RFI 6-10-13Huyền thoại Võ Nguyên Giáp qua góc nhìn sử học
By Trọng Thành
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trút hơi thở cuối cùng chiều ngày thứ Sáu, 04/10/2013. Báo chí trong nước và quốc tế đồng loạt nhắc đến ông như một trong những bậc thầy chiến tranh kiệt xuất của thế kỷ XX, người có vai trò lớn trong việc làm thất bại tham vọng trở lại Đông Dương của đế quốc Pháp và các nỗ lực bảo vệ chế độ Việt Nam Cộng hòa của Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, sự ra đi của tướng Giáp gây nhiều xúc động. Một ngày sau khi ông mất, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam ra quyết định tổ chức quốc tang tướng Giáp trong hai ngày 12 và 13/10, như đòi hỏi của một số cựu tướng lĩnh, dù Võ Nguyên Giáp không nằm trong danh sách các lãnh đạo thuộc hàng tứ trụ. Tại Việt Nam, sự ra đi của tướng Giáp gây nhiều xúc động, cho dù công chúng đều biết việc ông liên tục điều trị tại bệnh viên trung ương quân đội ở Hà Nội từ nhiều năm nay, sự im lặng kéo dài của ông và khả năng sớm muộn ông sẽ ra đi. Suốt cuộc đời mình, cho đến khi mất, tướng Giáp luôn nhận được một tình cảm đặc biệt từ một bộ phận đông đảo người Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ mang trên mình vầng hào quang của người tổng tư lệnh với những chiến thắng lẫy lừng, còn có một vầng hào quang khác bao phủ hàng chục năm trời kỳ lạ, khi ông nửa bị thất sủng, nửa vẫn được tin dùng. Võ Nguyên Giáp không chỉ là một nhà quân sự xuất chúng. Trong giai đoạn trước và sau khi nghỉ hưu, ông dành nhiều thời gian để viết hồi ký về chiến tranh và tổng kết lý luận về chiến tranh. Đặc biệt điều mà công chúng rộng rãi ít để ý, đó là việc ông được coi là một trong những người đầu tiên dựng nên « tư tưởng Hồ Chí Minh » (trong những năm đầu thập niên 1990), tên gọi chính thống ở Việt Nam để chỉ hệ thống các nguyên tắc, quan điểm mang tính hành động của người mà ông luôn tự coi mình là một học trò trung thành, vào thời điểm Khối Liên Xô sụp đổ và chế độ cộng sản Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng ý thức hệ nghiêm trọng nhất kể từ khi ra đời. Gần mười năm sau, trong một xuất bản năm 2002 (bài "Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh"), nhà nghiên cứu Lữ Phương đã nhắc đến việc tạo ra khái niệm « tư tưởng Hồ Chí Minh » và đồng thời cũng chỉ trích việc xưng tụng « tư tưởng Hồ Chí Minh ». Trong những năm cuối đời, tên tuổi Võ Nguyên Giáp tiếp tục là nguồn động viên đối với nhiều trí thức, nhân sĩ Việt Nam, đặc biệt khi ông viết thư phản đối dự án khai thác bô xít tại Tây Nguyên, do Trung Quốc đầu tư. Phong trào phản đối bô xít quyết liệt, có tiếng nói của ông, sau đó buộc chính quyền phải hủy bỏ một phần kế hoạch, bị đánh giá là hết sức nguy hiểm cho môi trường và an ninh quốc gia. Nếu như cách đối nhân xử thế, hay nói cách khác « đức độ » trong quan hệ con người của Võ Nguyên Giáp được một bộ phận đông đảo công chúng nhìn nhận, thì vai trò và thái độ của ông đối với tiến trình dân chủ hóa và việc xây dựng một thể chế chính trị thực sự của dân, do dân, vì dân tại Việt Nam, là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Một số người so sánh ông với tướng Trần Độ (1923-2002), người thực sự đứng về phía đổi mới trước hết trong văn nghệ, và sau này chủ trương triệt để đoạn tuyệt với chế độ độc đảng, độc tôn ý thức hệ Mác-Lênin. Trong giới những người yêu quý và ngưỡng mộ Võ Nguyên Giáp, lan truyền giai thoại cho rằng trong nhà ông có treo chữ « Nhẫn », và nhờ thế, ông sống qua được suốt những năm tháng đầy biến động. Dù điều này bị thư ký của Võ Nguyên Giáp (đại tá Nguyễn Huyên) chính thức phủ nhận, bởi chữ « Nhẫn » có thể được hiểu theo hai nghĩa, nghĩa tốt là « Kiên nhẫn » và nghĩa xấu « Nhẫn nhục ». Ngay cả cho đến khi qua đời, ắt hẳn nhiều bí ẩn vẫn bao trùm lên hình ảnh vị lão tướng nay đã đi vào lịch sử. Trong tạp chí đặc biệt của RFI về đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi hân hạnh có cuộc phỏng vấn với nhà sử học Dương Trung Quốc. Sau đây, xin mời quý vị nghe tiếng nói của một người đã có thời gần gũi với tướng Giáp trong tư cách một đồng nghiệp nghề sử. RFI : Thưa nhà sử học, vừa rồi chúng tôi chính thức được biết tin đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua đời. Mặc dù mọi người cũng đã chờ đợi, nhưng dẫu sao cũng là bất ngờ. Xin ông cho biết cảm nghĩ của ông trước sự kiện này. Dương Trung Quốc : Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một nhân vật của lịch sử, mà đối với chúng tôi còn rất gần gũi, là một đồng nghiệp tiêu biểu của giới sử học hiện đại. Ông vừa là người làm nên lịch sử, và là người tổng kết lịch sử. Có thể nói, chính vì thế, đối với chúng tôi, cho dù ở tuổi đã rất thọ, và ai cũng biết rằng một thời gian dài, sức khỏe ông cũng đã rất là yếu, nhưng sự ra đi của ông đương nhiên cũng cảm thấy một sự đột ngột. Sự ra đi có thể nói của người thuộc thế hệ cuối cùng, mà chúng tôi thường hay gọi là « thế hệ vàng ». Thế hệ sống vào thời điểm rất nhiều thử thách của lịch sử, và đã góp phần tạo ra những bước đi rất dài của lịch sử dân tộc Việt Nam. Sự đánh giá về cái giai đoạn lịch sử này có thể còn khác nhau, nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng, đó là bước đi rất dài của lịch sử, mà trong lịch sử ấy, đương nhiên Võ Nguyên Giáp sẽ là một tên tuổi không thể nào quên. RFI : Thưa ông, để nói về câu chuyện đại tướng Võ Nguyên Giáp và lịch sử, xin ông cho biết thêm quan điểm của ông về vai trò của đại tướng Giáp đối với lịch sử, cụ thể là của Việt Nam và lịch sử nói chung. Dương Trung Quốc : Tôi thấy, nếu chúng ta nghiên cứu kỹ, đại tướng Võ Nguyên Giáp không thuộc thế hệ đầu tiên, gắn liền với cái công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Thật ra ông tham gia vào những hoạt động chính trị từ rất sớm, nhưng vẫn thể hiện là một người trí thức đang đi tìm một con đường để đáp ứng một cái cao vọng, là giành lấy độc lập cho dân tộc, như rất nhiều người khác thuộc thế hệ ông ấy. Nhưng có thể nói ông thực sự trở thành một Nhân vật, vào thời điểm mà lịch sử mà cuộc cách mạng giải phóng Việt Nam gắn liền với những biến cố của thế giới. Đó là khi cuộc chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ, và cơ hội cho dân tộc Việt Nam giành độc lập khỏi chế độ thực dân Pháp và đồng thời cũng chấp dứt chế độ phong kiến. Có thể nói, ở cương vị của một người hoạt động cách mạng sớm được đặt vào vị trí của một nhà lãnh đạo quân sự, mà rõ ràng đối với cuộc cách mạng này, vai trò của lực lượng vũ trang là hết sức quan trọng. Bởi vì, nếu nó có thể thành công nhanh chóng trong việc giành được độc lập dân tộc, thì để bảo vệ nền độc lập ấy, có thể nói người ta chứng kiến những cuộc chiến tranh triền miên, và đương nhiên cái vị thế của một nhà chính trị, nhưng lại giữ cương vị của một người đứng