ĐỜI SỐNG VĂN
NGHỆ Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 14 (7-4-1990); số 15 (14-4-1990) HỘI THẢO VỀ TÌNH HÌNH VĂN XUÔI HIỆN NAY Ngày 20-2-1990 tại Hà Nội, Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức hội thảo về tình hình văn xuôi, nhằm khẳng định những nét mới, những mặt được của tiểu thuyết hiện nay, đồng thời gợi mở và thảo luận những non yếu và lệch lạc để nền văn học của ta có những bước đi vững chắc. Đến dự có các đồng chí lãnh đạo Hội, các nhà văn trong Hội đồng văn xuôi và một số nhà văn. Sau lời giới thiệu của nhà văn Ma Văn Kháng, nhà văn Nguyễn Kiên nói đôi lời đề dẫn cuộc hội thảo, và các nhà văn đã sôi nổi phát biểu. Sau đây chúng tôi xin lược thuật ý kiến của các nhà văn phát biểu tại hội thảo. NGUYỄN KIÊN Mấy năm gần đây sách in ra rất nhiều, tôi không đọc được hết. Dựa vào những cuốn tôi đọc được, tôi xin nói vài ý kiến ngắn, có thể là cảm tính, chưa thấu đáo. 1- Một nét nổi bật là những năm gần đây văn xuôi ta đã chú ý đến con người, đặt con người vào trung tâm tác phẩm. Con ngưồi với tư cách cá nhân, đồng thời là thành viên của xã hội. Số phận con người đã được đặt ra. Con người bình thường, con người của đời thường được mô tả khá sâu sắc. Nhiều cuốn tiểu thuyết tập trung miêu tả số phận những con người bất hạnh với những bi kịch của đời họ. Bi kịch giữa lý tưởng cao đẹp và thực trạng đang sống, giữa cái muốn vươn tới và cái kìm hãm, giữa cái nhân bản và những gì phi nhân bản. Có sự nhìn nhận lại một thời đã sống và cả những ngày đang sống, thử tìm ra những lầm lẫn, gây cản trở. Có những sự kiện lịch sử trước đây dường như cấm kỵ, nay nhiều nhà văn khai thác: Đám cưới không có giấy giá thú, Những thiên đường mù, Ngoài khơi miền đất hứa, Vĩnh biệt những ngày buồn... và nhiều cuốn khác. Tôi có cảm tưởng là khi viết về những cuộc đời bất hạnh, một số tác giả chỉ mới chú ý đến cái khía cạnh họ là những nạn nhân. Nhưng không phải chỉ có thế. Chẳng hạn như trong Góc tăm tối cuối cùng do những ràng buộc của những gì bắt nguồn từ quá khứ xa xưa, có khi con người vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm gây ra tấn bi kịch của đời mình. Văn xuôi ta những năm gần đây cũng giàu chất thực hơn. Nó đang cố gắng như thế và cuộc sống hôm nay buộc nó phải như thế. Có những bút ký, truyện ngắn và truyện dài miêu tả cuộc sống trần trụi, phơi bày sự băng hoại đạo đức, những quan hệ dị dạng, con người què quặt về tinh thần... Một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là như vậy. Nhìn chung, nó nói lại điều gì: Văn học ta đang tiến một bước trên con đường dân chủ. Tất nhiên là toàn cảnh văn xuôi ta rộng lớn hơn điều tôi nói trên nhiều. Nó đang có những đóng góp mới về đề tài chiến tranh như Mùa chim én bay. Có những tác giả chú ý đến vấn đề sau chiến tranh, cái gì đè nặng lên con người (Nước mắt đỏ). Về tiểu thuyết tư liệu, Ông cố vấn không chỉ hấp dẫn bởi các tư liệu mà còn bởi một cách nhìn. Ở đây cụ thể là nhìn kẻ địch khách quan hơn, như nhìn một con người, không một chiều phỉ báng, chửi rủa. Lại có cả những cuốn không dính gì đến hôm nay, nó chỉ là một hồi ức nhưng rất đằm và sống động như Miền thơ ấu. 2- Tuy nhiên tôi vẫn muốn trở