NHỮNG NHẬN XÉT
XÁC ĐÁNG HOÀNG NGỌC HIẾN Trong những bài trao đổi ý kiến về hai bài báo của tôi (Văn nghệ, số 50-1989 và số chuyên san tháng 4-1990) có những nhận xét xác đáng và cũng có những sự hiểu lầm đáng tiếc - lẽ ra có thể tránh được nếu như một số ý kiến của tôi được trình bày đầy đủ hơn và được tiếp nhận vô tư hơn. Có những độc giả quen thuộc với những quan niệm truyền thống về âm - dương không khỏi ngỡ ngàng đọc bài tiểu luận của tôi trong đó hai khái niệm này được sử dụng một cách ước lệ. Hơn nữa, ở ta, những tài liệu vận dụng thuyết âm dương vào nghiên cứu văn học nghệ thuật chưa được công bố, giới thiệu[1]. Trong bài trao đổi ý kiến của Nguyễn Văn Lưu (Văn nghệ, số chuyên san tháng 5-1990) tác giả không tán thành việc "cân bằng âm dương" cho sự phát triển văn học. Trong bài tiểu luận tôi đặt yêu cầu "hài hòa âm - dương". Và "hài hòa" rất khác "cân bằng". Tôi xin phép nêu một số ví dụ. Đĩa cân bên này là một miếng thịt, đĩa cân bên kia là một cục gạch. "Miếng thịt" và "cục gạch" có thể hoàn toàn "cân bằng" nhau. Nhưng rất khó "hài hòa" với nhau. Trong một bức tranh chẳng hạn, một đốm trắng nhỏ có thể hài hòa với một mảng đen to. Khái niệm "hài hòa" uyển chuyển hơn, phức tạp hơn khái niệm "cân bằng". Vợ cao hơn chồng vị tất đã "hài hòa", nhưng chồng cao hơn vợ mới "hài hòa". Cân bằng chỉ là một trường hợp của sự hài hòa, có khi lại mâu thuẫn với "hài hòa". Có khi phá vỡ "thế cân bằng tuyệt đối" mới tạo ra được sự hài hòa (mỹ học chủ nghĩa lãng mạn). Cân bằng đòi hỏi sự ngang bằng, thậm chí một sự ngang bằng tuyệt đối (5-5) chẳng hạn. Có những ý trong bài tiểu luận của tôi sẽ trở thành kỳ quặc nếu được hiểu theo tinh thần cân bằng âm dương. Có một ý kiến tôi xin phép trình bày rõ hơn. Ngay trong tình trạng chênh lệch, tức là mặt này trội hơn mặt kia, yêu cầu hài hòa vẫn được đặt ra, đòi hỏi cả hai mặt (âm tính và dương tính) đều mạnh (tuy không ngang bằng nhau). Mặt này mạnh vì mặt kia quá yếu thì mặt trội không thể xem là thực sự mạnh. Dương tính của một dòng văn học "dương tính" chưa hẳn thực sự mạnh. Phương thức "bổ âm tiếp dương" không phải là chiết trung mà có căn cứ sâu xa của nó. Một số thắc mắc của ông Nguyễn Văn Lưu nảy sinh từ quan niệm "cân bằng âm dương" tự ông đặt ra. Trong bài phê bình của ông, từ "cân bằng" được lặp lại 13 lần (chắc không phải do ngẫu nhiên). Ở phần kết luận bài của tôi, có nói đến mong muốn "tạo ra sự cân bằng trong đời sống tinh thần" còn trong toàn bài, về quan hệ âm dương trước sau tôi tránh dùng từ "cân bằng", chỉ đặt ra yêu cầu "hài hòa". Trong bài tiểu luận, tôi khẳng định sự lựa chọn quan điểm duy vật trong triết học đồng thời đặt yêu cầu đối thoại nghiêm chỉnh với triết học duy tâm. Ông Lưu cho như vậy là "ái duy vật, ái duy tâm". Có thể tiếp nhận công thức này với một sự bổ sung: "ái duy vật khôn ngoan, ái duy tâm khôn ngoan". Lựa chọn quan điểm duy vật là một chuyện, nhưng "duy vật thô sơ", "duy vật dại dột" thì không thể mê được. Mác là một người nhất quán trong quan điểm duy vật nhưng rõ ràng ông có thiện