đầu lực lượng vũ trang, luôn luôn có một vai trò quan trọng trong nhận thức về lịch sử của mọi người. RFI : Thưa ông, đại tướng Võ Nguyên Giáp mặc dù rất cao tuổi, nhưng trong giai đoạn cuối đời, cũng đã có những tham gia, được nhiều người đánh giá là có tính tích cực đối với sự chuyển đổi, hay nói cách khác, sự đổi mới của xã hội Việt Nam trong giai đoạn rất kịch tích ở đầu thế kỷ XXI này. Rất mong được biết nhận định của ông. Dương Trung Quốc : Tôi nghĩ ở một góc nhìn hơi nghề nghiệp một chút. Đúng là ông trải qua những thời kỳ, có thể dùng chữ « oanh liệt », nhưng đồng thời cũng trải qua những thử thách rất là to lớn. Điều này thường xẩy ra trong những bước thăng trầm của lịch sử, đặc biệt ở những nhân vật đã từng có vai trò quan trọng ở những bước chuyển đổi. Nhưng có lẽ hơn nhiều người, là ông đã dành được khá nhiều thời gian để làm được việc tổng kết lịch sử, với tư cách là nhà lịch sử, một cái nghề mà ông đã xác định được ngay từ khi còn trẻ. Có thể nói rất ít chính khách lớn nào, mà có thể dành được thời gian tổng kết và đã viết nhiều pho sử, theo đúng nghĩa đen của chữ. Chúng tôi thường hay khái quát, không biết có chính xác hay không, là hình như những người « không thành đạt trọn vẹn » trên con đường chính trị, thì lại thường là những người có đóng góp to lớn về tổng kết lịch sử, như một Đào Duy Anh, như một Trần Văn Giàu, như một Trần Huy Liệu chẳng hạn. Tôi cho rằng, trong cái rủi cũng có cái may. Vì thế mà đến nay chúng ta còn có được trong tay nhiều tác phẩm ông để lại. Tôi cho đó là cái đóng góp rất lớn của ông đối với lịch sử. Và có lẽ một lợi thế khác, mà trời cho, là ông có được một tuổi thọ rất cao. Cho nên là chính vì thế mà ông không những có mặt trong những thời kỳ chiến tranh cách mạng, mà ngay trong quá trình chuyển đổi rất cơ bản, thì ông cũng có cơ hội được tham gia. Và trong chừng mực nào đó, ta hiểu là có những đối thủ chính trị, thì hầu như những đối thủ đó đã qua đời trước ông. Vì thế tôi cho là đấy cũng là một ngẫu nhiên của lịch sử, mà nó tạo cho một Võ Nguyên Giáp có một tuổi thọ, nhưng đồng thời có cả những độ dài, độ chín muồi trong những đóng góp của ông về lịch sử dân tộc Việt Nam và việc tổng kết lịch sử Việt Nam. RFI : Vừa rồi ông có nói đến đại tướng có "sự không thành đạt" nhất định trong cuộc đời mình. Xin ông cho biết thêm về ý này. Dương Trung Quốc : Tôi muốn hiểu sự thành đạt hiểu theo nghĩa thông thường, hiểu theo nghĩa thăng tiến trong vị trí chính trị - xã hội. Chắc ai cũng biết rằng, sau khi ông ấy đã có mặt ở trong những giai đoạn lịch sử hết sức quan trọng, mà sau đó ông cũng ở những thời điểm, mà rõ ràng ông đã ở trong những vị trí rất khiêm tốn trong hệ thống chính trị ấy. Nhưng ông đã biết cách sử dụng cái thời gian, cái hoàn cảnh để tiếp tục cống hiến cho xã hội, cho đời sống, bằng chính những hoàn cảnh của mình. Và tôi cho rằng đấy là bài học rất rõ, ít nhất là đối với các chính khách ở Việt Nam. Bởi vì khi tôi nhắc đến câu chuyện của Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh hay là của Trần Văn Giàu chẳng hạn, thì chắc chắn nếu như những con người ấy thành đạt trong chính trị, thì thứ nhất, đơn giản là họ không có thời gian để làm cái tổng kết và có thể họ cảm thấy lịch sử chỉ là cái gì thuận chiều, mà không thấy cái khắc nghiệt, và cái « quy luật » của lịch sử. Vì thế thường là tổng kết của họ sâu sắc hơn những người thành