ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Tuổi trẻ Chủ nhật, Tp. HCM, số 41 (16-10-1988)

 

ĐỔI MỚI BÁO CHÍ VĂN HÓA VĂN NGHỆ

(Trích lược biên bản theo trình tự phát biểu trước sau)

Nhằm mục đích thực hiện Nghị quyết 05 Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ, tăng cường chỉ đạo và trao đổi kinh nghiệm về việc đổi mới báo chí văn hóa văn nghệ, ngày 20 - 8 - 1988 vừa qua, Ban văn nghệ Trung ương đã tổ chức cuộc hội thảo Đổi mới báo chí văn hóa văn nghệ; với sự tham dự của lãnh đạo các báo, tạp chí chuyên ngành văn hóa văn nghệ của Trung ương và tại thủ đô cùng nhiều đồng chí có trách nhiệm khác.

Đây là một cuộc hội thảo bổ ích với nhiều ý kiến phát biểu có giá trị. Nhận thấy bạn đọc Tuổi trẻ cần được thông tin thêm về một số tình hình văn hóa văn nghệ thời gian gần đây - trong đó có sự kiện tuần báo Văn nghệ kể từ sau Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (từ 5 đến 8-8-1988) - chúng tôi xin trích đang biên bản cuộc hội thảo (Biên bản do Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương cung cấp).

HỒ SĨ VỊNH (Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật)

Cái khó của đổi mới là quan điểm. Trong tranh luận hiện nay còn có nhiều biểu hiện "hoang ngôn". Người tranh luận còn có những vấn đề riêng chưa thông cảm với nhau.

...Về các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đăng trên báo Văn Nghệ như Vàng lửa, Phẩm tiết có những chi tiết "phạm thượng". Đừng suy diễn là ám chỉ ai. Tính mục đích của truyện tôi rất yêu. Giá tác giả viết những truyện như Tướng về hưu, Muối của rừng... thì người đọc thích hơn.

Báo Văn Nghệ nên dành trang để bàn về văn hóa văn nghệ. Không nên bàn chuyện "hộp đen".

DŨNG HÀ (Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội)

Trong việc phản ánh đổi mới, báo chí thật sự có đóng góp. Xông xáo nhất có lẽ là báo Văn NghệTuần tin tức. Đó là những tờ báo dũng cảm.

Báo Văn Nghệ có công, dũng cảm và mới. Cái đêm hôm ấy... đêm gì là một phát hiện. Ở tạp chí chúng tôi, các phóng viên đi về nông thôn đều nói nơi các đồng chí đến lấy tài liệu 100% ban quản trị hợp tác xã đều ăn cắp của dân.

Tôi rất hoan nghênh sự đóng góp của báo chí. Đó là những đóng góp rất đáng kính trọng.

Còn những sạn sỏi bộc lộ cái tâm của người viết chưa được sáng. Ví dụ: bài Tiếng đất của Hoàng Hữu Các đăng trên báo Văn Nghệ đặt câu hỏi: "Bây giờ ai bóc lột ông mà ông khổ?". Ví dụ: một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã gây ra cuộc tranh cãi không ích lợi gì. Tôi cho rằng truyện Phẩm tiết có ẩn ý không tốt. Văn chương là thế: tôi chửi anh mà anh không làm gì được tôi.

Tôi phải thừa nhận rằng báo Văn Nghệ cơ bản là rất tốt, có đóng góp lớn. Rõ ràng là gây được dư luận. Nhiều ông tỉnh ủy đau đầu. Báo Tuần tin tức cũng vậy.

XUÂN TRÌNH (Tổng biên tập tạp chí Sân khấu)

Tôi nhất trí với nhận xét của các anh. Tôi rất cảm phục một số báo chí như báo Văn nghệ.

Tôi nghĩ đổi mới văn hóa văn nghệ có hai mặt: văn hóa văn nghệ tạo ra không khí đổi mới xã hội, mặt khác văn hóa văn nghệ tự đổi mới chính mình mới góp phần được vào sự nghiệp đổi mới xã hội.

...Chúng tôi chú trọng tạo ra một không khí bình thường trong lý luận phê bình. Nếu người ta nói cái gì mình cũng chặn lại thì nguy hiểm. Từ 1985, tạp chí Sân khấu đã đăng nhiều ý kiến khác nhau về một vở. Ví dụ các vở Hồn Trương Ba da hàng thịt, Em đẹp dần trong mắt anh v.v...

