TIẾNG DÂN
9-10-21

Vì đâu nên nỗi?

Trần Thanh Cảnh

 

Kể từ khi dịch covid bùng phát ở TP.HCM và các tỉnh lân cận Đồng Nai, Bình Dương, Long An đến nay, đã có hàng triệu người lao động ngụ cư tháo chạy khỏi vùng dịch. Thôi thì bằng đủ phương tiện có thể: xe máy, xe đạp, thậm chí là đi bộ… miễn sao ra khỏi vùng dịch là được!

Và trên con đường chạy ra khỏi vùng dịch, trở về cố hương, muôn vàn thảm cảnh đã xảy ra. Những thảm cảnh mà trí tưởng tượng của nhà văn như tôi không nghĩ ra được! Vậy mà nó hiện ra trên thực tế cuộc đời khiến cho những người còn lương tri phải rơi nước mắt: những em bé và sản phụ mới hơn chục ngày tuổi ngồi xe máy cả ngàn cây số. Những gia đình công nhân tài sản nghèo nàn chất trên chiếc xe máy nát. Những bà mẹ mang thai sắp đến ngày sinh vẫn ra đi. Những bước chân cùng quẫn của người dân miền núi phía Bắc cách cả ngàn cây trong vô vọng, nhưng họ vẫn cứ đi bộ dấn bước trên đường…

Vì sao họ phải ra đi? Kiên quyết trở về cố hương, dứt khoát chia tay một vùng đất đã từng là nơi cưu mang, đã mang lại cơm no áo ấm cho họ. Vì đâu nên nỗi?

1- Vì chính sách chống dịch sai lầm đã biến một vùng đất lành, trù phú, dễ kiếm sống thành ra một vùng đất chết chóc kinh hoàng: những người chịu trách nhiệm chống dịch covid nơi đây đã chủ trương phong thành triệt để bằng dây thép gai, bê tông, rào sắt… họ đã biến toàn bộ các khu dân cư đông đúc thành gần như các khu cách ly, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Và với mật độ dân cư quá đông, không thể thông khí được, đã dẫn đến dịch bệnh lây lan dữ dội, người chết quá nhiều mà thời gian đầu hầu như không có sự trợ giúp của y tế và chính quyền. Người dân còn bị lâm vào trạng thái hoảng loạn thực sự khi các phương tiện truyền thông của chính quyền hù dọa, các nhân viên công quyền đe dọa trấn áp. Đến nỗi cả thành phố đã hầu như thành ‘nhà tù lộ thiên’, mà thành phần công nhân, dân nhập cư đã trở thành những ‘tù nhân bất đắc dĩ’ khốn khổ nhất. Nên khi có thể, họ tìm mọi cách để trở về với cuộc sống tự do nơi quê nhà.

 2- Họ đã thực sự bị bỏ rơi trong cơn dịch giã: họ hầu như không nhận được sự trợ giúp đáng kể của chính quyền các cấp để duy trì cuộc sống tối thiểu. Trước khi dịch nổ ra, thân phận dân nhập cư thành phố đã hầu như bị bỏ quên. Tự làm tự sống, không được hưởng bất cứ phúc lợi xã hội nào của sự phát triển. Thế nhưng đến khi dịch giã, họ là thành phần bị nhiễm bệnh nhiều nhất, vì nhiều yếu tố. Đáng ra họ phải được tập trung trợ giúp nhiều nhất. Thế nhưng buồn thay, họ hầu như không tồn tại trong mắt hệ thống chính quyền vốn đã quan liêu và vô dụng nơi đây. Họ đã cạn kiệt mọi nguồn sống. Sự sống sót của họ qua mấy tháng đại dịch đã là một sự thần kỳ! Nên với bản năng sinh tồn của con người, khi có cơ hội họ đương nhiên phải hướng/ đi/ chạy… về nơi có điều kiện: sống đã! Rồi mọi việc tính sau!

3- Với khẩu hiệu kinh hoàng CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC, một cách đương nhiên những người dân nghèo nhập cư bị bệnh bỗng chốc trở thành ‘giặc’ trong mắt chính quyền: họ bị kỳ thị, phân biệt đối xử thậm chí là đàn áp mà không biết kêu ai. Họ bị dồn đẩy, ép đến ngưỡng chịu đựng cao nhất. Và rồi họ bùng ra tháo chạy về quê. Vẫn còn may, đó chỉ là cuộc tháo chạy về quê của những người dân lành quen cam chịu. Bởi họ vẫn còn một chốn để hy vọng dung thân. Hãy thử tưởng tượng xem, nếu quê nhà như vài nơi đã gầm ghè không chấp nhận họ, cùng đường rồi sự thể sẽ ra sao?