đạt, hiểu theo nghĩa là (chính trị) chính thống. RFI : Thưa ông, với những người không chuyên, những người hiểu biết ít về lịch sử, đặc biệt là thế hệ trẻ, về những « tổng kết » về lịch sử mà đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện, xin ông cho biết một đôi tác phẩm, mà theo ông là có dấu ấn. Dương Trung Quốc : Thứ nhất, với tư cách là một nhà hoạt động cách mạng, có mặt trong những giai đoạn lịch sứ lớn, có thể nói ông là một trong những người sớm có ý thức tổng kết lịch sử ấy bằng chính trải nghiệm cuộc đời của mình, dưới hình thức những hồi ức đi suốt gần như tất cả các giai đoạn, từ khi ông tham gia vào các hoạt động chính trị ở Việt Nam. Và có thể nói điều đó rất hiếm có trong các chính khách lớn ở Việt Nam. Cái thứ hai là, với tư cách những người cầm quân, ông đã viết nhiều, đặc biệt là « chiến tranh nhân dân », « chiến tranh du kích », có thể nói đấy là những nét độc đáo, đặc trưng, không những đóng góp cho lịch sử chiến tranh ở Việt Nam, mà đánh giá của những nhà lịch sử chiến tranh trên thế giới (về điểm này) rất cao. Đương nhiên, đây là cuộc chiến tranh chung của cả một dân tộc, hay là của một đảng cách mạng, đảng chính trị. RFI : Thưa ông, ông nói phần cuối đời, mặc dù tuổi cao, nhưng tướng Giáp vẫn có một số đóng góp nhất định. Vậy xin ông cho biết cụ thể những đóng góp về những lĩnh vực nào ? Dương Trung Quốc : Có thể có một may mắn, là năm 1988, khi Hội sử chúng tôi được phục hồi, ông cũng là Chủ tịch danh dự của Hội sử học Việt Nam. Nhờ đó, mà chúng tôi có nhiều cơ hội được gần gũi ông. Trước hết là trong những công việc liên quan đến lịch sử, đến giáo dục, đến truyền thống… Nhưng qua đó cũng thấy được tính chất tổ chức, cũng như tính chất trách nhiệm rất lớn của ông, không bỏ qua những vấn đề của đời sống và sẵn sàng góp tiếng nói của mình vào tiếng nói chung, như là một sự « phản biện » xã hội của một người có cả một bề dày lịch sử và một uy tín xã hội rất lớn. Tôi lấy ví dụ như, từ cái chủ trương xây nhà Quốc hội mới (năm 2007) chẳng hạn, hay liên quan đến những công trình lớn, chủ trương lớn, như thủy điện Sơn La (khởi công 2005, hoàn thành 2012, công suất 2400 MW, nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam). Ông bàn rất kỹ về vấn đề cao độ của đập, với phân tích của một nhà quân sự. Hay những việc liên quan đến chủ trương khai thác bô xít ở Tây Nguyên (với đầu tư của Trung Quốc, gây một làn sóng phản đối dữ dội tại Việt Nam từ năm 2009). Ông luôn luôn đứng ở vị thế của một người có tinh thần trách nhiệm, với tất cả trải nghiệm và uy tín của mình, thẳng thắn nêu ra những quan điểm của ông. Nhưng tôi nghĩ ông là con người hết sức "có ý thức tổ chức", và ông làm đúng công việc mình cần phải làm, và tạo ra một dư luận xã hội đồng thuận cao. Còn tất nhiên, kết quả chúng ta đều biết rồi, cũng chỉ giới hạn là một tiếng nói thức tỉnh thôi. RFI : Trở lại với câu chuyện « thế hệ vàng » mà ông vừa nói, thì đại tướng Võ Nguyên Giáp là người cuối cùng hay một trong những người cuối cùng của thế hệ này ? Dương Trung Quốc : Chắc chắn đứng về mặt tuổi tác (so với những người thuộc) thế hệ cùng thời, thì có thể nói ông là người cuối cùng. Hơn một trăm linh ba tuổi thì khó có ai theo kịp về mặt sinh học thôi. Đối với những người thanh danh trong lịch sử thuộc thế hệ như ông, thì càng hiếm. Nên tôi nghĩ là người cuối cùng thì cũng không sai. RFI : Thưa ông, có một