ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Văn nghệ, Hà Nội, số 31 (4-3-1988)

 

VỀ CÁI ĐỜI THƯỜNG TRONG ÂM NHẠC

DƯƠNG VIẾT Á

Gần đây, một số bài viết hoặc nói thường nhắc đến hai từ đời thường như một phạm trù mỹ học mới được phát hiện. Tuy chưa lý giải phân tích thấu đáo và sâu sắc nhưng qua văn cảnh và cách trình bày, ta có thể nắm được quan niệm của các tác giả - chủ yếu là các nhạc sĩ sáng tác - nêu lên và nhấn mạnh như một hướng mới của âm nhạc.

Sự xuất hiện hoặc đề cao một phạm trù mỹ học nào đó không bao giờ là ngẫu nhiên mà bao giờ cũng có cơ sở lịch sử và xã hội. Theo tinh thần của các bài viết hoặc nói, "cái đời thường" được trình bày như là một sự đối lập với phạm trù cái cao cả. Âm nhạc của ta mấy chục năm qua quá thiên, thậm chí, chỉ nhằm vào cái cao cả trong cuộc sống. Điều đó thể hiện trong cách khai thác đề tài: quá chú trọng cái chung, cái ta mà quên mất cái riêng, cái tôi, trong nội dung tác phẩm, âm điệu chủ đạo là ngợi ca mà gần như không nói tới những mất mát, dằn vặt, đấu tranh trong nội tâm mỗi con người; trong sự lựa chọn loại thể, nhiều chính ca, ca khúc quần chúng, có khi quá khuyến khích loại ca khúc cổ động kịp thời, quá ít ca khúc nghệ thuật - trữ tình, nhất là tình ca. Đó là nhầm lẫn trong nhận thức và quan niệm, chưa phân biệt được tính chiến đấu với tư cách là nội dung tư tưởng với đề tài chiến đấu và dẫn đến sự nghèo nàn đơn điệu trong sáng tác và biểu diễn; chưa nắm được tính đa dạng trong chức năng xã hội của âm nhạc.

Căn bệnh ấu trĩ ấy vẫn không bị chặn đứng cả sau năm 1975, khi đất nước được hoàn toàn giải phóng: phương hướng sáng tác và biểu diễn vẫn bị gò lại trong những khuôn khổ đến cứng nhắc; trong quan niệm về những chuẩn mực của cái đẹp vẫn rơi vào chủ nghĩa kinh viện, giáo điều. Có thể nêu ra đây một vài dẫn chứng: không kịp thời chấp nhận nhạc nhẹ như một nhu cầu của cuộc sống; chưa đáp ứng thị hiếu của thanh niên về loại nhạc cụ được nhấn mạnh tiết tấu; mảng ca khúc đi sâu vào biểu hiện thế giới nội tâm của con người với muôn vàn cung bậc tình cảm, với những sắc độ khác nhau trong những nỗi niềm riêng tư còn bị bỏ trống. Và thế là giới nhạc sĩ làm ra những sản phẩm tinh thần mà không nhắm được đúng nhu cầu của người tiêu thụ công chúng thưởng thức. Người tiêu thụ trong cơn đói, đã vồ lấy những sản phẩm không những là những sản phẩm không có "nhãn hiệu trình tòa" mà còn là của giả, của ôi!

Người ta tìm đến với những băng đĩa nhạc nước ngoài để thỏa mãn nhu cầu nhạc nhẹ; tìm đến với những bản "nhạc trẻ", nhạc "xập xình" kích động hoặc mượn danh ca khúc chính trị để đáp ứng nhu cầu tiết tấu "mới", tìm đến nhạc vàng để được nghe tiếng nói thầm kín về "tình yêu và đau khổ", "bất hạnh và cô đơn"... Trong khi âm nhạc chính thống của ta còn chơi vơi về nội dung biểu hiện và hình thức thể hiện, trong khi trình độ người nghe còn bị hạn chế nên những bản giao hưởng, những tác phẩm khí nhạc của thế giới và trong nước chưa vào tai người thưởng thức thì những "sản phẩm" vừa "mức tiêu thụ" được đón nhận và chấp nhận. Kết quả là thói "sùng ngoại" xuất hiện! Kết quả là một loại âm nhạc - thị trường, âm nhạc - hàng hóa xuất hiện!

