Trích từ cuốn sách chưa xuất bản
“Nhật ký chiến tranh Hà Nội - Quảng Trị -Hà Nội 1972 – 1975”
3/2/73 (30 tháng chạp Nhâm Tí)
... Chính vì muốn giải phóng khỏi tất cả những cái đó, tôi lánh đi, tôi
quằn quại tìm cách đi. Lấy danh nghĩa phóng viên, tôi xin theo một
chuyến xe lửa Hà Nội vào Vinh.
Đêm 30. Tôi đi để sống với những người khác, hay là để trốn chạy khỏi
nỗi chán chường cá nhân-- hai cái đó thật khó phân biệt.
Người từ ga Hà Nội đi, lúc đầu tưởng độ 100, sau 700-800, 1000. Toàn là
cán bộ nhà nước, với quá nhiều xe đạp.
Sau những đớn đau tê dại, tưởng như cuộc sống đã mất những thiêng liêng.
Nhưng trong những ngày giờ như lúc này vẫn là những náo nức hy vọng.
Đêm nay, tôi sống giữa những người không quen biết, bởi chỉ có một chỗ
giống họ là xa nhà. Nhưng cái chính là một không khí khác. Tôi được sống
trên một cái gì đang đi. Giữa đêm đen, tôi sống biệt lập trong một vùng
ánh sáng xa lạ.
Đến Nam Định thì giao thừa. Lòng tôi mơ theo lửa đỏ -- pháo hoa Hà Nội.
Trong khi đó thì ở đây chỉ có những quả pháo nổ lẹt đẹt.
Ở một làng nào, lửa đỏ như vệt B52 trong đêm. Hay ai đó vui quá cho bắn
pháo? Người ta nói chuyện gì lúc giao thừa, lúc vui?
Trên cái toa xe phần lớn bộ đội này, người ta lại nói chuyện chiến
thắng. Nói tới tình thế. Nó chịu ta rồi. Nó sẽ cho ta mấy tỉ mỹ kim...
Nhưng khi tôi hỏi mỗi người sang năm anh định làm gì, sang năm anh có kế
hoạch gì -- thì không ai trả lời cả. Cũng như bom Mỹ đánh hôm trước, hôm
sau trên báo có thơ ngay, còn khi tuyên bố hoà bình rồi, chả thấy ai hé
răng gì cả.
- Hôm địch đánh 18, anh ở đâu?
Tôi hỏi câu đó với nhiều người. Ít ai có cái ấn tượng kinh khủng như
tôi tưởng.
Trong khi đó, ngay chiều ba mươi trên tàu điện ở Hà Nội, một người đàn
bà nói với tôi:
- Làng tôi may quá, chỉ chết có 4 người. Chẳng phải nói chứ chính là nhờ
làng tôi làm hầm Cồn Cỏ. Thành ra cũng đỡ được nhiều lắm. Những làng
khác, hầm đào nổi quây quây mấy hòn gạch, chết vô khối. Gớm hôm nó đánh
xong, tưởng tất cả chết, chỉ mình mình còn sống. Sau thấy cũng còn nhiều
người còn sống như mình.
Có một cái gì đấy, như là bất mãn, nảy sinh trong lòng tôi. Bất mãn
trước một thực tế già cỗi, trì trệ của đất nước.
Thời đại vừa có gì rộng quá, đến nỗi chúng tôi không hiểu hết được. Lại
vừa như là chật quá, vớ vẩn quá, có nhiều chuyện, tôi nghe mãi phát
chán.
Tôi vốn không tin rằng mọi xã hội có thể xoay chuyển nhanh. Sống trong
xã hội này, càng thấy trì trệ. Vậy mà vẫn thường xuyên bực bội. Gần như
muốn phát khóc vì tốc độ chậm rề chậm rệt của chung quanh. Nhớ có lần
ngồi trên gác Câu Lạc Bộ Ba Đình nghe nói chuyện, nhìn xuống phía quảng
trường, thấy những bóng người đạp xe qua lại lơ thơ. Như từ thế kỷ nào
xa lắm hồi vọng lại. Vậy mà chốc nữa, giá tôi đi xuống đó, thì cũng lại
tự nhiên y như mọi người khác, cắm cổ đạp vội.
Một ý của Nguyễn Khải (nhân bàn về tình trạng sau chiến tranh mọi người
ít nghe đài):
-- Người ta chóng quên ghê lắm. Càng chóng quên là những việc không dây
dưa gì đến người ta. Như mình, mình cũng chỉ chú ý tới họ khi chiến
tranh, còn bây giờ hoà bình, ai làm gì thì làm, mình biết đâu? Cho nên,
mình mới phải nghĩ và nghĩ ngay về cái chuyện thế giới quan tâm đến Việt
Nam. Mà quan tâm hơi lâu. Đúng là nó có dính gì đó đến họ, dính về mặt
trí tuệ đấy.
Những năm chiến tranh, nhiều dân tộc chia sẻ với chúng ta chống Mỹ với ý
nghĩa là dân tộc Việt Nam phải có quyền quyết định lấy vận mệnh của
mình.
Nghe thế chúng ta thấy lòng ấm áp.
Nhưng sau đó rồi thì chúng tôi cảm thấy bơ vơ. Điều mà họ nghĩ, với điều
mà chúng tôi nghĩ, là có khác. Họ chờ đợi thấy một Việt Nam khác nhưng
chúng tôi lại không có cái điều mà họ đang mong.