câu hỏi nữa là : Thế hệ các trí thức và chính trị gia gọi là « thế hệ vàng » này có sự tiếp nối hay không, hay là có một sự hụt hẫng ? Dương Trung Quốc : Khi chúng ta nói đến thế hệ vàng, thì không chỉ nói về các chính khách. Có thể nói là một thế hệ có một hoàn cảnh lịch sử chung, đó là họ đã tiếp nhận được, và vẫn còn giữ được những giá trị của nền quốc học cổ điển, cho dù đầu thế kỷ XX đã mai một rồi, đồng thời lại tiếp nhận được cả một nền văn minh phương Tây, cho dù đó là thời kỳ thuộc địa. Và cộng với đó là một khao khát cho mục tiêu dành độc lập, cũng như vươn tới những giá trị về dân chủ. Chính vì thế, chúng ta thấy xuất hiện, nẩy nở, không chỉ trong lĩnh vực chính trị, kiểu như đại tướng Võ Nguyên Giáp, hay như các chính khách cùng thời. Mà tôi thấy ngay trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, chúng ta cũng thấy cũng có một thế hệ, mà những thế hệ sau này gần như không còn được những phẩm chất ấy nữa. Tôi nói đây không phải là so sánh hơn kém, mà là hoàn cảnh lịch sử khi đó. Và sự kế thừa tôi nghĩ là có phần nào đó bị đứt đoạn. RFI : Có liên quan đến thế hệ những nhân vật xuất sắc của thế hệ trước, mà vẫn còn sống, như giáo sư Hoàng Tụy chẳng hạn, không phải là người cao tuổi như đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng là người có nhiều đóng góp trước kia trong giáo dục, và bây giờ tiếp tục chủ trương trong việc chấn hưng giáo dục. Những con người đó có thể gọi là những người tiếp nối « thế hệ vàng » hay không ? Dương Trung Quốc : Đương nhiên tôi nói sự đứt đoạn này là do những hoàn cảnh lịch sử tạo ra, do những bước ngoặt lịch sử. Thí dụ như từng thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, với mục tiêu dành độc lập dân tộc, cho đến thời kỳ xây dựng một xã hội được gọi là mới, nhưng phải nói là vẫn còn đầy những dấu hỏi, như hiện nay. Một sự tìm tòi. Sự tìm tòi có thể là cần thiết, nhưng mà rõ ràng có những yếu tố mà tạo nên sự hụt hẫng. Vì thế mà, không phải tự nhiên ta thấy dường như thế hệ như giáo sư Hoàng Tụy đã cố gắng vượt qua cái đó. Và thường ông là tiếng nói "phản biện" nhiều hơn là tiếng nói đồng thuận với "sự phát triển" hiện nay. RFI : Tức là ông muốn nói đến là thế hệ tiếp nối đó, thì cũng phần nào tiếp tục được của cái thời trước, ý ông có phải thế không ạ ? Dương Trung Quốc : Tôi hoàn toàn nghĩ như thế. Vì cái động lực lớn nhất của cái thời kỳ mà lịch sử đã chứng minh là tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước. Còn bây giờ, rõ ràng có rất nhiều động lực mới, mục tiêu mới, có thể nó chưa tạo được niềm tin, chưa tạo được sự đồng thuận. Tôi nghĩ sự phản biện của những người như giáo sư Hoàng Tụy, vào những vấn đề rất cụ thể của đời sống, đương nhiên là những vấn đề rất quan trọng, vấn đề giáo dục. Tôi cho là tiếng nói của sự kế thừa. RFI : Thưa nhà sử học, có một vấn đề mà các nhà nghiên cứu cũng nói nhiều, nhưng mà công chúng cũng có thể ít người để ý đến, tức là vai trò của đại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc nghiên cứu và phục dựng, điều mà sau này vẫn gọi là « tư tưởng Hồ Chí Minh ». Cuối những năm 1980, đầu 1990, có một số người cho rằng ông là người đầu tiên làm việc này. Xin ông cho biết cụ thể về việc này. Dương Trung Quốc : Tôi có may mắn là lần đầu được tiếp xúc trực tiếp với đại tướng, thì ngoài mối quan hệ trong hội Sử ra, thì lúc đó tôi là phó viện trưởng Viện Sử học Việt Nam. Lúc