ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ Nguồn: Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 4 (tháng 7 & 8-1991)
VĂN XUÔI NHỮNG NĂM 80 HUỲNH NHƯ PHƯƠNG Văn xuôi Việt Nam những năm 80 có đóng góp gì cho tiến trình dân chủ hóa nền văn học? Muốn trả lời câu hỏi này đầy đủ, cần phải tìm hiểu đời sống văn học trên cả các bình diện sáng tạo, phổ biến, chỉ đạo, thưởng ngoạn và phê bình nghệ thuật. Bài viết này tự giới hạn ở việc xem xét những dấu hiệu chủ yếu của tinh thần dân chủ ở bên trong tác phẩm. Trên con đường dân chủ hóa nội dung nghệ thuật, đột phá vào những chủ đề trước đây đã từng bị văn học lãng quên, thậm chí bị xem là cấm kỵ, các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Nguyễn Mạnh Tuấn, Trần Văn Tuấn, Đoàn Lê... đã đưa ngòi bút của mình trợ lực cho cuộc đấu tranh của cái thiện đối với cái ác, dẫu biết rằng chỉ một mình văn học thì không thể nào làm nghiêng cán cân về phía cái thiện. Tinh thần nhân đạo và dân chủ mang tính đòi hỏi cao ở họ luôn luôn khát vọng truy đến cùng cội nguồn xã hội của cái ác, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, khát vọng ấy chưa được thể hiện đầy đủ trên trang viết. Trong cuộc giao tranh giữa cái thiện và cái ác, không phải bao giờ cái thiện cũng có ưu thế, bởi vì xã hội vẫn còn những kẽ hở thuận lợi cho cái ác phát triển và hoành hành. Điều này cũng giống như tình huống mà một nhân vật trong tiểu thuyết Những bộ đồ trắng của V. Dudinxev đã nói đến: cái thiện đuổi theo cái ác, phía trước mặt là một thảm cỏ. Cái ác vẫn cứ dẫm bừa lên, còn cái thiện thì phải đi vòng tránh thảm cỏ vì không nỡ làm dập cỏ xanh. Nghĩ rằng văn học có thể làm cho trên thế giới này cái thiện thắng cái ác, đó là một ảo tưởng. Nhưng văn học có thể góp phần giữ cái thiện ở thế cân bằng với cái ác, làm cho cái thiện không bị chao đảo, ngả nghiêng, mất tự tin vào chính mình. Văn học không có khả năng cải hóa cái ác. Cũng như cứu chữa những người này không cảm thấy lẻ loi, làm cho họ tin cách sống của mình là đúng. Đọc Đám cưới không có giấy giá thú, Côi cút giữa cảnh đời của Ma Văn Kháng có ý kiến cho rằng tác phẩm bi quan quá, cay đắng quá. Thế nhưng, thiết nghĩ, cầm bút và viết những dòng chữ về cái ác trên mặt giấy tức là không còn bi quan nữa, tức là nhà văn tin rằng cái ác ít nhất cũng bị vạch mặt. Văn học Việt Nam trước 1975 là văn học đặt trên niềm tin rất vững chắc và đúng đắn: tin vào con đường đang đi, tin vào cái đích cuối cùng sẽ đến. Khi cuộc sống thay đổi, những cái lưới trong sinh hoạt thường ngày xuất hiện, hàng loạt câu hỏi về thế sự được đặt ra, và mỗi câu trả lời lại làm nảy sinh những câu hỏi mới. Thái độ tin tưởng một chiều không còn phù hợp nữa. Văn học trước đây nói: Hãy vững tin và đi tới. Bây giờ có một số tác phẩm cực đoan nói: Đừng tin gì cả! Nhưng nhiều tác phẩm bình tĩnh hơn: Xin đường vội tin, hãy suy nghĩ và cân nhắc rồi mới tin! Thể hiện tâm trạng vỡ mộng của một bộ phận thanh niên hôm nay trước thực tế đầy dẫy những nghịch lý, văn học đã mở ra khả năng nhận thức ảo tưởng và hàm chứa lời kêu gọi hãy tự tin vào chính mình. Đó là một bước tiến về nhận thức và tư tưởng. Nở rộ trong văn xuôi Việt Nam những năm 80 là những tác phẩm, viết về sự mưu cầu hạnh phúc cá nhân và nỗi khát khao tình yêu đôi lứa. Đây là chủ đề muôn thuở của văn học thế giới và cũng không xa lạ với văn học Việt Nam. Nhưng trong điều kiện chiến tranh văn học phải tập trung cho vấn đề số phận đất nước và lẽ tồn vong của dân tộc. Bây giờ đây, khi con người trở lại với cuộc sống bình thường, trong hàng