XUÂN CANG (Tổng biên tập báo Lao động)

Chúng ta cần dám đặt vấn đề với đời sống từ hai hướng:

- từ Trung ương đề ra.

- từ đời sống đặt ra.

Đặt vấn đề từ trong đời sống là tiếp thu trí tuệ của nhân dân.

Báo Lao động có ra trang văn nghệ vào cuối tháng. Mỗi lần đưa ra phải suy tính dữ lắm. Ví dụ: chúng tôi đã đăng bài dịch chân dung chính trị của Khorutsov, đã đăng bút ký Sau cái đêm hôm ấy... của Phùng Gia Lộc. Các bài này đều được bạn đọc hoan nghênh. Cách của chúng tôi là: đưa một cái - nghe ngóng, rồi đưa tiếp cái khác. Đề nghị các cơ quan lãnh đạo hãy ủng hộ chúng tôi. Chúng tôi hiểu rõ việc làm báo: có động cơ trong sáng nhưng hiệu quả có thể hỏng.

Cái mới đi lên bao giờ cũng thô thiển, dữ dằn. Phải ủng hộ nó. Ví dụ các báo đã đề cập một số "vụ án" văn học nghệ thuật, đã xới lộn lại một số vấn đề lý luận văn nghệ. Một số tác giả như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Lập đã có sự xem xét lại một số nhân vật lịch sử v.v... Phải biết ủng hộ anh em, biết bỏ qua, rộng lượng, khoan dung với những tìm tòi, trăn trở. Nó như cái mầm, phải vun xới cái mầm chứ uốn nắn thì nó gãy ngay.

Phương hướng của tuần báo Văn nghệ là đúng. Tất nhiên nó có sơ hở, thiếu sót thì góp ý và sửa thôi. Rõ ràng là thời gian qua báo chí văn hóa văn nghệ đã góp phần làm nên và thực hiện tốt Nghị quyết Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ.

Phải tôn trọng tính độc lập của tờ báo. Khi báo chúng tôi đặt vấn đề: " Phải chăng có nạn cường hào mới ở nông thôn?", có một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng nói với chúng tôi: " Không được nói thế vì Trung ương không nói thế. Có cường hào thì phải nói địa chỉ cụ thể". Chúng tôi không đồng tình nên đã đăng tiếp bài phú về cường hào.

Giữ tính độc lập, giữ ý kiến riêng nhưng cách làm phải khéo, đừng vỗ mặt nhau. Riêng việc này, người anh em của chúng tôi là báo Văn Nghệ còn chưa khéo lắm. Ví dụ đã đặt lại vấn đề chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Hãy để cái cũ rút lui trong danh dự. Đó là nghệ thuật làm báo.

 DƯƠNG XUÂN NAM (Tổng biên tập báo Tiền phong)

Những ý kiến trái ngược nhau đưa ra là lành mạnh hay không lành mạnh? Một xã hội dân chủ cần có những ý kiến trái ngược nhau.

Vừa qua, trên báo Văn Nghệ và báo chúng tôi có đăng nhiều ý kiến khác nhau. Nếu bắt buộc chỉ nói hoặc nghĩ một kiểu thì chỉ có nói dối hoặc nghĩ dối.

... Hãy để công luận nói những tiếng nói khác nhau khi đi tìm chân lý. Chân lý phải được nói lên. Ai nói điều gì không đúng, không tốt thì góp ý.

NGUYÊN NGỌC (Tổng biên tập báo Văn nghệ)

.. Báo chí chúng ta nói về cuộc đấu tranh giữa cái tích cực và tiêu cực là nhằm tạo nên sức sống mới cho chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là vì con người nên xã hội phải mới hơn, phải năng động hơn. Vấn đề cốt lõi của đổi mới là ở chỗ này.

Báo Văn nghệ chúng tôi chủ trương không nói nhiều đến cái đen tối. Nếu có nói thì chỉ như tiếng chuông để báo động. Sau bài ký "Người đàn bà quỳ" chúng tôi không đăng tiếp những bài nói về thực trạng đen tối ở một số vùng nông thôn nước ta. Báo chúng tôi chủ trương không đi sâu vào các vụ việc.

