ĐỜI SỐNG VĂN
NGHỆ
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số
đặc biệt kỷ niệm 40 năm báo Văn nghệ (tháng 4-1988)
ĐỔI MỚI Ở
VĂN NGHỆ
HỒ SĨ QUÝ
Có thời, với một
vài tờ báo, người đọc chỉ cần lật trang đầu, trang cuối, liếc qua
một lượt các đề mục là có thể yên tâm, không lo bỏ sót một cái gì
đáng tiếc. Cho đến những tháng đầu năm 1987, tờ
Văn nghệ
– người bạn 39 tuổi có văn
và có
nghệ của bạn đọc – cũng chưa hơn
được tình trạng như vậy là bao. Không khí đổi mới và dân chủ hóa
không khởi đầu ở Văn nghệ.
Vào lúc đó người đọc chờ đón những tin sốt dẻo, những cái nhìn mới,
những bộ mặt thật của các giá trị... ở các tờ báo khác. Người đọc có phần sốt ruột. Phải đến tháng 7,
tháng 8 gì đó, khi bài Câu chuyện
cũ mới của Nguyễn Khắc Viện xuất
hiện, công chúng mới bắt đầu tin hơn vào tờ báo của mình. Rồi từ
tháng 10, sau cuộc gặp gỡ với giới văn hóa – văn nghệ với đồng chí
Tổng Bí thư, thì Văn nghệ
mới thật sự được bạn đọc "truy lùng", "mổ xẻ", chiêm nghiệm và bàn
luận... Và cho tới nay, mỗi khi một số báo mới xuất hiện, thì công
chúng khó lòng ngồi yên được, nếu như chưa thấy mặt nó. Văn nghệ
đã khởi sắc – có người nói như vậy – một trí tuệ còn ẩn tàng nhiều
nét thâm thúy và tài hoa, đã hết ngỡ ngàng sau một lần nữa lại nhận
ra mình. Và bây giờ là lúc
mà cuộc đời đòi hỏi ở Văn nghệ
cao hơn. Khác với những tờ
báo khác, Văn nghệ
không chỉ là một tờ báo chính trị - xã hội. Với các sự kiện các tin
tức... nếu Văn nghệ
không nói thì đã có người khác nói. Nhưng
với những cái đằng sau những sự kiện và tin tức ấy - cái tâm trạng,
cái trăn trở, cái con người... - nếu
Văn nghệ
không nói được thì độc giả đã mất đi một cái gì đó rất lớn và không
lấy lại được. "Ở đời, có những việc chỉ có thể giải quyết được bằng
thơ" (Maiakovski). Công cuộc đổi mới
dù còn đang chập chững ở những bước ban đầu, song đã có khá nhiều
dấu hiệu đáng mừng. Hơi thở của đời sống đã tràn vào mặt báo khá rõ
nét trong những tháng gần đây. Những bài ký
Lời khai của bị can, Làng giáo có gì vui,
Tiếng hú con tàu v.v... đã thực sự
làm cho người đọc phải động não về nhiều phương diện. Mong rằng ở
tuổi 40, Văn nghệ
sẽ có những bài ký, những phóng sự như thế và hay hơn thế, phản ánh
được những sự kiện sâu sắc hơn, căn bản hơn đang diễn ra trong đời
sống xã hội. Tầm tác động sâu rộng của các bút ký sẽ là rất lớn. Cố
nhiên, với thể loại này, độc giả sẽ đòi hỏi rất cao về độ xác thực
và cái nhìn khách quan. Do vậy nếu một bài ký nào đó phản ánh sự
kiện một cách méo mó hoặc thiếu trung thực, thì sẽ là một thiệt hại
lớn đối với tờ báo. Với mỗi bài ký, độc giả yêu
Văn nghệ
thường có tâm trạng vừa mừng mà cũng vừa run. Với truyện ngắn
thì yên tâm hơn. Người đọc tìm đến truyện ngắn trên tờ Văn nghệ
không phải là tìm đến cho thỏa tò mò về những sự kiện kín kín, hở hở
nào đấy (đành rằng thủ pháp này cũng rất hữu hiệu và nên sử dụng).