đó, đại tướng có một chuyến đi sang Ấn Độ. Và theo tôi nhận thức, thì chính bài phát biểu tại Ấn Độ có thể là bài sớm nhất và hết sức sâu sắc về tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực ra tôi cũng chỉ đóng góp vào khâu chuẩn bị về mặt tư liệu, với tư cách là ở Viện Sử học mà thôi. Nhưng tôi thấy đại tướng rất là quan tâm đến bài viết này. Và sau này chúng tôi nhớ rằng, bài viết này được đăng tải và theo nhận thức của chúng tôi, đó là bài viết đầu tiên khởi động cho việc nghiên cứu tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là thời điểm khoảng đầu năm 1990, lúc đó ông còn ở cương vị phó thủ tướng. RFI : Cũng nhân câu chuyện này, về việc khôi phục tư tưởng Hồ Chí Minh, thì sau đó dường như "Cương lĩnh" của đảng Cộng sản Việt Nam (1991) lấy đó làm tư tưởng chính thức, và sau đó, 10 năm sau, thì trở thành một môn học trong nhà trường. Dương Trung Quốc : Ta nhớ rằng, đó là thời điểm mà lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội đang khủng hoảng, với sự sụp đổ từng bước của các nước Đông Âu, và sau đó là Liên Xô. Cho nên cái việc ra đời của cái « tư tưởng Hồ Chí Minh », tôi nghĩ cũng là một giải pháp để điều chỉnh lại những quan điểm liên quan đến lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bởi vì đại tướng Võ Nguyên Giáp có vai trò rất lớn trong chuyện này, xin ông cho một đôi nét về cái hệ quả của chuyện này đến đường lối chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm về sau. Tôi nghĩ, nếu ra đặt vấn đề, nó như là sự khởi đầu, thì ta thấy không ngạc nhiên, khi cái người đặt nền tảng xây dựng cho nó chính là Võ Nguyên Giáp. Cho đến bay giờ, trong người dân, cũng như đánh giá chính thức của Nhà nước, vẫn cho ông là người học trò trung thành nhất của chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tất cả những giai đoạn lịch sử và những biến cố quan trọng nhất. Vì thế tôi nghĩ rằng, việc mà tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành trong thời kỳ, mà sự khủng hoảng của lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội, chính là điều chỉnh lại đường lối của cách mạng Việt Nam. Nó vẫn không từ bỏ con đường chủ nghĩa xã hội, nhưng nó muốn tìm lại những giá trị, trong đó có cả những giá trị truyền thống… và rõ ràng là nó góp phần làm cho người dân có thể giải thích được những cái thất bại của « học thuyết xã hội chủ nghĩa » (của khối Liên Xô cộng sản) trên thế giới, đang diễn ra vào thời điểm đó, như là những sai lầm mà Việt Nam muốn tiếp tục con đường ấy, thì tự phải điều chỉnh mình và tìm lại những giá trị của chính mình. RFI : Sau này, sau khi « tư tưởng Hồ Chí Minh » được khẳng định, và trở thành một môn học, thì cái ý thức hệ theo kiểu cực đoan « Xít-ta-lin » như người ta gọi hồi xưa, thì bị loại bỏ dần dần ra khỏi ý thức hệ chính thống, về mặt lý thuyết ? Dương Trung Quốc : Cái điều chỉnh quan trọng nhất, chính là nhận thức về thực tiễn Việt Nam, các nhà nghiên cứu đều nhớ rằng, năm 1924, khi Nguyễn Ái Quốc bắt đầu sang nước Nga nghiên cứu về học thuyết Mác-Lênin, thì có một tài liệu lưu trữ mà các nhà nghiên cứu đảng Cộng sản Pháp cũng phát hiện, và hiện nay nằm trong "Toàn tập Hồ Chí Minh". Đó là bản "báo cáo về Bắc Kỳ và Trung Kỳ" năm 1924. Có thể nói là ngay từ thời điểm đó, Nguyễn Ái Quốc có quan điểm là cần nhìn vào thực tế Phương Đông nói chung, và thực tế Việt Nam nói riêng, để khắc phục những yếu