Vừa qua, báo chí có công rất lớn trong việc chống tiêu cực. Vụ Hà Trọng Hòa bị đưa ra khỏi trung ương là do báo chí phát hiện. Báo Văn nghệ, do đặc trưng của nghề nghiệp, chúng tôi không chủ trương phát hiện các vụ tiêu cực cụ thể mà quan trọng hơn là lý giải vì sao trong chế độ của chúng ta lại có thể xảy ra, có thể xuất hiện những vụ việc và con người tiêu cực ghê gớm như thế.

Ưu thế của báo chí văn hóa văn nghệ là có thể vượt qua từng vụ việc cụ thể, đi sâu tìm căn nguyên ở xã hội và con người nhằm xây dựng đạo đức, tình cảm tốt đẹp, hướng con người về cái thiện, cái nhân bản.

... Kinh nghiệm của chúng tôi vừa qua là làm theo quan niệm trên thường bị vấp phải phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt vì đụng đến các quan niệm chính thống lâu nay, đụng đến cơ chế v.v...

Đã làm thì có sai. Nhưng cái tâm, cái lòng tin là đúng thì cứ mạnh dạn làm. Có nhiều lúc chúng tôi thấy mình bị đơn độc. Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ của trên và của đồng nghiệp để tiếp tục phương hướng đã xác định. Thời gian qua, trong hàng ngang của đội hình, chúng tôi có hơi nhô lên một chút nên dễ bị vấp váp.

Ngoài tham gia đổi mới xã hội còn có việc tham gia đổi mới văn học nghệ thuật. Nghị quyết 05 Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ đã chỉ ra con đường sáng. Cần phải tiếp tục triển khai và thực hiện đúng đắn, đầy đủ Nghị quyết 05.

NGỌC ANH (Trưởng ban biên tập văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam)

... văn nghệ nằm trong mối quan hệ chung với xã hội. Xã hội lúng túng thì văn nghệ cũng lúng túng là điều dễ hiểu.

văn nghệ đổi mới phải từ tự thân văn nghệ. Phương hướng và cách làm của báo Văn nghệ về cơ bản là đúng, là hay.

Các báo cần tổ chức thảo luận, tranh luận để tìm chân lý. Khuynh hướng thảo luận, tranh luận như hiện nay là rất nên ủng hộ. Có những vấn đề không thể đòi hỏi phải kết luận ngay mà phải tiếp tục bàn. Cần chú ý giữ gìn "văn hóa tranh luận" trên các trang báo. Và rất nên giữ thái độ người trong cuộc khi mổ xẻ các vấn đề xã hội.

Tôi tán thành nên tôn trọng tính độc lập của từng báo. Nếu không thì các báo sẽ biến thành công báo.

LÝ THÁI BẢO (Tổng biên tập tạp chí Nghệ thuật điện ảnh)

... Tôi hoan nghênh sự đổi mới của báo Văn nghệ. Nhưng trên báo Văn nghệ cũng có những bài làm tôi phải phân vân, suy nghĩ. Không nên phủ nhận thành tựu của quá khứ. Đổi mới phải thích ứng với hoàn cảnh Việt Nam, phải có định hướng và có mức độ của từng bước đi. Trung ương nên có định hướng từng thời kỳ cho báo chí.

LÊ XUÂN VŨ (Vụ trưởng Vụ văn giáo Tạp chí Cộng sản):

Tháng 1-1988 Tạp chí Cộng sản có xã luận về Nghị quyết 05. Tháng 3-1988 có xã luận về văn hóa, phê phán quan điểm dành "đầu thừa đuôi thẹo" cho đầu tư văn hóa. Cũng trong tháng 3 có hội thảo về các vấn đề đặt ra trong văn nghệ. Gần đây có bài của Nguyễn Thanh Hà đã gây xôn xao trong dư luận. Có ý kiến chất vấn sao người viết bài này không ký tên thật. Làm báo dùng bút danh tự chọn nào đó là lẽ thường tình. Vấn đề là nội dung bài viết. Ai không đồng tình với nội dung bài viết xin cứ trao đổi.

Vấn đề đổi mới văn hóa văn nghệ tôi xin phát biểu một vài ý kiến cá nhân:

Đúng là Nghị quyết 05 đã gây hứng khởi và khởi sắc trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ thời gian qua. Phải thừa nhận rằng báo Văn nghệ đi đầu trong công cuộc đổi mới này.