Phạm trù "cái đời thường" được đề xướng trong bối cảnh đó. Thực ra khái niệm "cái đời thường" không có gì mới mẻ về mặt nội dung: chẳng qua đấy chỉ là một cách diễn đạt khác của phạm trù cái bình thường hoặc rộng hơn là tính hiện thực của nghệ thuật, mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Điều mà ta có thể chấp nhận là ý nghĩa của từ ngữ đó, một sự nhắc nhở các nhạc sĩ phải bám sát và đi sâu vào cuộc sống của con người. Lắng nghe và hòa nhịp thở với những con người đang sống trong hoàn cảnh bình thường, bình dị.

Theo tuyến này, cũng đã có những từ ngữ xuất hiện: "cái bình thường", "cái thường nhật", "hiện thực trần thế"... Như vậy, điểm xuất phát của sự nhấn mạnh - có thể nói là đề cao "cái đời thường" là chính đáng.

Rõ ràng là từ sau năm 1975, ngày thống nhất đất nước, lịch sử đã có một bước ngoặt - và cần có một nhận thức triết học về bước ngoặt lịch sử này. 30 năm trước đó, vấn đề nổi lên hàng đầu là sự sống còn của cả dân tộc, cái tôi chỉ có thể tồn tại trong cái ta, cái riêng phải nằm trong cái chung. Từ sau năm 1975, vấn đề khác đã được đặt ra: cá nhân và xã hội. Trong hoàn cảnh mới, cần giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa cái tôi và cái ta, cái riêng và cái chung. Giờ đây, mỗi một con người, mỗi một cá nhân cần được nhận thức là một đơn thể đồng thời là một chỉnh thể. Đâu phải ngẫu nhiên mà khẩu hiệu chung như là phương châm hành động của Đại hội Đảng lần thứ VI là: vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Nói cách khác, phải quan tâm đến con người, quan tâm đến từng thành viên của xã hội.

Hơn nữa, giờ đây với những phương tiện truyền thông xã hội Việt Nam không còn là một ốc đảo. Lượng thông tin lớn về các sự kiện trên thế giới và trong nước dồn dập ùa vào trong đầu óc của từng người, rút cục trình độ tri thức mở rộng, ý thức về cái bản ngã được nâng cao. Thêm vào đó, giao lưu văn hóa là một quy luật không thể cưỡng lại được, nhất là trong điều kiện xã hội văn minh ngày nay.

Chính đấy là chiều sâu để giải thích vì sao luận điểm về "cái đời thường" được hưởng ứng. Trong bối cảnh lịch sử và vấn đề của xã hội như đã nói, được nghe một bản nhạc đi vào từng cái cụ thể của cuộc đời, một bài hát nói về nỗi niềm riêng tư - thì người nghe như được đối thoại trực tiếp với chính mình. Trong cuộc sống hiện tại và tương lai, dù với mức độ bị hạn chế, vẫn có hạnh phúc và bất hạnh, tình yêu và thất vọng, ước mơ và vỡ mộng, khả năng và hiện thực. Âm nhạc vẫn được gọi là tiếng nói của tình cảm hoặc mang tính kịch với những xung đột gay gắt - hát xích lại gần với nói - hoặc nhẹ về sự uốn lượn của đường nét trong giai điệu mà nặng về tiết tấu - tiết tấu như nhạc nền để trên đó "đối thoại" với người nghe.

Song trong cách nhấn mạnh và đề cao, các chủ thuyết về cái đời thường đã bộc lộ những sai lầm. Sai lầm đầu tiên là cách nhìn phi lịch sử. Có thể chấp nhận sự nhấn mạnh cái đời thường, nhưng đem đối lập nó với cái cao cả, cái phi thường thì lại là thiếu biện chứng. Nếu việc nhấn mạnh cái đời thường là phù hợp với yêu cầu công chúng hiện nay thì việc nhấn mạnh cái cao cả, nhấn mạnh chức năng giáo dục, động viên của âm nhạc trước 1975 cũng lại là yêu cầu của lịch sử - tất nhiên là ta vẫn công nhận đã có ít nhiều quá khích, cực đoan.

