TRẦN QUỐC HƯƠNG
Nguyễn Thị Ngọc Hải
2.
Bị Pháp bắt năm 1941
Hình như nhiều cán bộ cách mạng Việt Nam có khởi điểm giống nhau: đến
với phong trào, bước đầu tiên khi hoạt động là đến với phong trào học
sinh, thanh niên hoặc công nhân. Mười Hương cũng vậy. Năm 1939 là năm
thoái trào của phong trào Dân chủ, cách mạng gặp khó khăn, Đảng rút vào
bí mật. Đó cũng là thời gian chàng thanh niên Mười Hương đã tham gia
cách mạng được hai năm.
Ông cười khi kể lại vụ “lá cờ.” Vì tiếc lá cờ nên ông bị thực dân Pháp
bắt.
“Đó là vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười
Nga. Hồi đó tôi còn nhỏ, rất ngây thơ. Quen biết nhiều anh trong Hội
Truyền bá quốc ngữ. Chúng tôi không ở trọ nhà ai mà góp tiền mướn một
căn gác ở chợ Hôm, cả mười người sống ở đó. Tôi nhỏ tuổi nhất, còn các
anh là những công chức nhỏ: người làm thư ký, người làm hỏa xa,
cùng hoạt động trong Hội Truyền bá quốc ngữ...”
Hôm đó là vào đầu tháng 11, dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Họ chia
làm hai tổ: một treo cờ, một rải truyền đơn. “Tôi ở tổ treo cờ, cùng một
anh nữa sau này là đại tá, đi tù Côn Đảo 19 năm, tham gia tập kết trở
thành chuyên viên kiến trúc. Sau 1975 về lại Sài Gòn mới mất. Hai chúng
tôi được phân công treo cờ ở đường Phùng Hưng bây giờ. Chỗ đó nay đi qua
tôi vẫn nhớ có cây bàng mọc ở vườn hoa hình tam giác chéo. Anh kia gác
cho tôi trèo lên. Lúc tôi chuẩn bị buộc lá cờ lên thì thấy hai tên mật
thám dắt xe vào vườn hoa. Tôi nhảy đại xuống, nghe cái huỵch! Nó giật
mình né, tôi thừa cơ bỏ chạy. Vì thuộc đường phố Hà Nội nên tôi chạy
thoát: qua phố Hàng Da, luồn vào các ngõ hẻm.
Tôi đem hai cái cờ về thư viện của Thành phố, không biết giấu vào đâu,
bèn đem để bên trên cái thùng nước giật ở cầu tiêu khá cao, không ai với
tới, sau đó đi về nhà. Nằm đọc sách một lúc, thấy tiếc hai lá cờ, tôi
lại đến đó lấy về nhà, bỏ vào trong hòm. Không may, trong tổ đi rải
truyền đơn có người bị bắt khai chỗ ở của cả nhóm. Chúng đến lục soát và
thế là tôi bị bắt.”
Lúc bọn chúng ập vào, chàng thanh niên vẫn đang ngủ. Bọn Pháp lục ra
được hai lá cờ. Nó bắt luôn cả mười anh ở chung. Một điều may mắn hiếm
có đã xảy ra: bắt được người và tang chứng rồi, bọn chúng kéo đi, bỏ sót
một căn buồng quan trọng không lục soát. Đó là “nhà in” đầu tiên vừa
được hình thành với chiếc máy in đặt trong phòng. Nhờ đó mà chiếc máy in
“thế hệ tổ tiên” của nhà in Trần Phú sau này vẫn còn nguyên vẹn và hiện
nay đặt trong Viện Bảo tàng Cách mạng ở Hà Nội.
