Mặc Lâm, biên tập
viên RFA, Bangkok
GSTS-KH chuyên gia cao
cấp Vũ Minh Giang, Phó giám đốc Đại học Quốc gia
Hà Nội ngoài chuyên môn là một nhà giáo dục, một
sử gia ông còn tham gia vào rất nhiều hoạt động
trong guồng máy chính trị. Một trong các vị trí
mà ông từng giữ là Ủy viên Hội đồng lý luận
Trung ương. Mặc Lâm có cuộc trao đổi ngắn về văn
hóa chính trị Việt Nam với ông sau đây.
Mặc Lâm: Thưa
GS, mới đây do nhận thấy sự xuống cấp về văn hóa
nên Bộ chính trị ra nghị quyết nhằm chấn chỉnh
văn hóa. GS có nghĩ rằng văn hóa có thể được
chấn chỉnh thông qua hệ thống chính trị một cách
chủ quan như vậy hay không thưa ông?
GSTS-KH Vũ Minh Giang:
Có không ít nghị quyết, có không ít bài viết của
những ông lãnh đạo cao cấp về văn hóa từ lâu rồi
thế nhưng nhận diện văn hóa đối với một quốc gia
đó là tài nguyên, đó là một thứ quyết định rất
nhiều những mặt đời sống xã hội thì quả thực cho
đến gần đây mới nhận thức ra là do tác động của
các nhà khoa học, các chuyên gia họ đặt vấn đề
đó rất nhiều.
Nhiều người nói chuyện lo
lắng về đạo đức xuống cấp các thứ, thì tôi cho
đạo đức là một cái gì đó trong một khía cạnh văn
hóa thôi. Có chuyện đó, có chuyện giá trị đạo
đức đang có dấu hiệu đáng báo động. Có những mối
quan hệ xã hội đang có chiều hướng mà người ta
gọi là xuống cấp, có chuyện đó, nhưng mà những
quan tâm của lãnh đạo đang cầm quyền hiện nay
không phải chỉ loanh quanh những vấn đề ấy đâu
mà họ có ý thức mà theo tôi cao hơn một chút,
tức là khai thác tài nguyên văn hóa trên cơ sở
biến thành chương trình hành động của các bộ,
ban ngành sử dụng mạnh mẽ hơn các công cụ văn
hóa cho các công việc khác nữa.
Mặc Lâm: Và
theo ông thì nghị quyết mà chúng tôi vừa nhắc
tới có thể chấn chỉnh được giá trị đạo đức, mối
quan hệ xã hội đang xuống cấp như GS vừa nói, cụ
thể là làm thế nào?
GSTS-KH Vũ Minh Giang:
Làm thế nào để mà phát huy được nó, làm thế nào
để chấn chỉnh được nó là cái điều không đơn
giản. Điều thứ nhất phải nhận thức nó là cái gì
thì theo tôi cái đó không dễ. Phải hiểu được nó
thì mới làm chủ được nó chứ còn muốn thế nào thì
chỉ là ý muốn chủ quan của anh thôi. Khi không
nắm quy luật hoạt động của chính văn hóa cùng
cái sự sáng tạo này thì chưa chắc anh đã làm gì
được nó. Thứ hai nữa nó tùy thuộc rất nhiều vào
những giải pháp phù hợp với cái gọi là văn hóa.
Tôi không loại trừ những khả năng khi mà ở rất
nhiều nơi người ta nói vể văn hóa nhưng hành xử
bằng những biện pháp hay cách thức lại không văn
hóa thì chưa chắc đã có hiệu quả.
Mặc Lâm: Thưa
GS, văn hóa chính trị không thể thiếu yếu tố
phản biện và chính điều này mới làm cho văn hóa
chính trị có ý nghĩa. Ông nghĩ sao về yếu tố
phản biện trong văn hóa chính trị tại Việt Nam?
GSTS-KH Vũ Minh Giang:
Đối với bất cứ một nền chính trị nào thì phản
biện là rất quan trọng. Bởi vì lịch sử chính trị
của tất cả các nước trên thế giới cho thấy sự
tiến hóa, biến đổi theo chiều hướng ngày càng
cao hơn thì chính ở sự phản biện. Quy luật tất
yếu thì người cầm quyền đều muốn giữ quyền mà
muốn giữ quyền thì họ muốn có được quyền lực
ngày càng mạnh mẽ, đó là quy luật không đổi.
Muốn hay không muốn nó vẫn là như thế, mà đã là
quy luật thì nó là khách quan.
Xã hội tiến triển do
những tương tác và quan trọng bậc nhất là cái
nhận thức của người dân về vai trò của họ trong
quá trình chính trị. Quyền lực thực sư nó phải
dựa trên ba trụ cột mà có lẽ từ Đông sang Tây,
từ cổ chí kim nói vể thời gian thì nó cũng đều
như vậy.
Cái trụ cột thứ nhất là
quyền lực cứng. Một chính quyền nào thì họ cũng
đều phải có những công cụ để bảo vệ quyền lực,
tôi tạm dùng chữ ấy không biết có chính xác hay
không, gọi là quyền lực cứng như quân đội, cảnh
sát, hệ thống pháp luật...đương nhiên không có
những cái đó thì không phải là quyền lực.
