ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

Mục lục


Nguồn: Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 1 (tháng 1 & 2-1986)

 

 

THỬ NHÌN LẠI VĂN XUÔI MƯỜI NĂM QUA

LẠI NGUYÊN ÂN

Khoảng thời gian 10 năm không phải là ngắn đối với những chuyển động xã hội, nhưng lại là khá ngắn đối với sự phát triển văn học. Tuy thế, từ 1975 đến nay, trong vòng 10 năm, văn xuôi nghệ thuật của chúng ta đã có những chuyển động đáng kể, vừa không đứt đoạn với văn xuôi trước đó, vừa liên tục tìm tòi để phát triển, cố gắng phản ánh và tìm câu trả lời trước rất nhiều vấn đề khác nhau của đời sống. Dưới đây, để nêu thử một cái nhìn bao quát về cục diện chung của văn xuôi 10 năm qua, chúng tôi sẽ dựa vào việc phân tích loại hình một số nhóm thể tài văn xuôi trong sự vận động của chúng.

1 - Văn xuôi chiến đấu

Trước hết xin nói đến văn xuôi chiến đấu, bao gồm những tác phẩm viết về những cuộc kháng chiến từ sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Xét cả về đề tài và chủ đề, dòng văn xuôi này chưa hề có tiền đề trong văn học trước 1945, và do vậy sự hiện diện của nó trong văn học từ sau 1945 là một trong những bằng chứng xác thực về tính chất mới mẻ, cách tân của văn xuôi 40 năm qua so với truyền thống văn học trước đó. Từ sau 1945, nói đúng hơn, từ khoảng 1947 - 1948 đến 1975, nhóm thể tài văn xuôi chiến đấu đã phát triển mạnh mẽ và góp phần quyết định diện mạo văn xuôi thời kỳ ấy. Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, dòng văn xuôi này vẫn liên tục phát triển, trong đó nổi bật lên những tác phẩm viết về sự kiện rung chuyển vừa xảy ra: chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Một loạt tác phẩm ký như Mặt trận đông bắc Sài Gòn của Nam Hà, Tháng ba ở Tây Nguyên của Nguyễn Khải, Bắc Hải Vân xuân 75 của Xuân Thiều, Trận đánh cuối cùng của Hữu Mai, Phía Tây mặt trận của Hồ Phương, và sau đó một loạt tiểu thuyết như Trong cơn gió lốc của Khuất Quang Thụy, Năm 1975 họ đã sống như thế của Nguyễn Trí Huân, Miền cháy của Nguyễn Minh Châu, Bán đảo của Thái Bá Lợi v.v... đều châu tuần xung quanh các phương diện khác nhau của sự kiện lớn nói trên.

Một điều dễ thấy là ở loạt những tác phẩm vừa dẫn đầu thiên về ghi nhận sự kiện như các tác phẩm ký hay thiên về sự kết hợp giữa ghi nhận sự kiện với việc đề xuất các vấn đề thông qua hư cấu nghệ thuật như trong các tiểu thuyết thì các tác giả hầu như đều viết trong cảm giác đang cùng thời với những điều mình miêu tả. Do vậy cảm hứng ca ngợi và cổ vũ chiến công là nét nhất quán ở tất cả các sáng tác này.

Cảm giác cùng thời nêu trên tất nhiên là nét nhất quán ở tác giả của những tác phẩm mà những tập đầu được viết ngay trong chiến tranh và lúc này đang ra tiếp những tập sau (Vùng trời, Những tầm cao, Dòng sông phẳng lặng...) hoặc của những tác phẩm tuy đến sau 1975 mới được viết hoặc ra mắt, nhưng đã được dự kiến từ trước, miêu tả những phương diện và phạm vi khác nhau của cuộc sống trong chiến tranh (Sao Mai của Dũng Hà, Biển gọi của Hồ Phương, Nắng đồng bằng của Chu Lai, Lửa từ những ngôi nhà của Nguyễn Minh Châu, Mở rừng của Lê Lựu, Thung lũng thử thách của Thái Bá Lợi, Cửa gió của Xuân Đức, Những người báo bão của Vân Thảo v.v...). Cũng như một loạt tập truyện ngắn của các cây bút như Nguyễn Chí Trung, Thao Trường, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Bảo, Trung Trung Đỉnh, Dương Duy Ngữ v.v...

Tất nhiên, dù sao thì những người viết về thời chiến tranh dần dà cũng cảm thấy cái mà mình miêu tả đang trở thành quá khứ, dù là một quá khứ gần. Ý thức về khoảng cách đã dẫn tới những cách xử lý khác nhau.

Khá nhiều tác phẩm được viết theo hướng văn học tư liệu. Những tập sách truyền thống của các đơn vị, các binh chủng, binh đoàn, sư đoàn, các tập hồi ký của các tướng lĩnh và cán bộ quân sự lâu năm đều có một hướng chung là cố gắng ghi lại những sự kiện đã qua. Những trang tư liệu ấy, dù được viết không phải với ý định làm văn học, vẫn có ý nghĩa nhất định đối với tiến tình văn học chung. Cũng trong cố gắng ghi lại ấy, một số tác phẩm đã được xây dựng theo hướng tiểu thuyết hóa các sự kiện thực, tuy vậy tính chất tư liệu vẫn là nét đậm. Đất trắng (2 tập) của Nguyễn Trọng Oánh, Đất miền ĐôngTrong vùng tam giác sắt của Nam Hà, Sài Gòn 67 của Nguyễn Văn Bổng v.v... là thuộc trong số những tiểu thuyết tư liệu ấy. Tất nhiên, có thể làm cho tác phẩm mang đầy đủ chất văn học mà không nhất thiết phải xây dựng thành tiểu thuyết: thành công của tập Ký sự miền đất lửa của Nguyễn Sinh và Vũ Kỳ Lân là một chỉ dẫn đáng kể.