***
“Lúc đó trong khai sinh tôi chưa tới 15 tuổi, còn nhỏ, đi học trường
Tây. Vì thế khi đưa tôi ra tòa án binh, địch không kết án được. Ông thầy
cãi lúc đó nói: Thằng này sống xa gia đình, không ai trông nom, bị bạn
bè rủ rê chứ không Cộng sản gì đâu. Cùng một thời gian đó, có những anh
hoạt động nổi tiếng như Nguyễn Thọ Chân, Lê Toàn Thư... Các anh bị đưa
ra Côn Đảo hết, chỉ tôi vì còn nhỏ được tha về.” Nhưng dù sao thì người
thiếu niên này cũng đã bị giam cầm, khảo tra. Cùng bị bắt đợt đó có các
anh Thanh niên Cứu quốc như Đỗ Xuân Hạc (em luật sư Đỗ Xuân Sảng),
Luyến, Hợi, Oánh. Họ đã có những bài học đầu đời ở Hỏa Lò, Hà Nội. Những
người Cộng sản nổi tiếng như Nguyễn Thọ Chân, Lê Toàn Thư cho cậu tham
gia nhóm trung kiên học tập rút kinh nghiệm đối phó với địch khi bị đòn
tra, khai thác...
Cũng thời gian này, chàng thiếu niên được những người tù Cộng sản kể cho
nghe về một nhân vật. Câu chuyện về con người ấy có nhiều tình tiết ly
kỳ: một Phó bí thư Xứ ủy đầu hàng khai báo khiến địch đến lùng bắt, song
“người ấy” đã lẹ làng trốn thoát. “Người ấy” là đồng chí Trường Chinh.
Một lần nữa, giặc tìm đến lớp chính trị của Trung ương vây bắt, rọi đèn
pin trúng vào mặt đồng chí Trường Chinh nhưng ông nhanh chân hơn và rồi
được hai ông cháu người dân chài cứu thoát. Người thiếu niên Mười Hương
trong tù được nghe kể chuyện về tình bạn chí cốt giữa hai chiến sĩ cách
mạng nổi tiếng: Nguyễn Đức Cảnh - Trường Chinh. Họ là bạn học dưới một
mái trường, cùng đi hoạt động, cùng bị tù đày và Nguyễn Đức Cảnh sau đó
bị lên máy chém. Số phận đẩy đưa thế nào, sau này vào những ngày đầu
cách mạng, làm công tác bảo vệ Trung ương, ông Mười Hương lúc đó là một
thanh niên trưởng thành, đã gắn bó đời hoạt động của mình với Tổng Bí
thư Trường Chinh rất lâu dài. Nhưng đó là chuyện sau này. Bây giờ, cậu
bé 15 tuổi ấy được ông anh ruột góp sức lo cho ra tù. “Lúc đó bọn chúng
đưa tôi sang bên Sở Mật thám, kêu anh tôi lên làm cam đoan. Tôi nhớ mãi
lời một tên mật thám nói với Chánh mật thám Bắc kỳ Lanéque: “Anh nên
nhớ, Cộng sản ăn sâu vào máu những thằng bé con thế này. Thả ra là nó
lại theo Cộng sản ngay. Anh cứ nhớ lời tôi.”
***
Cậu bé ra tù. Cầm theo lá đơn giới thiệu của nhóm trung kiên trong tù
thông qua hai đồng chí Lê Toàn Thư và Nguyễn Thọ Chân, cậu tìm đến với
lãnh đạo Trung ương.
Vừa ra tù, đầu còn cạo trọc, cậu về Thanh Trì bắt liên lạc với đồng chí
Trường Chinh. Chủ nhà là cơ sở cách mạng, thấy người đầu trọc ở tù ra,
không cho gặp. Cậu phải lên Hà Nội tìm cơ sở cũ qua Hội Truyền bá quốc
ngữ lúc đó tập hợp khá nhiều trí thức lớn.
Ngày ấy, ở Hà Nội có những “pô-pốt” giống như nhà cho thuê, lính Tây
cũng thường thuê để ở những khi làm việc ở sở về. “Lên Hà Nội, tôi ở
pô-pốt trên gác nhà số 6B phố Công sứ Miriben, nay là phố Trần Nhân
Tông, quận Hoàn Kiếm. Chúng tôi ở chung gần một chục người, gồm cả sinh
viên, học sinh. Tôi có may mắn sống với bạn bè tứ xứ. Nơi đây phát triển
mạnh phong trào truyền bá quốc ngữ, ở hướng đạo. Nhiều nhân vật nổi
tiếng đã từng qua đây. Anh Tố Hữu trốn tù ra, quen với một anh, tới đó ở
chờ liên lạc với Trung ương. Anh Nguyễn Tạo, Lê Tất Đắc trốn tù từ Buôn
Mê Thuột cũng về đấy. Tôi quen biết rộng nhờ vậy mà học được, biết được,
giác ngộ sớm hơn lứa tuổi.”