lại mảng sách mà tôi đã nói ở trên kia. Đây là một mảng đậm, chắc chắn nó còn được tiếp tục. Bởi thế có lẽ ta cũng cần nhìn nhận xem nó thiếu hụt cái gì, có cái gì còn như bất cập. Ở đây nếu tôi có lấy ví dụ thì cũng chỉ là ngẫu nhiên, cốt để nói rõ cái ý mình định nói mà thôi. Ví dụ như cái chi tiết "ngắm trăng tập thể" trong một tiểu thuyết. Chi tiết này được cường điệu và lố bịch hóa để chế giễu và chôn vùi đi một cái gì đó đã quá cũ kỹ, sự cường điệu có tác dụng riêng của nó mà nhà văn có thể sử dụng. Chỉ tiếc là đoạn văn dường như không hòa nhập với cái giọng điệu chung của tác phẩm. Nó trở nên khiên cưỡng, như là sự cố ý. Lại có những nhân vật được giới thiệu, đôi khi có nhấn mạnh cái lai lịch trước đây là mõ, là ăn mày v.v... Cũng có thể có loại nhân vật như thế nhưng cái chi tiết xuất thân của anh ta chỉ trở nên cần thiết khi anh ta hiện lên trang sách cái chất mõ, ăn mày kia đã biến đi hay trở lại như thế nào? Nếu không chỉ là sự mạt sát. Nói riêng về mặt này, nhân vật chính trong Vua không ngai vàng là một nhân vật sinh động: ông ta xuất thân dân nghèo, phiêu bạt, nay nổi lên thành một "ông vua", rất tài năng về quản lý kinh tế nhưng ông ta cũng là một khối mâu thuẫn mang dấu vết của sự ít học, cả sự lưu manh. Nhiều tác giả đang cố gắng đi vào chiều sâu, phức tạp của cuộc sống. Nhưng đôi khi, sự khai thác - có lẽ điều này ngoài ý muốn tác giả - lại vô tình rơi vào một chiều. Tôi có cảm tưởng các nhân vật trong Nỗi bất hạnh tình yêu bị phân tuyến ra quá rõ rệt. Chàng trai bụi đời và cô điếm ở trong đó lại còn được phong thánh nữa - điều này cũng có thể được nhưng có lẽ chỉ thích hợp với một tác phẩm lãng mạn. Những truyện được bạn đọc chú ý phần nhiều thuộc loại truyện luận đề. Luận đề có cái mạnh của nó đồng thời cũng có cái yếu. Nhiệt tình công dân sôi sục của tác giả muốn đóng góp vào tiến bộ xã hội được bộc lộ trực tiếp trong lối viết luận đề nhưng không nên vì thế chúng ta quên đi cái đòi hỏi nghiêm khắc của nghệ thuật. Tôi có một ý nghĩ tiếp theo là, nhiều tác phẩm văn xuôi ta hình như còn đang dừng lại trên bình diện chính trị xã hội. Đặt ra các vấn đề trên bình diện này là cần thiết và chắc là chúng ta còn phải làm nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, văn chương không phải chỉ có như vậy. Tôi thích cái tình huống và các mối quan hệ giằng xé, nó chi phối số phận nhân vật chính trong Những thiên đường mù, chỉ có điều tác giả quá mải mê với những phân tích xã hội của riêng mình, đã không lấy chỗ này làm chỗ dụng công. Đọc Đám cưới không có giấy giá thú, tôi cứ nghĩ mãi về anh giáo Tự. Giá như tác giả khám phá và phát hiện bằng chính cuộc đời của anh giáo chứ không chỉ dùng cuộc đời của anh giáo để luận bàn - tôi xin lỗi, nói hơi quá lên - thì hay biết bao. Trên hướng này, tôi nghĩ Phiên chợ Giát là thiên truyện đã đi xa hơn. 3- Cùng lúc với việc nâng cao chất lượng tư tưởng và nghệ thuật còn có một việc nữa, là chống lại sự xâm nhập của thứ "văn học tiêu dùng" (tôi tạm gọi như vậy) trong sự cởi mở về kinh tế hiện nay, có thứ "văn học tiêu dùng" cũng dễ hiểu thôi. Loại trừ những sách bậy bạ, nhảm nhí nếu như có một cuốn sách chẳng có giá trị văn chương