BBC 23-9-13Ý nghĩa của Diễn đàn Xã hội Dân sựPhạm Chí Dũng Gửi cho BBC từ Sài Gòn Lần đầu tiên ở Việt Nam hình thành một diễn đàn chính thức, công khai và có tầm cỡ về chủ đề hoạt động dân sự được biết trước mắt với tên gọi “Diễn đàn Xã hội Dân sự”. Nhóm khởi xướng Diễn đàn Xã hội Dân sự vẫn là những trí thức phản biện độc lập và quen thuộc như Nguyễn Quang A, Chu Hảo, Lê Đăng Doanh ở Hà Nội và Tương Lai ở Sài Gòn. “Nguy biến”Diễn đàn ra đời sau khi “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị” được phổ biến vào đúng ngày “Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…” vang vọng thúc giục vào tháng 9 năm 1945. Gần bảy chục năm sau “Ngày hăm ba”, “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị” được căn cứ vào điều 69 của Hiến pháp Việt Nam về các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình, và dựa theo Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước Việt Nam đã ký tham gia ngày 24/9 năm 1982. Gần giống như tình hình nguy cấp của Tổ quốc vào năm 1945, thời gian gần đây đã nổi lên một số tính từ rất đáng lưu tâm đối với hiện tình dân tộc: “nguy kịch” được dư luận và công luận đề cập đến thực trạng nền kinh tế, “nguy hại” được dùng để chỉ các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu và “nguy hiểm” đối với những dấu hiệu ban đầu của hỗn loạn xã hội, hay “tồn vong chế độ” do chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm thán trong Hội nghị trung ương 6 và được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần từ đó đến nay. Tuy nhiên, đã phát sinh một khoảng cách đậm nét về quan niệm “nguy biến” giữa nhóm lãnh đạo theo đường lối “kiên định” với những nhà dân chủ. Nếu nguyên nhân chủ yếu khiến nền chính trị có thể “suy vong” - theo Tổng bí thư Trọng - là tệ nạn tham nhũng và các nhóm lợi ích, thì với các nhà phản biện độc lập, nguồn gốc tiến bộ xã hội bị triệt tiêu chính là điều 4 Hiến pháp về chế độ một đảng. Có lẽ đó cũng là nguồn cơn để diễn đàn "trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa” - như ý tưởng chính của bản “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị”. “Tai họa”Vào đầu năm 2013, lần đầu tiên trong xã hội toàn trị ở Việt Nam, chủ đề chính trị đã được phản biện một cách can đảm và sâu sắc bởi quyền dân sự của các công dân, thông qua văn bản có tiêu đề “Kiến nghị 72” yêu cầu hủy bỏ điều 4 Hiến pháp, cũng như đề nghị ban hành và thực thi nhanh chóng các văn bản luật về lập hội, biểu tình, trưng cầu dân ý… Bản kiến nghị này, ngoài việc gửi đến một số cơ quan nhà nước, đã được công bố trên mạng và thu hút hàng chục ngàn chữ ký đồng tình. Có thể cho rằng, “Kiến nghị 72” là dấu ấn mở đầu cho hoạt động xã hội dân sự lần đầu tiên được công khai hóa ở Việt Nam. Tiếp sau văn bản chưa có từng có này, đã diễn ra hàng loạt sự kiện đối ngoại như lần đầu tiên Tổ chức Ân xá quốc tế đặt chân đến Việt Nam vào tháng 2/2013, tái lập cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ vào tháng 4/2013, cuộc gặp Trương Tấn Sang – Obama tại Washington vào tháng 7/2013, đối thoại nhân quyền giữa Cộng đồng châu Âu với Hà Nội vào tháng 9/2013, cùng những sự kiện đối nội khá dồn dập như vụ xét xử Đoàn Văn Vươn, thả Nguyễn Phương Uyên, phong trào 258 của các blogger trẻ và “hiện tượng Lê Hiếu đằng” với lời kêu gọi lập Đảng Dân chủ Xã hội. Xã hội Việt Nam cũng đang chứng kiến hàng loạt điểm bùng phát từ lòng dân như cuộc xung đột giữa giáo dân Mỹ Yên, Nghệ An với lực lượng công an địa phương, và gần đây nhất là đỉnh điểm của phẫn uất liên quan đến thu hồi đất khi Đặng Ngọc Viết bắn cán bộ nhà nước ở tỉnh Thái Bình. “Chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền tôn trọng quyền bày tỏ quan điểm của công dân, thẳng thắn tranh luận và đối thoại, từ bỏ cách đối xử không công bằng, không minh bạch và không đường hoàng như đã và đang áp dụng đối với những kiến nghị sửa đổi Hiến pháp và những tiếng nói đòi dân chủ khác với quan điểm của nhà cầm quyền," 'Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị' viết. "Ý kiến khác nhau cần được tranh luận thẳng thắn để tìm chân lý; còn dựa vào quyền lực để cản trở việc công bố, không đối thoại mà chỉ đơn phương phê phán, quy kết, thậm chí dùng nhiều cách ngăn cấm và trấn áp thì không những vi hiến và trái với Công ước quốc tế mà còn không đúng với tư cách chính đáng của một nhà cầm quyền.” Bản tuyên bố trên cũng đề cập đến việc nếu Hiến pháp sửa đổi vẫn duy trì thể chế toàn trị được thông qua và ban hành chính thức thì các thách thức mà đất nước và dân tộc đang đối mặt càng thêm nghiêm trọng dẫn tới hệ quả khôn lường, dân càng thất vọng và bất bình, uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế càng giảm sút, và đó thật sự là tai họa cho đất nước mà trách nhiệm thuộc về giới cầm quyền. Đồng nguyênNếu ít bị quấy nhiễu và diễn ra suôn sẻ, Diễn đàn Xã hội Dân sự sẽ mang ý nghĩa của một phong trào dân sự đầu tiên có tính tập hợp và được định hướng phản biện trên diện rộng, đại diện cho một số khá đông trí thức và sinh viên ở Việt Nam. Với diễn đàn này, người đọc sẽ có cơ hội thú vị để quan sát và trải nghiệm về cuộc đấu tranh tư tưởng giữa các nhà trí thức độc lập không bổng lộc với giới tuyên giáo cùng các dư luận viên được bao cấp bởi tiền đóng thuế của dân. Dư luận nhân dân và có lẽ cả báo chí nhà nước cũng có dịp để đánh giá về tuổi thọ của một nền tuyên giáo một chiều, ngày càng bị xem là đi ngược lại xu thế dân chủ trên thế giới và hầu như không hòa hợp với tiếng lòng của dân chúng, đặc biệt không thể hoặc không muốn thích nghi với nỗi bức xúc của người nghèo. Hiện tình xã hội và nền chính trị Việt Nam lại đang có quá nhiều vấn đề để bàn luận. Ngay sau vụ việc Đặng Ngọc Viết, các đại biểu quốc hội phải một lần nữa xem xét lại hiện thực bất công của chủ trương thu hồi đất đối với các dự án kinh tế - xã hội trong lúc mối quan hệ giữa chính quyền và Công giáo chưa hề được cải thiện nếu không muốn nói đang có chiều hướng xấu hơn. Xã hội dân sự sinh ra chính để giải tỏa những khúc mắc và xung đột trong lòng xã hội, giữa công dân với chính quyền và có thể cả ngược lại. Sự tác động không mệt mỏi của xã hội dân sự vào các chính phủ trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 đã cho thấy Nhà nước Việt Nam, dù vẫn mang trên mình trách nhiệm độc đảng nhọc nhằn, không thể là một ngoại lệ. Ngoại lệ ấy càng có ý nghĩa đối với những giá trị thiết thân về quyền lợi và vị thế chính trị của giới quan chức, nếu nhìn vào những dấu hiệu cụ thể đầy bất an trong các vụ xung đột đất đai, đình công, môi trường, bạo hành công an… nhan nhản khắp nơi và đang khiến nảy sinh xu hướng bạo động hóa tự phát trong dân chúng. Hiển nhiên, nếu biết khơi dậy sự đồng nguyên của nông dân, công nhân và trí thức đối với những vụ việc có tính thiết thân với đời sống dân sinh, đoàn kết được khối trí thức và sinh viên, thu hút được các trí thức đảng viên, gắn kết sâu sắc với các tổ chức dân chủ, nhân quyền và lao động quốc tế, xã hội dân sự Việt Nam với tiền thân là những kiến nghị và diễn đàn của nó sẽ có thể giúp người dân phần nào tránh thoát những chính sách bất hợp lý từ phía chính quyền và hành động tiêu cực của các nhóm lợi ích cùng nhóm thân hữu. Trong những tháng tới đây, người dân sẽ nhìn vào Diễn đàn Xã hội Dân sự như một phép thử trong mối tương tác với chính quyền, để xem liệu hoạt động dân sự chính đáng này có được nhà nước chấp nhận hay không. Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, mộ́t nhà báo tự do tại Thành phố Hồ Chí Minh.
|