ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:   Văn nghệ, Hà Nội, số 25 (18-6-1988)

 

TRỞ LẠI CÁI BÌNH THƯỜNG

Anh Ngọc

Tôi viết những dòng này trong dư âm của những lần thưởng thức các chương trình ca nhạc Khúc hát trữ tìnhNhớ tuổi xuân, tức là những ca khúc tiền chiến (và cả thời tạm chiến nữa). Có một cảm giác gì đó vừa xa lạ vừa vô cùng gẫn gũi thân thiết trong khi nghe những tiếng hát ấy, một cảm giác ngọt ngào pha vị ngậm ngùi, một nỗi buồn nhẹ nhàng mà thanh thản, tựa như khi ta ôn lại một tình yêu đã mất, – đã mất nhưng vẫn sống đâu đây trong tận đáy tim ta...

Trở lại ư? Mà trở lại nơi đâu? Với những thế hệ đàn anh thì lại là một chuyện khác. Còn thế hệ chúng tôi là sinh ra và lớn lên cùng với cách mạng, mà ở đất nước ta, hai khái niệm cách mạng và chiến tranh lại gần như trùng khít lên nhau. Ngoại trừ một thời gian hòa bình ngắn ngủi ở miền Bắc mà thực chất cũng là những ngày hòa bình nóng bỏng, những ngày hòa bình âm thầm thai nghén cho một cuộc chiến tranh mới... thì suốt thời gian ra đời và tồn tại của cách mạng, của chế độ mới cũng là thời gian của những cuộc chiến tranh liên miên không dứt.

Chiến tranh là hoạt động bất bình thường của con người. Chiến tranh phá bỏ những quy luật sống thông thường, nó buộc con người phải sống khác mình đi, phải tập trung tất cả trí tuệ và tình cảm, sức lực, cho đến cả tính mạng của mình để chiến đấu quyết liệt vì một mục đích chung của hàng triệu con người. Nói một cách thơ thì đó là thời: Những bi kịch cá nhân lùi sau lưng ánh sáng (Chế Lan Viên), hoặc nói thô thiển hơn thì như cách của câu khẩu hiệu: Vui duyên mới không quên nhiệm vụ - cái khẩu hiệu dễ thường không thể thiếu được trong những cuộc hôn lễ mà cả thời gian tìm hiểu, dạm hỏi, và cưới xin của cô dâu chú rể có khi chỉ gói gọn trong một kỳ nghỉ phép ngắn ngủi của người lính. Ở đây, thật không thể phân biệt được đâu là tình yêu đâu là nhiệm vụ. Những tình yêu nảy sinh trong công tác, trên những nẻo đường chiến trận, những cặp tình nhân ngồi bên nhau là nói chuyện sinh hoạt Đoàn, chuyện phấn đấu vào Đảng... và đủ thứ chuyện trò, trừ chuyện tình yêu, bởi vì chuyện tình yêu thuần túy đã trở thành món ăn "độc hại", của "chủ nghĩa cá nhân", của tình cảm "tiểu tư sản". Bởi vậy những đứa trẻ ở cái tuổi lên tám hồn nhiên đã biết lớn tiếng: ngu xuẩn nhất nhì là tổng thống Mỹ (Trần Đăng Khoa). Và thế hệ chúng tôi lớn lên khi biết cất tiếng hát thì đấy là những khúc quân hành...

Nhắc lại những điều ấy tuyệt nhiên không phải để phủ nhận, và lại càng không phải để giễu cợt. Tựa như những người lớn không ai lại gàn quải đi phủ nhận, giễu cợt cái thời trẻ con thơ ngây, dại dột của chính mình (tuy nhiên, khi đã là người lớn rồi thì cũng không ai lại đi lặp lại những dại dột, thơ ngây ấy nữa). Và thế hệ chúng tôi đã chấp nhận tất cả cách cảm, cách nghĩ, cách sống ấy hết sức tự nhiên, thoải mái, hơn nữa, với cả niềm tự hào thành thực. Chúng tôi có biết lõm bõm đôi câu của những Thiên Thai, Trương Chi, Dư âm... Còn những Đêm đông, Giọt mưa thu, Biệt ly... thì có gặp chăng là ở trên đài Sài Gòn. Thật khó hình dung những người lính trong khi trèo đèo lôi suối vượt Trường Sơn, hoặc xông lên dưới bom đạn lại có thể động viên nhau bằng những giai điệu lê thê, sầu muộn như thế. Chúng tôi đã cười giễu chúng thì có, cười giễu cái thứ âm nhạc mà chúng tôi cho là "sướt mướt", là "mất nước" ấy. Và như vậy là cần thiết, không những cần thiết mà còn đúng.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh đó lại kéo quá dài: những 30 năm trời. Đối với nhiều người, đó là cả cuộc đời. Còn thế hệ chúng tôi thì một nửa đời đã đi qua trong chiến tranh, và đấy là cái nửa quan trọng nhất: tuổi trẻ và tuổi trưởng thành. Dẫu là cái bất bình thường đi nữa, nhưng cứ sống mãi với nó thì cũng thành quen, thành ra bình thường. Bởi vậy, cũng có thể phần nào chia sẻ với Nguyễn Bắc Sơn, một thi sĩ trong vùng tạm chiếm miền Nam trước đây, khi anh thổ lộ chân thành cái cảm nghĩ bi đát của thế hệ mình:

Chiến tranh quá dài nên người quá khác

Không thể mừng vui tiếp rước hòa bình

Đêm đen quá dài nên người quá khác

Không thể nào tin sẽ có bình minh.