loạt tác phẩm của Lê Lựu, Trần Văn Tuấn, Hoàng Lại Giang, Nhật Tuấn, Dạ Ngân, Ngô Thị Kim Cúc, Tạ Duy Anh, Trần Thùy Mai, Dương Hướng... các nhà văn không đặt vấn đề phải hy sinh hạnh phúc cá nhân cho sự nghiệp lớn lao nữa, mà đặt vấn đề: trong khi xây dựng sự nghiệp lớn lao kia, không được bỏ quên hạnh phúc cá nhân. Cả trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội, lẫn trách nhiệm của xã hội đối với số phận và hạnh phúc cá nhân, không nên xem nhẹ mặt nào. Bản chất nhân đạo và dân chủ của văn học nằm ở chỗ đó, ở chỗ thừa nhận rằng cá nhân không phải là nhiên liệu của lịch sử mà là trung tâm điểm và lực đẩy của lịch sử. Cũng không có gì khó hiểu, khi trong văn học ta xuất hiện ý thức đề cao cảm xúc tình yêu nhục thể, như là biểu hiện của dòng văn chương bừng tỉnh trước những khát vọng sống mãnh liệt của cá nhân, cả những ham muốn hưởng thụ của con người sau chiến tranh. Chỉ đáng tiếc là một số nhà văn, khi vung bút đến chủ đề này đã xem nó như một vật - tự - nó thay vì là vật - cho - ta, đã lấy việc miêu tả cảm xúc "niềm vui trần thế" làm mục đích tự thân thay vì từ đó đề xuất ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội và nhân sinh sâu sắc. Dấu hiệu chủ yếu của việc dân chủ hóa nền văn học là sự dân chủ hóa trong quan niệm về con người, trong cách nhìn nhận con người bình thường. Văn học cách mạng của chúng ta vẫn tiếp tục truyền thống đề cao con người lao động bình thường của chủ nghĩa hiện thực. Nhưng đến một lúc nào đó, việc tái hiện con người bình thường lại rơi vào trạng thái không bình thường này: con người được đánh giá chủ yếu qua thái độ đối với tổ chức, đối với tập thể. Khi có sự xung đột giữa cá nhân và tập thể, giữa cái riêng và cái chung, lẽ phải thường nghiêng về phía tập thể, về phía cái chung. Việc thể hiện nhân vật như vậy không thể không dẫn đến hình ảnh những con người một chiều, những con người bị ràng buộc bởi những lề luật ở ngoài mình. Cứ xem việc miêu tả nhân vật lão Am trong Cái sân gạch của Đào Vũ và cuộc tranh luận chung quanh nhân vật này thì đủ biết hình ảnh người nông dân bị giản lược như thế nào. Phẩm chất của người trung nông được xem xét chỉ qua thái độ đối với hợp tác xã, bởi vì đây là thước đo tiên nghiệm để đánh giá đạo đức, nhân cách của họ. Nhưng đến nhân vật lão Khúng trong Khách ở quê ra và Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu thì tình hình đã khác. Cái mà nhà văn quan tâm ở nhân vật này chủ yếu không phải là việc ông ta có gia nhập hợp tác xã hay không, mà là cốt cách tâm lý, thế giới bên trong, những động cơ tiềm ẩn cùng những phản ứng của ông ta trước biến đổi của thời thế. So với những nhân vật nông dân mà đường đi nước bước bị ràng buộc bởi những khuôn mẫu của tinh thần "làm chủ tập thể", thì ông Khúng lại là người thực hiện "quyền làm chủ" số phận của mình rõ hơn nhiều lắm! Văn xuôi những năm 80 cũng đã khắc phục sự đối lập một cách siêu hình giữa nhân vật tích cực và nhân vật tiêu cực. Những con người đã bị lịch sử vượt qua vẫn có thể chiếm một cảm tình nhất định của tác giả khi nhà văn xem xét đến những nỗi niềm thực, những động cơ thực của họ. Chẳng hạn, mặc dù thua sút về nghệ thuật, xét về quan niệm đối với con người, thì Một cõi nhân gian bé tí lại là một bước tiến so với Gặp gỡ cuối năm. Ở cuốn tiểu thuyết này của Nguyễn Khải, những con người của ngày hôm qua không bị đưa ra để dè bỉu, cười cợt, mà là để mổ xẻ phân tích những uẩn khúc và bi kịch riêng của đời họ. Một ngạn ngữ đời xưa nói rằng: Làm chính trị cũng như gội đầu, dẫu có rụng tóc, ắt cũng phải