RFA 21-5-14

Việt Nam sẽ đơn độc nếu bị tấn công?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
 

Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc nếu tiếp tục kéo dài thì khả năng một cuộc chiến ngắn hạn do Trung Quốc phát động có thể diễn ra. Câu hỏi đặt ra: Trung quốc sẽ sử dụng vũ khí nào và Việt Nam có thể ứng phó ra sao, trong bao lâu? Mặc Lâm phỏng vấn GS Carl Thayer hiện là cố vấn cho Học Viện Quốc phòng Úc để biết thêm ý kiến một chuyên gia quân sự trước những câu hỏi này.

Mặc Lâm: Thưa GS nếu cuộc chiến xảy ra, liệu Trung Quốc sẽ dùng loại vũ khí chiến lược nào để tấn công Việt Nam nhằm chiếm thế thượng phong thưa ông?

GS Carl Thayer: Vũ khí bí mật mà Trung Quốc xem là mạnh nhất có thể nói là hỏa tiển đạn đạo nhưng tôi nghĩ họ sẽ không cần sử dụng tới nó vì nếu chiến tranh có diễn ra sẽ là các cuộc hải chiến trên biển và Trung Quốc sẽ tận dụng sức mạnh không quân của họ để tấn công và yểm trợ cho hải quân. Những cứ điểm quan trọng của Việt Nam như Hải Phòng, Nha Trang hay Vịnh Cam Ranh sẽ bị tấn công nhằm không cho các tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam xuất kích.

Trung Quốc sẽ tận dụng các loại tên lửa đất đối không trên các chiến hạm và chiến đấu cơ của họ để áp đảo làm cho Việt Nam không có cơ hội kiểm soát mặt biển.

Mặc Lâm: Trong thế mạnh quân sự giữa hai nước rõ ràng Việt Nam không phải là địch thủ của Trung Quốc. Theo ông Việt Nam có thể cầm cự và kéo dài cuộc chiến trong bao lâu?

GS Carl Thayer: Việt Nam có thể tập trung nhanh chóng một lực lượng đủ mạnh để chống lại Trung Quốc với 5 triệu người dân dự bị cộng với 400 ngàn binh sĩ trên đất liền. Chiến lược mà Việt Nam dùng là sẽ tập trung vào sức mạnh mà họ kêu gọi từ toàn dân và họ sẽ chống trả từ trên bờ đối với các cuộc tấn công của Trung Quốc.

Các loại tên lửa sẽ được Việt Nam dùng đến là chủ yếu nhưng vũ khí phòng vệ này của Việt Nam sẽ nhanh chóng không còn trong kho dự trữ và câu hỏi đặt ra Việt Nam sẽ tiếp tục có chúng từ nguồn cung cấp nào. Chắc chắn tên lửa phải được nhập từ Nga nhưng tôi rất nghi ngờ khả năng này vì Nga sẽ không thể cung cấp một cách nhanh chóng cho cuộc chiến hơn nữa không có lý do gì khiến Nga phải  làm cho Trung Quốc nổi giận. Nga sẽ giữ thái độ trung lập và điều này làm cho Việt Nam thất thế.

Việt Nam có tên lửa Bastion rất mạnh và chính xác để tự vệ. Những tên lửa này có thể tấn công căn cứ hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam của Trung Quốc hay thành phố San Sha trên đảo Phú Lâm và các cuộc tấn công này sẽ làm cho Trung Quốc khó khăn bất ngờ. Bên cạnh đó những chiến đấu cơ tương đối hiện đại của Việt Nam cũng sẽ gây khó khăn cho tàu chiến Trung Quốc bằng các loại hỏa tiển tầm xa. Tuy nhiên phải nói là cũng rất giới hạn về số lượng.

Mặc Lâm: Khi nhắm vào các quân cảng quan trọng của Việt Nam như Nha Trang hay vịnh Cam Ranh Trung Quốc sẽ có chiến thuật gì để tấn công trực tiếp vào đây?