Chính ở môi trường này, anh thanh niên Mười Hương quen nhiều trí thức
lớn. Anh thân quý bộ ba Hoàng Đình Tuất, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Huy Tưởng.
Anh Tưởng người Dục Tú, Đông Anh. Anh Tuất người Nghệ An. Anh Lợi người
Gia Lâm, Hà Nội. Cả ba người bạn thân thiết này đều làm thư ký nhà đoan,
hoạt động cách mạng, đều là những người viết lách giỏi. Cả ba anh là cơ
sở cách mạng trong văn hóa cứu quốc. Anh cũng qua lại những ngôi nhà
nghèo nàn của những nhà văn tên tuổi như Tô Hoài, Nam Cao, Nguyên Hồng,
Nguyễn Công Mỹ - em nhà văn Nguyễn Công Hoan.
“Nguyên Hồng lúc đó khổ lắm. Lúc đó, chẳng có
nhà cửa gì. Nguyên Hồng ở nhờ nhà Nguyễn Huy Tưởng, có cả mẹ, vợ con anh
ấy ở cùng. Thỉnh thoảng mẹ Nguyên Hồng nấu cơm cho chúng tôi ăn. Nam Cao
thì ở nhờ nhà Tô Hoài trên làng Bưởi.” “Từ những mối quan hệ này, tôi
còn có nhiều liên hệ với các nhà văn, nhà trí thức vào dịp Đảng ta cho
ra đời Đề cương văn hóa năm 1943”.
“Ở chỗ trọ, tôi cũng kết bạn với các anh Thôi Hữu, Phạm Triều. Vợ anh
Thôi Hữu là cháu gái nhà cách mạng Tô Hiệu.” “Thôi Hữu - tức Nguyễn Đắc
Giới - là một đồng chí chí cốt của tôi ở Hà Nội. Anh hơn tôi 6 tuổi, đã
tốt nghiệp Thành chung, tham gia phong trào Thanh niên dân chủ trước năm
1940 ở Thanh Hóa, làm thơ và viết văn trên báo Bạn đường, tờ báo duy
nhất lúc đó không bị thực dân Pháp cấm xuất bản sau khi Đại chiến thế
giới hai nổ ra, vì lấy danh nghĩa là báo của tổ chức Hướng đạo. Nhiều
bài viết của Thôi Hữu từ đầu năm 1941 đã được anh Trường Chinh khen
ngợi. Sau khi đỗ Thành chung, Thôi Hữu vào Huế học trường Kỹ nghệ thực
hành, tham gia bãi khóa và hoạt động cách mạng cho nên bị đuổi học. Ở Hà
Nội, trong khi đang đi học ở trường Trung học Puginie, làm vỏ bọc để
hoạt động trong phong trào Thanh niên cứu quốc, đầu năm 1942, tôi đã
quen thân với Thôi Hữu ở pô-pốt 6B phố Công sứ Miriben. Thôi Hữu ra Hà
Nội làm thợ điện chỉ để bắt liên lạc với Trung ương và làm cách mạng.
Cuối năm 1942, khi tôi bị bắt ở trên gác nhà đó thì may Thôi Hữu đang
công tác ở Việt Trì nên thoát nạn. Chính Thôi Hữu cũng được các anh
Trường Chinh và Hoàng Văn Thụ cử lên Tông (Sơn Tây) để bắt mối với Erwin
Borchers (mang bí danh Việt Nam là Chiến Sĩ) một trí thức người Đức,
thạo tiếng Pháp vì trốn tránh phát xít Hitler mà phải đi lính lê dương
cho Pháp và sang Việt Nam. Brochers cầm đầu nhóm chiến sĩ quốc tế chống
phát xít trong Tiểu đoàn 3 Trung đoàn Bộ binh lê dương số 5. Trong khi
hoạt động ở Ban địch vận do anh Trường Chinh trực tiếp phụ trách thì
Thôi Hữu bị địch bắt vào cuối năm 1943.”
