HIỂU VĂN VÀ DẠY VĂN HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG Có một vấn đề thuộc về nguyên lý đã chi phối toàn bộ công việc giảng dạy văn học trong nhà trường của chúng ta từ trước đến nay, chính là vấn đề xác định các chức năng của văn học đối diện với cuộc sống. Ai cũng biết, các nhà lý luận đã quy định cho văn học ba chức năng là giáo dục, nhận thức và thẩm mỹ. Đọc qua các bài vở được lựa chọn một cách có hệ thống trong các sách giáo khoa, theo chỗ chúng tôi nhận thấy, thì giáo dục và nhận thức về cơ bản bao hàm giáo dục và nhận thức quan điểm lập trường giai cấp, và chức năng thẩm mỹ thì còn bị đẩy lùi xa hơn, do phải tuân thủ một quan niệm có tính nguyên tắc rằng "cái đẹp phải là cái có ích". Thử dừng cái nhìn của chúng ta lại một chút trên cái ý niệm có vẻ là tự do nhất trong các chức năng nói trên của văn học là chức năng thẩm mỹ và lập tức chúng ta có thể đặt ngay một câu hỏi: "Vậy thì có cái đẹp nào lại vô ích?" Để xem xét vấn đề một cách cụ thể hơn, chúng ta có thể hình dung ra một con tàu: con tàu cần đi tới nhà ga đã quy định hàng hóa được vận chuyển tới nơi cần thiết, người cán bộ đi công tác tới được nhiệm sở, anh bộ đội đến được chỗ tập kết, mọi cái đều là có ích và tất cả sẽ được xem là yếu tính của cái đẹp văn học dành cho ngành Đường sắt. Nhưng trên tàu lại xuất hiện một gã lãng tử đứng bên cửa sổ con tàu: không ai biết hắn đi đâu, làm gì, chỉ thấy hắn mê mải nhìn không chán những cánh rừng đầy hoa dại ở bên đường. Liệu hắn có được xem là đối tượng của văn học không, hay chỉ là một gã mơ mộng vô tích sự ở đời. Sự thật thì việc ngắm nhìn trời đất tưởng chừng như vô ích của gã lãng tử kia lại đáp ứng một nhu cầu thông tin hết sức cần thiết của tâm hồn con người, ấy là "thông tin về cái đẹp". Hình như đã lâu rồi, chúng ta đã quá tiếc thì giờ để có thể bày giải với học sinh của chúng ta tầm quan trọng của một câu thơ kiểu như thế này: Chàng áo tím đứng nhìn bông hoa tím (Tử y lang đối tử vi hoa) Đó là một câu thơ của Lý Bạch, và chắc chắn là quan điểm thực dụng về cái đẹp sẽ không nhìn nhận nổi, rằng cái bông hoa tím nhỏ bé kia đã mang tới cho người đứng nhìn ngắm nó những thông báo về một thế giới sâu thẳm ngần nào chính là thế giới nội tâm của con người. Chỉ mới xét đến chức năng "thẩm mỹ" ấy thôi, đã có thể thấy rằng quan điểm thực dụng đã làm nghèo nàn đi biết bao nhiêu sức sống tràn trề của văn học. Nhưng tôi cho rằng đã đến lúc cần xét duyệt lại quan niệm của chúng ta về các chức năng của văn học: có thật là văn học chỉ bao gồm ba chức năng kinh điển đó hay không? Hay còn những chức năng nào khác nữa? Bây giờ thì dần dần người ta ngày càng thấy phải thừa nhận nhiều chức năng khác của văn học trước kia chưa nói tới, ví dụ như chức năng dự báo, chức năng giải trí v.v... Trước hết, phải thấy rằng văn học chính là cuộc sống, và cuộc sống là vô tận. Chékhov có lần đã nói rằng: không thể định nghĩa được cuộc sống vì lẽ đơn giản rằng người ta chỉ có thể dùng cuộc sống để định nghĩa mọi ý niệm khác: cuộc sống là cuộc sống và không thể định nghĩa khác hơn cũng như nói củ cà rốt là củ cà rốt. Cũng như vậy không thể dùng một số chức năng nào để định tính cho văn học, văn học chính là cuộc sống, cuộc sống tới đâu thì văn học tới đó, và cuộc sống là vô tận nên các chức năng của văn học cũng là vô tận. Một cách suy nghĩ như vậy theo tôi, có thể sẽ giúp chúng ta phá vỡ tình trạng gò ép khiên cưỡng để đưa những học sinh của chúng ta tiếp cận chính xác hơn với bản chất của văn học, và từ đó có thể cảm thụ được mọi chiều hướng của vẻ đẹp tác phẩm, vốn là tính chất vô bờ bến của tâm hồn con người được nhà văn ký thác qua chữ nghĩa. Hai nghìn năm trước, nhà phê bình Trung Quốc - Lưu Hiệp đã từng nói: "Ta hồ! Văn chương chi sự - Thốn tâm thiên cổ". (Than ôi! Cái việc văn chương - tấm lòng nghìn năm). Xin trình bày một khía cạnh khác của vấn đề, là kiến thức văn học. Tất cả mọi danh vọng trên đời này đều là hư ảo, chỉ có kiến thức