cảm với chủ nghĩa duy tâm biện chứng hơn là với chủ nghĩa duy vật siêu hình. Người duy vật tin ở khả năng nhận thức của con người nhưng không lạc quan một cách dễ dãi như ông Lưu. Có thể hai tập sách về trường sinh học của Hoàng Phương đã làm cho ông cao hứng: những sóng từ trường sinh học con người còn nắm được thì mọi bí mật sẽ bị con người khám phá và chủ nghĩa duy tâm sẽ hết nơi ẩn náu... Quan điểm duy vật thô sơ không biết đến điều mà Einstein gọi là tính kịch của nhận thức của con người. Trong sự phát triển của nhận thức, mỗi câu hỏi được giải đáp lại đặt ra những câu hỏi khác, nhận thức của con người được mở rộng thì đồng thời diện tiếp xúc với cõi chưa biết cũng được mở rộng, mỗi lần tỉnh ra con người lại biết thêm nhiều điều khác còn u mê, mỗi bí mật được khám phá lại đặt con người trước những bí mật khác và cứ thế đến vô cùng vô tận. Cứ theo cách hiểu phiến diện (không tính đến căn nguyên xã hội) của ông Lưu về chủ nghĩa duy tâm thì ngược với sự chờ đợi của ông - nhận thức của con người càng phát triển, chủ nghĩa duy tâm càng rộng nơi ẩn náu. Trong bài tiểu luận, tôi có nêu một số quan hệ đối lập (nhận thức suy lý - nhận thức trực giác, tư duy logic - khái niệm - tư duy trực giác hình tượng... có liên quan nhưng không đồng nhất với quan hệ ý thức - vô thức. Do sự tôn trọng độc giả trong bài này cũng như trong bài trước, tôi sẽ không thuyết trình lý luận chung chung về ý thức - vô thức và những lý luận đại cương khác. Chỉ muốn thanh minh một điều là trong bài tiểu luận không hề đưa ra yêu cầu cân bằng vô thức - ý thức. Trong bài tiểu luận, tôi đặt vấn đề quan hệ giữa "chính trị" và "văn hóa". "Chính trị", "văn hóa" được đặt trong vòng kép vì hai từ này được dùng một cách rất ước lệ chỉ hai cách nhìn: "chính trị" là cách nhìn "nhấn mạnh lập trường của tập đoàn mình", "văn hóa" là cách nhìn "quan tâm đến sự thống nhất giữa những giai cấp khác nhau, giữa những quốc gia khác nhau". Trong bài trao đổi ý kiến, bằng một động tác rất gọn "bỏ vòng kép" ông Lưu đã biến vấn đề quan hệ giữa "chính trị" và "văn hóa" thành một vấn đề khác hẳn: quan hệ giữa chính trị và văn hóa. Trong bài báo của tôi, hai từ "chính trị" và "văn hóa" mỗi lần được dùng một cách ước lệ đều được đặt trong vòng kép. Còn trong bài báo của ông Lưu, hai từ này được lột vòng kép một cách hết sức nhất quán. Tôi nghĩ đến việc ông Lưu đã thay khái niệm "hài hòa" bằng khái niệm "cân bằng" cũng nhất quán như vậy. Phần đầu bài tiểu luận, tôi có nói đến khái niệm "âm khí nặng nề" trong văn học công khai "những năm trước Cách mạng, những năm cuối cùng thời kỳ Pháp thuộc". Những năm nào vậy? Chủ quan tôi muốn nói đến những năm 1940-1945: đó là thời gian sau hai tập Thơ Hàn Mặc Tử (1937-1940) và Lửa thiêng (1940) (không phải ngẫu nhiên tôi ghi năm xuất bản của hai tập thơ). Tôi ghi nhận nhiều ý kiến xác đáng của những nhà nghiên cứu đối thoại với tôi phát biểu về toàn bộ giai đoạn văn học 1930-1945 cả thơ và văn xuôi, cả văn học công khai và văn học Cách mạng. (Chẳng hạn, không thể không suy nghĩ về giả