gì nhưng giải trí lành mạnh được cho người đọc cũng có sao đâu. Điều đáng lưu ý là có một cách viết, tôi tạm gọi là "nhập nhằng". Ly kỳ giật gân một tý, mùi mẫn một tý đồng thời có luận bàn thời cuộc một tý, "suy nghĩ cao siêu" một tý. Hình như lại có cả một lý thuyết được dụng nên để biện hộ cho lối viết này. Cái nguy của nó ở chỗ, cái này có thể làm xói mòn, thậm chí hủy hoại tài năng vốn có, ít hoặc nhiều, của từng tác giả mà có khi tác giả tự biết, cũng có khi không. CAO TIẾN LÊ Tiểu thuyết của ta mấy năm gần đây đã khởi sắc, nhất là những năm 1988, 1989, 1990, có đổi mới, tự do hơn, nêu đựoc nhiều vấn đề. Trong sáng tác chúng ta đã thoát khỏi sự ràng buộc bởi "lập trường tư tưởng", bởi "phạm húy". Văn học đã đi vào đời thường. Mỗi một con người đều bình đẳng trước cái nhìn của nhà văn. Tất cả mọi người trước nhà văn đều chỉ là nhân vật, nhà văn coi trọng ở chỗ số phận của họ đóng góp được gì cho văn học. Mấy năm gần đây tôi đọc nhiều để biết các anh các chị viết như thế nào? Bậc đàn anh có thay đổi bút pháp không? Lớp trẻ tạo sự trưởng thành của thế hệ mình ra sao? Phần khác tôi đọc nhiều cũng vì bắt buộc, bởi tôi công tác ở nhà xuất bản. Tôi thấy các bậc đàn anh, đẩy sâu kỹ cái mình đã có, thể hiện cân bằng hơn, đầy đủ hơn, và các anh vẫn là các anh... Tuy vậy, cũng có những nhà văn viết rất cũ, bảo thủ, đáng buồn thay, những người đó lại nắm một nhà xuất bản, một tạp chí. Lớp trẻ có cái nhìn đúng với thế hệ mình, mới khá trong truyện ngắn, một số truyện ngắn của họ làm người đọc bất ngờ giật mình, song tiểu thuyết thì chưa nổi lắm, phần do tổ chức chưa giỏi, nhưng cái chính là thiếu năng khiếu viết văn bẩm sinh, nên nặng về thủ thuật hoặc vay mượn. Làm công tác biên tập, tôi quan niệm trước hết tác giả phải chịu trách nhiệm. Không nên áp đặt cái mà biên tập có, biên tập muốn, buộc nhà văn phải theo. Ở chỗ chúng tôi có người gửi đến một truyện lấy tên là Đồng bằng chiến sĩ, biên tập đổi thành Chiến sĩ đồng bằng, rồi đưa đi in mà tác giả không biết. Thật là thô bạo. Là biên tập, tôi chấp nhận mọi cách thể hiện. Ví như anh Lê Lựu có đưa cho tôi một cuốn tiểu thuyết, viết liên tục không xuống dòng. Lê Lựu nói đùa: "Thế này cho nhà xuất bản đỡ tốn giấy". Tôi không can thiệp buộc tác giả phải xuống dòng đúng như sách giáo khoa đã dạy. Bởi vì tôi tin rằng khi anh định không xuống dòng là có ẩn ý khác và tôi đã ủng hộ cái ẩn ý đó. Trong đà văn học khởi sắc chung, năm 1989 nhà xuất bản chúng tôi, cũng có những cuốn theo tôi là khá, có tìm tòi như Góc tăm tối cuối cùng, Lời nguyền hai trăm năm, Giã từ mùa đông, Hài cốt cuối cùng, Khắc nghiệt, Những cuộc tình đã đi qua, Pháp trường trắng... Năm 1990 chúng tôi cũng cố gắng in nhiều tiểu thuyết, riêng bốn tháng đầu năm có những cuốn chắc chắn sẽ được bạn đọc chú ý như: Vòng tròn bội bạc, Bụi đời, Người đưa đường thọt chân, Gã nuôi chim cút, Góa chồng một thế kỷ, Đường về Sài Gòn, Chàng rể, Người mắc bệnh tâm thần, Xứ sở tình yêu, Những linh hồn bị hành quyết... Tuy vậy, khuyết điểm của chúng ta vẫn còn nặng. Nhiều cuốn viết cẩu thả dễ dãi cũng được in ra. Có nhiều lý do: Nhà xuất bản chạy theo lợi nhuận, người viết bỏ tiền ra in sách hoặc