GS Carl Thayer: Chiến đấu cơ Trung Quốc phát xuất từ Hải Nam sẽ được bổ sung từ đảo Phú Lâm sẽ là lực lượng chính tấn công những căn cứ hải quân này của Việt Nam vì khoảng cách cho phép chúng bay vào rồi quay trở lại nơi xuất phát. Hỏa tiển đạn đạo từ tàu ngầm Trung Quốc sẽ được mang ra tấn công vào đất liền của Việt Nam. Tàu ngầm cũng sẽ mang thủy lôi để phong tỏa các điểm quan trọng này và ngăn không cho tàu ngầm Việt Nam ra khơi. Thế mạnh của Trung Quốc về vũ khí sẽ làm Việt Nam không thể chiến đấu từ thời điểm bắt đầu cuộc chiến và do đó Việt Nam sẽ không vận dụng được chiến lược phòng thủ.

Mặc Lâm: Lúc gần đây Hoa Kỳ có ngầm gợi ý sẽ mang chiến hạm thuộc Hạm đội 7 vào thăm Việt Nam thường xuyên hơn, theo ông nếu cuộc chiến xảy ra khả năng can thiệp của Hoa Kỳ có cao không?

GS Carl Thayer: Việt Nam không phải là đồng minh của Hoa Kỳ cộng với cuộc chiến tranh nếu có cũng rất ngắn. Tôi cho rằng Hoa Kỳ sẽ không cho phép hải quân của họ tham gia vào cuộc chiến và vì vậy Việt Nam phải tự lo liệu cho mình mà thôi.

Mặc Lâm: Còn Nhật Bản thì sao thưa GS, họ có nắm lấy cơ hội này tham gia cuộc chiến nhằm tự bảo vệ cho chính họ trước các hành động gây hấn liên tục của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku hay không?

GS Carl Thayer: Nhật Bản sẽ tập trung cao độ nếu cuộc chiến xảy ra nhưng họ sẽ không làm gì hơn là chuẩn bị một cuộc tấn công khác có thể Trung Quốc sẽ nhằm vào họ. Vì vậy tôi nghĩ Nhật Bản sẽ không có bất cứ hành động nào yểm trợ Việt Nam. Hơn nữa từ vùng biển của Nhật tới biển Đông là một chặng hành trình rất dài và sẽ rất dễ tổn thương nếu bị Trung Quốc tấn công.

Mặc Lâm: Xin được hỏi ông câu cuối cùng, Việt Nam sẽ gặp các hậu quả như thề nào nếu cuộc chiến xảy ra?

GS Carl Thayer: Trước tiên là giá bảo hiểm về hàng hải và hàng không sẽ tăng rất cao khi chiến tranh xảy ra. Quan hệ kinh tế là điều tệ hại nhất sẽ xảy ra cho doanh nghiệp cả hai nước, họ sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên. Tử vong sẽ lan tràn khi cuộc chiến nổ ra và Việt Nam có thể tấn công trả đũa vào các thành phố miền Nam của Trung Quốc gây tác hại cho kinh tế tại các nhiều khu vực phía Nam sát với biên giới hai nước.

Một làn sóng tỵ nạn rất lớn khi người Hoa chạy sang Cambodia sẽ làm cho tình hình càng khó kiểm soát hơn.

Vấn đề chính tệ hại nhất xảy ra cho Việt Nam là thời điểm hiện nay  không phải là thời gian của thập niên 60 khi Mỹ đánh bom xuống miền Bắc, lúc ấy người dân có thể chiến đấu trong tình trạng rất khó khăn, họ có thể dùng than để nấu nướng mà không hề gì. Tuy nhiên khi cuộc chiến xảy ra vào lúc này hàng chục thành phố miền Bắc sẽ mất điện kéo dài vì Trung Quốc cắt nguồn điện mà họ cung cấp cho Việt Nam, lúc ấy hàng triệu người dân Việt Nam sẽ trở thành con tin của Trung Quốc và đây là điểm chính mà Việt Nam sẽ gặp phải khi chiến tranh nổ ra mặc dù ngắn hạn đi nữa.

Mặc Lâm: Xin cám ơn giáo sư.