TIẾNG DÂN
Cộng sản Việt Nam đối diện khủng hoảng Covid, viễn cảnh một quốc
gia thất bại
Jackhammer Nguyễn Chỉ
trong vòng hai tháng, tháng 7 và tháng 8/2021, đại dịch Covid đã cướp đi
sinh mạng của hàng ngàn người Việt Nam, theo con số thống kê được báo
chí nhà nước đưa ra. Con
số thống kê về nhân mạng lạnh lùng không phải là điều tệ hại nhất mà
chính quyền cộng sản Việt Nam đang đối diện lúc này. Tình trạng phong
tỏa cả nước kéo dài chưa biết đến lúc nào mới chấm dứt, từ đó kéo theo
tương lai ảm đạm về khủng hoảng kinh tế, bên cạnh những mâu thuẫn lâu
nay được che lấp bằng hào quang của sự phát triển ăn xổi ở thì: Mâu
thuẫn chính trị vùng miền, tình trạng nghèo đói kinh niên của đại bộ
phận dân chúng, bất bình đẳng xã hội, nông dân ly hương và hồi hương.
Mâu thuẫn chính trị vùng miền đã không
được giải tỏa bằng cơ chế “trung ương đảng”, một loại quốc hội de
facto, vì cơ cấu quyền lực lỏi, với cái lỏi, cái chóp bu là Bộ
Chính trị vẫn bị các nhân vật miền Bắc và Thanh Nghệ Tĩnh chi phối. Mâu
thuẫn này xuất hiện rất rõ qua cuộc khủng hoảng đại dịch. Các viên chức
quan liêu từ trung ương cầm tay chỉ việc các nhân vật địa phương ở Sài
Gòn, gây rối loạn trong việc chống dịch, việc phân bổ số vaccine hiếm
hoi lại ưu tiên cho Hà Nội, dù nơi đây dân số ít hơn Sài Gòn, và không
phải là “tâm dịch” như thành phố phương Nam.
Không lâu trước khi cuộc khủng hoảng Covid bùng nổ, nhân chuyện thành
phố Sài Gòn đề nghị được giữ thêm tiền, thay vì nộp quá nhiều cho trung
ương, người ta cũng nói đến sự bất bình đẳng chính trị, gây thiệt thòi
cho Sài Gòn, nơi đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quốc gia, và cũng là
nơi mà vết thương xung đột Nam – Bắc thời chiến tranh lạnh vẫn chưa
lành.
Tình trạng nghèo đói kinh niên của dân chúng bộc
lộ qua việc phong tỏa, tạm dừng các hoạt động kinh tế để chống dịch.
Nhiều người dân bị đói, cần sự trợ giúp của người khác. Tức là mấy chục
năm “phát triển kinh tế” không tạo ra được một hệ thống an sinh xã hội,
một số đông dân chúng không có tích lũy. Việc không có tích lũy này
không thể bị đổ thừa rằng “do người dân hoang phí”, mà là do sự duy trì
đồng lương chết đói để hấp dẫn đầu tư, là chính sách thuế thất bại,
không tái phân phối được của cải cho những thành phần dân chúng bị thiệt
thòi.
Bất bình đẳng xã hội được minh chứng rõ
ràng nhất qua câu chuyện bi hài vaccine Pfizer “ông ngoại”, trong đó các
cán bộ cao cấp được chích vaccine “xịn”, con cái các cán bộ ấy có thể đi
tắt, không phải xếp hàng. Việc phân loại thứ tự ưu tiên trong tình trạng
khan hiếm vaccine bị thực hiện bất hợp lý để giành chỗ cho công an, bỏ
mặc những lớp dân chúng dễ bị tổn thương nhất. Các tập đoàn tư bản địa
phương cũng xúm vào giành giật vaccine, các nguồn tin từ Việt Nam cho
biết, nhân viên quản lý tập đoàn VinGroup đã được chích vaccine ngay từ
khi Việt Nam bắt đầu nhận được nguồn vaccine, dù họ thuộc lớp người trẻ,
khỏe mạnh.
Nông dân ly hương và hồi hương. Những
dòng xe gắn máy của những người kiệt sức từ Sài Gòn bỏ chạy về quê,
chứng tỏ rằng, đã không có một lớp công nhân chuyên nghiệp có thể an cư
ở các thành phố và khu công nghiệp lớn, mà chỉ là những đám đông nông
dân bám vào các khu ổ chuột để bán rẻ sức lao động giản đơn của mình.
Nếu các dòng xe gắn máy này có thể được thông cảm trong những ngày Tết
cổ truyền, thì việc nó xuất hiện trong cuộc khủng hoảng Covid, không có
cách giải thích nào hơn là chính sách công nghiệp hóa đã thất bại. Đối
diện với cuộc khủng hoảng này, chính quyền cộng sản Việt Nam rất bối
rối. Các biện pháp kỹ thuật của họ đưa ra phản khoa học rất rõ ràng như,
cấp giấy xét nghiệm âm tính, xịt thuốc khử trùng ngoài đường… Hệ thống
báo chí tuyên truyền của họ cũng rơi vào khủng hoảng. Rõ nhất là chuyện
vaccine Trung Quốc. Vừa mới đưa tin rằng vaccine Trung Quốc không có
hiệu quả, lại phải xoay 180 độ, thuyết phục dân chúng dùng vaccine mua
từ Bắc Kinh. Trong tình trạng càng chậm trễ thì virus càng có điều kiện
trở nên nguy hiểm hơn, chính phủ Việt Nam chạy tới chạy lui như gà mắc
tóc. Hà
Nội không chuẩn bị gì cả cho chuyện chích ngừa cho gần 100 triệu người
Việt Nam. Trong suốt một năm khá yên ổn vì chặn được dịch sớm vào đầu
năm 2020, họ chỉ lo chuyện trời ơi đất hỡi như là tuyên truyền Việt Nam
thắng dịch, ngạo nghễ, mà quên mất chuyện đi ký hợp đồng mua thuốc chủng
ngừa hiếm hoi. Khi loại virus Delta xuất hiện, hoành hành, thì các lô
thuốc đã bị các quốc gia khác đặt mua hết rồi. Chính quyền CSVN cũng
không theo dõi diễn biến dịch bệnh và cách thức chống dịch của các quốc
gia khác. Họ thay đổi xoành xoạch “các đối tượng ưu tiên” trong việc
chích ngừa. Có
thể nói rằng, nhà nước Cộng sản Việt Nam đang đối diện với cuộc khủng
hoảng tương đương với cuộc khủng hoảng trước đổi mới kinh tế vào năm
1986. Nhưng có một sự khác biệt lớn, trước 1986 là cuộc khủng
hoảng ý thức hệ. Nguồn nhân lực quản lý quốc gia bị kềm tỏa
trong ý thức hệ ấy. Khi ý thức hệ được phá đi, nguồn nhân lực vẫn còn
tốt đó phát huy ngay hiệu quả. Nguồn nhân lực này đi từ hai nguồn, số
tinh hoa từ miền Bắc chưa nhuốm màu kim tiền, số còn lại từ thể chế Việt
Nam Cộng hòa đã quen với kinh tế thị trường.
Cuộc khủng hoảng hiện nay do bộ máy điều hành bất tài gây ra. Ba
mươi năm của cái gọi là “đổi mới”, bên cạnh việc vực dậy nền kinh tế với
những nhu cầu cơ bản, lại là một tiến trình hình thành một tầng lớp tư
bản bồ bịch, ăn ruỗng cả hệ thống tinh thần của quốc gia, loại bỏ, cho
ra rìa một bộ phận dân chúng có khả năng. Một thế hệ mới những nhà điều
hành guồng máy quốc gia đầy nhũng lạm không thể đối phó với khủng hoảng.
Một số đông thanh niên đi học nước ngoài không quay về, hệ thống giáo
dục trong nước bị nhũng lạm, trở nên liệt kháng, không đào tạo được nhân
lực tốt.
Những người đang cầm quyền ở Việt Nam hãy tĩnh lại để hành động như
những người bình thường, không nên mở miệng thốt ra những lời nói vô
nghĩa, hãy để cho dân chúng tham gia vào chính trị, bầu người mình tín
nhiệm, kiểm soát bọn tài phiệt trục lợi, để có thể đối diện với những
cuộc khủng hoảng chưa từng có tới đây. Nếu không, viễn cảnh một quốc gia
thất bại (failed state) là hoàn toàn có thể. |