Cái trụ thứ hai thì họ
phải có tiềm lực kinh tế tức là sức mạnh về tiền
theo ý nghĩa là có thể đem lại cái gì, hay hứa
hẹn đem lại cái gì cho xã hội ấy, cho quốc gia
ấy cho cộng đồng ấy thì mới có sức mạnh chứ còn
chỉ bằng quân đội với cảnh sát thôi thì cái
quyền ấy chẳng tồn tại được nếu không có tiềm
lực kinh tế. Ngay cả chuyện nuôi bộ máy thôi mà
không có tiền thì cũng chịu.
Nhưng cái trụ cột thứ ba
mới cực kỳ quan trọng tức là người tiếp nhận
quyền lực ấy. Họ ở cái phía mà thời xưa thì gọi
là bị trị còn thời nay nói chung là công chúng.
Sự ủng hộ của công chúng là cái trụ thứ ba của
quyền lực. Bời vì một quyền lực mà thiếu trụ cột
này thì nó dẫn tới rất rõ sớm muộn gì thì chính
quyển ấy cũng không thể tồn tại được. Chính
quyền chỉ có thể tồn tại trong mối quan hệ với
công chúng.
Ba yếu tố đó cấu thành
quyền lực và nó rất khác nhau. Ở chỗ này thì
chính quyển với quyển lực rất giàu có quyền lực
dựa vào kinh tế là chính và có quyền lực dựa vào
sức mạnh cứng là chính nhưng không thể thiếu một
trong ba thứ đó. Nó chỉ là khác nhau vể tính
chất phân phối quyền lực mà thôi.
Ý kiến phản biện tôi cho
là một thứ nhận thức của công chúng. Họ thấy
rằng họ có cách tham gia vào quá trình chính trị
để hoạch định ra chính sách, đường lối xây dựng
phát triển hay lấy là ý kiến rộng rãi của trí
thức.
Mặc Lâm: Theo
GS thì cách tốt nhất để tiếp thu sự phản biện
của công chúng là gì?
GSTS-KH Vũ Minh Giang:
Cách tốt nhất là hãy chú ý lắng nghe tất cả
những ý kiến ấy. Tôi trước sau như một chủ
trương là chính quyền phải có cách nghe và thậm
chí nếu cần thì phải đối thoại với những ý kiến
đó. Bởi vì đôi khi chưa chắc ý kiến mà người ta
nêu ra thì đã nhằm ý thức đối lập đâu, hay là
chống đối theo cái kiểu có hoặc không đâu. Không
phải đền mức như vậy mà họ có cách tiếp cận
khác, có một cách nhìn nhận khác.
Thế thì nếu xuất phát từ
cái lợi chung, thí dụ như tôi đang nói sự phát
triển cho một cộng đồng một dân tộc một đất nước
thì những người đang ở vị trí quyền lực nào đó
mà chú ý lắng nghe, thảo luận thì cái đó rất tốt
cho sự phát triển chung. Vì đôi khi từ góc độ
nào đó nhìn ra vấn đề mà ở góc này thì không
nhìn ra hết được.
Mặc Lâm: Như
giáo sư vừa nói thì không phải phản biện nào
cũng nhằm tới mục đích một mất một còn, nhưng
thực tế cho thấy văn hóa chính trị Việt Nam luôn
nhìn sự phản biện dưới nhãn quan này, tại sao
lại có tình trạng này thưa ông?
GSTS-KH Vũ Minh Giang:
Bao giờ cũng vậy thôi, khi đã nói tới chính trị
thì nó có vấn để quan điểm và có vấn đề lập
trường. Quan điểm là cái góc nhìn, lập trường là
chỗ đứng. Cái đó nếu như thuần túy chỉ là sự
khác biệt cách nhìn, chỗ đứng thì không có vấn
đề nhưng mà đằng sau nó có những cái động lực
thì ra lại khác rồi.
Chính trị là gì? Chính
trị theo tôi đó là những hành động nhằm tới việc
giành được quyền lực và dùng quyền lực để thực
thi cái mục tiêu của mình, tôi định nghĩa một
cách giản dị như vậy thôi, cái động cơ chính trị
đôi khi nó đi ra ngoài cái như tôi vừa nói.
Nếu nó không hướng tới
mục tiêu phát triển dân tộc, cộng đồng đất nước
mà nó có mục đích giành chính quyền, tức là kiểu
gì thì tôi cũng sẽ làm phương hại tới chính
quyền này, dưới cách này hay cách kia thì phía
chính quyền họ sẽ có cái cách để tự vệ, họ sẽ có
cách chống đối lại thì câu chuyện ấy là câu
chuyện đấu tranh chính trị nó lại là khác.
Cho nên khi đưa ra khái
niệm văn hóa chính trị thì nó hàm ý không phải
chỉ đấu tranh chính trị theo kiểu giành quyền
lực mà còn là những sáng tạo quần chúng để làm
sao những hoạt động chung quanh quyền lực được
phát triển, nó tạo ra những định chế cho sự phát
triển tốt hơn của cộng đồng, quốc gia.
Mặc Lâm: Xin
cám ơn Giáo sư Vũ Minh Giang đã giúp chúng tôi
thực hiện cuộc phỏng vấn này.