FB Võ Đắc Danh
25-7-21

TƯ DUY TIỂU NÔNG

-Năm 1971, khi mẹ tôi đưa tôi về quê ngoại để đi học, một bà hàng xóm nói: “ Biết đọc biết viết, biết cộng trừ nhơn chia là được rồi, nông dân mình lấy táo đong lúa chớ có ai lấy táo đong chữ đâu”

-Năm 2007, GS Nguyển Thiện Nhân, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng giáo dục phát biểu trong một hội nghị: “ Biết rằng tăng học phí sẽ có một tỷ lệ học sinh nghỉ học, nhưng chúng ta phải chấp nhận để tăng học phí ”. Lúc bấy giờ, chị Mai Lan, phóng viên báo SGGP viết một bài thời luận phê phán ý kiến của ông Nhân. Vài ngày sau, ông ấy gởi công văn phản bác, có đoạn viết: “ Tôi, GS Nguyễn Thiện Nhân, với tư cách là phó thủ tướng chính phủ kiêm bộ trưởng bộ giáo dục, tôi không bao giờ phát biểu một câu vô cảm và vô trách nhiệm như thế, đề nghị BBT báo SGGP cung cấp chứng cứ . . .” Tổng biên tập lúc bấy giờ là nhà thơ Dương Trọng Dật làm công văn giải trình và cử anh trưởng văn phòng đại diện của báo tại Hà Nội mang băng ghi âm tới nhà riêng mở cho ông Nhân nghe. Sự việc êm xuôi.

-Năm 2021, GS-TS Lê Quân, giám đốc đại học quốc gia Hà Nội phát biểu tại diễn đàn quốc hội: “ Nên dùng học phí làm hàng rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học . . .”

Cũng tại diễn đàn nầy, chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ tự hào nói rằng: “499 ĐBQH khóa XV là kho tàng kiến thức, kinh nghiệm vô giá ”

Xin thưa, cái kiến thức và kinh nghiệm của ông Lê Quân (Gọi là GS-TS đang đứng ở vị trí quan trọng trong ngành giáo dục) thuộc loại tư duy “ Lấy táo đong lúa” của giới tiểu nông thời khẩn hoang Miền Nam hơn trăm năm trước, cái tư duy mà mẹ tôi và nhiều nông dân khác đã vứt bỏ cách đây hơn 50 năm khi chèo xuồng tiễn con đi học. Nó chỉ còn sót lại trong số ít người như bà hàng xóm của tôi lúc ấy mà thôi.

Để quốc hội xứng đáng là cái kho tàng kiến thức và kinh nghiệm vô giá như niềm tự hào của ông Vương Đình Huệ, tôi để nghị ông nên miễn nhiễm tư cách đại biểu ông Lê Quân, đồng thời các cơ quan nhà nước nên thu hồi học hàm giáo sư và học vị tiến sĩ, cách chức giám đốc đại học quốc gia của ông ấy, trả ông ấy về kiếp tiểu nông cho cho phù hợp với não trạng của ông.