RFA
14-4-15

Công du Bắc Kinh, Việt Nam được gì?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
 

Chuyến đi Bắc Kinh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn đã kết thúc bằng các bài viết ca tụng sự hợp tác của hai nước từ các kênh chính thức của Trung Quốc, tuy nhiên trên hệ thống truyền thông dòng chính của Việt Nam hầu như không có bài viết quan trọng nào ca ngợi những gì mà phái đoàn đạt được, nhất là về vấn đề Biển Đông. Mặc Lâm ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia, trí thức trong và ngoài nước về sự kiện kiện này.

Lo nhiều hơn vui

Trước khi chính thức sang Hoa Kỳ nhân dịp kỷ niệm 20 năm bang giao Hoa kỳ Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn một phái đoàn hùng hậu sang Bắc Kinh. Đây là lần thứ sáu ông Trọng sang Trung Quốc nhưng có lẽ đây là lần ông được tiếp đón hết sức trọng thể với nghi thức ngoại giao dành cho một nguyên thủ quốc gia mà Bắc Kinh ưu ái dành cho ông. Những nghi thức lễ tân đặc biệt đã cho thấy thái độ xoay chuyển đầy ý nghĩa của lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam.

Người ta còn nhớ chỉ vài tháng trước đây khi Trung Quốc mang giàn khoan HD-891 vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam ông Trọng từng yêu cầu nói chuyện với ông Tập Cận Bình nhưng không được đáp ứng. Lần này, sự hào phóng của Trung Quốc được truyền thông nước này hết lời tâng bốc cho thấy cục diện đã khác. Phải chăng Trung Quốc muốn lôi kéo Việt Nam trở lại quỹ đạo của họ trước khi bị Hoa Kỳ kéo ra khỏi vòng quay mà hơn nửa thế kỷ qua Đảng Cộng sản Việt Nam không cách nào thoát ra được?

Tuy nhiên, căn cứ trên những gì mà truyền thông Trung Quốc đưa ra trong 4 ngày công du Bắc Kinh của TBT Nguyễn phú Trọng, trí thức Việt Nam tỏ ra thất vọng và lo lắng nhiều hơn trước. Theo Tân Hoa Xã cho biết hai nước đã đồng ý trên nguyên tắc hoạt động của “Nhóm bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển” các lĩnh vực ít nhạy cảm, tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ, sớm khởi động khảo sát chung tại vùng biển này trong năm 2015.

Đây là chỉ dấu cho thấy sự hợp tác để cùng khai thác, một đặc điểm hợp tác mà Trung Quốc luôn nắm cán đối với Việt Nam trong nhiều thập niên qua bởi sự lệ thuộc quá sâu vào hệ thống chính trị cũng như nguồn vốn, khoa học kỹ thuật của Việt Nam cách nhau quá xa so với Trung Quốc.

Đài phát thanh CRI của TQ cũng bình luận về con đường tơ lụa trên biển và cho rằng quan hệ Trung-Việt chiếm vị trí quan trọng trong bố cục lớn về ngoại giao xung quanh của Trung Quốc trên nguyên tắc cùng thương lượng, cùng xây dựng, cùng chia sẻ. Nhận xét về vấn đề này PGS TS Hoàng Ngọc Giao cho biết:

-Về câu chuyện “con đường tơ lụa trên biển” thì tôi thấy tham gia vào con đường tơ lụa trên biển của họ cũng lại là cái trò dùng kinh tế để che đậy các mưu đồ về chiến lược, về quân sự, địa chính trị. Một mặt thì họ xây đảo, mặt khác họ tung tiền ra gạ các nước trong khu vực làm con đường tơ lụa trên biển, họ bỏ ra mấy chục tỷ đô la thế nhưng mà nếu đứng từ lợi ích dân tộc để phân tích thì ta được lợi gì trong “con đường tơ lụa”? trong khi vấn đề chủ quyền biển đảo của chúng ta vẫn đang dần dần bị họ gậm nhấm. Họ đang gậm nhấm, họ xây cả một đảo Gạc Ma, rồi đảo Chữ Thập đảo Gaven…họ làm cả căn cứ quân sự lớn trên đấy. Không phải mai mốt nữa mà rõ ràng hiện nay sự hiện diện đấy nó không chỉ là xâm chiếm mấy cái đảo mà nó án ngữ toàn bộ đường ra Biển Đông của mình.