định của anh Đỗ Lai Thúy về tính chất "hài hòa" của văn học giai đoạn 30-45). Tôi có nêu một loại cặp phạm trù (đối lập âm tính, dương tính). Nếu sắp các cặp phạm trù này thành hàng dọc thì có hai "dãy" phạm trù dương tính và âm tính. Anh Đỗ Lai Thúy đặt yêu cầu tổ chức hệ thống, xác lập quan hệ cấu trúc trong mỗi dãy phạm trù[2]. Đây là một yêu cầu khoa học cao, làm luận văn khoa học không thể không quan tâm đến yêu cầu này. Bài báo của tôi là một bài ét-xe (tiếng Pháp essai, tạm dịch là "tiểu luận") thể loại này vẫn đòi hỏi sự suy luận nghiêm chỉnh nhưng cho phép đưa ra những ước đoán, giả định một cách thoải mái, không đòi hỏi sự minh chứng chặt chẽ, cứ liệu đầy đủ. Thực ra, khi thuyết trình những kết quả nghiên cứu của mình, tôi không thể không quan tâm đến tính hệ thống. Mỗi lần trình bày một cặp phạm trù, đưa phạm trù nào vào dãy "âm tính", phạm trù nào vào dãy dương tính, phải có sự biện bạch, công việc này không đơn giản chút nào. Làm công việc biện bạch, cuối cùng tôi phải lấy hệ thống của học thuyết âm dương truyền thống làm hệ quy chiếu (hệ thống này mang tính chất tiêu đề nhưng có phần hợp lý của nó). Tôi xin phép nêu hai ví dụ. Trình bày cặp phạm trù "chính trị" - "văn hóa", bằng cảm tính tôi thấy đem sắp phạm trù trước vào dãy "dương tính", phạm trù sau vào dãy "âm tính" là thuận. Nhưng dẫu sao vẫn phải biện bạch. Tình cờ, đọc được một tài liệu cho biết là thuyết âm dương truyền thống "nhân" thuộc "âm" và "nghĩa" thuộc "dương" tôi nghĩ ngay đến sự tương ứng giữa quan hệ nhân - nghĩa và quan hệ "văn hóa" - "chính trị": Theo cách hiểu của tôi "văn hóa" nặng về "nhân" (nhân từ, nhân ái) và "chính trị" nặng về "nghĩa" (tinh thần, nghĩa vụ). Một ví dụ khác, theo hệ thống của tôi, bán cầu não trái thiên về chức năng tư duy logic - khái niệm phải thuộc dãy "dương tính", còn bán cầu não phải thiên về chức năng tư duy trực giác - nghệ thuật phải thuộc về dãy "âm tính". Nhưng theo quan niệm âm - dương truyền thống thì bên phải thuộc "dương", bên trái thuộc "âm". Thật là rầy rà! Tôi thở phào nhẹ nhõm sau khi một bác sĩ y khoa cho tôi biết rằng "bán cầu trái" là trung tâm thần kinh chi phối hoạt động người bên phải và hoạt động nửa người bên trái bị chi phối bởi trung tâm thần kinh "bán cầu phải". Như vậy, trong bài tiểu luận, sự trình bày các phạm trù có căn cứ ở hệ thống âm - dương truyền thống, "âm" và "dương" là những tên gọi "ước lệ", nhưng không phải là những cái "áo" có thể đem khoác vào bất cứ ai. Trong bài báo ngắn đăng tuần báo Văn nghệ, số 50 năm 1989, khi đưa ra ức đoán truyện Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh là "tín hiệu của một dòng văn học mới, dòng văn học bước qua lời nguyền", tôi nghĩ ngay rằng một số bạn đồng nghiệp có thể hiểu lầm và sẽ có người hô hoán: Hoàng Ngọc Hiến kêu gọi bước qua mọi lời nguyền! Do đó, ngay từ dòng đầu của bài báo, tôi phải xác định "rõ ràng, dứt khoát" bước qua những lời nguyền nào? Tôi đã xác định: đó là "những định kiến hận thù" "trở thành lời nguyền". Vẫn chưa yên tâm, đến giữa bài tôi nhắc