mới thực sự mang đến hạnh phúc cho con người. Chính Leona de Vinci, người đã có đủ cả danh vọng và kiến thức ít ai sánh nổi, đã khẳng định điều ấy. Đúng như thế, và nếu sự ngu dốt luôn luôn gây ra đau khổ cho chính mình và cho người khác, thì nhà trường lại mang sứ mệnh cao cả nhất là trang bị kiến thức để chuẩn bị cho con người có thể sống hạnh phúc ở đời. Kiến thức là hành trang vào đời của con người, tiếp nhận qua bấy nhiêu năm sống dưới mái trường. Chính ở đây sẽ nổi bật lên một tính chất đặc trưng hết sức quan trọng của kiến thức văn học; ấy là, trong khi mọi kiến thức khoa học khác vẫn nằm ngoài tôi - giống như những dụng cụ tôi được trang bị để làm chủ thế giới bên ngoài - thì kiến thức văn học lại nội nhập để kiến tạo nên thế giới bên trong của tôi. Dễ hiểu thôi, tôi sẽ làm chủ được một bộ phận của thế giới với định luật về vật rơi mà không cần chia sẻ nỗi niềm gì với Newton: nhưng ba trăm năm sau chắc có người còn khóc Nguyễn Du khi đọc lại Truyện Kiều; cùng buồn cùng vui với tâm trạng của thi sĩ. Nghĩa là, tôi như một người lính lên đường; mọi kiến thức khác đều là hành trang được chất vào ba lô mang sau vai, riêng kiến thức văn học thì đã chuyển hóa vào bên trong để thành chính tâm hồn người lính. Về mặt tâm lý học mà nói, thì kiến thức văn học gắn liền với sự phát triển nhân cách. Chúng ta đều biết, ba tính sáng tạo của nhà văn đã quyết định sự tồn tại của tác phẩm như thế nào. (Nhân thể, tôi đề nghị lưu ý thêm một chức năng khác của văn học là chức năng thể hiện cá tính của chủ thể sáng tạo). Tác phẩm như là cách ở đời của nhà văn; và bằng sự cảm thông, kiến thức văn học được truyền lại sẽ góp phần vào sự hình thành cá tính nơi chính người cảm thụ nó; tóm tắt lại, nhiệm vụ dạy văn phải đảm bảo được yêu cầu phát triển nhân cách tự do của người học trò. Dạy văn, không phải là truyền đạt tri thức lạnh lùng, mà là phát động nỗi say mê của tâm hồn hướng tới các chân lý văn học; và chính vì thế, sức mạnh cá tính của chính người truyền đạt văn học phải được biểu hiện hết sức mạnh mẽ. Điều này sẽ đưa đến hệ quả cụ thể là không thể bắt buộc mọi thầy cô giáo khi giới thiệu về Nguyễn Du, Cao Bá Quát... đều phải giảng dạy theo một giáo án đã định sẵn cho mọi người; ngược lại người thầy giáo phải được hoàn toàn tự do để cảm thụ và thể hiện lại tác phẩm bằng sức mạnh cá tính của mình. Phải hiểu rằng người đọc là một á-tác-giả (quasi-auteur), hoặc còn hơn nữa, là một đồng-tác-giả (co-auteur) với người viết. Văn học bao hàm tính độc đáo của nhân cách; tác phẩm được lựa chọn phải thể hiện đầy đủ cá tính của nhà văn, người truyền đạt phải chuyển tác phẩm bằng tất cả nỗi đam mê của tâm hồn mình, như thể là tình yêu. Mọi quan điểm phê bình thực dụng chủ nghĩa về văn học, sự đồng phục hóa các giáo án cũng như sự ức chế cá tính của người giảng dạy; tất cả sẽ biến việc dạy dỗ học hành thành một trò nhai văn nhá chữ buồn tênh, chẳng những không giúp ích cho yêu cầu phát triển cá tính mà chỉ tạo ra nơi người học sinh sự cằn cỗi già nua của tâm hồn và nỗi chán mứa đối với văn học. Giải phóng công việc giảng dạy văn học khỏi sự chính trị hóa thô thiển, theo tôi nghĩ, là vấn đề cấp thiết nhất cần phải thực hiện lại từ đầu; thực hiện nhất quán trong cả chuỗi mắt xích của sự nghiệp, từ sự nhận thức đúng chức năng của văn học đến quan điểm và phương pháp giảng dạy, từ việc tuyển chọn và biên soạn sách giáo khoa, đến thói quen chấm bài nhào nặn làm chết cá tính sáng tạo của con người từ tuổi cắp sách tới trường. Phải loại bỏ tất cả các sách lý luận văn học và hệ thống sách giáo khoa chứa đựng không biết bao nhiêu sai lầm và thiếu trung thực nhất hiện nay, phải tổ chức lại việc hiểu văn và dạy văn; phải làm pêrextrôika ngay từ bây giờ để đưa nhà trường của chúng ta trở lại đúng mục đích nhân đạo của nó, chính là vun đắp và phát triển chứ không phải là làm thương phế tâm hồn và trí tuệ. Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 26 (26-6-1988) 31-12-18
|