Mai mốt tàu thuyền ngư dân của mình sẽ ảnh hưởng. Trước khi họ chưa có sự hiện diện thường xuyên ở đấy thì họ đã cấm đánh bắt cá, họ làm khó ngư dân mình, họ cướp tàu, họ đánh đắm tàu mình…khi mà họ có sự hiện diện thường xuyên thì toàn bộ vùng đo làm sao còn nơi sinh sống cho ngư dân? Đấy là chưa kể nếu họ lập vùng thông báo bay kiềm soát về hàng không nữa thì như vậy vể mặt địa chính trị. An ninh mà nói thì đó là một đe dọa thực sự rất lớn đối với chủ quyền biển đảo của chúng ta.

Bên cạnh những thỏa thuận thúc đẩy đầu tư mà Việt Nam khẩn khoản đề nghị, Trung Quốc cho biết sẵn sàng đưa những tập đoàn kinh tế hàng đầu của nước này sang Việt Nam trong đó có tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông Huawei. Theo dõi vụ này GS Nguyễn Văn Tuấn từ Sydney đưa ra mối quan tâm của ông:

-Tập đoàn Hoa Vi (Huawei) là một tập đoàn chính phủ Trung Quốc được xem là có những thương vụ không rõ ràng. Chính phủ Úc, Canada và theo tôi biết cả chính phủ Mỹ cũng vậy đã tẩy chay tập đoàn này không cho họ đầu tư cơ sở vật chất ví nó có thể đe dọa an ninh đất nước của họ. Thế nhưng ở Việt Nam chúng ta thì tình hình rất khác, chúng ta chào đón công ty đó có vẻ rất nồng nhiệt và theo thực tế như tôi biết thì công ty này đã tứng làm ăn với Việt Nam trong quá khứ, rất nhiều bộ phận viễn thông, trang thiết bị viễn thông cũng nhập từ Hoa Vi cả…thành ra tất cả những cái đó nó làm cho mình quan tâm đến an ninh của Việt Nam

Trí thức trong nước đặc biệt quan tâm tới cụm từ “nhận thức chung” mà Thông cáo chung đã nêu lên. Bàn về vấn đề này, GS Nguyễn Ngọc Trân nguyên đại biểu Quốc Hội cho biết nhận xét của ông:

-Cái nhận thức chung là hai bên cùng thức hiện chứ không phải nhận thức chung thì chỉ một mình Việt Nam thực hiện mà Trung Quốc cũng phải thực hiện nữa. Như ông Thủ tướng có trả lời các đại biểu quốc hội ở Kiên Giang tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vừa rồi là “mình hợp tác vừa đấu tranh với Trung Quốc buộc họ cũng phải thực hiện theo những điều ước mà luật pháp quốc tế vá Công ước về Luật biển năm 1982 có DOC và COC.

Chuyến thăm vừa rồi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một hoạt động đối ngoại của mình nó không phải là toàn bộ hoạt động đối ngoại của mình trong vấn đề Biển Đông mình phải vửa hợp tác vừa đấu tranh. Đấu tranh trên cơ sở nào. Đấu tranh không có nghĩa chỉ đối đầu mà thôi còn có vấn đề hợp tác, vấn đề nhận thức chung nhưng mà không đủ, còn phải có luật pháp quốc tế, phải có Công ước luật biển mà đây chính là cơ sở đề mình cùng với những nước khác có cùng quyền lợi chung trên Biển Đông.

Riêng PGS TS Hoàng Ngọc Giao thì đặt câu hỏi:

-Nhận thức chung hay còn gọi là nhận thức chung của lãnh đạo, thế bây giờ nhân dân chả biết nhận thức chung của lãnh đạo cao cấp là gì? chả thấy công bố gì cả. Hai bên nhận thức chung với nhau như thế nào thì đây cũng là một dấu hỏi lớn.

