Những Ngày Chờ Đón Tin Hội Nghị Paris
Trích từ cuốn sách chưa xuất bản
“Nhật ký chiến tranh Hà Nội - Quảng Trị -Hà Nội 1972 – 1975”
Vương Trí Nhàn
1/1/1973
Buổi tối, người đứng lố nhố ven Ba Đình, cả cánh xe đua (dân đi học
nước ngoài về) họp thành một nhóm riêng. Khung cảnh như ở một
sân ga, người ở người đi sắp chia tay cả một lượt.
Người ta dọn dẹp chỗ ngủ ngay ở bãi cỏ. Cái xe đạp lật ngửa
lên làm cọc màn luôn thể. Người ta ngủ như thế ở vườn hoa trước Bộ ngoại
giao. Ở đường Chu Văn An, ven đại sứ quán Tiệp Khắc, ở gần khách sạn
Thống Nhất.
Ở Bách Thảo, thấy mấy đứa trẻ con nhấp nhổm, bên
một miệng cống lớn. Dân cũng tụ tập ngay đấy. Những lời than phiền cất
lên cho đỡ vẻ cô quạnh.
Cậu Tụng:
- Anh bảo ở ta làm sao mà tính lâu dài bây giờ.
Đến nhà nước còn không tính lâu dài được nữa là mình. Như cái cầu Long
Biên kia, chữa làm gì, chữa vài hôm rồi nó đánh lại hỏng... Lắm lúc
nghĩ, nó đánh, thì đánh trúng cho chết đi luôn thể. Kiếp sau làm người
khác, người Mỹ, người Anh. Làm người Việt mình khổ quá.
Anh Bản:
-- Các ông ấy bây giờ đã lấy được nước, lại làm được bao
nhiêu việc nữa. Cái xã hội bây giờ hơn xã hội ngày trước chứ. Làm gì có
đĩ bợm, cờ bạc. Cho nên các ông ấy muốn làm gì dân cũng phải chịu. Dân
khi cần còn phải ở với cả giặc chứ gì nữa?... Chứ còn, chú xem, người ta
chết như thế, lại còn mang loa đến mà hát, thì người ta nghe, người ta
có chịu được không.
Chị Yên:
-- Một bên thì bảo đánh đến không còn một người. Một
bên thì bảo còn một người cũng đánh. Thế là hòa.
4/1
Phút tần ngần của tôi, khi đứng trước đống đồ đạc. Tôi không muốn đi sơ
tán. Tôi không muốn mất mát gì cả. Tôi không muốn chia tay cuộc sống hôm
qua của mình.
Có một lúc nào đó, nghĩ về một cái gì đó, như là nhịp điệu
của Hà Nội.
Tôi nghĩ đến những phố xá như Hàng Chiếu Hàng Buồm. Người
đứng đầy bên cống rãnh bẩn thỉu, người đứng nghênh ngang như là ở giữa
căn nhà nát của mình, người đi lúc nhúc đến nỗi, giá có thể đạp lên đầu
nhau, cũng vẫn tiếp tục bước đi cho bằng được.
Tôi nghĩ đến cái nhịp điệu của xe bò. Xe bò qua phố Lý Nam Đế
chúng tôi sớm chiều, cái tiếng móng gõ trên đường nhựa không dứt trong
thời gian, và nhìn ra, dòng xe không dứt trong đường phố không gian.
Gì thì không có, nhưng cái nhiều thì ở Việt Nam này quá rõ. Nhiều người,
nhiều việc, nhiều rác, nhiều đói khổ. Lấy tất cả những cái đó, để thay
cho tiến bộ, trí tuệ, khoa học và kỹ thuật.
Tiếng bánh xe đạp lép nhép trên bùn. Bánh tàu điện cũ theo
đúng vòng quay đến chỗ hỏng lại rầm một tiếng khẽ tạo thành những tiếng
đệm đều đều. Và tất cả những cái đó làm nên nhịp điệu của Hà Nội.
9/1
Sau một ít ngày ngừng bắn, ở bên kia, ông Lê Đức
Thọ và Kissinger vào họp.
Nhị Ca: Ông Hữu Mai thì luôn luôn chủ quan (Mỹ
nó chịu rồi) ông Khải thì luôn luôn bi quan (ta cũng chịu rồi). Tôi thì
tôi khách quan, tôi thấy cũng chả biết đâu mà tính được.
Xuân Sách: đúng là hai thằng điên đánh nhau.
Khải: Nhìn lên ảnh, thấy các cụ đi thăm dân mà
đoán tình hình. Cứ cười cười như thế, trong bụng lại không lo sốt vó ấy
à. Mọi khi đánh xong, nó bảo hòa bình, mình trong bụng đã thích lắm,
nhưng cứ chửi vung tàn tán lên. Bây giờ đánh xong, nó bảo nó sẽ đánh
nữa, thế là mình lại sợ.
...Ông nào cũng cứ bảo mùa khô nữa, mùa khô nữa.
Nhưng mùa khô nữa thì lấy đâu ra lực mà đánh. Phen này rồi xem.
Nhị Ca: Có thể nó đánh cho một cú quỵ hẳn, rồi nó
rút đi, để lại cho thằng Thiệu. Vấn đề tù binh chỉ là chuyện chính trị.
Khải: Rồi mình lại thò ra từ đống gạch vụn mà đánh đến cùng
chắc? Tôi cho phen này mình mà hỏng, thì tức là đi tong cả một sự
nghiệp. Còn nặng hơn cái ông Indonesia nữa.
