tình hình Ukraine:
Bàn về phương diện cấp thiết của hành vi quân sự, một lần nữa chúng ta
thấy với bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác biệt, Ukraine không phải là
Cambodia và Nga lại càng không phải là Việt Nam.
Ukraine chưa từng chạm đến một tấc đất của nước Nga, càng không nói đến
việc họ dám tàn sát người Nga hay tấn công trực diện vào lãnh thổ của
Nga trên mọi mặt trận của đường biên giới chung.
3. Hành vi diệt chủng của Pol Pot bị cả thế giới ghi nhận và lên án,
dù vướng mắc nguyên tắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ
Một trong những lập luận thường thấy nhất hiện nay của các nhóm người
Việt ủng hộ Putin: phương Tây đang lên án và cấm vận Nga tương tự như
cách mà phương Tây cô lập Việt Nam tại thời điểm chúng ta can thiệp vào
Cambodia.
Đây là một kiểu ngụy biện hạ thấp giá trị và sự hy sinh của thường dân
cũng như quân nhân Việt Nam.
Trước tiên, có lẽ không có gì bàn cãi nếu nói rằng phản ứng của các quốc
gia tại Liên Hiệp Quốc đối với Việt Nam vẫn mang nặng tư tưởng của cấu
trúc chính trị Chiến tranh lạnh: khối tư bản và khối xã hội chủ nghĩa tự
bảo vệ hoặc lên án các thành viên của nhau mà không cần phân biệt đúng
sai. Và đúng là Việt Nam đã chịu nhiều thiệt thòi trong bối cảnh chính
trị này.
Tuy nhiên, điều đó không thể được dùng để phủ nhận việc hầu hết các
chính phủ (ngoại trừ một số ít như Trung Quốc) đã thừa nhận hành vi và
tội ác diệt chủng của chính quyền Pol Pot.
Xung đột xảy ra khi các chính phủ bị buộc phải trả lời câu hỏi: chủ
quyền quốc gia và can thiệp nhân đạo, cái nào quan trọng hơn?
Phản ứng của chính quyền Vương quốc Anh là một ví dụ. Vào tháng 10/1979,
Bộ Ngoại giao Anh đã ra thông báo rằng họ nhận thức đầy đủ về tính
nghiêm trọng của hành vi diệt chủng mà chính quyền Khmer Đỏ đang thực
hiện. Khi được hỏi có còn tiếp tục công nhận Khmer Đỏ là chính quyền đại
diện Cambodia hay không, phía Bộ Ngoại giao cho rằng họ buộc phải tiếp
tục công nhận chính quyền này. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định “công nhận
chính quyền” (government recognition) không có nghĩa là ủng hộ hay đồng
thuận (approval) với những hành vi của chính quyền đó. [4]
Ngoài ra, từ năm 1976 đến năm 1985, hàng loạt báo cáo của các tiểu ban
và chuyên gia độc lập từ Liên Hiệp Quốc đã xác nhận tội ác của chính
quyền Pol Pot, mô tả chúng là những “hành vi tồi tệ nhất trong lịch sử
nhân loại kể từ thời đại của Hitler”. [5]
Như vậy, trong trường hợp của Pol Pot và Cambodia, có thể thấy một cộng
đồng quốc tế cố gắng dung hòa hai giá trị nền tảng mà hệ thống pháp luật
quốc tế hiện đại được xây dựng dựa trên đó: chủ quyền quốc gia và quyền
con người.
Cách tiếp cận của đại đa số các quốc gia phương Tây trung lập, theo
người viết, là có thể lý giải được.
Một là, họ tiếp tục công nhận chính quyền Pol Pot, nhưng đồng thời tìm
kiếm các hội đoàn chính trị thay thế (ví dụ như việc tạo điều kiện cho
Hoàng tử Sihanouk thành lập khối chính trị khác) để bảo đảm Pol Pot sẽ
không trở lại quyền lực ở Cambodia.
Mặt khác, họ cũng nhất quyết không công nhận chính quyền tại Phnom Penh
do Việt Nam thành lập bởi đây là kết quả của hành vi xâm phạm chủ quyền
và nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác.
Như vậy, dù Việt Nam bị cô lập trên trường quốc tế vì hành vi của mình,
khó có thể kể ra bất kỳ quốc gia phương Tây nào không biết hay không
thừa nhận hành vi và tội ác của lực lượng Pol Pot.
Liên hệ tình hình Ukraine:
Trái ngược với việc các nước trên thế giới và các tổ chức độc lập đều
xác nhận tội ác của chính quyền Khmer Đỏ, cái cớ Putin dùng để xâm lược
Ukraine – rằng chính quyền nước này thực hiện hành vi “diệt chủng” – lại
không nhận được sự xác
nhận hay đồng tình nào của cộng đồng quốc tế. [6]
Chú thích
1. Gregory H Fox, “The Vietnam intervention in Cambodia” in The
Use of Force in International Law: A Case-base approach. https://www.researchgate.net/publication/325987093_The_Use_of_Force_in_International_Law_a_Case-based_Approach
2. Murphy, S. D. (1996). Humanitarian intervention: The United
Nations in an evolving world order. Philadelphia: University of
Pennsylvania Press và Fox (1)
3. Nguyễn Quốc Tấn Trung. (2022, January 8). Can thiệp vào
Campuchia: Lần vi phạm pháp luật quốc tế đáng tự hào của Việt Nam.
Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2022/01/can-thiep-vao-campuchia-lan-vi-pham-phap-luat-quoc-te-dang-tu-hao-cua-viet-nam/
4. Xem [1]
5. Ben Kiernan, Genocide and Resistance in Southeast Asia:
Documentation, Denial and Justice in Cambodia and East Timor (New
Brunswick: Transaction Publishers, 2008). https://www.routledge.com/Genocide-and-Resistance-in-Southeast-Asia-Documentation-Denial-and-Justice/Kiernan/p/book/9781412806695
6. Hinton, A. (2022, February 25). Putin’s
claims that Ukraine is committing genocide are baseless, but not
unprecedented. The Conversation. https://theconversation.com/putins-claims-that-ukraine-is-committing-genocide-are-baseless-but-not-unprecedented-177511 |