tố xa thực tế trong đường lối chính trị của Quốc tế Cộng sản lúc đó, về quan niệm đấu tranh giai cấp. Tôi nhớ rất rõ là trong văn bản ấy, Nguyễn Ái Quốc nói là cần phải nhìn nhận thực tiễn của Việt Nam, Việt Nam không phải là Châu Âu, thời điểm đó không phải là thế kỷ thứ 18, khi học thuyết của Mác hình thành. Bởi vậy, cho nên đấu tranh giai cấp hình như nó chưa thích hợp với thực tiễn của Việt Nam, và điều đó nó thể hiện rất rõ ở cả hai chiều hướng, ở trong những sai lầm của đảng Cộng sản Đông Dương, khi mà đặt đấu tranh giai cấp như hòn đá tảng, thì chính cái đó dẫn đến thất bại trong thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Và nếu nhìn vào cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945, thì rõ ràng là tư tưởng của Hồ Chí Minh muốn nhìn Việt Nam trong hoàn cảnh của nó, dưới ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, chứ không phải là/thay vì đấu tranh giai cấp. Đã có những thành công rất rõ rệt trong thời kỳ Cách mạng tháng 8. Tiếc rằng sau này, do nhiều tác động, thì gần như là những quan điểm ấy, có những lúc phải lùi bước trước những khuynh hướng tả khuynh trong phong trào cộng sản quốc tế nói chung, và ngay trong đường lối cách mạng Việt Nam nói riêng. Vì thế tôi cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh là một nhận thức lại thực tiễn của Việt Nam, và chấp nhận những giá trị mang tính chất truyền thống, và đây chính là vấn đề dân tộc. RFI : Có một câu hỏi cuối cùng, nếu được ông cho phép. Trong cuộc đời của đại tướng Võ Nguyên Giáp, mọi người đều rất quan tâm đến giai đoạn lịch sử mà ông nói là thăng trầm, kéo dài tới hai ba mươi năm (từ những năm 1960 đến những năm 1990). Thì theo ông, câu chuyện này có thể trở thành một đề tài nghiên cứu lịch sử (của những nhà khoa học Việt Nam) được không ? Ở Việt Nam, dường như là giới sử học ít có thể làm việc được về điều này ? Dương Trung Quốc : Tôi nghĩ là bản thân mỗi một nhân vật lịch sử hay một hiện tượng lịch sử là cả một nhận thức, nó cũng phản ánh phần nào cái nhu cầu của đời sống chính trị, đời sống văn hóa của xã hội đương thời. Cho dù nó có thể xuất hiện trên những phương tiện thông tin đại chúng, hay là trong các cuộc sinh hoạt sử học hay không, thì tôi nghĩ nó vẫn tồn tại như một vấn đề, mà thực ra nghiên cứu về những sự kiện đó, nó không chỉ liên quan đến cá nhân một con người mà nó cũng phản ảnh những đặc trưng của một thời kỳ lịch sử, mà chắc là quốc gia nào, hay lịch sử của dân tộc nào cũng có những cái tương tự như vậy. Riêng đối với tướng Võ Nguyên Giáp, thì tôi nghĩ là, chính thời gian ủng hộ ông. Không những ông được sống thọ hơn nhiều người khác, mà điều quan trọng hơn là cùng với thời gian là, gần như là, cái uy tín của ông ngày càng cao. Ngày càng cao, không chỉ bằng những đóng góp trong quá khứ, mà tôi nghĩ ngay là những gì ông đóng góp, khi ông đã ở tuổi rất cao rồi. Việc này càng khẳng định điều đó, nó tạo ra một cái vị thế của ông trong đời sống xã hội, đời sống tinh thần. Nói cách khác, có thể thấy ông không phải là người thành đạt, đạt tới cái đỉnh cao quyền lực, nhưng mà rõ ràng ông đã đạt tới đỉnh cao về mặt uy tín, và nhất là cái lòng người. Tôi nghĩ đấy là cũng là một hiện tượng xã hội, mà sau này cũng đáng để nghiên cứu. RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà sử học Dương Trung Quốc đã dành thời gian cho tạp chí đặc biệt về đại tướng Võ Nguyên Giáp.
|