Tin Tức Hàng Ngày
23-10-14

Có phải ông Hồ Chí Minh cuối đời đã bị Đảng vô hiệu hóa?

(Phỏng vấn Vũ Thư Hiên)

 
Gần đây một số báo chí nước ngoài có những bài viết đánh giá về vai trò của ông Hồ Chí Minh trong giai đoạn cuối đời (1963-1969). Có ý kiến cho rằng, giai đoạn này ông Hồ Chí Minh đã bị đảng Lao động Việt nam vô hiệu hóa.
 
Chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà văn Vũ Thư Hiên, một người từng là nạn nhân trong cái có tên gọi chính thức là “Vụ án tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”. 
 
Sau đây là nội dung của cuộc PV:
 
Thưa ông, một số học giả nước ngoài đánh giá rằng, sau HN Geneve đã có sự rạn nứt trong nội bộ đảng Lao động VN. Đảng phân hóa thành hai nhóm có chính kiến khác nhau trong vấn đề thống nhất đất nước. Theo đó nhóm ôn hòa của các ông Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp phản đối nối lại chiến tranh và nhóm chủ chiến của ông Lê Duẩn- Lê Đức Thọ, những người cho rằng việc giải phóng Miền Nam không thể chờ đợi. Xin ông đánh giá về ý kiến này
 
VTH: Khi nhà báo quan tâm chuyện nội bộ ĐCS, mà lại đi hỏi người ngoài cái đảng ấy, thì rõ ràng đây là một cách tiếp cận độc đáo, và thú vị nữa, theo tôi nghĩ. Thôi thì biết gì nói nấy, hi vọng cái mà tôi cho rằng mình biết có thể cung cấp cho nhà báo một chút ánh sáng le lói trên cái nền mờ mịt những thông tin chính thống.
 
Tôi hiểu cái khó của người nghiên cứu xã hội cộng sản. Theo cách văn bản học ư? Thật không dễ. Không phải chỉ nắm vững những khái niệm đặc thù trong ngôn ngữ cộng sản để diễn dịch những văn bản nọ sang khái niệm thông thường mà đủ. Còn phải biết lắm thứ ngoài lề: lý do xuất hiện, nội dung thực, thậm chí cả văn phong người khởi thảo… Biết bằng ấy thứ mới có thể tàm tạm hiểu được (nói cho đúng: để đoán được) mục đích và cách thực hiện mục đích ấy của nó. Ấy là chưa kể cũng những văn bản ấy người nghiên cứu lại thấy có nhiều cách giải thích khác nhau cho những cấp độ khác nhau, cho những đối tượng khác nhau, một thứ kỳ cục được chúng tôi gọi là sự “phân phối chân lý theo đại lý”.
 
Vậy, để trả lời cho câu hỏi: có hay không có hai luồng chính kiến khác nhau trong vấn đề thống nhất hai miền Nam-Bắc VN sau Hiệp định Genève 1954 trong nội bộ ĐCS, tôi xin thưa rằng: có đấy. Bề ngoài, theo các văn bản, là chủ trương hoà bình thống nhất đất nước thông qua tổng tuyển cử. Nhưng bề trong nó là sự chuẩn bị thống nhất đất nước bằng “bạo lực cách mạng” (căn cứ những bài nói chuyện với những câu nói nước đôi để người nghe hiểu ngầm ý của diễn giả). Ngày nay, việc ĐCS (hoặc Trung ương cục Miền Nam) cài người ở lại, chôn giấu vũ khí ở phía Nam vĩ tuyến 17, để chuẩn bị chiến đấu không còn là bí mật. Theo những tài liệu đã được bạch hoá thì đó là chủ trương của Lê Duẩn, người lãnh đạo Trung ương cục Miền Nam, chứ không phải của Trung ương ĐCS, ngay từ trước khi Lê Duẩn thực sự cầm ấn tín chức vụ Bí thư Thứ nhất. 
 
Dư luận, cái đáng tin cậy hơn báo chí, cho rằng trong Trung ương ĐCS sau Hiệp định Genève có Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp là người chủ trương thống nhất đất nước bằng con đường hoà bình, hay nói cho đúng hơn, không tiến hành chiến tranh, giữ nguyên trạng hai miền Nam Bắc cùng tồn tại, “rồi sau tính tiếp”. Ngược lại, chủ trương “chỉ có uýnh” mới giải quyết được chuyện thống nhất đất nước thuộc Lê Duẩn, có Lê Đức Thọ phù tá. Với bản “Đề cương cách mạng miền Nam” (1956) mọi hành động của Lê Duẩn sau đó là nhất quán. Nếu Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp im lặng trong suy nghĩ của mình, thì Lê Duẩn không giấu giếm những phát biểu mạnh mẽ (tất nhiên, chỉ trong những cuộc họp phổ biến chủ trương hay nghị quyết mà thôi) chê bai hai người kia là những kẻ nhát gan, sợ hãi bạo lực cách mạng.
 