làm. Tiếc mấy sợi tóc rụng mà quên cái lợi của tóc đang mọc dài là không biết quyền biến vậy. Nhưng đó là chính trị, còn văn học thì phải quan tâm đến cả những sợi tóc rụng, dù đôi khi đó là tóc sâu, tóc ngứa. Trong nỗ lực giúp con người tự hoàn thiện về nhân cách, văn học Việt Nam đương đại đã xây dựng những nhân vật tự mình phán xét hành động của mình, tự mình tra vấn, đối diện với lương tâm mình, ngay cả trong điều kiện không có áp lực của xã hội. Đó là những nhân vật tự phản tỉnh, tự nộp mình trước tòa án lương tâm. Thể hiện chủ đề sám hối trong văn học, các nhà văn đã trao cho nhân vật cái quyền tự kết án và tự biện hộ cho mình, tự xưng tội và tự hòa giải với lương tâm mình, như chúng ta thấy trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên, Nguyễn Quang Thân, Khôi Vũ... Mượn cách nói của I. Kant trong Những nền tảng của khoa siêu hình học về phong tục, đó là những nhân vật hành động vì bổn phận (agair par devoir) chứ không phải hành động theo bổn phận (agir conformément au) tức là hành động vì đòi hỏi của chính lương tâm chứ không phải hành động theo những tôn chỉ do người khắc đặt ra hoặc do áp lực của dư luận. Tất nhiên lương tâm bao giờ cũng mang tính xã hội, nói như Durkheim, "khi lương tâm lên tiếng, ấy là xã hội lên tiếng trong ta". Có điều, ở đây cái xã hội đã hòa quyện vào trong cái cá nhân, cái ngoài - tôi đã được thừa nhận như là cái - của - chính - tôi. Ý hướng đi vào thế giới nội tâm để khám phá chiều sâu tâm linh nhằm nhận diện hình ảnh con người đích thực là ý hướng có triển vọng của một nền văn học dân chủ Dostoevski từng nói: "Người ta gọi tôi là nhà tâm lý: điều đó không đúng đâu. Tôi chỉ là nhà hiện thực chủ nghĩa theo cái nghĩa cao nhất của từ này, tức là tôi miêu tả tất cả chiều sâu của tâm hồn con người". Ông lại nói "Trong chủ nghĩa hiện thực đầy đủ nhất, tôi đi tìm con người ở bên trong con người". Tìm hiểu cái con người ở bên trong con người là cả một công việc không bao giờ kết thúc. Có khi bắt gặp người ta đi đông đúc trên đường kia mà vẫn chưa tìm thấy con người. Nhân loại đang lo âu vì nạn nhân mãn; còn nhân tính, chất con người thì lại có nguy cơ khan hiếm. Aitmatov có lần than thở: "Cái con người bên trong của con người sinh ra mới khó làm sao". Thế giới bên trong của con người chịu sự chi phối của hai lực lượng đối lập vừa thúc đẩy chúng ta thèm muốn, vừa làm chúng ta sợ hãi; vừa thương vừa ghét; vừa chia sẻ vừa chiếm hữu; vừa muốn bảo vệ, vừa muốn thống trị; vừa muốn tôn trọng, lại vừa muốn hiếp đáp người khác... Phân tâm học gọi đó là tính cách lưỡng năng của tình cảm, tức là sự sắp xếp những lực lượng tình cảm và hoạt động trong mỗi người thành hai khuynh hướng đối nghịch xung khắc nhau, đồng thời sống chung với nhau. Nói theo một vở kịch của Nguyễn Huy Thiệp, "Quỷ ở với người" ngay bên trong con người. Hay diễn đạt theo một cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Trường, thì ma sống lẫn với người, hễ thế giới người nhân nhượng thế giới ma một chút, thì chất người cũng bị đánh mất đi một chút. Trong tiểu thuyết những năm gần đây, thường hay xuất hiện mô típ nhân vật viết nhật ký để thổ lộ tất cả những nghĩ suy, tình cảm của mình mà dưới áp lực của dư luận xã hội, anh ta đã phải kiềm chế hoặc giấu kín đi. Trong Thời xa vắng, anh Giang Minh Sài ban ngày thì đi đứng, nói năng rất phải đạo, tỏ ra là một con người kỷ luật rất nghiêm, còn ban đêm thì một mình sống với những trang nhật ký, trăn trở với nỗi đau riêng, thương khóc cho một mối tình giang dở, say sưa với những hạnh phúc tưởng