(Chiến tranh Việt Nam và tôi)

Sự chai sạn đó trong tâm hồn là sự tàn phá tất yếu của chiến tranh mà phía nào cũng phải gánh chịu. Cuộc chiến tranh thế giới thứ II ở Liên Xô chỉ kéo dài có 4 năm, vậy mà ngót 40 năm sau, một nhà thơ Xô viết, Yuri Levitanski, còn có dịp tái hiện lại cái cảnh một ông bố – vốn là lính cũ - sáng sáng vẫn mang về:

Bánh mỳ trắng bánh mỳ đen các loại

Và hì hục và nghiêm trang bố thái

Từng khúc từng khoanh bánh trắng bánh đen.

Đến nỗi bà mẹ đã kêu lên bực tức khiến cô con gái phải đứng ra phân trần hộ bố:

Chuyện giản đơn mà ai chẳng rõ

Kỷ niệm đói lòng những năm tháng xa xăm

Kỷ niệm đau lòng những năm tháng chiến tranh

Đến hôm nay còn sống trong lòng bố!

Tứ thơ này không có gì mới. Nhưng đúng, rất đúng. Chính người viết những dòng này cũng đã có dịp đả động nhẹ nhàng đến những tập quán nặng nề của chiến tranh ở nơi những người lính:

Thói quen vẫn đũa hai đầu

Vợ con bao bận nhìn nhau mỉm cười

Mới hay đi đến trọn đời

Dễ chưa qua hết một thời chiến tranh

Dĩ nhiên bỏ thói quen ăn đũa hai đầu trong đời thì cũng dễ thôi nhưng muốn bỏ đi những thói quen khác trong cách cảm, cách nghĩ đã ăn sâu vào máu thịt ở cái lứa tuổi sinh ra cùng với chiến tranh như chúng tôi thì thật vô cùng khó khăn.

Thế mới biết để trở lại với cuộc sống bình thường, với những con người bình thường đâu phải chuyện dễ dàng! Nó đòi hỏi ở chúng ta biết bao sự tỉnh táo, kiên trì, cả lòng dũng cảm và trên hết là một tấm lòng thành thực - thành thực với cuộc đời và thành thực với chính mình. Chỉ có thế mới mong dần xóa đi được những vết thương, - chí ít là những vết sẹo - mà chiến tranh đã để lại trong mỗi một chúng ta. Và một trong những công cụ hữu hiệu nhất để hàn gắn lại những vết thương ấy là văn học, nghệ thuật với khả năng kỳ diệu có thể đánh thức dậy những phẩm chất nhân bản còn tiềm ẩn trong những ngõ ngách sâu kín của tâm hồn con người. Văn nghệ giúp chúng ta cảm nhận và biến thành hành động những gì khiến con người được sống trọn vẹn là con người nhất. Ngay cả những bản năng cũng cần phải được đánh thức và hướng dẫn.

Như vậy, khi nói "trở lại" tức là trở lại với chính mình, đúng mình - một cái "mình" đa dạng, đa diện... mà thiếu đi một mặt nào con người cũng trở thành què cụt, khập khiễng.

Chính vì lẽ đó, những ca khúc (và cả văn, thơ...) tiền chiến đã góp phần đánh thức dậy ở trong ta những cảm xúc, những tâm tư trước nay vẫn phải giấu kín, lâu riết thành ra quên lãng. Ta cảm động phát hiện ra trong ta còn một sợi dây đàn nữa mà bấy lâu vẫn câm lặng và đã đến lúc ta phải phát động lại nó, để tâm hồn ta thật sự là một hòa âm, chứ không phải chỉ là một dây đàn đơn điệu. Và tôi tán thành với Phan Hồng Giang, khi anh lý giải về cái buồn trong những ca khúc ấy: "... đó là cái buồn không bao giờ có ở những kẻ dửng dưng, ghẻ lạnh với cuộc sống, đó là cái buồn làm nên vị mặn của cuộc đời... nỗi buồn mà thiếu nó niềm vui không còn mấy ý nghĩa". Nhà thơ Xô viết Stephan Sipatrov gọi nỗi buồn là "chị em sinh đôi của niềm vui". Riêng tôi, tôi quý những người hay vui, nhưng lại yêu những người dễ buồn.

Trong cuộc đời này (và nhất là trong những ngày hôm nay), hạnh phúc nào đã phải nhiều lắm đâu. Ấy vậy mà ta còn hờ hững để mất đi bao nhiêu những giây phút quý báu. Phải chắt chiu, phải gạn lọc từng mẩu hạnh phúc, không dễ dãi nhưng cũng đừng quá khắt khe, thành kiến. Phải trân trọng với tất cả những gì ta đang có trong tay, ngay cả đối với những sản phẩm tinh thần trong vùng tạm chiếm miền Nam trước đây, chẳng hạn – đây là ý kiến của riêng tôi – với nhạc Trịnh Công Sơn mà nhiều ca khúc tuyệt đẹp về cả nhạc lẫn lời của anh đã và vẫn được quảng đại quần chúng say mê.

Phải làm như vậy, bởi vì, không có hạnh phúc nào mà lại không phải trả giá, có thể bằng mồ hôi, nước mắt, có thể bằng cả máu. Đừng quên rằng phải trải qua bao nhiêu gian khổ hy sinh, phải đổ biết bao nhiêu xương máu, chúng ta mới có được cái hạnh phúc giản dị là được trở lại làm một người bình thường với tất cả những niềm vui nỗi buồn, những sung sướng và khổ đau của một con người bình thường. Quả vậy, trên đời này, theo tôi, không có hạnh phúc nào lớn hơn được làm một con người bình thường, được sống trọn vẹn với một cuộc sống bình thường!

 Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 25 (18-6-1988)

Mục lục 

22-10-2021