MỘT CÁCH NHẬN DIỆN THỜI KỲ VĂN HỌC VỪA QUA ĐỖ LAI THÚY 1 - Bài Văn học âm tính dương tính đăng trên Văn nghệ - phụ san tháng 4 của anh Hoàng Ngọc Hiến có thể có nhiều cách hiểu, phần nào tùy thuộc vào trình độ, cách nhìn nhận vấn đề, thậm chí cả sự "ngứa đâu gãi đấy". Bàn cãi về thuyết âm dương như một triết thuyết hay y thuyết, để rồi xét xem anh Hiến ứng dụng nó vào nghiên cứu văn học đúng hay sai. Theo tôi, dễ chệch ý đồ tác giả, hay chí ít cũng không phù hợp với tư tưởng khách quan toát ra từ bài viết. Ở bài này anh Hiến không hiện diện với tư cách là một nhà "âm dương gia", mà chỉ mượn hai phạm trù âm tính, dương tính của thuyết trên theo kiểu "bình cũ rượu mới" (mà Bác Hồ đã đưa ra những mẫu mực như "trung với nước, hiếu với dân", "cần kiệm liêm chính"...). Tận dụng triệt để tính quy ước của thuật ngữ để khái quát diện mạo "thời kỳ văn học vừa qua và xu thế phát triển". Bởi vậy vấn đề cần bàn là cách làm của anh Hiến có triển vọng đến đâu. 2 - Là một người tâm huyết với văn học hiện đại nước nhà, anh Hoàng Ngọc Hiến có nhiều trăn trở trong việc tìm cách để nhận diện nó. Bài viết của anh nằm trong mạch suy nghĩ đó, khởi từ "văn học phải đạo" năm nào. Nếu ở bài trước, anh Hiến dùng hai thuật ngữ cái đẹp và cái cao cả làm khái niệm công cụ, thì ở bài này là hai thuật ngữ âm tính và dương tính. Phải nói rằng so với hai phạm trù thẩm mỹ kia thì hai phạm trù triết học này có nhiều khả thủ hơn. Một là, phạm trù âm tính dương tính có nội hàm rộng, khả năng co giãn lớn nên chứa được các cặp khái niệm đủ loại miễn là chúng có sự đối lập như duy tâm - duy vật, phi lý - duy lý, trực giác - suy lý, hòa bình - chiến tranh, "tính nước" - "chất thép", cái vĩnh cửu - cái thời sự, xu hướng siêu thăng - xu hướng thế tục hóa, cái nhìn văn hóa - cái nhìn chính trị... Bởi vậy, sức khái quát của hai phạm trù này thật cao. Hai là, âm tính dương tính không chỉ có đối lập, mà còn có thống nhất biện chứng. Âm dương thâm nhập, giao hòa và làm giàu cho nhau để tạo nên sự hài hòa (chứ không phải cân bằng như có người hiểu). Nói văn học âm tính hay dương tính cũng có tính chất tương đối, chỉ tính trội của nó. Cuối cùng, theo tác giả, "sự hài hòa âm tính dương tính là nguồn phong phú của khoa học. Không có sự hài hòa ở gốc nguồn này, sự phong phú và đa dạng có thể là giả". Như vậy, qua phần trình bày giới thuyết chúng ta thấy tư duy lý luận của anh Hoàng Ngọc Hiến, so với trước kia, đã có một sự vận động mới, mềm dẻo hơn. 3 - Chuyển lý thuyết vào thực tế, anh Hoàng Ngọc Hiến coi giai đoạn văn học 30 - 45 là dòng âm tính, 45 - 75 là dòng dương tính, còn từ 75 đến nay là sự bừng tỉnh của kinh nghiệm hài hòa âm dương. Sơ đồ này, một mặt đưa ra được nét trội để diện chẩn mỗi thời kỳ văn học đã qua, mặt khác, đoán được tương lai của nó. Nhưng ngẫm kỹ ở đây hình như có cái gì đó không ổn. Trước hết không chỉ dựa vào Lửa thiêng, thơ của Hàn Mạc Tử và Thơ Mới để khẳng định giai đoạn 30 - 45 là âm tính. Thời kỳ này còn có Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... cũng "dương" lắm. Đấy là còn chưa kể đến "mặt trời" trong thơ Từ ấy và bộ phận văn học trong tù của những người cộng sản. Cho nên, văn học 30 - 45 phải là hài hòa âm tính dương tính, dẫu sự hài hòa còn ở một trình độ thấp. Điều này khớp đúng với phát ngôn của tác giả. "Nói đến sự hài hòa âm