Diễn Đàn
4-4-14

Ý nghĩa của vụ Phi kiện Trung Quốc
trong tranh chấp biển

 

Vũ Quang Việt

 

Chính phủ Philippines đúng ngày cuối cùng của tháng ba năm 2014 đã gửi hồ sơ chí tiết với nội dung yêu cầu Tòa án Hòa giải Luật Biển LHQ (Arbitral Tribunal) phát quyết. Nội dung cùng với chứng cớ lên tới 4000 trang và 40 bản đồ.  Việc làm này là theo đúng trình tự đã được Luật Biển LHQ (UNCLOS) định sẵn theo Phụ lục VII, bao gồm:

1. Nước muốn kiện thông báo (notification) cho Tòa về ý định của mình với các lập luận dựa theo Luật Biển. Điều này Phi làm vào 22 tháng giêng năm 2013 

2. Tòa báo cho nước bị kiện để lấy phản ứng. Bên bị là Trung Quốc đã từ chối tham gia. Tuy nhiên theo điều 9 của Phụ lục VII, “[n]ếu một bên trong vụ tranh chấp không có mặt tại tòa hoặc không biện hộ, bên kia có thể yêu cầu tòa tiếp tục tiến hành và tuyên. Việc không có mặt hay không biện hộ không thể làm dừng phiên tòa.

3. Theo UNCLOS, dù nước bị kiện không đồng ý tham gia, tòa tiến hành cử ủy viên của hội đồng xử gồm 5 ủy viên, Điều này đã làm xong.

4. Sau khi hội đồng xử được thành lập, bên kiện được yêu cầu nộp nội dung/bằng chứng cho vụ kiện để tòa xử.  Đây là việc Phi vừa thực hiện.

5.  Theo điều 11 của Phụ lục VII, tuyên của tòa là cuối cùng, không được chống án trừ trường hợp trước khi xử hai bên đồng ý cho phép chống án. Hai bên bắt buộc phải thi hành quyết định của tòa. Hai bên chỉ có quyền yêu cầu giải thích thêm nếu quyết của tòa không rõ ràng. Tất nhiên LHQ không có cơ chế để thực hiện quyết định của mình.

Vậy Phi yêu cầu Tòa xử gì?

Theo Luật Biển, Phi không được yêu cầu xử tranh chấp chủ quyền lãnh thổ mà chỉ yêu cầu tòa giải thích Luật biển ở những điểm rất cụ thể.  Ở đây chỉ nêu ra hai điểm cụ thể để bàn.

 

Lập luận

 

Một trong những điểm cụ thể nhưng quan trọng nhất mà Phi yêu cầu phán quyết mang tính giải thích Luật Biển là “tuyên bố chủ quyền biển nằm trong khu vực đường 9 vạch ở Biển Nam Trung hoa của Trung Quốc là không theo đúng Luật biển và không có hiệu lực.” Lý do là theo Luật Biển Điều 89 “Không có quốc gia nào có thể coi bất cứ phần nào của biển khơi thuộc chủ quyền của mình.”  Phi nêu lên điểm này vì Phi cho rằng TQ đã dựa vào lập luận đường 9 đoạn để chiếm đóng hoặc tuyên bố chủ quyền ở những vùng đáng lẽ thuộc về Phi theo Luật Biển. Chưa biết cách lập luận cụ thể của Phi trong tài liệu 4000 trang như thế nào, nhưng cùng lắm là nếu nhưTrung Quốc tham gia phiên tòa thì họ chỉ có thể lập luận là họ có chủ quyền trên toàn bộ các đảo/đá/ ở Biển Đông nên có quyền có lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) đối với những đảo/đá này.

Nhưng với lập luận như thế, tuyên bố chủ quyền trên toàn biển trong khu vực đường 9 đoạn là phi pháp vì có những khu biển không nằm trong lãnh hải hay EEZ của các đảo/đá trên. Ngoài ra, khu đảo/đá/bãi Hoàng Sa, hay Trường Sa không được công nhận là quần đảo như trường hợp Indonesia nên không thể đòi chủ quyền trên toàn khu.

Điều cụ thể thứ hai mà Phi đưa ra là Bãi Cỏ May (Second Thomas Shoal) nằm trong EEZ của Phi và theo Luật Biển thuộc về Phi. Việc Trung Quốc đòi chủ quyền ở bãi ngầm này, chìm dưới biển khi nước thủy triều lên, mà bãi ngầm này không nằm trong lãnh hải hay EEZ của Trung Quốc  là vi phạm Luật Biển. Luật Biển Điều 13 viết rằng  “Nơi nổi lên khi thủy triều xuống mà vượt quá lãnh hải của lục địa hay một hòn đảo, không có lãnh hải riêng.” Điều này có nghĩa là không ai có thể có chủ quyền ở một bãi ngầm ngoài biển khơi. 

Tất nhiên Tòa sẽ phải xử lý những vấn đề rất phức tạp, và có thể liên quan tới những vấn đề sau:

1. Khu Hoàng Sa Trường Sa phải chăng là quần đảo?

2. Phải chăng toàn bộ các “vị trị” mà Phi nêu lên là bãi ngầm chứ không phải đá hay đảo. Đá chỉ có lãnh hải 12 dặm và không có EEZ. Bãi ngần không có lãnh hải.

3. Tòa không xử ai có chủ quyền nhưng tòa có thể sẽ xem xét cơ sở gì mà một nước có thể đòi chủ quyền trong khu đường 9 đoạn. Nếu dựa vào xác định đâu là lãnh hải, đâu là EEZ của khu Trường Sa thì phải quyết định đâu là đảo, đâu là đá, đâu là bãi ngầm.

 

Ảnh hưởng của phán quyết

 

Dù không tham gia phiên tòa, Việt Nam và các nước có liên quan ở Đông Nam Á và có thể cả thế giới đều bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa.

Nếu họ phán quyết là có thể có chủ quyền trong khu vực Biển nằm trong đường 9 đoạn (ai có chủ quyền lại là chuyện khác) thì mọi nước đi qua biển Đông đều phải xin phép nước chủ nhà. Khó có thể tưởng tượng được Tòa lại phán quyết như thế.

Nếu họ phán quyết ngược lại thì chủ quyền biển chỉ có thể có đối với vùng biển sát lục địa hay chung quanh đảo và đá. Phi chỉ nêu lên một số vị trí có liên quan đến Phi trong vụ kiện này. Nhưng phán quyết như trên có thể đưa đến việc các nước Đông Nam Á cùng nhau yêu cầu Tòa phán quyết về từng vị trí trên Biển Đông, xem đâu là đảo, đau là đá, đâu là bãi ngầm.

Hành động của Phi dù đơn độc nhưng chắc chắn sẽ góp phần vào bảo vệ hòa bình cho khu vực. Một nước dù mạnh đến đâu cũng không thể bất chấp luật pháp quốc tế, nhất là việc bất chấp này lại không được bất cứ nước nào ủng hộ (có thể chỉ trừ Cambodia).