RFA
4-3-15

Thanh tra “chém” Thủ tướng “che”

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Thanh tra Chính phủ vừa phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc cấp phép đầu tư cho dự án Formosa ở Vũng Áng Hà Tĩnh. Tuy vậy Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý hợp thức hóa, không xét lại việc chính quyền địa phương cố tình nâng thời hạn giấy phép từ 50 năm theo luật định lên 70 năm.

Trái qui định của nhà nước

Dự án Formosa trị giá 15 tỷ USD bao gồm Khu liên hợp gang thép công suất 22 triệu tấn/ năm và Cảng nước sâu Sơn Dương ở Hà Tĩnh được cấp phép từ năm 2008. Năm ngoái thông tin về dự  án Formosa xuất hiện nhiều trên mạng quốc tế là do cuộc biểu tình bạo loạn chống Trung Quốc ngày 14/5 ở khu công nghiệp Vũng Áng. Vụ bạo loạn này gây tổn thất vật chất và thương vong cho một số công nhân Trung Quốc.

Tuy vậy, đối với các chuyên gia Việt Nam thì Formosa là một dự án đầy tranh cãi cả về an ninh quốc phòng lẫn an ninh kinh tế và an ninh môi trường. Tập đoàn Đài Loan được phép sử dụng diện tích 3.300 ha trong vòng 70 năm, bao gồm 2.000 ha trên đất liền và 1.200 ha mặt nước ở phía Nam Vịnh Vũng Áng Hà Tĩnh.

Ngày 3/3/2015 sau phiên họp Chính phủ tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Nên cho báo chí biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý không thay đổi thời hạn giấy phép kéo dài 70 năm của Fomosa, mặc dù tỉnh Hà Tĩnh thực hiện sai pháp luật và Thanh tra Chính phủ đã có kết luận và đề nghị xử lý kể cả điều tra hình sự. Theo Dân Trí Online, tỉnh Hà Tĩnh cho biết chính Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký cho phép địa phương thực hiện việc cấp chứng nhận đầu tư thời hạn 70 năm.

Nhận định về sự kiện vừa nêu, TS Nguyễn Quang A một nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập từ Hà Nội phát biểu:

“Đây là một vấn đề hết sức là nghiêm trọng, bởi vì chính các cơ quan nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật của nhà nước này là những nơi vi phạm pháp luật rất là nghiêm trọng. Việc hợp thức hoá một quyết định trái với qui định của nhà nước thì tôi nghĩ cũng lại là trái pháp luật nữa. Về vấn đề Vũng Áng thì đúng là một chuyện hết sức kỳ quặc. Quyết định này cho thấy có những thế lực thực sự đã bán rẻ theo ý người ta.”

Báo Tuổi Trẻ bản tin trên mạng ngày 2/3/2015 đưa tin Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Riêng đối với dự án Formosa, ngày 21/5/2008 Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu với thời hạn 70 năm. Đúng ra Hà Tĩnh chỉ được cấp phép tối đa 50 năm, còn nhiều hơn thì phải có ý kiến Chính phủ. Ngoài ra Hà Tĩnh còn miễn thuế đất 15 năm và cho thuê 33 triệu m2 vuông đất với giá rẻ chỉ có 80 đồng/m2/năm, tiền thuê mặt nước 10 triệu đồng/km2. Không những vậy Formosa nợ gần 200 tỷ đồng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.

Một hiểm họa khó lường

Khá lâu trước sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, giới nhân sĩ trí thức chuyên gia, cựu tướng lãnh đã cảnh báo trong vô vọng về vấn đề an ninh quốc phòng đối với dự án Formosa ở Vũng Áng Hà Tĩnh. 3.300 ha đất và biển giao đứt cho nước ngoài 70 năm trấn thủ vị trí chiến lược nhạy cảm về an ninh quốc phòng.  Theo đó Vũng Áng Hà Tĩnh đối diện và khá gần đảo Hải Nam của Trung Quốc, nếu có chiến tranh Trung Quốc dễ khống chế vịnh Bắc Bộ cắt đứt hải lộ Bắc Nam. Đó là chưa nói tới sự kiện đường bộ từ Lào qua Hà Tĩnh chỉ tốn vài giờ vận chuyển. Một khu vực 3.300 ha khép kín với cảng biển nước sâu Sơn Dương nằm trong tay Trung Quốc-Đài Loan thật là một hiểm họa khó lường trong tình huống xấu.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từng nói với chúng tôi:

“Hà Tĩnh là cái yết hầu của miền Trung và hơn nữa nó xây dựng thành một thứ căn cứ, ở trong đó phức tạp lắm chứ không phải chỉ đơn giản là chỗ luyện thép đâu. Cho nên tôi cho là những người lãnh đạo chỉ huy các tỉnh chỉ thấy tiền mà không thấy nguy hiểm cho đất nước.”

Sự kiện Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm của Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt đối với dự án khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương, một lần nữa đánh động dư luận về chủ trương trải thảm đỏ mời gọi đầu tư nước ngoài, thu hút nhiều nhà thầu Trung Quốc sang thi công mang theo hàng chục ngàn công nhân người Hoa. Giới phản biện từng cho rằng, các địa phương lạm dụng chủ trương này là lợi bất cập hại. TS Nguyễn Quang A nhận định:

“Dự án Vũng Áng dư luận lên tiếng rất nhiều về chuyện lao động nước ngoài cụ thể là lao động Trung Quốc, đó là những chuyện nổi cộm nhưng theo tôi chưa phải là vấn đề trầm trọng nhất ở đây mà là vấn đề người ta trải thảm đỏ để mời đầu tư nước ngoài mà không cân nhắc những hậu quả của nó. Thí dụ tất cả những dự án mà tốn năng lượng gây ô nhiễm môi trường nhiều, tôi chưa nói đến chuyện an ninh quốc phòng hay an ninh kinh tế, mà vẫn khuyến khích thì đấy là những khuyến khích hết sức nông cạn và nó có thể gây tác hại cho Việt Nam hàng năm bảy chục năm nữa. Bởi vì những hệ quả nó để lại có thể rất khủng khiếp về vấn đề môi trường, về tiêu thụ năng lượng mà tiêu thụ năng lượng cũng dính tới môi trường và không những thế, rất có khả năng người ta trải thảm đỏ thì người ta đồng ý cho những nhà đầu tư nước ngoài được hưởng một giá rẻ nhất định.”

Trong cuộc tiếp xúc với báo chí Hà Nội chiều ngày 3/3 sau phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên từ chối không bình luận về việc tỉnh Hà Tĩnh xác định việc nâng thời hạn dự án Formosa từ 50 năm lên 70 là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Theo lời Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, mặc dù Thủ tướng bảo lưu giấy phép đầu tư dự án Formosa có thời hạn 70 năm, nhưng Thủ tướng thống nhất cơ bản với những kết luận Thanh tra Chính phủ công bố.

Các nhà phản biện độc lập, giới nhân sĩ trí thức cựu tướng lĩnh từng cảnh báo Chính phủ Việt Nam cần lưu tâm nhiều hơn nữa về tính hai mặt của chủ trương trải thảm đỏ mời gọi đầu tư nước ngoài. Một sự sai lầm ngày hôm nay có thể khiến thế hệ con cháu mai sau phải gánh chịu hậu quả.