móc ngoặc anh in cho tôi, tôi in cho anh. Có người viết một năm đến bảy, tám cuốn sách, cuốn nào cũng dày trên hai trăm trang. Đọc thấy cứ na ná như nhau. Có thể tóm lại nội dung sách một số không ít người viết vừa qua là thế này: Thứ nhất là vụ án, thứ nhì là lai láng tình yêu, thứ ba đôi điều tiêu cực. Tôi muốn bàn thêm là, trong viết văn có "chân văn, túc văn, giả văn", ngày nay lại còn "đểu văn" nữa. Văn học không nên nhắm một người nào đó mà chửi bới. Chửi bới người cầm quyền, người lãnh đạo trong dịp này, rất dễ được ủng hộ, nhưng đó cũng chỉ là cách dụng bút của kẻ hèn. Nhà văn phải là con người của nhiều thế kỷ, chứ đâu phải chỉ của ngày hôm nay. Bởi vậy phải khách quan trong thể hiện. Đằng này người viết lại cứ nhè người thường ở ngay cạnh phòng mình mà chửi, bê tên thật người đó lẫn hoàn cảnh gia đình người đó mà chửi, trong sách nào cũng chửi người ta, chửi rất tục, người hàng xóm ấy tốt thì chửi thành xấu, và tất cả những điểm xấu ghép cho người hàng xóm kia, lại chính là điểm xấu của người viết nọ. Thật là bẩn thỉu trong xử sự và có lẽ lúc nào đó, cần phải đưa ra pháp luật. Tôi nghĩ các nhà phê bình, các nhà xuất bản cần phải góp sức mạnh mẽ hơn để chúng ta có một nền văn học đích thực. Nhưng trước hết những người có tâm địa xấu, xin đừng viết. Không lén lút vào văn chương mãi được đâu. Hãy để văn học cho những người đích thực làm công tác văn học, và trước hết những người lãnh đạo Hội Nhà văn, lãnh đạo các hội văn nghệ, các nhà xuất bản và các người đang có chức có quyền, hãy cảnh giác với lũ người đó, kẻo gây ô nhiễm trong đất nước, trong văn học; đừng chủ quan cho rằng bọn họ không gây được tai hại gì... NGUYỄN QUANG THÂN Chưa bao giờ văn xuôi phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Chưa bao giờ chúng ta in nhiều và dám chịu trách nhiệm như bay giờ. Chưa bao giờ nhà văn được thành thật như bây giờ. Có những cuốn khi in còn run, nhưng in ra rồi lại không có vấn đề gì. Khi ta thành thật thì ta viết hay hơn, có ích hơn. Chúng ta nói thời kỳ trước đây văn học ta là minh họa, thì nay ta đang rơi vào minh họa một cách khác. Dường như ta đang trở lại thời kỳ văn học Lê Văn Trương, nhiều cuốn văn chương giống thời Lê Văn Trương nhưng không được như Lê Văn Trương, càng không được như Lan Khai vì kém văn hóa hơn. Rõ ràng là tình trạng suy sụp này đã kéo lùi văn học lại khoảng 60 năm. Đây là một điều báo động. Có một cốt truyện mùi mẫn, tràn ngập tình yêu, tình dục, thế là dễ được các nhà xuất bản nhận in... Lẽ nào các nhà văn lại đâm quàng vào một sự nô lệ nào đó như Camus từng tiên đoán! Tình trạng này làm nản lòng các nhà văn chân chính. Nguyên nhân tại đâu? Hội Nhà văn, báo Văn nghệ, Tạp chí Tác phẩm mới của hội cần làm gì trước tính trạng này- Tại sao báo Văn nghệ lại không lên tiếng đề cao những tác phẩm văn học đích thực? Các báo khác nữa? Né tránh cái gì? Hội Nhà văn đối với chúng tôi như thế nào? Làm gì để bênh vực, bảo vệ chúng tôi? Ban Tư tưởng - văn hóa nếu còn muốn làm công tác tư tưởng thì hãy nghĩ xem nên như thế nào trước tình trạng này? Trước kia đã có những lúc người ta soi từng chữ, bây giờ dường như họ bỏ mặc, muốn ra sao thì ra. Tôi nhớ hồi trước