Nhị Ca: Ngay từ những năm 64-65, tôi đã linh cảm thấy
mọi thứ. Cái lần nghe ông Nguyễn Chí Thanh nói rằng chiến tranh là thử
thách của một chế độ, với lại Đảng luôn cân nhắc kỹ... tôi đã hơi sợ.
Đến năm 1969, nghe nói mình vỡ hết cơ sở, thì tôi càng thấy linh cảm của
mình là có lý.
Khải: Mình lại đang nói đây là thắng lợi có tính chiến
lược. Lắm thứ lắm cơ.
Nhị Ca: Toàn là quân sự vị quân sự, chứ không thì là quân sự
vị nhân sinh.
Khải: Hay là nghe nói các ông ấy thí nghiệm vũ khí mới,
tôi lại nhớ đến phát xít Đức. Trước lúc đáng chết, nó còn hy vọng ở vũ
khí mới ghê lắm.
Không hiểu sao, dạo này, tôi toàn đi húc vào những chuyện
phát xít Đức trước lúc đầu hàng -- có nhiều chuyện thấy y như mình!
Nhị Ca: Thì hôm xem phim Quân phiệt cũng thế. Các tin
tức đánh về chỉ nói toàn thắng, trong khi thật ra, các tướng đã
đầu hàng mẹ cả rồi.
Khải: Phim Chủ nghĩa phát xít thông thường mới
ghê. Tôi nhớ cái đoạn cuối Hitler ra động viên những thằng lính trẻ con
thì kinh thật.
Thế mà hồi trước, bọn trẻ ấy đã từng lăn xả vào, cốt để có
thể đứng gần phuy-rê hơn. Cả những người đàn bà. Người ta không
thể biết rằng 10 năm sau, người ta sẽ sống nỗi cay đắng của nước Đức
thất trận. Một học thuyết đã được chuẩn bị từ những việc rất vớ vẩn. Thế
mới gọi là chủ nghĩa phát xít thông thường...
Nhàn: Lúc trước, nó cũng còn hay nói quyền lợi vật chất để
lừa dân Đức?
Khải: Không, chủ yếu, nó nói về những chuyện tinh thần chứ.
Năm ngoái, cái lần tôi đang ở đường 9, đọc tờ báo, thấy thanh niên đốt
đuốc, tôi cũng thấy kinh như vậy....
Từ những năm trước 1964, xem cái anh Chủ nghĩa phát xít thông thường
này nhiều người đã thấy buồn cười. Ví như lúc vào một viện bảo tàng.
Vào ngay cửa, đã thấy ông Hitler. Đến hàng chục ảnh Hitler, ngang có,
ngửa có. Thế là mọi người cười ồ cả lên. Phải cái ông đạo diễn M. Romm,
ông ấy đã sống trong những năm Stalin, ông ấy mới đủ tưởng tượng để làm
bộ phim ấy.
E.
Kennedy: Bao giờ để chúng ta có thể khỏi làm tù binh trong cuộc chiến
tranh này?
15/1
Trong những ngày
căng thẳng này, tôi cảm thấy lý trí như là bất lực không thể nào hiểu
được các sự kiện, và cắt nghĩa nó đến cùng.
Nhưng lại có thể thấy bất ngờ khi những người dân thường hiểu
nó bằng bản năng.
Niệm kể bà mẹ của Niệm đi sơ tán, nói chuyện với chị chủ nhà hàng hai
giờ liền.
- Này, chị ấy nói thế này mà đúng, bà kể -- Bây giờ mà giặc
cỏ nổi lên, thì vợ con bộ đội, với những gia đình cán bộ lại khổ.
16/1
Tuy chỉ là một "thằng nhóc" tôi lại được dự vào một sự
biết trước. Hình như hòa bình đang được người ta nâng nâng trên tay,
đánh giá: ờ, thế này thì vừa. Được, được...
- Có tiến bộ bất ngờ trong cuộc hội đàm.
- Hai bên đã bàn luận một cách nghiêm chỉnh (Mỹ cũng cho là
nghiêm chỉnh).
Và cũng vào ngày thứ hai, một buổi trưa thứ hai, người ta xì
xào: Ngừng bắn toàn miền Bắc.
Hòa bình là gì vậy? Hòa bình là một điều tối thiểu cho sự
phát triển cuộc sống một cách bình thường. Hòa bình là ánh sáng ban ngày
bình dị.
Nhưng mà không hiểu sao, tôi lại bắt đầu buồn ngay được. Tôi
dự cảm rằng những ngày sắp tới, người ta sẽ buồn.
Nguyễn Minh Châu: Tương lai vẫn là vô định. Quá
khứ không được đánh giá một cách rõ ràng thì lấy đâu mà tính được tương
lai.
Đêm đầu tiên nghe tin chắc chắn sẽ hòa bình
(15/1), tôi và Tính ngồi uống rượu -- chúng tôi kiểm điểm những ngày hôm
qua.
Ngày mai, công việc ngổn ngang. Một thằng thanh niên trí
thức như tôi, một thằng có ý chí và ham muốn như Tính, cả hai cùng
thấy là bé nhỏ quá đi.
Riêng tôi, tôi vốn là một người cả lo. Sao tôi cứ lo những
thảm họa sắp tới. Cái điều có thể chắc chắn, như Nguyễn Khải nói, những
bi kịch cá nhân vẫn còn. Biết những bi kịch đó sẽ rơi vào đầu ai.
Tác
giả gửi cho viet-studies ngày 13-1-23
|