đến vở Romeo và Juliet: Lời nguyền duy nhất được bước qua trong tác phẩm nổi tiếng này là những định kiến hận thù, không thể nào hiểu chệch sang một ý khác. Vẫn chưa yên tâm, đến phần kết của bài, tôi thấy một lần nữa phải "khu biệt" những lời nguyền nào nhân loại trước sau phải bước qua và tôi đã xác định "rõ ràng, dứt khoát": Đó là những lời nguyền "đáng nguyền rủa". Tôi nghĩ rằng nói đến thế là rõ, chả nhẽ tôi lại phải giải thích thêm với mấy ông bạn đồng nghiệp: Ngoài "những lời nguyền đáng nguyền rủa" còn có "những lời nguyền thiêng liêng", "những lời nguyền đáng nguyền rủa" thì bước qua, còn "những lời nguyền thiêng liêng" thì không bước qua... Không hiểu sao một số bạn đồng nghiệp của tôi nói đến những "lời nguyền đáng nguyền rủa" thì họ nghĩ ngay rằng đó là "chủ nghĩa xã hội", là "không có gì quý hơn độc lập tự do", là "chống chiến tranh hủy diệt", là "phải suốt đời đấu tranh cho hòa bình"... Họ không nhận ra được đó là những "lời nguyền" thiêng liêng hay sao. Một điều khó hiểu là ở một số bài tranh luận với bài báo của tôi[3], từ "lời nguyền" bị lạm dụng quá thể, cái gì cũng là "lời nguyền", thậm chí "không được sống theo chế độ bao cấp lỗi thời" cũng được xem là "lời nguyền" (!). Bài báo của Nguyễn Văn Lưu đăng ở tạp chí Thanh niên, số 10-1990 và bài báo của Chu Giang đăng ở Hà Nội mới Chủ nhật, số ngày 23-9-1990 là hai bài trao đổi ý kiến đáng chú ý. Ông Lưu khẳng định rằng "bước qua lời nguyền", giải lời thề nguyền là "sự chiến thắng của tính người, của tình đồng loại, đồng bào, của lòng nhân ái và sự cao cả", là sự chiến thắng "những ràng buộc phi nhân bản, những tình cảm hận thù làm thấp hèn con người". Ông Chu Giang nhân danh chủ nghĩa nhân văn cộng sản bác bỏ "sự giải thích mơ hồ bằng nhu cầu nhân tính", ông cho rằng thời đại ngày nay mà "nêu lên một thứ quan niệm về tình thương và nhân tính" là ca lại khúc ca "nhân tính" cũ kỹ. Thực ra, chủ nghĩa nhân văn cộng sản không bao giờ phủ nhận "nhu cầu nhân tính" và những "khát vọng yêu thương" của con người. Vấn đề là quan niệm như thế nào về tình thương và "nhân tính" cho đúng. Phải nhận rằng đây là một vấn đề phức tạp. Gạt sang một bên ý kiến của những "ông chủ thông minh" và những "gia nhân dốt nát" thì về vấn đề này giữa những người có quan điểm chính trị và học thuật nghiêm túc vẫn có sự bất đồng ý kiến. Ông Chu Giang cho rằng "nhân loại chỉ có một lời nguyền": đó là một câu văn của Mác trong Tuyên ngôn cộng sản mà ông tâm đắc (ông không nói rõ là câu nào). Thực ra, trong những thành tựu của văn hóa nhân loại hai ngàn năm nay mà chủ nghĩa nhân văn cộng sản là người kế thừa, ngoài bản tuyên ngôn còn có nhiều áng văn bất hủ khác - Kinh thánh chẳng hạn. Tâm đắc với câu văn của Mác, không nên quên, "lời nguyền" này trong Kinh thánh: "Hãy kiếm miếng ăn bằng mồ hôi trán của chính mình". Trên đời, những người lười biếng còn nhiều. "Lời nguyền" trong Kinh thánh không trái với chủ nghĩa nhân văn cộng sản đâu. Vả chăng không nên nhân danh chủ nghĩa cộng sản để độc quyền "lời nguyền". Nhìn chung trong