4- Sống tù túng, chật hẹp, căng thẳng đủ điều, bị đe dọa đủ điều. Rồi không thu nhập, không việc làm. Rồi ngoài đường phố rào dậu khắp nơi, cảnh sát, quân đội, dân phòng… hầm hầm sát khí trấn áp, phạt vạ… thần kinh của tất cả họ đều căng như dây đàn. Đến một độ nào đó, mọi hy vọng về tương lai, đổi đời… khi xưa mới bước chân về vùng đất này sụp đổ hết. Tuyệt vọng. Con đường về cố hương hầu như là lựa chọn duy nhất, cuối cùng. Vậy là lên đường…

Rõ ràng là, sau khi trải qua mấy tháng ròng trong tâm dịch, sức chịu đựng về thể xác và tinh thần của những người lao động nhập cư đã tới hạn. Họ chỉ còn một con đường duy nhất quay về cố hương. Bởi họ quá kinh sợ cách chống dich vô luân coi rẻ con người và sự bỏ rơi người dân trong cơn hoạn nạn. Họ phải về cố hương dù no dù đói, nhưng chắc chắn sẽ bình an hơn. Họ cần phải được giải tỏa mọi dồn nén, stress. Đó là động lực chính của dòng người những ngày qua rời bỏ thành phố. Rồi đây, sau khi đã được nghỉ ngơi tại quê nhà, họ có quay lại thành phố nữa không? Không ai dám chắc về câu trả lời!

Sẽ phải có rất, rất nhiều sự điều chỉnh trong chính sách: từ cách chống dịch đến đối xử với dân lao động nhập cư. Từ tầm vĩ mô trung ương, chính quyền các cấp cho đến từng doanh nghiệp. Tất cả các điều chỉnh đều phải cho thấy rằng sự phát triển nào cũng phải xoay quanh con người. Mà con người, không kể dân nhập cư hay bản địa, người lao động trí óc kỹ thuật hay làm việc đơn giản. Nhà doanh nghiệp tỷ đô hay người bán hàng rong trên phố. Tất cả những con người đó đều phải được đối xử bình đẳng như nhau. Tất cả đều phải được coi là thành viên của thành phố này, vùng đất này. Đó là quyền con người thiêng liêng. Đó là nguồn gốc của sự phát triển bền vững cho mọi vùng đất, mọi thành phố và của cả đất nước.

Có nhiều người đang liên hệ cuộc tháo chạy khỏi vùng tâm dịch của đồng bào ta hiện nay với các cuộc di cư năm 1954 và sau 1975. Đau đớn. Để giảm bớt sự đau đớn của đồng bào mình, những ngày gần đây trên các nẻo đường thiên lý, chúng ta đã chứng kiến vô vàn những bàn tay, tấm lòng hào hiệp chìa ra cứu giúp. Ấm lòng. Hy vọng tại quê nhà, đồng bào mình tiếp tục được trợ giúp. Để họ được nghỉ ngơi, tĩnh tâm, hồi phục sau những gian nan khôn cùng vừa qua.

Nên tôi vẫn hy vọng, cuộc tháo chạy khổng lồ này sẽ được cả nước đồng lòng che chở, nâng đỡ kịp thời để không biến thành những cuộc tháo chạy bi thảm đã từng diễn ra. Đừng để dân tộc Việt phải chịu thêm một vết thương lòng nữa. Tất cả mọi người trong điều kiện có thể, xin hãy tiếp tục giang tay trợ giúp. Quyền được trở về nhà mình là đương nhiên, không ai không cấp chính quyền nào được phép ngăn cản.

Xin hãy biết xót thương đồng bào mình. Được vậy, ký ức của mọi người dân nước Việt sẽ bớt nặng nề đi. Và cùng với thời gian, với sự cố gắng của mọi người, cuộc trở về cố hương nghỉ ngơi sẽ nhanh chóng được cân bằng. Rồi mọi người sẽ lại cùng nhau quay lại cuộc sống thường nhật theo một cách nào đó, tử tế và nhân văn hơn.