VOA 12-2-14

Việt Nam im tiếng trước ngày đánh dấu Chiến tranh Biên giới

Nhiều người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam những ngày qua đã sử dụng hình ảnh hoa sim tím để tưởng nhớ các chiến sỹ Việt hy sinh trong Chiến tranh Biên giới năm 1979.
 
Trong khi đó, gần tới ngày 17/2, báo chí trong nước hầu như không đề cập gì tới cuộc chiến gây thương vong lớn giữa hai nước láng giềng từng được coi là có mối quan hệ ‘môi hở răng lạnh’.
 
Lãnh đạo một tờ báo ở Việt Nam nói với VOA Việt Ngữ với điều kiện không nêu danh tính rằng cơ quan ông đã nhận được một chỉ thị mật từ Ban Tuyên giáo Trung ương liên quan tới việc đưa tin về Cuộc chiến Biên giới Việt – Trung.

Nhà báo này nói rằng nhiều cơ quan báo chí lớn ở Việt Nam đã chuẩn bị sẵn các bài viết về sự kiện xảy ra năm 1979, nhưng hiện đang ở trong tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’.
 
Khi được hỏi về sự dè dặt này, giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc nói rằng Hà Nội không muốn thu hút sự chú ý tới một thực tế là Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam trong cuộc chiến hơn 35 năm trước vì không muốn nó làm tổn hại quan hệ song phương.
 
​​Ông nói: “Tinh thần dân tộc là một con dao hai lưỡi. Nó có thể thúc đẩy đoàn kết dân tộc nhưng đồng thời cũng có thể được sử dụng để chống lại Trung Quốc, một kẻ thù từng xâm lược và tấn công Việt Nam. Chính vì thế, cả hai nước muốn bỏ qua giai đoạn này trong lịch sử và không giải thích rõ chuyện gì đã xảy ra”.
 
Chuyên gia người Úc hiện đang có mặt ở Việt Nam để chuẩn bị trả lời một kênh truyền hình dành cho giới trẻ về cuộc chiến.
 
Ông cho VOA Việt Ngữ biết rằng bản thân ông khá ngạc nhiên vì lời mời xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia để nói về sự kiện xảy ra năm 1979.
 
Theo nhà nghiên cứu này, ông đã biết được các thông tin về việc Bắc Kinh không muốn các cuộc kỷ niệm sự kiện đẫm máu trên biên giới biến thành một cuộc công kích chống Trung Quốc.

Ông nói: “Trung Quốc và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ 10 năm sau cuộc chiến biên giới và mối bang giao này đã tiến xa. Hai năm trước, họ còn đạt một thỏa thuận định hướng dư luận để không làm biển Đông và các vấn đề khác gợi lại giai đoạn sóng gió trước đây. Việt Nam lo ngại việc kỷ niệm cuộc chiến biên giới có thể biến thành một cuộc công kích chống Trung Quốc cũng như sự công kích rằng chính phủ Việt Nam đã không làm đủ để tưởng nhớ những hy sinh trong cuộc chiến”.
 
​Ông Thayer còn nói thêm rằng Trung Quốc không bao giờ ngần ngại phàn nàn với phía Việt Nam mỗi khi có sự kiện có thể được sử dụng để khơi gợi tinh thần chống Bắc Kinh.
 
Vài ngày trước đây, phiên bản điện tử của tờ Petro Times đã cho đăng tải bài viết với tựa đề ‘Biên niên sự kiện chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979’, trong đó có dẫn lời của ông Đặng Tiểu Bình nói ‘dạy cho Việt Nam’ một bài học.
 
Tuy nhiên, cho tới tối ngày 12/2, bài viết này ‘đã bị gỡ bỏ’ theo như thông báo hiển thị khi click vào bài báo. Tờ báo thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không giải thích lý do.
 
Một năm trước, nhiều tờ báo lớn ở trong nước cũng đã có một loạt bài đánh dấu ngày xảy ra Chiến tranh Biên giới Việt – Trung.
 
Mới đây, khi phát biểu tại một trung tâm nghiên cứu chính sách có uy tín ở thủ đô Washington DC của Mỹ, đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Nguyễn Quốc Cường, nói rằng Hà Nội muốn có mối bang giao tốt đẹp với nước láng giềng lớn của Việt Nam.

Ông cũng đề cập tới việc năm ngoái, giới lãnh đạo hai nước lần đầu tiên sử dụng đường dây nóng Việt – Trung sau nhiều năm thiết lập, dẫn tới các đồn đoán cho rằng phía Bắc Kinh đã nhân dịp đó ‘nhắc nhở’ Hà Nội về các vấn đề gây trở ngại cho quan hệ giữa hai quốc gia.
 
​​Ông Cường cũng nói về mối quan hệ đối tác toàn diện với Trung Quốc, nhưng cũng công khai thừa nhận hai bên vẫn còn những bất đồng.
 
Nhà ngoại giao này nói: "Tôi cũng phải nói rằng chúng tôi [Việt Nam – Trung Quốc] vẫn có quan điểm hết sức khác nhau về các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Chúng tôi đã thể hiện mối quan ngại của chúng tôi. Chúng tôi đã nhiều lần lặp lại quan ngại của chúng tôi về các động thái gần đây của Trung Quốc ở biển Đông như lệnh cấm đánh bắt cá chẳng hạn”.

Tháng trước, một cuộc xuống đường của người dân để tưởng nhớ một sự kiện đẫm máu ở quần đảo Hoàng Sa xảy ra 40 năm trước giữa hai quốc gia đã bị chính quyền địa phương giải tán.

Tin cho hay, hiện một số nhà hoạt động ở trong nước cũng đang tính tới việc tổ chức kỷ niệm Chiến tranh Biên giới