RFA Blog 02-1-13Vì sao việc sửa đổi Hiến pháp phải kết thúc nhanh chóng?
Kami
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được QH biểu quyết thông qua vào sáng 28-11-2013 tới đây và có hiệu lực kể từ ngày Chủ tịch nước chính thức công bố. Thông tin này cho thấy vấn đề Sửa đổi Hiến pháp sẽ kết thúc và nó đã khiến cho nhiều người thất vọng. Cũng có lẽ bởi việc Sửa đổi Hiến pháp là chuyện (vài) chục năm mới có một lần, và không dễ gì có những cơ hội quan trọng như vậy mà không giải quyết được vấn đề gì thì thật là đáng tiếc. Hiến pháp là một hệ thống quy đinh những nguyên tắc chính trị căn bản và là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số dân chúng. Vì thế nên việc Sửa đổi Hiến pháp có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong khi trên thực tế, công việc này của Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội trên thực tế đã lâm vào sự bế tắc không có lối thoát, buộc phải kết thúc. Chứ không phải hoàn tòan như phỏng đoán của một số người khi cho rằng đảng CSVN và chính quyền coi thường, không quan tâm đến 26 triệu ý kiến đóng góp cho Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp, khiến Hiến pháp mới tới đây sẽ hầu như giữ nguyên theo bàn Hiến pháp cũ. Với các vấn đề hệ trọng như: chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ kinh tế, chế độ sở hữu… đều không thay đổi so với bản Hiến pháp năm 1992. Từ Đại hội đảng CSVN lần thứ XI (1.2011), việc Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đặt vấn đề chính thức là cần phải sửa đổi, với lý do có nhiều bất cập không đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước cần thiết được sửa đổi. Suốt từ đó đến nay, việc Sửa đổi Hiến pháp cũng có nhiều thăng trầm khi lên, khi xuống theo xu thế mạnh, yếu của các phe trong nội bộ đảng CSVN. Có ý kiến cho rằng, thực tế Hiến pháp đang sử dụng không hề có những bất cập không đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong khuôn khổ của đảng, phải được sửa đổi như họ nói. Bằng chứng là nếu xem "toàn văn Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992" thì thấy các vấn đề hệ trọng như: chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ kinh tế, chế độ sở hữu toàn dân… đều không thay đổi so với bản Hiến pháp năm 1992. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, lý do của việc Sửa đổi Hiến pháp lần này của chính quyền Việt Nam không ngoài mục đích tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm trong đảng cũng là một trong những ý kiến đáng quan tâm. Mà bắt đầu từ việc bớt quyền của người đứng đầu chính phủ (Thủ tướng) để tăng quyền cho người đứng đầu nhà nước (Chủ tịch Nước) phải được hiến định cụ thể. Vì thế, ngay từ đầu đã có những nhận định cho rằng việc Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do chính quyền tổ chức chỉ là một trò lừa bịp, một cái bánh vẽ và kết cục sẽ không có bất kể sự thay đổi lớn nào. Nghĩa là mọi thứ vẫn giữ nguyên. Khi xem các nội dung trong toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 so sánh với Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 (Bản sửa đổi năm 2001) sẽ thấy những có sửa đổi là rất ít và không quan trọng. Cụ thể, theo bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, những vấn đề hệ trọng như: chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ sở hữu toàn dân… đều không thay đổi so với dự thảo ban đầu.Về các nội dung liên quan đến nền kinh tế, vẫn tiếp tục khẳng định là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Về việc thành lập hội đồng hiến pháp, đây là vấn đề mới, lại đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên trong điều kiện hiện nay không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào dự thảo. Còn về nội dung sửa đổi bao gồm một số vấn đề cũng đã được tiếp thu, chỉnh sửa. Đó là mức độ giới hạn quyền con người, quyền công dân (điều 14) đã được chỉnh lý như sau: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.” Hay điều 6 cũng được tiếp thu, sửa thành “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước.” Cuối cùng là vấn đề gây nhiều tranh cãi liên quan đến thu hồi đất, khoản 3 điều 54 đã được chỉnh lý lại là “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”. Qua đó sẽ thấy việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này không hề suôn sẻ và đã gặp nhiều trở ngại. Trong đó là vấn đề tư duy, ý thức hệ đã gò bó khiến cho việc sửa đổi Hiến pháp gặp nhiều trở ngại trong vấn đề lập pháp. Và trong bối cảnh hiện tại chưa có điều kiện chín muồi cần thiết cho một cuộc cải cách lần thứ 2 để tạo tiền đề cho việc Sửa Hiến pháp. Song một vấn đề quan trọng hơn cả là do mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo về đường lối. Đó là những lý do buộc phải kết thúc việc Sửa đổi Hiến pháp một cách nhanh chóng, cho dù về thực chất việc làm này hầu như không thu được các thay đổi đáng kể. Tại sao lại nói như vậy? Sự bất cập của thể chế chính trịThực tế cho thấy với thể chế chính trị hiện nay, khi ý thức hệ cộng sản vẫn là nền tảng thì việc Sửa đổi Hiến pháp không dễ mà có thể sửa một cách đầy đủ, đáp ứng mong muốn của hệ thống chính trị hiện tại. Nguyên tắc chung, muốn Sửa đổi Hiến pháp trên nền tảng của thể chế chính trị cũ thì bắt buộc phải có các tiền đề cải cách cụ thể. Ví dụ, sau Đại hội đảng CSVN lần thứ VI, khi Việt Nam chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ tập trung, quan liêu, bao cấp, sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN. Về mặt kinh tế, đó là một cuộc cải cách và đó là tiền đề để thông qua ban hành Hiến pháp 1992. Còn lần Sửa đổi Hiến pháp lần này thì hoàn toàn không có tiền đề lớn và cụ thể để mở đường cho thấy sự cần thiết phải cải cách. Mặt khác, khi ý thức hệ cộng sản với khái niệm Chủ nghĩa Xã hội của Marx- Lenin vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các văn kiện chính trị và đã ăn sâu vào tư duy của những người lãnh đạo cộng sản. Đặc biệt vấn đề Hiến pháp đã bị biến tướng, được coi là bản sao và có tầm quan trọng sau Cương lĩnh của đảng. Trong hoàn cảnh việc quản lý nhà nước theo mô hình trục dọc từ trên xuống, mà đảng cộng sản cầm quyền đứng trên hết, kể cả Hiến pháp. Đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến việc sửa đổi Hiến pháp không tiến hành được. Một khi đảng và chính quyền không thừa nhận thiết chế tam quyền phân lập, không cho phép các cơ quan lập pháp - hành pháp - tư pháp kiềm chế, đối trọng nhau theo nguyên tắc kiểm soát và điều chỉnh. Thêm nữa, đó là sự bất nhất trong các chương, mục của bản Hiến pháp thiếu sự đồng bộ nên đã dẫn tới nảy sinh các mâu thuẫn. Ví dụ, khi họ khẳng định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân nhưng lại không để quyền lập hiến thuộc về nhân dân, không chịu cho dân quyền phúc quyết Hiến pháp. Điều mà như ta thấy ở các nước phát triển, khi quyền lập hiến thuộc về nhân dân hoặc thuộc về một cơ qua lập hiến do dân bầu, thì lúc đó quyền lực các nhánh lập pháp - hành pháp - tư pháp mới ngang bằng nhau được. Cũng như về kinh tế, cái tư duy sở hữu toàn dân đã khiến cho Hiến pháp buộc phải duy trì kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, một sự bất cập trong hệ thống kinh tế thị trường tự do, bình đẳng... Cũng thế, “sở hữu toàn dân” là khái niệm chính trị, song không xác định ai là người có quyền thực sự - dẫn đến tình trạng rất lúng túng trong quản lý trên thực tế v.v... Những ví dụ sự bất cập như thế này chỉ là một vài tồn tại vô số những điều bất cập còn hiện hữu trong Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp, khó mà liệt kê được hết. Đánh mất niềm tin của nhân dânTrong quá trình sửa đổi Hiến pháp, theo quan điểm của Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp luôn cho rằng bản dự thảo đã thể hiện được nguyện vọng của đông đảo người Việt Nam. Song trên thực tế, việc tiến hành sửa đổi Hiến pháp là "đầu voi đuôi chuột", khi ý kiến đóng góp rất nhiều và đã có nhiều phương án được đưa vào trong các dự thảo (trước), thể hiện một sự tiếp thu nhất định. Nhưng kết cục thì bản dự thảo cuối cùng sẽ được trình ra Quốc hội lại gần như trở về xuất phát điểm ban đầu. Đặc biệt là vấn đề một tỷ lệ lớn dân chúng không biết đến việc sửa đổi Hiến pháp. Theo kết quả cuộc khảo sát “Chỉ số Công lý 2012” do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, thì 42.4% dân chúng Việt Nam không biết gì về Hiến pháp hoặc chưa bao giờ nghe nói đến Hiến pháp. Với 57.6% còn lại – những người biết hiến pháp là gì hoặc đã