tôi có viết một vài câu trong "Người không đi cùng chuyến tàu" thì bị soi dữ thế, vậy mà sao các anh lại im lặng trước tình hình nguy hiểm như hiện nay? Đây là cái giá phải trả cho sự bưng bít - hình như trong Đề cương của Đảng Cộng sản Liên xô có một ý như thế này. Cái giá phải trả khi cho in những tác phẩm không tốt ít hơn rất nhiều nếu bưng bít nó. Nếu như trước đây ta thường xuyên cho in tác phẩm của Conan Doyle, Saint Simon, Tự lực văn đoàn...thì bây giờ đâu đến nỗi công chúng vồ vập loại sách tiêu dùng như thế này! Ở các nước, tư nhân có quyền xuất bản, nhưng người ta chọn ghê lắm. Còn ở ta, tất cả đám tạp nham ấy đều được dán nhãn hiệu nhà nước. Nguy hiểm là ở đó, làm cho người đọc mất ý thức đề kháng. Hiện nay, nỗi đau đang được bán ngang giá với tình dục. Nhiều người viết có vẻ như đau đời, người ta đang lạm dụng, đang kinh doanh cả nỗi đau để làm nên của rởm. Văn học vết thương không thể ngăn cấm, nhưng người viết phải cảm thấy vết thương của chính mình thì hãy viết- Sai lầm thì nên tha thứ, nhưng thiếu chân thành thì không thể chấp nhận. Cuối cùng, Cục xuất bản phải kiểm tra lại các ông tổng biên tập ở các tỉnh, nếu không có trình độ về văn học thì nên dẹp ngay, đừng để họ in sách văn học nữa. Nhà xuất bản Văn học và nhà xuất bản Hội Nhà văn không có quyền in sách không văn học. BÙI HIỂN "Các nhà viết tiểu thuyết trở nên buồn bã". Tình cờ tôi đọc thấy câu này ở thư viện, trong một cuốn bình luận văn học Pháp, vào một thời điểm im ắng giữa hai đợt bom đạn Mỹ chuyển rung Hà Nội. Thú thật, cũng có thoáng qua ý nghĩ (tất nhiên chỉ thoáng qua thôi): Khéo mà anh em mình đang đi ngược lại trào lưu văn học thế giới? Đang muốn chơi trò độc đáo, diễn một màn độc diễn không chừng? Giữa lúc văn học thế giới, đặc biệt là văn học phương Tây, đang cộm lên bao nỗi dằn vặt, "lo âu", đang kêu lên nỗi "cô đơn", nỗi "không thể giao cảm" giữa những đồng loại, buồn rầu tuyên ngôn rằng chúng ta đang đi vào "kỷ nguyên của hoài nghi", rằng nhân cách đang tan rã, con người đang tự đánh mất mình, nhân loại trong tiến trình lịch sử của nó đang chịu cái khổ hình của Xi-díp lăn hòn đá lớn lên gần tới đỉnh núi nó lại rơi tõm xuống thì văn thơ chúng ta lại hừng hực khí thế chiến đấu, tinh thần lạc quan cách mạng, đầy tự tin, đầy yêu thương nhân ái, đầy hy sinh, đầy tin tưởng ở tương lai... Điều đáng chú ý là thời bấy giờ không những chỉ chúng ta tự cổ vũ chúng ta (có khi hơi "bốc" tôi sẽ nói sau), mà nhân dân khắp năm châu bốn biển trong cái bộ phận có lương tri của nó, cũng hướng rất nhiều thiện cảm về phía cái anh chàng David Việt Nam nhỏ bé đang dũng cảm đương đầu với sự uy hiếp của tên khổng lồ Goliad đế quốc. Biết bao nhiêu chính khách, nhà trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ nổi tiếng đã nhiệt tình ủng hộ. Cả đến những anh chị em con dân đất Việt vì lẽ này lẽ khác sống xa quê hương cũng tỏ ra rất đỗi tự hào (hãy đọc lại các tờ báo Việt kiều yêu nước thời ấy, ở chính các nước phương Tây ấy). Công bằng mà nói, trong lúc say sưa "ngợi ca, cổ vũ", không phải chúng ta không ít nhiều nhận ra những nhược điểm trong sáng tác của mình. Đã là văn học, dù là "văn học chiến đấu", phải trầm