tính dương tính chúng tôi nghĩ đến quan hệ bổ sung, giao hòa và làm giàu lẫn nhau trong toàn bộ nền văn học dân tộc: còn đối với các tác giả vẫn có sự nhìn nhận những cái tạng (tức cá tính sáng tạo - ĐLT) khác nhau". Như vậy, sơ đồ phát triển của văn học Việt Nam trong thời gian qua là HÀI HÒA (30 - 45) - PHÁ VỠ HÀI HÒA (45 - 70: dương tính) - TÁI LẬP HÀI HÒA MỚI, cao hơn (75 - đến nay là sự thức tỉnh). Gò văn học 30 - 45 vào dòng âm tính (mà lập luận xuất phát là việc coi thơ Vũ Hoàng Chương - Đinh Hùng là "âm khí nặng nề" của sự tan rữa) chứng tỏ, một mặt, cái nhìn của anh Hiến còn mang tính chất "dương tính" ("cái nhìn chính trị"), mặt khác, anh còn bị lệ thuộc vào một sơ đồ khác mang tính "tiên nghiệm": CHÍNH ĐỀ (30 - 45: âm tính) + PHẢN ĐỀ (45 - 75: dương tính) = TỔNG HỢP ĐỀ (hài hòa âm tính dương tính mà từ 75 đến nay là sự bừng tỉnh). Tuy không thích các sơ đồ lắm, nhưng nếu phải so sánh chúng với nhau thì tôi vẫn thấy cái trên có triển vọng hơn, có tính logic biện chứng hơn. 4 - Đọc Hoàng Ngọc Hiến, nhiều người có cảm giác lý thuyết của anh phần nào chiết trung và do đó, không khoa học. Điều đó hẳn là, do mải săn đuổi mối quan hệ ngang, quan hệ đối lập, trong từng phạm trù con như: văn hóa - chính trị, trực giác - tư duy suy lý... tác giả bỏ quên sự kiếm tìm mối liên hệ dọc, tức mối liên hệ của tất cả các phạm trù con cùng vế nằm trong "cái bọc Âu Cơ" âm tính hoặc dương tính. Giữa những cái duy tâm, trực giác, hòa bình, văn hóa, tư duy hình tượng... nhất thiết phải có những liên hệ nội tại nào đó. Hẳn là chúng không hề nằm hỗn độn cạnh nhau như những quả trứng mà phải theo một trật tự nào đó, trên dưới, trong ngoài, (vì nội hàm của chúng cũng rất khác nhau) nghĩa là phải có một cấu trúc. Rồi cấu trúc âm tính và cấu trúc dương tính "lồng" vào nhau như thế nào để tạo ra được sự hài hòa? Và mỗi khi bị thiên lệch thì cơ chế điều chỉnh vận hành ra sao? Khiếm khuyết đó, cộng thêm với việc trích dẫn Hải Thượng Lãn Ông và sự so sánh hai bán cầu não, làm cho người đọc thiên về nghĩ sự hài hòa ở đây là sự cân bằng, như sự cân bằng (5-5) âm dương trong cơ thể. "Ái duy tâm" là ở đấy chăng? Có lẽ bằng biện chứng lý tính (Hegel) thì khó có thể hiểu hoặc giải thích được sự hài hòa âm dương này, có chăng là phép biện chứng siêu nghiệm (mà Lão Tử là một đại gia). Tiếc rằng, anh Hiến chỉ mượn khái niệm âm dương như một cái áo khoác, chưa đi sâu vào phép biện chứng của Đạo Đức Kinh mà theo nhà đạo học Cao Xuân Huy thì không chỉ là "biện chứng duy vật thô sơ"[1] để tìm ra chìa khóa cho vấn đề này. 5 - Bàn cãi khoa học không phải là sự tranh giành hơn thua giữa người đối thoại. Bởi thế người thắng duy nhất sau cọ sát là chân lý, là khoa học. Văn học, lại càng phải như vậy, vì ở đây còn có chuyện thị hiếu nữa. Cho nên một cách tiếp cận, khám phá và lý giải để làm giàu thêm cho nền văn học vốn không lấy gì làm giàu của chúng ta đều đáng trân trọng. Cùng với "lý thuyết" của anh Hoàng Ngọc Hiến và những thời kỳ văn học vừa qua, còn có những cách tiếp cận khác từ góc độ thi pháp học lịch sử đã mang lại những khám phá sâu sắc, bất ngờ đầy sức thuyết phục. Trao đổi với anh Hiến, chúng tôi không có ý nào khác hơn là mong tìm ra những phương pháp năng sản hơn. w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, phụ san tháng 6 (30-6-1990) 21-9-10 |