từng nghe nói tới Hiến pháp thì có tới 23% không hề biết Việt Nam đang tổ chức góp ý sửa đổi Hiến pháp. Nếu so với các cuộc vận động tuyên truyền lấy để ý kiến người dân tham gia đóng góp ý kiến rầm rộ ở tất cả các địa phương với các khoản chi ngân sách tới hàng trăm tỷ đồng. Và các kết quả tốt đẹp thu được trong cả một quá trình vừa qua. Thử hỏi thái độ tiếp thu của Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội đối với hàng triệu các ý kiến kiến nghị của quần chúng nhân dân như thế nào? Đó là lý do đã khiến cho việc Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho dù sẽ kết thúc mà không hề có những khác biệt cơ bản so với bản Hiến pháp 1992 (Sửa đổi 2001) như nhiều người kỳ vọng. Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm, vì Hiến pháp là luật gốc, việc sửa đổi lần này nếu không có gì mới đối với các vấn đề hệ trọng như: chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ kinh tế, chế độ sở hữu toàn dân… đều không thay đổi so với bản Hiến pháp năm 1992. Nó sẽ mang lại nỗi thất vọng lớn và sự mất niềm tin của dân chúng. Một động lực phát triển quan trọng của đất nước và sự ổn định của chế độ, nếu không còn nữa thì sẽ cực kỳ nguy hiểm. Mâu thuẫn trong vấn đề TPPCó lẽ đến thời điểm này, khi cuộc đấu đá trong nội bộ đảng đang ở thế bất phân thắng bại. Khi người ta đang không biết ai, hay phe nhóm nào trong đảng đang cầm lái quốc gia, thì việc tổ chức Sửa đổi Hiến pháp ngày càng bộc lộ sự nguy hiểm. Khi chính quyền đã vô tình đã lôi kéo dân chúng vào trò chơi chính trị mang tính lừa lọc, nói một đằng làm một nẻo nếu càng để lâu sẽ càng ngày càng đánh mất niềm tin. Đặc biệt, trước cam kết muốn tham gia Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đưa ra trong chuyến thăm Hoa Kỳ hồi tháng 7.2013 và những tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng gần đây khi khẳng định việc Việt Nam cam kết sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài trong vòng năm năm tới. Vì thế bằng phía lãnh đạo đảng CSVN đang bằng mọi cách phải kết thúc nhanh chóng, đẩy việc sửa Hiến pháp vào việc đã rồi, để cản trở không để việc Việt Nam đang cố gắng tham gia Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trở thành hiện thực. Sở dĩ như vậy cũng vì Hiệp định TPP có những ràng buộc ảnh hưởng và tác động lớn đến các vấn đề nhạy cảm về chính trị. Như quyền lập hội là một ví dụ, là mối đe dọa quyền lực lãnh đạo của đảng CSVN hiện nay. KếtCho đảng CSVN và chính quyền có muốn sửa đổi Hiến pháp cũng không thể sửa được, nếu một khi không có sự đột phá để tiến hành cải cách thể chế chính trị làm tiền đề cho việc việc Sửa đổi Hiến pháp. Vì ai cũng biết tiền đề chung của cải cách Hiến pháp là cách mạng, thông qua đó để thay đổi thể chế chính trị. Nhưng nếu đảng CSVN một lần nữa bằng cách tự diễn biến, tự thay đổi thể chế chính trị thông qua một cuộc cải cách tương tự như cải cách kinh tế mà họ đã tiến hành thành công cách đây hơn 20 năm thì đấy là sự lựa chọn thông minh và sáng suốt nhất. Nó sẽ tạo tiền đề cho sự cạnh tranh chính trị lành mạnh giữa các tổ chức chính trị khác nhau. Với các tiềm lực hiện có về mọi mặt, thì khả năng tiếp tục cầm quyền của họ (đảng CSVN) là chắc chắn. Và sẽ có không dưới trên 60% lực lượng dân chúng sẽ giành cho họ sự ủng hộ. Đấy là lối thoát và giải pháp khả dĩ hơn cả, bằng không thì họ sẽ buộc phải đưa bản Hiến pháp Sửa đổi trở về vị trí ban đầu của nó trước khi sửa đổi để chờ thời cơ, khi có đầy đủ điều kiện chín muồi cần thiết cho một cuộc cải cách. Điều đó cho thấy việc sửa đổi Hiến pháp là một việc làm không dễ nó đòi hỏi sự thống nhất nhiều mặt, trong mọi lĩnh vực có liên quan mang tính xuyên suốt. Ngay cả trong lần này, thực tế đã chứng minh Đảng CSVN và chính quyền có quyết tâm sửa đến mấy, có muốn sửa cũng không thể sửa đổi được. Qua đó cho thấy trình độ và khả năng lập pháp của các thành viên Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội là rất thấp, họ đã không lường được hết các trở ngại sẽ nảy sinh trong quá trình Sửa đổi Hiến pháp ở thời gian ngắn - Một văn bản pháp luật Mẹ, có thể dùng tới hàng trăm năm. Ngày 01 tháng 11 năm 2013 © Kami ———————— * Bài viết trích từ trang blog Kami. Nội dung không phản ảnh quan điểm của RFA
|