Văn nghệ góp phần đổi mới và đổi mới tự thân như thế nào? Theo tôi, hai mặt này phải gắn chặt với nhau. Hai mặt này còn nhiều vấn đề lắm. Nhìn tổng quát lại, so với công việc văn nghệ phải làm để góp phần đổi mới xã hội thì cái đã làm được chưa thấm vào đâu cả. Phải giải quyết từ vấn đề cơ bản: thế nào là chủ nghĩa xã hội, thế nào là chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Việt Nam? Phải nhận thức lại chủ nghĩa xã hội, phải thay đổi quan niệm, ngay cả quan niệm về thời kỳ quá độ.

Báo Văn nghệ và các báo, tạp chí đã đặt ra được một số vấn đề, nhưng công bằng mà nói thì mới chớm thôi. Trong khi đó, có những vấn đề của bản thân văn nghệ cũng còn rắc rối lắm. Người thì đặt vấn đề phải nhìn theo quan điểm lịch sử, người thì bảo phải có quan điểm hiện tại (một khái niệm chưa chỉnh lắm). Tình hình này đòi hỏi phải có người "cầm chịch". Tôi nghĩ rằng đó là Ban Văn hóa văn nghệ. Các nơi đang đòi hỏi cơ quan chỉ đạo của Đảng phải có ý kiến rõ ràng.

BẰNG VIỆT (Phó tổng biên tập báo Người Hà Nội)

...Bên cạnh sự đổi mới, công khai của báo chí phải đồng thời có sự đổi mới về thể chế chính trị. Cảm giác cô đơn của báo Văn nghệ cũng là cảm giác chung của giới văn hóa văn nghệ. Nói, nhưng phải có sự đảm bảo của thể chế chính trị. Sự đổi mới nếu chỉ dừng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ thì mới ở mức chiến thuật thôi. Chúng ta không thể hy vọng cải cách bởi một mạnh thường quân nào đó mà phải có sự thay đổi về quan niệm lãnh đạo.

Nếu trong quá trình báo chí chúng ta đổi mới mà cơ chế chưa kịp thay đổi thì phải có Luật Báo chí hẳn hoi. Báo chí phải được bảo hiểm bằng pháp luật. Tình trạng thông thường hiện nay là người lãnh đạo vừa nắm quyền lập pháp, hành pháp và quyền của Đảng. Như vậy báo chí rất khó hoạt động.

Mỗi đợt sóng, trên đầu ngọn sóng bao giờ cũng có rác rưởi, bèo bọt. Trong công cuộc đổi mới, cũng có kẻ lợi dụng đứng ở vị trí hàng đầu để kiếm lợi. Chúng ta cần cảnh giác với những kẻ quá khích, cơ hội này.

Hiện nay, có một số người hoài nghi sự đổi mới vì các giá trị bị lộn sòng với nhau. Mở rộng dân chủ thì có nhiều ý kiến khác nhau. Như vậy, làm công tác lãnh đạo báo chí sẽ vất vả hơn, không thể nói một chiều mà người ta nghe được.

LƯƠNG HỮU BẰNG (Quyền Tổng biên tập báo Văn hóa - Nghệ thuật)

Chúng tôi học nhiều cách làm của báo Văn nghệ. Tôi đồng ý cần phải đi vào thực chất của đổi mới. Hiện nay còn tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi mà chúng tôi chỉ là người đi nhặt bóng.

... Tôi tán thành phải có Luật Báo chí. Cơ chế quản lý, lãnh đạo báo chí chưa tạo điều kiện bao nhiêu cho các tổng biên tập làm việc. Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ chưa làm được bao nhiêu mà đã có tiếng kêu "văn nghệ gây rối". Như vậy có nên không?

NGUYỄN VĂN HẠNH (Phó ban Văn hóa văn nghệ Trung ương)

... Đổi mới xã hội và văn nghệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Rõ ràng là tờ báo nào nghĩ đến đổi mới chung nhiều hơn thì đổi mới được nhiều hơn. Mọi bước đi trong công cuộc đổi mới đều có vấn đề của nó: có thành công, có thất bại và có cả sai lầm, thiếu sót, chệch choạc. Các cấp quản lý lãnh đạo nếu vội kết luận quá thì chưa nên. Ví dụ: mối quan hệ giữa phê phán với khẳng định, về mặt lý luận không có vấn đề gì vì hai yếu tố này luôn luôn gắn bó hữu cơ với nhau.