bài báo của ông Lưu, về truyện của Tạ Duy Anh có những ý kiến xác đáng. Đáng tiếc là có một chỗ hiểu lầm - trong bài báo ngắn, tôi ức đoán truyện của Tạ Duy Anh là "tín hiệu của một dòng văn học mới, dòng văn học bước qua lời nguyền. Ức đoán này bị ông Lưu trình bày chệch sang một ý khác: Truyện của Tạ Duy Anh là "khởi đầu của một nền văn học mới - văn học bước qua lời nguyền". Một nền văn học có nhiều dòng, một dòng không phải là cả nền văn học. Ông Lưu thay một "chữ" và ý của tôi khác hẳn. w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, phụ san tháng 11 (24-11-1990)
[1] Đọc bài tiểu luận của tôi, ông Nguyễn Văn Lưu đặt một câu hỏi hoài nghi đích đáng Có âm dương trong văn học hay không? Tôi cung cấp một ít tư liệu nước ngoài về sự vận dụng hai phạm trù âm dương vào nghiên cứu văn học nghệ thuật. Những tư liệu được rút ra từ công trình Truyền thống nghệ thuật Nhật Bản của T.P. Grigorieva (M. 1979). Ở Nhật, thế kỷ XV đã có những tác giả kịch vận dụng học thuyết âm, dương vào việc nghiên cứu sân khấu Nô. "Thời cổ, - Xê-a-mi Đê-am Mô-tô-ky-i-ô (1363-1443) nói - người ta đã biết rằng bí quyết của tài nghệ trong bất cứ công việc gì là ở tương quan đúng đắn âm - dương. Trong buổi trình diễn ban ngày, khán giả ở trạng thái dương tính (phấn khởi) vậy thì cần diễn xuất theo phong cách âm tính (êm dịu). Buổi tối, đêm đem lại trạng thái ảm đạm (âm tính) vậy thì cần diễn xuất theo phong cách dương tính - sôi nổi cốt sao dương tính thấm vào trái tim con người..." (sách đã dẫn, trang 254). Trên cơ sở nghiên cứu những cứ liệu hết sức phong phú trong lịch sử nghệ thuật Nhật Bản, tác giả đi đến kết luận: "Quy luật tương tác âm - dương quyết định cấu trúc của nghệ thuật Nhật Bản" (sách đã dẫn, trang 347) . Xem xét văn học Nhật Bản Thế kỷ XVIII- XIX từ góc độ quan hệ "nhân" (âm tính) và "nghĩa" (dương tính), tác giả viết: "Kinh Dịch nhấn mạnh vào tính thống nhất hai mặt của sự vật - "nhân" và "nghĩa" không tách rời nhau. Không có cái này thì không có cái kia (không thể hoàn thành nghĩa vụ nếu như mất lòng nhân ái và không thể nào nhân ái mà không có tình cảm nghĩa vụ) nhưng trong văn học Nhật Bản thế kỷ XVIII-XIX, hai khái niệm này lại đối nghịch nhau. Nghĩa vụ đứng trên lòng thương cảm, lòng nhân ái biến thành cái đối lập với nó. Sự tàn bạo được khuyến khích nhân danh nghĩa vụ" (sách đã dẫn, trang 304). Tư tưởng học thuật có tính chất cương lĩnh của tác giả là: "Nếu như sự luân chuyển âm - dương là Đạo thì sự luân chuyển này không thể hiện trong nghệ thuật vì nghệ thuật là sự biểu hiện của Đạo" (sách đã dẫn, trang 252). Tác giả có đưa ra một loạt cặp phạm trù đối lập được xem như những biểu hiện khác nhau của "âm" và "dương": "Bên trong" và "bên ngoài", "hướng nội" và "hướng ngoại", "lãng mạn" và "hiện thực", "nhân" và "nghĩa", "phi tồn tại" (hư) và "tồn tại" (thực)... [2] Xem bài Một cách nhận diện thời kỳ văn học vừa qua của Đỗ Lai Thúy (Văn nghệ, phụ san tháng 6-1990). [3] Chẳng hạn bài Bước qua lời nguyền và văn học sám hối (Văn nghệ, số ra ngày 11-8-1990)
3-10-10 |