Hành động coi thường của Trung Quốc

Mặc dù nói lời ngon ngọt với Việt Nam như vậy nhưng khi phái đoàn của TBT Nguyễn Phú Trọng đang trên đường về nước thì Trung Quốc công khai vén bức màn xây dựng các căn cứ quân sự trên đảo Vành Khăn nơi họ chiếm của Việt Nam trước đây. GS Nguyễn Văn Tuấn nhận xét:

-Thái độ của Trung Quốc rõ ràng chơi với mình không đẹp. Trong khi họ đón ông Tổng bí thư có thể nói là rất trọng hậu thế nhưng khi đoàn của ông Tổng bí thư chưa về tới Việt Nam thì họ đã xây dựng nhiều công trình ở đảo Vành Khăn như chúng ta đã biết. Khi được hỏi tại sao họ làm như vậy thì họ trả lời rất ngênh ngang tuyên bố đó là đảo của họ nên họ muốn làm gì thì làm! Thực ra những đảo đó họ đã cướp từ Việt Nam, nếu dùng chữ “cướp” thì có lẽ cũng không quá đáng.

Cái cách mà họ nói như vậy tôi thấy điều thứ nhất, nều nói nhẹ một chút thì nó rất bất lịch sự với đoàn của Việt Nam. Nếu nói nặng hơn một chút thì tôi nghĩ rằng thì đó là thái độ xem thường mình. Tôi rất ngạc nhiên phía Việt Nam không thấy ai lên tiếng trên báo chí, công luận nên tôi rất ngạc nhiên. Tôi nghĩ mình nên có thái độ song phẳng và bình đẳng hơn ví tất cả các việc làm của họ thì phía Việt Nam đều im lặng, thậm chí không dám nhắc đến, ai cũng bức xúc nhưng nhà nước cứ giữ im lặng thì thái độ và hành vi này làm cho Trung Quốc họ lấn tới.

Tất nhiên khi nói cứng rắn bình đẳng không có nghĩa là mình đòi hỏi họ phải làm tất cả những chuyện mình muốn nhưng ít ra mình cũng phải lên tiếng để cho họ thấy rằng mình có chủ quyền và phải tôn trọng mình chứ không thể lấn lướt tới hoài như vậy được

Từng là Vụ trưởng của Ban biên giới chính phủ có lẽ PGS TS Hoàng Ngọc Giao không lạ gì sự trở mặt của Trung Quốc trong khi tranh chấp với Việt Nam, ông cho biết:

-Đây là một chiến thuật của Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam họ vừa xoa lại vừa lấn tới, họ vừa xoa vừa đánh mình. Có hai ý mà tôi thây không ổn, ông Tập Cận Bình ông ấy nói rằng hai bên phải có cách tiếp cận mới, có ý tưởng mới cho cái quan hệ Việt Trung. Chúng ta thấy gì? Quan hệ Việt Trung cho đến nay họ xâm lấn biển đảo của mình, họ gây nhiều chuyện với mình, với ngư dân mình thế mà bây giờ lại kêu gọi cách tiếp cận mới, ý tưởng mới. Có nghĩa những cái gì đã xảy ra thì không đề cập lại. Đó là chiến thuật mà nói rõ hơn là một âm mưu theo cái kiều vừa đấm vừa xoa, dường như phớt lờ đi chuyện tồn tại. Họ dùng cái từ “kiểm soát tranh chấp ở trên biển”. Thế nào là kiểm soát? Cùng nhau kiểm soát là thế nào? Phải giải quyết chứ?

Phải chăng cùng nhau kiểm soát là giữ nguyên cái hiện trạng này đừng để chuyện tranh chấp này được giải quyết, còn họ thì cứ có lợi. Theo tôi điều này không ổn.

Giới chuyên gia về vấn đề Biển Đông lo ngại rằng những gói kinh tế mà Trung Quốc đem ra nhử Việt Nam sẽ làm cho một số lãnh đạo tin rằng lần này họ có thiện chí hơn trước, tuy nhiên so với những gì mà Việt Nam mang về từ Bắc Kinh thì không ai có thể lạc quan, vì kinh nghiệm quá nhiều vào những gì mà Trung Quốc đã từng làm trong vấn đề Biển Đông.