Thường thì đôi lúc, tôi cứ kinh sợ vì những đứa trẻ. Nó là biểu hiện sức
sống của nhân dân này một cách rõ rệt hơn. Biểu hiện rằng dân tộc này
không chết.
Nhưng có chắc rồi có một sự sống thật sự, một sự sống ở trình độ cao?
Hay đó chỉ là biểu hiện sự sống của một cái gì đang chết sẽ chết.
Như một cá nhân, bao người đã chết để xã hội chết theo?
Những bậc thầy về công việc vá víu - người ta nói về Việt Nam là vậy.
Giá anh bảo một người Việt Nam rằng anh phải sống nghèo hơn, khổ hơn,
anh không được đi đâu làm gì cả, anh sẽ rên xiết trong anh điều lạc
hậu... thì người Việt Nam kia sẵn sàng gật đầu. Tôi không chết. Tôi vẫn
sống. Và tôi còn sinh đẻ nữa. Thế là đủ.
Nhưng bảo rằng anh phải làm ăn cho khá hơn, anh phải bớt sinh đẻ đi, anh
phải nâng cao cuộc sống anh hiện nay -- thì người Việt Nam kia cảm thấy
rất mực khó khăn.
4/2/73
Vẫn trên chuyến tàu mồng một tết Quý Sửu. Ga Nam Định, Thanh Hoá 1500
khách. Ga Vinh - 2000 khách. Hành khách trung bình chờ 30-38 giờ.
Hành khách lịch sự nhất là khách Hà Nội Hải Phòng.
Hành khách khó tính xấu tính nhất là khách mấy tỉnh phía nam, Thanh Hóa,
Vinh, những vùng chiến sự. Lên tầu, tìm ăn ăn xong, rải ni lông ra sàn
ngủ.
Ninh Bình - thành phố của núi đá và những công trình của con người, ngay
trên một miền đất phẳng.
Núi rất nhọn, sông rất xanh, và cỏ rất cằn, đất rất rộng, đó là Ninh
Bình. Những đoạn đường bụi đỏ hai bờ cây lá. Nông trường Đồng Giao nhà
chỉ còn tường, nhiều đoạn đường mòn đi qua nền nhà.
Ngày tết thành phố chen chúc khác thường. Còn như ở đây, buổi sáng mùng
một im lìm. Thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe com măng ca hoặc một
chiếc xe đạp.
Những người lớn đâu cả, chắc đang chè chén, bàn việc với nhau trong nhà.
Chỉ có đám trẻ con chạy ra đường. Trẻ con từng đám, đứng chen chúc đầu
ngã tư. Hàng chục đứa, cùng một màu áo xanh trứng sáo. Chúng nó không
hết ngạc nhiên trước những đoàn tàu đi qua. Chúng nó băm bổ chạy dọc con
đường sắt:
- Chúng mày được nghỉ học mấy ngày?
- Được nghỉ đến mùng 3 thôi. Giá kể đến mùng 4, mùng 5 thì thích.
...
- Lớn lên chúng mày đi bộ đội nhớ
- Vâng. Vâng... Thích lắm.
Hàm Rồng. Lại những khung cảnh chiến tranh. Một địa thế rộng. Lèn đá vệt
bom đã cũ, lẽ ra, con đường bò ra, đường đầy bụi. Những chiếc xe tải vập
vạp, lúc lẫn vào đoạn đường bụi đỏ, lúc lẫn vào đoạn đường bụi trắng.
Mờ sáng, đoàn xe tải chở phà bật đèn đi.
Càng sáng, càng nhiều xe.
Chỉ có những đoàn xe là gợi cảm giác đông vui. Khung cảnh khu vực nhà
máy điện cũ nát như sống lại. Hố bom, cái thì cỏ lên xanh, cái thì còn
đỏ miệng. Dáng người đi, lẫn vào trong đường xá trời đất. Mấy người đàn
bà đi cắt cỏ. Cỏ dại. Người bây giờ cũng như là một giống cây dại. Ở
thành phố, người nhiều, người lúc nhúc. Thành phố nghĩa là nơi đâu người
ta cũng thấy dấu vết của con người, những vạt cỏ, những ánh đèn, bóng
nhà cao. Vậy mà ở những quãng sông nước này, thiên nhiên khắc nghiệt và
hoang vu quá. Hoang vu đến mức những mái nhà bị bỏ quên cũng trở nên
ngất nghểu. Dấu vết con người sao quá nhạt nhòa.
Có lẽ vấn đề trung tâm mà tôi muốn để tâm nghĩ trong những ngày tới - bộ
mặt của một đất nước sau chiến tranh. Những di luỵ của bom rơi máu đổ
trong đời sống và trong tâm lý mỗi con người trong xã hội.
Hoà bình có một nghĩa chung với tất cả mọi miền. Nhưng với mỗi vùng
miền, hoà bình lại có một nghĩa khác. Đối với Khu 4, hoà bình có nghĩa
là một cuộc sống trở lại trên mặt đất.
Những cụm ga những đoạn cầu, nó như là nơi đối mặt của hai phía chiến
tranh và hòa bình.
Ngổn ngang, không bao giờ mặt đất hết ngổn ngang. Những gì tàn phá chưa
chịu lẩn đi mà còn chềnh ềnh đó. Nhưng một cái gì chủ yếu nhất -- sức
hoạt động -- thì đang tự nó làm nên ấn tượng một sự thay đổi. Sự tình là
cái sống phải lấn cái chết từng bước một. Phải gạt cái tàn phá sang một
bên để mà gắng gượng đi lên. Tác giả gửi cho viet-studies ngày 13-1-23 |