ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Nguồn: Tuổi trẻ, Tp.HCM, số 45 (13-11-1988)

 

CHUNG QUANH CUỘC HỘI THẢO SÁNG TÁC TRẺ TẠI HÀ NỘI

Tại Hà Nội, trong hai ngày 23 và 24-9-1988, Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương đã tổ chức cuộc hội thảo của những người sáng tác và phê bình trẻ. Đưa tin về cuộc hội thảo này, báo Tiền phong, cơ quan của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, số ra ngày 4-10-1988 đã nhận định: "...Nhiều ý kiến đã nói thẳng vào thực trạng tình hình văn hóa văn nghệ vừa qua, khẳng định đổi mới là một quy luật khách quan của văn học nghệ thuật cũng như của đời sống xã hội...".

Trong cuộc hội thảo này, có mặt văn nghệ sĩ và đại diện của các hội: Nhà văn, điện ảnh, kiến trúc, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, cùng đại diện của một số tờ báo và tạp chí. Sự kiện Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam công bố kết luận hoạt động của tuần báo Văn nghệ thời gian qua đã có lệch lạc nghiêm trọng đã gây ra bất bình trong số đông những người tham dự hội thảo. Mặc dù nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và nhà thơ Hữu Thỉnh (đại diện cho Ban Thư ký Hội Nhà văn) đã cho biết rằng cuộc họp của Ban Chấp hành vừa qua là một hội nghị dân chủ nhất, nhưng hầu hết anh em sáng tác trẻ đều phủ nhận mục đích trong sáng của cuộc họp ấy và cho đó là một dấu hiệu chống phá, cản trở cuộc đổi mới. Rất tiếc rằng cả hai vị đại diện của Ban Thư ký Hội Nhà văn, sau khi phát biểu xong đều bỏ dở hội nghị, không thấy trở lại để nghe đầy đủ ý kiến của mọi người.

Người phát biểu đầu tiên là nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Hòa. Anh cho rằng, phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa trong sáng tác văn học nghệ thuật thật ra chỉ là một số quan điểm đã bị cắt xén của Mác và Lênin, chưa phải là một hệ thống lý luận hoàn chỉnh. Nhưng chỉ căn cứ vào phương pháp ấy, nhiều nhà chính trị tự cho phép mình làm trọng tài phán quyết giá trị các tác phẩm văn học nghệ thuật, biến nó thành thước đo duy nhất, hệ quy chiếu duy nhất để khuôn định các bảng giá trị khác. Như thế, nền văn học nghệ thuật của chúng ta bị tước bỏ sự phát triển đa nguyên, trở nên gượng ép, xơ cứng, què quặt và các phong độ, các đặc điểm, các ưu việt riêng của truyền thống văn hóa dân tộc cũng bị tước đoạt luôn.

Đã có ý kiến gay gắt khi nói về điều kiện sống và sáng tác của văn nghệ sĩ. Các điều kiện này gồm hai mặt: Sự lầm than về vật chất và trạng thái khắc nghiệt, thiếu tự do sáng tạo về mặt tinh thần. Trong loạt ý kiến này, đáng chú ý là các suy nghĩ của nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến.

Theo anh, mặc dù mức sống của văn nghệ sĩ hiện nay vô cùng khốn khổ, nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng việc đầu tư sáng tác có hai chiều: Đầu tư của xã hội với văn nghệ sĩ và văn nghệ sĩ tự đầu tư. Mà khâu thứ hai mới quyết định sự thành bại. Bởi lẽ, có ném hàng đồng tiền cho loại người bất tài và vô lương tâm thì họ cũng không thể tạo nên các tác phẩm giá trị. Văn nghệ sĩ không nên xin xỏ sự ban phát của cấp lãnh đạo mà phải hiểu rằng trách nhiệm của những người lãnh đạo văn hóa văn nghệ và các văn nghệ sĩ là hoàn toàn bình đẳng trước Tổ quốc. Anh cho rằng, trong xã hội bao cấp, kể cả những văn nghệ sĩ cũng đã quen sống như những viên chức nhỏ, thụ động, cam chịu, lười biếng. Cuộc đổi mới trong văn học nghệ thuật không thể tách riêng cuộc đổi mới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế mà nó là một bộ phận của toàn thể đó. Thắng lợi của cuộc đổi mới đòi hỏi ở chúng ta không chỉ lòng can đảm mà cả sự khôn ngoan sáng suốt và lòng kiên nhẫn...

Về tình hình văn nghệ chung, nhà báo Dương Kỳ Anh, Tổng biên tập báo Tiền phong, cho rằng, vài ba năm gần đây, đội ngũ những người viết trẻ đã thật sự chiếm lĩnh văn đàn, một đội ngũ đông đảo, có tài năng... Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Trần Văn Thủy... đã làm cho bản sắc văn nghệ của chúng ta thật sự mới mẻ. Có được điều đó, theo anh là nhờ sự cởi mở, nhờ có tính công khai, dân chủ, một xu thế của toàn thế giới hiện nay, một xu thế không thể cưỡng lại, không thể đảo ngược. Tuy nhiên, dân chủ và tự do trong sáng tác văn nghệ cũng như trong đời sống xã hội, cần phải thể chế hóa, luật hóa để mỗi văn nghệ sĩ, mỗi công dân, chỉ có thể chịu trách nhiệm trước pháp luật và công luận, chứ không bị ràng buộc bởi cấp ủy này, cơ quan nọ, hội kia và để chặn đứng những hành động cấm đoán tùy tiện của một số người có chức có quyền.

Tiếp theo ý kiến của anh Dương Kỳ Anh, ý kiến của đạo diễn Trần Văn Thủy cũng được nhiều người nhất trí và tán thưởng. Trước hết, anh Thủy bày tỏ sự đáng tiếc với việc làm của Ban Chấp hành Hội Nhà văn. Nếu như trước đây, do uy tín, Hội Nhà văn thường được coi là con chim đầu đàn trong khối các hội văn học, nghệ thuật, thì vừa qua, việc làm của Ban Chấp hành Hội đã gây phản ứng rất xấu đối với đông đảo anh em văn nghệ sĩ các ngành khác chưa kể tới công chúng.

Đạo diễn Trần Văn Thủy cũng nêu lên một nhu cầu thiết yếu, có tính sống còn với các hoạt động văn hóa văn nghệ là việc luật hóa những chế độ chính sách, những quy chế, quy định liên quan tới quyền sáng tác, quyền công bố tác phẩm, và những quyền lợi tinh thần cũng như vật chất khác của văn nghệ sĩ. Anh đặc biệt nhấn mạnh rằng hiện nay, sự tùy tiện, tính cát cứ, óc gia trưởng đang là những trở lực rất lớn đối với mọi hoạt động văn hóa từ Nam ra Bắc. Chỉ có luật hóa mới có thể tránh được các mối nguy hiểm này...

Nguồn: Tuổi trẻ, Tp.HCM, số 45 (13-11-1988)

Mục lục 

16-1-2022