Thưa ông, sự bất đồng ấy phải chăng là nguyên nhân dẫn tới Vụ án chống đảng lúc bấy giờ?
 
VTH: Tôi sẽ hơi dài dòng một chút trong chuyện này. Có lẽ do hoàn cảnh cá nhân của tôi - trong một gia đình gắn bó máu thịt với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, được tiếp xúc nhiều với những người sau này trở thành những nhân vật đứng đầu ĐCS và nhà nước, tôi không thần thánh hoá những “lãnh tụ” nọ. Khi bỏ tù tôi người ta gọi cái tật đó của tôi là “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Nhưng theo những gì tôi quan sát được thì chính trị khi cởi bỏ quần áo, nó rất đời thường, rất thế tục, chẳng có gì là thiêng liêng hết. Vì lẽ đó mà tôi xem cách chia hàng ngũ những người cộng sản cầm quyền (chứ không phải những người cộng sản trong giai đoạn cách mạng còn trứng nước) thành những phe nhóm đối lập về lý thuyết cách mạng như một cái gì đó, xin lỗi, hơi cù lần. 
 
Nhìn vào lịch sử các đảng cộng sản (đã cầm quyền, tôi nhấn mạnh lần nữa) thì thấy cái sự tàn sát lẫn nhau trong những người cùng hàng ngũ thì thấy. Không phải chỉ vì khác nhau trong cách hiểu chủ nghĩa Marx mà Stalin mang Kamenev, Zinoviev ra bắn, cho người lần theo Trotsky tới tận nơi lưu vong mà đập vỡ sọ. Không phải vì giận Lưu Thiếu Kỳ “đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” mà Mao Trạch Đông đày đoạ người đồng chí từ thuở đảng còn trong trứng nước tới chỗ phải bò như con chó tới đĩa cơm trong nhà ngục và chết gục với cái xác thối khắm. 
 
Không, những người cộng sản cầm quyền mà tôi biết không hề có lòng căm thù sang trọng đến thế đâu. Câu chuyện vì sao mà Lê Duẩn – Lê Đức Thọ phải trấn áp tàn bạo cái gọi là “nhóm xét lại chống Đảng” là một câu chuyện dài, xứng đáng cho một cuốn sách, khó có thể nói ngắn. Nhưng cũng có thể nói tóm tắt thế này. Ai cũng biết rằng sau sai lầm đẫm máu của cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất, tướng Võ Nguyên Giáp với sự vô can của quân đội, với vòng nguyệt quế Điện Biên Phủ, lẽ ra phải có địa vị lớn hơn nhiều cái mà Hồ Chí Minh và Trường Chinh đã sắp xếp cho ông ta. Hai vị lãnh tụ ngã ngựa lựa chọn Lê Duẩn chứ không phải Võ Nguyên Giáp cho vai trò Bí thư thứ nhất với hi vọng người này sẽ ngoan ngoãn khoanh tay xin ý kiến hai Thái thượng hoàng trong mọi việc. Sự đời lại không diễn ra như thế. 
 
Để khẳng định vị trí độc tôn của mình khi đã nắm quyền, Lê Duẩn thấy cần phải hạ bệ Võ Nguyên Giáp, kẻ hơn hẳn mình về uy tín và ảnh hưởng trong đảng và trong dân chúng. Nhổ cái dằm trong mắt ấy đi là ý muốn của ông ta. Những việc làm sau đó, do Lê Đức Thọ đạo diễn bằng cách tung ra những “bằng chứng” Võ Nguyên Giáp là con nuôi mật thám Pháp, Võ Nguyên Giáp thề thốt trung thành với nước mẹ Đại Pháp trong đơn xin đi du học Pháp, Võ Nguyên Giáp liên lạc với ban lãnh đạo ĐCSLX một cách vô nguyên tắc, để rồi sau hết nhân danh cuộc đấu tranh lý thuyết không khoan nhượng giữa “hai đường lối”, cụ thể hoá trong dạng một mưu đồ đảo chính của “"nhóm xét lại chống Đảng" nhờ sự ủng hộ của nước ngoài (hiểu ngầm là Liên Xô). Tất cả những việc đó đều nhằm vào kẻ “cầm đầu” là Võ Nguyên Giáp, xét cho cùng, chúng chỉ là sự thực hiện ý muốn của Lê Duẩn mà thôi.
 
Theo ông việc thanh trừng những người theo chủ trương ôn hòa có phải phản ảnh sự thất thế của ông Hồ Chí Minh trong giai đoạn đó? Ông có đánh giá gì về nhận định cho rằng “ông Hồ Chí Minh cuối đời đã bị Đảng vô hiệu hóa?”
 