tĩnh, lắng sâu hơn, nhiệt tình nhưng không quá hưng phấn đến mức khoa trương, vu khoát, phải vừa có cái nhìn khái quát hào hùng về lịch sử, vừa có sự cảm thông ưu ái đối với từng số phận con người v.v... Đó là những thiếu sót mà với sự lùi xa của thời gian, chúng ta càng ngày càng nhận thức và phải gắng công bù đắp. Tôi còn giữ được một trang sổ tay viết cho riêng tôi, đã vài chục năm, ghi lại một số cảm nghĩ khi đọc cuốn tiểu thuyết Chống Mỹ của anh bạn, đã phát hành đầu những năm 70, rất được độc giả yêu thích: "Một vài nhân vật muốn làm cho mình thành mẫu mực, dễ rơi vào điệu bộ...". Văn phong đôi chỗ có một giọng trang trọng, trang trọng quá, hơi thiên về văn chương... Kèm theo là nhận xét tổng quát: "Tuy nhiên, cảm tưởng chung vẫn là một cảm tưởng chân thực, ấm áp, điều này chắc hẳn toát ra từ chính tấm lòng tác giả, một tấm lòng luôn gắn bó với dân tộc, với cuộc chiến đấu của đồng đội và toàn nhân dân". Với công cuộc đổi mới trong toàn xã hội, văn học ta, đặc biệt là văn xuôi, những năm gần đây chuyển mình khá mạnh mẽ. Không xuôi chiều kiểu êm dầm mát mái nữa, nó mạnh dạn phanh phui các mặt trái của xã hội, các uẩn khúc hoặc tráo trở của lòng người. Nó bắt người đọc phải tự vấn lương tâm, nó có tham vọng đánh thức dậy lòng nhân ái giữa một cuộc sống cộng đồng đang xuống cấp nghiêm trọng bởi những tính toán vụ lợi, những mưu mô hèn hạ. Nó cũng không tránh né những tâm trạng cá nhân, không những chỉ "buồn bã", "cô đơn", mà còn là công phẫn, xót xa, gay gắt. Điều tôi muốn nói ở đây là các tâm trạng ấy, trong một nền văn học xứng đáng với cái tên văn học, phải xuất phát từ một tấm lòng ưu ái thật sự, có trách nhiệm đối với con người, với dân tộc trên bước đường lịch sử của nó, và trước mắt là công cuộc đổi mới đã thu hoạch được những thành tựu bước đầu nhưng còn vô vàn những ngổn ngang đang phải góp sức vào điều chỉnh, khắc phục. Không chửi rủa cộc cằn hoặc vơ đũa cả nắm, không lật ngược mọi thứ (trước anh hùng nay thành cố cùng) cũng không suy luận vu vơ. Tô nghĩ rằng tác phẩm của ta cần cố gắng nâng tầm suy nghĩ lên một bình diện thẩm mỹ cao đẹp, dù đôi khi có gắt gao nghiệt ngã vì cần thiết đi chăng nữa thì cái gốc vẫn là lòng nhân hậu vì đời. Hồi nãy tôi có nói lướt qua đến nền văn học thế giới, xin ghi thêm một nhận xét của tôi khi đọc sách báo: ở một số tác phẩm viết với "bút pháp lạnh", người phê bình hoặc điểm sách quan tâm nhấn mạnh rằng dưới cái vỏ ngôn từ lạnh lẽo bề ngoài đó, vẫn luôn ấp ủ một "hơi ấm tình người". PHẠM THỊ HOÀI Trước khi viết Thiên sứ, tôi có làm một cuộc tổng kiểm kê về văn học Việt Nam: trước 1945, sau 1945, trước 1975, từ 1975 đến nay, qua đó, tôi rút ra được mấy kết luận sau đây: Gần một thế kỷ văn xuôi, chưa có thời kỳ nào tự thỏa mãn và dễ thỏa mãn như mấy chục năm qua. Không có cuộc hội thảo nào có ý kiến phàn nàn rằng ta đang khủng hoảng đang bất lực về khả năng sáng tạo... Sự tự thỏa mãn khiến chúng ta tự cô lập với thế giới, phải chăng, đây là điểm chết của nghệ thuật? Gần một thế kỷ văn xuôi, không có giai đoạn nào lạc quan, đầy thiện chí với đời sống như mấy chục năm qua. Ghi nhận công lao của nó cũng không có gì là sai. Nhưng một nền văn học