ẢNH HƯỞNG CỦA DỊCH CÚM GIA CẦM
ĐỐI VỚI KINH TẾ VIỆT NAM

Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
(16-2-2004)

 

Cho đến ngày hôm nay, rất giống như dịch SARS, dịch cúm gia cầm H5N1 có ảnh hưởng tương đối hạn chế xét về số ca người nhiễm bệnh và các trường hợp tử vong (xem Bảng 1). Tuy nhiên dịch cúm gia cầm khác dịch SARS ở chỗ dịch SARS được khống chế trong từng khu vực địa lý và tất cả các trường hợp tử vong đều có liên quan tới ca nhiễm bệnh đầu tiên. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm đang lan rộng rất nhanh. Ở thời điểm hiện tại, rất khó có thể đánh giá tác động của dịch cúm đối với nền kinh tế.  Tài liệu này thống kê sơ bộ về ảnh hưởng kinh tế của dịch cúm gia cầm với giả định là dịch sẽ không trở thành đại dịch. Cho đến nay, tất cả những người nhiễm cúm gia cầm đều có tiếp xúc gần gũi với gà bệnh.  Mặc dù lây nhiễm từ người sang người không thể loại trừ, ở thời điểm này chưa thể xác nhận. Trong trường hợp lây nhiễm từ người sang người kéo dài, hậu quả về kinh tế có thể lớn hơn nhiều, cả về mặt kinh tế cũng như tính mạng con người.

 

Bảng 1: Nhiễm cúm gia cầm ở người

Quốc gia

Tổng số ca nhiễm

Số ca tử vong

Thái Lan

5

5

Việt Nam

19

14

Tổng

24

19

Nguồn: WHO, ngày 11 tháng 2 năm 2004.

 

Xét từ quan điểm kinh tế, dịch cúm gia cầm cũng khác so với dịch SARS. Cho đến nay, dịch cúm gia cầm vẫn là một vấn đề liên quan chủ yếu tới nông thôn và chủ yếu ảnh hưởng các hộ gia đình chăn nuôi và ngành chế biến gia cầm. Trong khi đó, dịch SARS lại ảnh hưởng trực tiếp nhất tới các vùng đô thị, đặc biệt là ngành du lịch. Do vậy, hậu quả của hai đợt dịch này có thể rất khác nhau. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm có thể mang một số đặc điểm của dịch SARS nếu như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra một cảnh báo về du lịch hoặc trường hợp khách du lịch và các thương gia tự huỷ bỏ các chuyến đi.

 

Giá trị gia tăng ước tính trong các trại chăn nuôi gà trong năm 2003 là 0,6% GDP, tương đương 232 triệu USD một năm. Điều này có nghĩa là nếu như việc chăn nuôi và tiêu thụ gia cầm bị ngừng hoàn toàn trong 6 tháng thì thiệt hại về thu nhập có thể lên tới 0,3 % GDP, tương đương 116 triệu USD. Đây là cách ước tính cao hơn vì nó không tính tới các ảnh hưởng thay thế trong sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn như, người nông dân có thể dành nghiều thời gian và nguồn lực hơn cho việc nuôi lợn nếu như việc chăn nuôi gà không còn đem lại lợi nhuận.

 

Một cách khác để đánh giá ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm đối với ngành chăn nuôi gia cầm là thông qua thiệt hại tiếp sau trong sản xuất. Tính đến ngày 5 tháng 2 năm 2004, Việt Nam đã tiêu huỷ khoảng 15 triệu con gia cầm. Để khống chế dịch cúm, có thể Việt Nam phải tiêu huỷ toàn bộ 250 triệu con gà và các loài gia cầm khác như vịt và chim cút hiện có. Giá bán lẻ một con gà vào khoảng 45 nghìn đồng. Như vậy, giá trị sản xuất bị thiệt hại tính tới nay là 45 triệu USD. Để khống chế dịch, mức thiệt hại có thể ở mức khoảng 650 – 700 triệu USD, tức là tương đương 1,8% GDP của Việt Nam. Ngoài ra còn có các thiệt hại khác như chi phí mua trang thiết bị bảo vệ và y tế cần thiết để kiểm soát dịch và tẩy trùng các khu vực có dịch.

 

Việc phân bổ thiệt hại này trong dân cư phụ thuộc rất nhiều vào chính sách đền bù của chính phủ. Hiện tại, người nuôi gà nhận được 5,000 đồng từ chính phủ cho mỗi con gà bị tiêu huỷ. Một số tỉnh đã sử dụng kinh phí địa phương để tăng mức đền bù. Do vậy, đối với người nông dân, mức thiệt hại ròng phụ thuộc vào nơi họ cư trú. Thông thường, giá một con gà bán tại cổng trang trại dao động từ 5,000 đến 15,000 đồng. Nếu tính trung bình là 10,000 đồng/con (giá phổ biến cho một con gà nặng từ 1 đến 2 kg) thì thiệt hại trên mỗi con gà bị tiêu huỷ là 5,000 đồng. Phần thiệt hại 40,000 đồng còn lại sẽ thuộc về phía người kinh doanh và người dân nói chung thông qua thu thuế. Các số liệu thống kê chi tiết về các hộ gia đình bán gia cầm và trứng trong 5 khu vực dân số, từ nhóm nghèo nhất tới giầu nhất, được nêu trong Bảng 2. Bảng này cũng cho biết thu nhập trung bình từ gia cầm trong mỗi khu vực dân số chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong chi tiêu trung bình của hộ gia đình. Tuy nhiên, các con số ước tính này giả định rằng thu nhập từ các nguồn khác là không đổi. Dịch cúm gia cầm đã làm tăng mạnh giá thịt lợn và thịt bò trong thời gian qua.