VTH: Tôi phải nói thêm một lần rằng tôi có cái tật cố hữu hay thế tục hoá những việc làm có bề ngoài sang trọng, thậm chí được tâng bốc là thiêng liêng của các vị “lãnh tụ” trong ngoặc kép. Không, không phải vì chủ trương ôn hoà mà ông Hồ Chí Minh bị thất thế. Và có thật là Hồ Chí Minh bị thất thế hay không nữa chứ? Chỉ có thể dùng chữ “bị thất thế” khi người có thế bị cưỡng đoạt cái thế mình có. Còn nếu sự rời bỏ cái thế mà mình có ấy theo cách tự nguyện, hoặc bị dẫn dụ tới sự tự nguyện, thì không thể và không nên gọi là thất thế. 
 
Theo những nhận xét tôi nghe được từ những người cộng sản có thâm niên đáng trọng, ngang hoặc còn hơn Lê Duẩn, thì Lê Duẩn là người nhiều tham vọng. Ông ta không cho phép mình hài lòng chỉ với chức vụ Bí thư thứ nhất, mà muốn hơn thế - một lãnh tụ vô song, một thần tượng trong ngôi đền cộng sản, nếu không hơn thì cũng ngang bằng Hồ Chí Minh. Đối với Trường Chinh, Lê Duẩn không ngại. Sau cải cách ruộng đất, uy tín Trường Chinh đã xuống tới mức thấp nhất. Tuy nhiên, để cẩn thận, Lê Duẩn đã dùng Lê Đức Thọ trong vai trò Trưởng ban Tổ chức Trung ương sắp xếp lại toàn bộ hệ thống đảng quyền và chính quyền ở miền Bắc, xoá bỏ mọi dấu vết của người tiền nhiệm (tuy Trường Chinh đã không dám cục cựa, rất ngoan ngoãn ngồi yên trên ghế Chủ tịch Quốc Hội). Nhưng còn thần tượng Hồ Chí Minh, người đã được tôn sùng là Cha già dân tộc thì sao? Ông ta không có một khuyết điểm nào khả dĩ chê trách hoặc tấn công. Nhưng nếu ông vẫn còn ngồi lù lù đấy thì thiên hạ sẽ tiếp tục nghĩ ông ta vẫn là Tổng chỉ huy các lực lượng cách mạng, chứ không phải Lê Duẩn. Vậy thì cách tốt nhất là tìm cách đưa ông vào đền thờ làm tượng, cho ông ngồi trên cao say hương mê khói mà không nhúng tay vào việc nước nữa. Lúc đó thiên hạ sẽ hiểu người có quyền uy tối thượng, ở trên tất cả ngày nay là ai.
 
Tôi không thể nói chuyện đó xảy ra vào thời điểm cụ thể nào. Chỉ biết năm 1965, trong một cuộc nói chuyện với cán bộ tuyên giáo ở Hưng Yên, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Tố Hữu nói: “Ông Cụ lẫn cẫn rồi, mọi việc bây giờ đều do anh Ba (Lê Duẩn) và tụi tôi giải quyết”. Có thể đoán là trước đó, năm 1964 hoặc sớm hơn, 1963, việc đó đã xảy ra. Không còn Hồ Chí Minh trong vai trò người thầy của cách mạng, Lê Duẩn ung dung làm người thầy mới với lý thuyết “Làm chủ tập thể”, “Ba dòng thác cách mạng”, “Cách mạng tiến công”. Những lý thuyết này được cả một bầy văn nô tung hô trên mọi mặt báo và khen tới khản giọng trong những cuộc “nói chuyện” hoặc “học tập” nghị quyết này khác.
 
Cuộc gọi là “Tổng tiến công và nổi dậy” 1968 được tiến hành trong lúc vắng mặt cả Võ Nguyên Giáp (đi dưỡng bệnh ở Hungary) và Hồ Chí Minh (đi nghỉ ở Trung Quốc) không thể coi như Lê Duẩn ép buộc. Rõ ràng Lê Duẩn không muốn hai người có ý nghĩ khác ông ta có mặt vào thời điểm đó, nhưng tôi không tin có sự ép buộc nào. Chẳng qua Lê Duẩn đã có cách nào đó để hai người nghe lời mà đi nghỉ (đưa ra những lời khuyên của thầy thuốc chẳng hạn). Nhân đây tôi cũng muốn nói việc có người viết Lê Duẩn có ý ám hại Hồ Chí Minh là bậy, không thể tin. Thí dụ như vụ máy bay chở Hồ Chí Minh khi bay về Việt Nam đã buộc phải hạ cánh mù theo cảm tính của phi công chứ không chịu hạ cánh xuống một đường băng giả hiệu. Người ta bịa, mà không hiểu rằng để làm một hệ thống tín hiệu bằng đèn cho cả một đường băng không thể dùng một người, và một âm mưu như thế không thể cho nhiều người biết. Nếu Lê Duẩn có ý ấy, ông ta có thể có nhiều cách đã trở thành kinh điển trong những vụ ám hại nhau trong nội bộ các đảng cộng sản mà ta đều đã được biết qua nhiều tài liệu bạch hoá.
 
Xin cảm ơn nhà văn Vũ Thư Hiên
 

(On the Net)