chỉ có lạc quan và đầy thiện chí, điều đó cũng nói lên một đời sống tinh thần nghèo nàn, ít biến động, dường như chỉ có kẻ thù hành chính mà không có kẻ thù tư tưởng. Phải chăng đây cũng là điểm chết của nghệ thuật? Và cuối cùng, không một giai đoạn nào văn chương giàu tính tập thể như thời kỳ vừa qua. Chúng ta cùng nhau tiến lên, cùng nhau lùi xuống một cách đoàn kết: và dường như phi cá tính. Sự phi cá tính này, phải chăng cũng là điểm chết của nghệ thuật? NGUYÊN NGỌC Thì giờ ít, tôi xin nói mấy ý kiến ngắn. Theo tôi, văn học ta đang có sự chuyển biến rất quan trọng. Một trong những hướng đáng chú ý nhất của chuyển biến đó là sự quan tâm ngày càng cao hơn, mạnh mẽ hơn đến con người. Số phận của con người với tư cách là một thế giới cá nhân hết sức phong phú và phức tạp trong trăm nghìn mối quan hệ cũng hết sức phong phú và phức tạp với toàn xã hội. Trước đây con người được xem xét chủ yếu ở mặt công dân của nó, và chủ yếu trong mối quan hệ công dân của nó (hoặc nói cách khác trong mối quan hệ chính trị) với xã hội. Bây giờ mở ra một loạt góc độ khác, quan hệ khác đa dạng hơn, toàn diện hơn, nhân văn hơn, người hơn. Cũng có thể diễn đạt cách khác: một "chủ đề" nổi bật có thể thấy qua hàng loạt tiểu thuyết gần đây là sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển tự do, toàn diện của nhân cách con người trong xã hội ta. Vạch ra và lớn hơn, có khi rất quyết liệt, quá trình và nguyên nhân của sự tha hóa nhân cách, bày tỏ ước vọng tha thiết về một con người đầy đủ nhân cách tự do, hài hòa, tốt đẹp. Tôi nghĩ đó là một hướng đi rất đúng, cần ủng hộ và bảo vệ. Gắn liền với hướng đi đó, là sự "tràn vào" rất mạnh mẽ của đời sống xã hội, hoặc như có người gọi, đời sống "thế tục", vô số sự thật xã hội ngổn ngang tràn vào văn học. Hai đặc điểm mới đó làm cho các trang tiểu thuyết gần đây của chúng ta sôi động hẳn lên, thu hút sự quan tâm sôi nổi của xã hội, của người đọc. Gần đây thấy hiện tượng hình như đã lâu lắm mới có: tiểu thuyết Việt Nam đã bán chạy hơn tiểu thuyết nước ngoài. Có thể có nhiều nguyên nhân, song dẫu sao cũng đáng mừng, hay ít nhất, đáng chú ý. Đồng thời tôi cũng có một nhận xét: Một số khá nhiều quyển tiểu thuyết của ta gần đây đọc thấy na ná như những phóng sự báo chí, tất nhiên có được "hư cấu" thêm, "văn chương hóa" thêm ít nhiều. Văn học còn đậm mùi vị báo chí đấu tranh, còn khá gần với báo chí. Hình như các nhà văn đang muốn hối hả phô bày sự thật xã hội bức bối, và cũng muốn tuyên bố ngay chính sách xã hội của mình bằng một nhiệt tình công dân hăng hái và có trách nhiệm. Anna Akhmatova có lần gọi đó là sự "khám phá có tính chất tư liệu" của văn học và cuộc sống. Nó thường diễn ra trong những thời kỳ biến đổi xã hội sôi động và sau những thời gian bị bưng bít lâu. Tôi xin nhắc lại: Cái đó là đúng và tốt. Nó làm tăng tác động và sức mạnh dân chủ hóa của văn học đối với xã hội, đồng thời bản thân văn học cũng được dân chủ hóa hơn. Đồng thời cũng cần thấy rằng người ta chờ đợi ở văn học một cái gì đó khác hơn nữa, cao và sâu hơn nữa. Cũng chính Anna Akhmatova nói: Người ta chợ đợi một sự "khám phá có tính văn học", một sự "khám phá có tính nghệ thuật" về cuộc