Ở ta cũng như ở Liên Xô, báo chí văn hóa văn nghệ thường đi trước cải cách về thể chế chính trị. Cảm giác đơn độc của một số báo nêu lên cũng là điều thường xảy ra.

Về mối quan hệ giữa lãnh đạo và tính độc lập của báo chí các đồng chí đã nêu, tôi nghĩ rằng: lãnh đạo đổi mới văn hóa văn nghệ là phải phát huy mọi tiềm năng sáng tạo, phải động viên cho được trí tuệ của quần chúng. Điều quan trọng là điều hành báo chí bằng luật chứ không phải bằng các chỉ thị có tính chất áp đặt.

TRẦN ĐỘ (Trưởng ban Văn hóa văn nghệ Trung ương)

... Trách nhiệm đổi mới văn hóa văn nghệ của chúng ta là phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết 05 Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ. Điểm bao trùm của Nghị quyết là đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo văn hóa văn nghệ.

Báo chí văn hóa văn nghệ phải tham gia vào đổi mới bằng cách đưa văn học nghệ thuật đi vào cuộc sống, nói lên tiếng nói trung thực của mình và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

... Các đồng chí nêu vấn đề nhìn nhận lại chủ nghĩa xã hội, tôi hiểu là các đồng chí muốn nói chúng ta đã xây dựng một chủ nghĩa xã hội chưa hay, nay phải hình dung cho được, xây dựng cho được một chủ nghĩa xã hội hiện thực như Đảng ta và nhân dân ta mong muốn. Nghĩa là phải có một chủ nghĩa xã hội làm cho mỗi người sống hạnh phúc nhất, phong phú nhất về mọi mặt, một xã hội mang nhiều tính người, nhân đạo nhất. văn nghệ phải đi vào những vấn đề cơ bản ấy để đóng góp vào việc đổi mới xã hội. Báo chí văn hóa văn nghệ càng phải đi sát đời sống xã hội, đời sống nhân dân nhiều hơn.

Trước mắt, tôi nghĩ rằng các báo nên tập trung nỗ lực vào một số việc để thực hiện tốt hơn Nghị quyết 05.

Một là đẩy mạnh công tác phê bình văn nghệ. Phải tạo không khí xã hội coi chuyện tranh luận, phê bình khen chê các tác phẩm văn nghệ, các quan điểm văn học nghệ thuật là việc bình thường. Có tranh luận, thảo luận, phê bình mới có đời sống văn học nghệ thuật. Tự do sáng tác đi đôi với tự do phê bình là một tư tưởng quan trọng của Nghị quyết 05. tác phẩm cứ ra đời, đừng bóp chết nó nếu nó không độc hại, không phản động, không vi phạm pháp luật. Hãy để cho tác phẩm chịu búa rìu dư luận và chịu sự thử thách của thời gian. Giá trị thực sẽ còn lại, giá trị giả sẽ mất đi. Trong phê bình văn nghệ, cần lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau và không nhất thiết mọi vấn đề, mọi hiện tượng văn nghệ đều phải có kết luận ngay. Báo chí cũng không nên tự cho mình cái quyền lên tiếng kết luận cuối cùng. Hãy trao quyền lực ấy cho công chúng thời gian.

Hai là phải tập trung giải quyết vấn đề lãnh đạo, quản lý văn hóa văn nghệ trong tình hình tiến hành đổi mới hiện nay. Nghị quyết 05 đã nhấn mạnh là "Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo văn hóa văn nghệ nhằm phát huy mọi tiềm năng sáng tạo". Đã đến lúc phải có những quan niệm thống nhất, thông suốt từ trên xuống dưới và phải có thể chế hóa sự lãnh đạo quản lý theo hướng đổi mới. Vấn đề này chúng ta sẽ bàn kỹ trong một cuộc hội thảo khoa học sắp tới. Các báo nên tham gia bàn bạc.

Nguồn: Tuổi trẻ Chủ nhật, Tp. HCM, số 41 (16-10-1988)

Mục lục 

5-1-2022