Người đọc mong chờ truyện ngắn nói riêng và các thể loại văn học
khác nói chung, cung cấp cho mình những tiền đề mới lạ để nhìn, để
nghĩ và đánh giá về cuộc sống hôm nay. Trong năm qua những truyện
kiểu như Muối của rừng còn hơi ít. Người đọc còn đang trông
chờ Văn nghệ ở cái thế mạnh đặc biệt, và riêng có này. Hiện
nay, các sự kiện thời sự đang có rất nhiều. Các tác giả có thể sẽ sử
dụng các sự kiện ấy để thời đại hóa ngòi bút của mình. Tuy
nhiên, chúng tôi nghĩ rằng, sẽ nhân đạo hơn, nếu các tác giả
thoát ra khỏi sự kiềm chế của những sự kiện ấy, mà thời đại hóa
ngòi bút của mình bằng một cái nhìn thời đại. Tác động rõ nhất
về mặt tư duy mới của tờ Văn nghệ
năm qua, theo chúng tôi, là ở mảng lý luận phê bình. Trước đây, lý
luận phê bình của ta thường bị chê là nhàn nhạt, có khen có chê một
cách chung chung. Bây giờ, chính tờ
Văn nghệ
đã được coi là người đi tiên phong trong việc chống lại những khuôn
thước cứng nhắc của minh họa. Ý kiến của nhà văn Nguyễn Minh Châu,
các ý kiến khác của các văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa... đã
ít nhiều lay động được các quan niệm khác nhau về giá trị của văn
học nghệ thuật. Quan hệ giữa chính trị với văn nghệ – vấn đề tế nhị
nhất và cũng là then chốt nhất đã được đưa ra thảo luận. Cuộc thảo
luận còn đang tiếp tục. Và ở đây, chắc chắn rằng công chúng sẽ ghi
công những ai thực sự tán thành đổi mới, thực sự day dứt về một tình
trạng hiện thời của chủ nghĩa xã hội và thực sự đòi hỏi một nền văn
nghệ phải có những tác phẩm tầm cỡ hơn, xứng đáng hơn với trí tuệ
Việt Nam. Xung quanh vấn đề này, điểm khó khăn nhất là phải đánh giá
quá khứ. Văn nghệ
đã dám đánh giá quá khứ của mình, và không ít tác giả có tên tuổi đã
"tôi đành nhẫn tâm vặn cổ bài ca của chính tôi" (Maiakovski). Ở đây
có một antinomic
rất giống ngụy biện: nếu anh không muốn trở thành "người ba phải",
thì anh phải phủ nhận hoặc thừa nhận hoàn toàn quá khứ. Còn nếu anh
phủ nhận hoặc thừa nhận hoàn toàn quá khứ thì anh lại rất dễ bị quy
là quá khích, cực đoan. Ở tuổi 40 chắc rằng
Văn nghệ
sẽ "đủ từng trải" để giải quyết nghịch lý này. Ở mảng lý luận phê
bình của tờ Văn nghệ
năm qua, có lẽ cũng cần trân trọng những tinh thần mới nảy sinh
trong các cuộc thảo luận về tác phẩm của Phan Ngọc, về ngôn ngữ
Truyện Kiều
v.v... Cái mới ở đây không nổi lên ở ý nghĩa thời sự mà là ở tinh
thần thảo luận. Thảo luận sẽ là vô ích nếu như nó diễn ra trong
những điều kiện không bình thường đối với tư duy. Nhờ có không khí
dân chủ mới, nên tờ Văn nghệ
- diễn đàn của phê bình - đã ít nhiều trân trọng được những người
biết trân trọng văn nghệ, biết đổ mồ hôi cho văn nghệ. Chính điều
này đã làm thư giãn thần kinh của khá nhiều người. Thấm thoát đã 40 năm. Với một đời người
thì "tứ thập" đã là cái tuổi "nhi bất hoặc", còn với một tờ báo, thì
phải chăng đây là lúc Văn nghệ
hiểu rõ nhất mình là ai và đâu là đất múa gươm. Sự nghiệp đổi mới
chắc không phải chỉ là ngày một, ngày hai,
Nặng lắm ai ơi một gánh tình
(Tản Đà). Nguồn: Văn
nghệ, Hà Nội, số đặc biệt kỷ niệm 40 năm báo Văn nghệ
(tháng 4-1988) 23-10-2021 |