sống. Từ bình diện chính trị-xã hội đã đạt được như hiện nay, người ta chờ đợi văn học tiến lên một bước nữa đến cái có lẽ có thể gọi là một bình diện nhân văn hơn, người hơn nữa. Vấn đề của chúng ta hiện nay là vừa khẳng định cái đúng đã làm được và cố gắng thúc đẩy nhanh hơn, có ý thức rõ rệt hơn quá trình này. Thật ra xu thế này cũng đã manh nha. Có trường hợp khá rõ rệt và hay. Ở một số tác giả, tác phẩm gần đây, chẳng hạn ở Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, ở Nguyễn Huy Thiệp, ở một số sáng tác của Phạm Thị Hoài, và ít nhiều ở các tác phẩm có vẻ rất nóng hổi thời sự của Dương Thu Hương, Ma Văn Kháng, Nhật Tuấn, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Lộc v.v... Đặc biệt tôi xin thử nêu lên một ý kiến có thể hơi bất ngờ chăng, hình như cái xu thế đó có phần rõ hơn ở truyện ngắn hơn là ở tiểu thuyết. Một số truyện ngắn gần đây (như Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh... chẳng hạn) lại nhiều "tính tiểu thuyết" hơn là ở các sách có ghi rõ tiểu thuyết hẳn hoi. Vì sao? Giá như lúc nào đó ta thử đi sâu phân tích, chắc có thể thú vị. Cũng cần lưu ý rằng hiện tượng, quá trình và nguồn gốc của cái ta thường gọi là sự tha hóa, sự xuống cấp, hủy hoại của con người (mà văn học đang hết sức quan tâm một cách có trách nhiệm) là một quá trình hết sức phức tạp, có khách quan và có chủ quan, có lịch sử và hiện tại, có ý thức và không có ý thức, có thủ phạm và có nạn nhân, có cả hiện tượng vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân, vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm... Phô bày và phân tích một hiện tượng như vậy không thể sơ lược, đơn giản. Thường nó đòi hỏi một sự tự vấn nghiêm khắc của chính lịch sử, của xã hội, và ở đây, của chính người cầm bút. Đó phải là một quá trình "hướng nội" sâu sắc. Tôi thấy đã xuất hiện ở mức độ này hay mức độ khác một số tác phẩm theo hướng đó (như phần nào ở Tiểu thuyết cuộc đời của Nguyễn Văn Bổng, ở Cái thời lãng mạn và Một cái nhân gian bé tí của Nguyễn Khải, ở Nguyễn Minh Châu...). Ở nhiều cuốn sách sôi nổi gần đây hình như còn thiếu hay còn yếu cái tinh thần tự vấn hướng nội đó. Một số tác giả lại đi vào một kiểu sơ lược, đơn giản, vội vã... ngược lại với cái sơ lược, đơn giản ngây thơ trước đây. Cùng một cách, nhưng khác dấu - E như vậy lại dễ sa vào một lối phiến diện khác. Mặt khác, tôi đồng ý với anh Tô Hoài, anh Nguyễn Quang Thân phải báo động về loại sách giả mạo văn chương đang tràn lan, lộn sòng và lấn át những tác phẩm có tìm tòi xã hội và văn học nghiêm túc, dũng cảm và hiểm nguy (sự tìm tòi thật sự này bao giờ cũng có ít nhiều hiểm nguy nên bao giờ nó cũng đòi hỏi dũng cảm thật sự của người cầm bút). Tôi chỉ muốn nói thêm: sự lộn sòng đó có khi diễn ra ở ngay trong một cuốn sách, một người viết. Nó có nguy cơ tàn phá cả một số cây bút có tài năng và từng có tâm huyết. Cần nghiêm khắc nói với nhau cũng là để bảo vệ nhau. Và cần huy động dư luận xã hội mạnh mẽ để bảo vệ những tìm tòi mới chân chính (mà tất nhiên khó tránh hết vấp váp) và lên án những thứ xấu xa giả mạo lộn sòng. Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 14 (7-4-1990); số 15 (14-4-1990)24-3-19 |