“Tôi nghe nói Thôi Hữu bị bắt, không muốn để giặc tra tấn mình nên đã
tìm cách cắt cổ tự sát nhưng không chết. Bọn địch đưa anh vào Bệnh viện
Bạch Mai. Tôi nghe chị Hảo y tá là một cơ sở mật của ta báo, mới biết.
Chị Hảo không biết anh Thôi Hữu, chị bảo tôi: “Bọn mật thám lùng sục dữ
lắm, anh cứ đi lang thang thế này thì nguy hiểm lắm. Có một anh nhà văn
mới bị bắt đã tự tử.” Nhờ chị Hảo nói vậy, tôi mới biết người bạn cùng
trọ với mình, Thôi Hữu, đã lâm vào cảnh gieo neo. Tôi quyết định vận
động chị Hảo bố trí cho tôi lẻn vào thăm một lúc.”
Theo lời chị Hảo thì anh Thôi Hữu tự tử cắt cổ, máu chảy tràn trề. Địch
bắt giam ở một phòng riêng phía sau bệnh viện. Lẻn vào thăm lúc này là
liều lĩnh vô cùng nhưng anh thanh niên đầy nhiệt huyết Mười Hương lúc đó
nhất quyết phải vào với bạn, bất chấp nguy hiểm. “Chúng tôi là bạn thân.
Có lần anh ấy bán cả sách vở cho tôi tiền ăn lúc khốn khó.” Cô Hảo gắt:
“Vào để chết à?”. Nhưng anh Mười Hương bày cách: “Cô cứ nói với anh
Thịnh, người yêu cô, cũng là y tá, chú ý xem giặc nó gác lúc nào, chập
choạng lúc thay ca, tôi tạt vào năm phút thăm một tý thôi.” Theo kế
hoạch này, anh đã vào được nơi Thôi Hữu nằm. “Vào một buổi chiều chị đi
trực, tôi theo vào. Chị giúi cho tôi chiếc áo blu và mũ trắng trùm đầu.
Theo lời chị dặn, đến gần dãy nhà điên, tôi phải nấp ở chỗ vắng. Đến nửa
đêm, nhận được mật hiệu của chị, tôi lẻn vào hành lang. Đi một quãng
ngắn, mấy lần quẹo mới tới cửa buồng giam hẹp, chói ánh đèn. Nhìn qua ô
cửa nhỏ, thấy rõ Thôi Hữu râu ria xồm xoàm, nửa nằm nửa ngồi, mình cởi
trần, đen nhẻm, lằn rõ nhiều thương tích. Nhận ra tôi, Thôi Hữu ứa nước
mắt: Mày vào đây làm gì. Tôi bảo nghe tin không sao đừng dược, chỉ gặp
chốc lát thôi. Thôi Hữu sợ tôi gặp nguy hiểm, cứ đuổi tôi ra.” Tôi đút
vội cho anh ít tiền và bánh mì, nói rằng tôi đang cố gắng tìm bắt liên
lạc với tổ chức nhưng chưa được. Thôi Hữu bảo tôi đến tìm Nguyễn Hữu
Đang...”
Gần 9 tháng sau, vào đêm 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, Thôi Hữu tự gây
thương tích để được ném vào nhà xác. Rồi ban đêm, anh lần mò chui ra qua
đường cống ngầm trốn thoát. “Mấy hôm sau, tôi vô cùng mừng rỡ và xúc
động gặp lại. Thôi Hữu ở nhà Tô Hoài trong làng Nghĩa Đô gần chợ Bưởi.
Ngay trong thời gian ở tù Hỏa Lò, Thôi Hữu đã được chỉ định ủy viên Ban
cán sự Đảng Hà Nội. Ra tù, anh được phân công phụ trách ngoại thành Hà
Nội. Đầu năm 1946, sau khi cách mạng thành công, anh được anh Trường
Chinh chọn về làm báo Sự Thật. Bốn năm sau, giữa tuổi 30 đầy nghị lực và
sáng tạo, trên đường đi Chiến dịch Đông Du, nhà văn, nhà báo, nhà thơ
Thôi Hữu đã hy sinh giữa cánh đồng phố Giá, gần Viện quân y ở Vô Tranh
(nay thuộc huyện Phú Lương, Thái Nguyên.”
|