Sai lầm thứ hai: sự đối lập ấy là giả tạo và siêu hình. Không thể xây thành đắp lũy giữa cái bình thường và cái phi thường, giữa cái đời thường và cái cao cả. Đó là một cặp phạm trù có mối liên hệ biện chứng. Trong cái bình thường có cái phi thường và cái phi thường tồn tại dưới dạng cụ thể của cái bình thường. Cái phi thường của lãnh tụ, anh hùng vẫn tồn tại trong cái bình thường về hình dáng, sinh hoạt, dòng giống, công việc, trách nhiệm... Giữa hai phạm trù đó có một cái ngưỡng, vượt được sẽ là phi thường, không vượt nổi là cái bình thường.

Do sai lầm về nhận thức, sẽ bị chệch hướng trong sáng tác và biểu diễn: nhiều tác giả tìm đến với tình yêu, nói rõ hơn là những tâm tư và nỗi đau khi thất vọng trong tình yêu. Đúng là có yêu và có thể không được yêu - thất vọng. Song thất vọng như thế nào? Gập người xuống, chán đời hay đứng thẳng mà bước tiếp? Nhạc sĩ phải trả lời, có nghĩa là phải xây dựng cho con người đó một lẽ sống lành mạnh, lạc quan (dù là đang đau khổ) chứ không phải đến chỉ để vuốt ve, mơn trớn và buông xuôi vô trách nhiệm. Một số bài tình ca bị "vàng hóa" cũng do chưa nhận thức được điều này.

Một số tác giả tìm đến với đề tài chiến tranh. Dĩ nhiên chiến tranh là có tổn thất, mất mát, tang tóc, chết chóc... Trước đây ta có xu hướng tô hồng, thi vị hóa khi viết về chiến tranh, đó là một thiếu sót. Song không thể khắc phục một thiếu sót này bằng một sai lầm khác. Những nỗi đau do chiến tranh mang lại không thể trở thành tiếng thở dài não ruột, những ngậm ngùi đầy cay đắng, tủi cực và bế tắc. Còn nỗi đau nào bằng nỗi đau của người mẹ nhận tin con mình đã chết, người vợ nhận tin chồng mình đã hy sinh? Có những tiếng khóc và cũng có nhiều kiểu khóc: khóc lóc, khóc òa, khóc rống... và khóc nức nở, khóc thầm, khóc lặng, khóc không nước mắt... Phải thấy chiều sâu tiếng khóc của con người Việt Nam để biểu hiện cho trung thực thì cái đời thường sẽ mang trong mình nó cái cao cả.

Vả chăng, cuộc đời mỗi con người đâu chỉ có nỗi đau? Từ những nỗi đau cụ thể, mỗi con người cần có hy vọng và ước vọng. Vì rằng, con người trong tính thực tại của nó, là nơi tổng hòa các quan hệ xã hội (Mác), đời mỗi người bao gồm nhiều mảng, tùy hoàn cảnh cụ thể mà có thể mảng này, hoặc mảng nọ trội hơn, nhưng không có nghĩa là các mảng khác bị triệt tiêu. Cho nên khi đi vào cái đời thường, các nghệ sĩ cần tránh cái ấn tượng về một mảng mà quên mất cái toàn thể, toàn cục cũng như mối quan hệ tổng hòa giữa các mảng có tính bộ phận, riêng lẻ. Và càng không được nhầm lẫn giữa cái đời thường và cái tầm thường; vì cái tầm thường có nghĩa là cái xấu, mà mục đích của sáng tác nghệ thuật bao giờ cũng là cái đẹp.

Đẩy xa lên một bước, các nhạc sĩ chủ trương cái đời thường sẽ nghĩ sao khi nền âm nhạc của một đất nước chỉ gồm ca khúc mà lại là những ca khúc chỉ nói về những nỗi buồn và nỗi đau, tình yêu và thất vọng?

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 31 (4-3-1988)

 

Mục lục 

22-10-2021