 

Bảng 2: Thu nhập từ gia cầm và trứng của hộ gia đình

 

Khu vực dân số (căn cứ vào chi tiêu trên đầu người)

 

Nghèo nhất

Mức 2

Trung bình

Mức 4

Giàu nhất

 Các hộ gia đình bán gia cầm (tính bằng %)

68,3

63,5

59,5

43,8

15,7

 Các hộ gia đình bán trứng (tính bằng %)

49,5

44,6

39,7

29,9

10,2

 Thu nhập từ gia cầm và trứng

 (tính bằng % trong chi tiêu của hộ gia đình)

7,1

5,8

6,7

5,2

1,7

Nguồn:   Số liệu lấy từ Điều tra Mức sống của Hộ gia đình Việt Nam năm 2002 của Tổng cục Thống kê.

 

Hơn nữa, các ảnh hưởng kiểu như của dịch SARS cũng có thể xẩy ra nếu du lịch quốc tế bị rối loạn. ảnh hưởng bổ sung này trước hết tác động tới ngành du lịch. Cho tới nay, ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm đối với lượng khách quốc tế tới Việt nam là rất hạn chế. Tuy nhiên, một số công ty du lịch đã thông báo có sự giảm sút khoảng 20% lượng khách đặt chỗ.

 

Năm 2003 có 2,4 triệu lượt khách du lịch và thương nhân nước ngoài tới Việt Nam. Từ năm 2001đến năm 2002, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khoảng 12%. Nếu năm nay số khách quốc tế đến Việt Nam giảm 20% trong khoảng thời gian 3 tháng và sau đó lại lấy lại được xu hướng tăng trưởng trong quý trước đó thì tổng số khách du lịch và thương nhân tới Việt Nam sẽ giảm 5% trong năm 2004. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó còn có thể lớn hơn. Nếu như ảnh hưởng tới du lịch quốc tế xẩy ra như trong dịch SARS thì số khách quốc tế đến Việt Nam có thể giảm 8% và GPD thực sẽ giảm 0.6%.

 

Hậu quả cộng gộp của dịch cúm đối với giá trị gia tăng của ngành gia cầm và ngành du lịch được thể hiện trong Bảng 3, dựa trên 3 viễn cảnh. Ở viễn cảnh thư nhất (Lạc quan), dịch cúm sẽ nhanh chóng kết thúc mà không cần phải tiêu huỷ hàng loạt gia cầm và không làm ảnh hưởng tới lượng khách quốc tế. Ở viễn cảnh thứ 2 (Dung hoà), dịch cúm được khống chế tương đối nhanh và tổng thiệt hại về đầu ra tương đương khoảng 3 tháng, trong khi đó du lịch quốc tế giảm khoảng 5% so với năm trước. Trong viễn cảnh thứ 3 (Bi quan), mức thiệt hại từ gia cầm là tương đương 6 tháng, còn ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch tương đương như ảnh hưởng của dịch SARS.

 

Bảng 3: ảnh hưởng kinh tế ước tính của dịch cúm gia cầm

Thiệt hại (% GDP)

Viễn cảnh

Lạc quan

Dung hoà

Bi quan

 Ngành gia cầm

0,15 %

0,15 %

0,3 %

 Ngành du lịch

0,0 %

0,4 %

0,6 %

 Tổng

0,15 %

0,55 %

0,9 %

 

 

Các con số trong Bảng 3 chỉ thể hiện thiệt hại về GDP. Như trên đã nói, việc tiêu huỷ toàn bộ gia cầm sẽ gây thiệt hại về sản xuất bằng 1,8% GDP của Việt Nam. Mức thiệt hại như vậy về vốn nhiều gấp 6 lần GDP của ngành gia cầm trong viễn cảnh bi quan và nhiều gấp 2 lần thiệt hại về GDP cho cả nền kinh tế nói chung.

 

Nói tóm lại, chừng nào dịch cúm gà chưa xảy ra lây nhiễm từ người sang người kéo dài, toàn bộ ảnh hưởng tới nền kinh tế sẽ thấp hơn 1% GDP, một mức có thể quản lý được. Tuy nhiên, ảnh hưởng có thể tăng hoặc giảm phụ thuộc vào việc liệu dịch cúm gia cầm có được khống chế sớm hay đòi hỏi phải tiêu huỷ toàn bộ gia cầm và do vậy làm ảnh hường nghiêm trọng tới lượng khách du lịch quốc tế. Khoảng cách giữa viễn cảnh Lạc quan và Bi quan thể hiện tầm quan trọng của các biện pháp quyết đoán trong thời điểm hiện nay. Hơn nữa, dịch cúm gia cầm dường như ảnh hưởng tới người nghèo nhiều hơn so với dịch SARS. Các chính sách đền bù thoả đáng cho việc tiêu huỷ gia cầm cũng là yếu tố quan trọng để làm dịu bớt ảnh hưởng về mặt xã hội.