LUẬT KHOA
Vài điều bạn cần biết về vị trí chủ tịch Quốc hội
Dù là một trong “tứ trụ”, vị trí chủ tịch Quốc hội vẫn được cho
là xếp sau cùng.
TRỊNH HỮU LONG
Quốc hội Việt Nam đang trong mùa may áo mới. Không cần chờ đến khi tổng
tuyển cử xong xuôi vào tháng Năm này, vị trí chủ tịch Quốc hội sẽ
có chủ nhân mới ngay trong ngày cuối cùng của tháng Ba.
Một trong “tứ trụ triều đình”
Kể từ giữa những năm 1980, khi chính trị Việt Nam dần thoát khỏi mô hình
lãnh tụ cá nhân với ảnh hưởng khuynh loát của Hồ Chí Minh và sau này là
Lê Duẩn, và cũng đồng thời với quá trình cải cách kinh tế, một cơ chế
phân chia quyền lực mới dần dần được hình thành. Theo đó, quyền lực cấp
cao nhất được chia cho bốn vị trí: tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng
chính phủ, và chủ tịch Quốc hội.
Cho đến lúc này, khi chiến tranh đã lùi xa và nhu cầu hội nhập quốc tế
ngày càng lớn, xu hướng vận hành của hệ thống chính trị ngày càng thiên
về sử dụng pháp luật của nhà nước thay vì chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt
Nam. Nhờ vậy, Quốc hội ngày càng đóng vai trò lớn hơn, năng động hơn
trong hệ thống chính trị.
Tuy vậy, cũng phải mãi cho tới năm 1992, với việc Nông
Đức Mạnh được bầu làm chủ tịch Quốc hội, vị trí này mới lại do một
ủy viên Bộ Chính trị nắm. Trước đó, Trường
Chinh – một ủy viên Bộ Chính trị – làm chủ tịch Ủy ban Thường vụ
Quốc hội từ 1960 đến 1981, nhưng như đã nói, Quốc hội thời kỳ đó không
có vai trò lớn như bây giờ, mặc dù vai trò của họ bây giờ cũng khó có
thể gọi là… lớn.
Các vị chủ tịch Quốc hội sau Trường Chinh đều chỉ làm đến ủy viên trung
ương đảng (như Lê
Quang Đạo), hoặc thậm chí còn không nằm trong trung ương đảng (như Nguyễn
Hữu Thọ).
Các chủ tịch Quốc hội từ Nông Đức Mạnh trở đi đều là ủy viên Bộ Chính
trị. Tuy nằm trong “tứ trụ triều đình”, vị trí chủ tịch Quốc hội vẫn
được cho là xếp sau cùng và vẫn phải tuân theo các quyết định của đảng.
Bệ phóng quyền lực
Trong số năm chủ tịch Quốc hội kể từ 1992 đến nay, đã có hai người sau
đó trở thành tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Cộng sản Việt
Nam – vị trí cao nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị, đó là Nông
Đức Mạnh (2001 – 2011) và Nguyễn
Phú Trọng (2011 đến nay).
Trái lại, vị trí thủ tướng chính phủ không đưa được chủ nhân của nó đi
xa hơn. Lần lượt Võ
Văn Kiệt, Phan
Văn Khải, và Nguyễn
Tấn Dũng đều chỉ làm đến thủ tướng rồi về hưu chứ không lên được
tổng bí thư. Riêng Nguyễn
Xuân Phúc thì không nghỉ hưu sau khi làm thủ tướng mà (dự kiến) làm
chủ tịch nước, nghĩa là một vị trí thấp hơn về mặt thứ bậc quyền lực
trong đảng.
Chủ tịch Quốc hội có phải là “sếp” của các đại biểu Quốc hội?
Không.
Về nguyên tắc, chủ tịch Quốc hội cũng chỉ là một đại biểu Quốc hội, và
các đại biểu là bình đẳng, ai cũng chỉ có một phiếu. Không ai có quyền
sai bảo một đại biểu Quốc hội phải làm thế này hay thế kia. Chủ tịch
Quốc hội không thể ra lệnh cho bất kỳ đại biểu nào, trừ quyền hạn hạn
chế trong việc phân công công tác cho các phó chủ tịch Quốc hội.
Thế thì làm chủ tịch Quốc hội là làm gì?
Chủ yếu là điều phối các hoạt động của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc
hội; chủ tọa các phiên họp, kỳ họp; ký tá các hiến pháp, đạo luật, nghị
quyết, pháp lệnh đã được thông qua.
Muốn biết chi tiết, ta có thể xem Hiến
pháp và Luật
Tổ chức Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội thường cũng kiêm nhiệm vị trí chủ tịch Hội đồng Bầu cử
Quốc gia. Điều này quả cũng… trái khoáy khi một đại biểu (và thường cũng
là ứng cử viên) lại đứng ra tổ chức bầu cử. Ở các nước dân chủ, hội đồng
này về nguyên tắc phải độc lập với Quốc hội.
Một vị trí gần như chỉ dành cho nam giới
Trong số 11 chủ tịch Quốc hội trong lịch sử, mới chỉ có bà Nguyễn
Thị Kim Ngân là nữ, đương chức từ năm 2016 tới nay. Mà thực ra, bà
Ngân cũng là người nữ duy nhất từng lọt vào “tứ trụ”.
Người dự
kiến kế nhiệm bà, ông Vương
Đình Huệ, sẽ tiếp tục truyền thống gần như độc tôn của nam giới ở vị
trí lãnh đạo Quốc hội.
Ông Huệ từng là bộ trưởng tài chính (2011-2012), trưởng ban kinh tế
trung ương (2012-2016), phó thủ tướng (2016-2020), bí thư thành ủy Hà
Nội (2020-nay). Ông là ủy viên Bộ Chính trị từ năm 2016 tới nay. |