tượng. Mô típ này còn xuất hiện trong một số tác phẩm của Hoàng Lại Giang, Trần Mạnh Hảo... Việc xây dựng những nhân vật "người trong ống" (Vi Hồng) đang cựa quậy và tìm cách phá vỡ những cái ống hữu hình và mô hình là dấu hiệu chứng tỏ một nền văn học khẳng định cá tính con người, và do vậy, là một nền văn học đang được dân chủ hóa. Dân chủ hóa về nghệ thuật không nên hiểu đơn giản là đưa lời ăn tiếng nói hàng ngày của quần chúng vào trong tác phẩm, là viết sao cho tác phẩm dễ hiểu, cho đông đảo quần chúng dễ dàng tiếp nhận. Dân chủ hóa nghệ thuật là làm cho tất cả những phương pháp sáng tác cá nhân, những phong cách, bút pháp và giọng điệu nghệ thuật đều có thể tồn tại, đều có chỗ đứng trong nền văn học, cũng tức là làm cho sự hưởng thụ nghệ thuật của bạn đọc đa dạng hơn, phong phú hơn. Trên ý nghĩa đó, dân chủ hóa về nghệ thuật bao hàm khả năng cho phép sự thể nghiệm những biện pháp nghệ thuật mới mẻ. Những thể nghiệm như vậy chưa chắc chắn đã là dấu hiệu của sự đổi mới, nhưng nếu không có thể nghiệm, nếu vẫn đi trên con đường cũ của nghệ thuật, thì biết đến bao giờ mới nói đến sự đổi mới, sự tiến bộ trong nghệ thuật. Trong văn xuôi những năm gần đây hiện thực cuộc sống được soi sáng từ nhiều góc độ khác nhau. Các nhà văn đã cố gắng khắc phục cách miêu tả từ một điểm nhìn nghệ thuật duy nhất, điểm nhìn của người đưa ra lời phán quyết cuối cùng về các sự kiện, biến cố. Bằng việc đề xuất nhiều cách đánh giá khác nhau đối với cuộc sống, văn học đã lôi cuốn người đọc tham gia vào quá trình suy nghĩ, phân tích và nhìn nhận hiện thực, cùng với nhà văn tranh luận phán xét các hiện tượng. Tác giả không còn ở vị trí lấn lướt người đọc, mà dành một khoảng không rộng rãi cho sự liên tưởng, khuyến khích người đọc đối chiếu, chọn lựa và tự xác định một thái độ phù hợp trước cuộc sống. Xã hội chúng ta bây giờ là một cuộc thảo luận lớn, văn học cũng là một cuộc thảo luận lớn. Vì vậy mà không lạ gì trong ngôn ngữ văn xuôi nghệ thuật, đang phát triển với một liều lượng rất đáng kể ngôn ngữ chính luận. Thành phần ngôn ngữ chính luận này thâm nhập cả vào ngôn ngữ người kể chuyện lẫn ngôn ngữ nhân vật. Hình như bây giờ ai cũng muốn có ý kiến riêng và sự lên tiếng một cách trực diện này bộc lộ cả nhiệt tình lẫn sự sốt ruột, nôn nóng của nhà văn. Ở đây có một tác dụng hai mặt: một mặt ngôn ngữ văn xuôi tham gia trực tiếp vào việc lý giải những vấn đề nóng bỏng của đất nước, nó nâng cao diễn đàn dân chủ của xã hội; mặt khác nó lại có nguy cơ kéo văn học trở lại tình trạng đơn nghĩa và đơn điệu thường thấy trong văn xuôi trước đây. Nguy cơ này càng thấy rõ khi trong một vài tác phẩm đã xuất hiện thái độ an tâm của người sở đắc chân lý, thái độ tin rằng sự đánh giá của mình đối với lịch sử và hiện tại là sự đánh giá duy nhất đúng đắn. Một sự an tâm như vậy không thể không dẫn đến hạn chế về đối thoại, hạn chế những băn khoăn và tra hỏi trên con đường tìm kiếm lời giải đáp cho những vấn đề không dễ gì có lời kết luận sau cùng. Tiến trình dân chủ hóa văn học phải đi đôi với tiến trình hoàn thiện về nghệ thuật. Chúng ta không muốn từ bỏ sự thô thiển này để rồi sa vào một sự thô thiển khác. Không nên nhân danh dân chủ hóa để hạ thấp yêu cầu về nghệ thuật và châm chước cho những tác phẩm xoàng xĩnh và sơ lược. Văn học bao giờ cũng là sự tìm tòi, một cuộc tìm tòi đau khổ và đầy lo âu. Càng đi tìm, càng lo âu, văn học càng có khả năng tiếp cận chân lý nghệ thuật và đạt đến tinh thần dân chủ. Nguồn: Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 4 (tháng 7 & 8-1991)
4-11-12 |