Trong loạt sách về các hoạt động bảo vệ an ninh, ta cũng thấy ý đồ xây dựng những cuốn tiểu thuyết tư liệu: các tập Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn hoặc Fulro của Ngôn Vĩnh là một trong số những ví dụ.

Nếu những trang văn học tư liệu nói trên, bổ sung cho nhau, có thể cho biết kỹ lưỡng về những trang sử nhất định của cuộc kháng chiến, thì bên cạnh đó, ta lại thấy một cố gắng khác, cũng là kết quả của ý thức về khoảng cách ở người viết: đó là cố gắng dựng lại những trang sử hiện đại bằng ngôn ngữ tiểu thuyết. Những bộ tiểu thuyết như Đất nước, Người cùng quê (đều vừa ra tập I) cho thấy là nó đang tiếp tục phương hướng làm tiểu thuyết sử thi, phương hướng của những tác phẩm ở thời gian trước (như Sống mãi với Thủ đô, Vỡ bờ, Cửa biển...) và ở đây đề tài kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đang đi dần đến chỗ được sáp nhập vào đề tài lịch sử dân tộc nói chung, ở đây, văn xuôi chiến đấu đang đi gần với dòng văn xuôi lịch sử.

Với việc xuất hiện tiểu thuyết Sao đổi ngôi của Chu Văn gần đây, văn xuôi viết về kháng chiến lại bộc lộ thêm một khả năng khác, cái khả năng đã được thực hiện ít nhiều trong Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi trước đây: khả năng kể về cuộc chiến tranh đã qua từ góc độ ý thức dân gian, ý thức của đám đông lính thường và dân thường đã trải qua những ngày kháng chiến. Có điều, nếu tác giả Người mẹ cầm súng trước kia đã dùng lời kể chuyện dân gian truyền thống để truyền kỳ hóa, cổ tích hóa câu chuyện về một người anh hùng cùng thời mình, thì giờ đây, Chu Văn lại vận dụng cái nhìn của dân gian đương thời mình để thế tục hóa một mảng thực tế chiến tranh đang đi dần vào quá khứ. Ở đây, thủ pháp trao "quyền kể chuyện" cho nhân vật (câu chuyện do nhân dân chính xưng "tôi và kể lại) đã khiến cho tác phẩm vừa có cốt cách dân gian, vừa giữ được những đường nét chính của tiểu thuyết hiện đại. Sao đổi ngôi mang nhiều nét của tiểu thuyết sinh hoạt - phong tục, mặc dù đề tài của nó là chuyện chiến tranh.

Những hướng phát triển nêu trên của văn xuôi chiến đấu có thể là chưa bao quát đủ tình hình, tuy nhiên ta cũng đã thấy sự đa dạng ngay trong cùng một nhóm loại hình của thể tài.

2 - Văn xuôi sản xuất

Một nhóm thể tài chiếm khối lượng tác phẩm không kém so với văn xuôi chiến đấu, đó là văn xuôi sản xuất. Từ khởi nguồn, bộ phận văn xuôi này cũng chưa hề có tiền đề trong văn học trước 1945 và sự có mặt của nó trong văn học 40 năm qua cũng là một trong những chứng cứ về sự cách tân của nền văn học mới. Con trâuVùng mỏ xuất hiện từ những năm 50 có thể là những tác phẩm sớm nhất của nhóm loại hình này trong văn xuôi. Đến những năm 60, với cao trào hợp tác hóa nông nghiệp, với việc xuất hiện các khu công nghiệp tập trung với việc tổ chức đều đặn các đoàn và các đợt nhà văn đi và viết về những mũi nhọn, những điểm nóng, những nơi tiên tiến, dần dần đã thấy xuất hiện cả một loạt những tác phẩm ký, truyện ngắn và truyện dài mà nội dung chính là miêu tả những phương diện khác nhau của hoạt động sản xuất, hoạt động xây dựng kinh tế. Ta biết rằng trong văn xuôi trước 1945, dù viết về nông dân nông thôn hay dân nghèo thành thị, thì ở sáng tác của các nhà văn khi ấy cũng thường chỉ có bình diện phong tục - sinh hoạt hoặc xã hội - phong tục. Trong chế độ mới, sản xuất, cũng như chiến đấu, đã được coi như một nhiệm vụ cách mạng, và như vậy, sản xuất không chỉ là một hiện thực thông thường mà còn được nhà văn quan niệm như một hiện thực cách mạng, ở đó đang diễn ra sôi động những hoạt động cải tạo xã hội, xây dựng mới cả cuộc sống lẫn con người. Ở những tác phẩm viết về sản xuất, nhà văn không chỉ ghi nhận những cuộc vận động, những phong trào trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông v.v... mà còn bày tỏ thái độ của mình, ủng hộ các chủ trương, các phong trào mới trong sản xuất, ca ngợi những tấm gương lao động dũng cảm, ca ngợi những người đi đầu trong các phong trào đang được phát động và thực hiện. Từ Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm, Đồng tháng Năm, Đất làng, Ao làng, Bão biển, Chủ tịch huyện... từ các tập truyện ngắn của Vũ Thị Thường, Nguyễn Địch Dũng, Chu Văn... viết về hợp tác hóa nông nghiệp, từ Suối gang, Những người thợ mỏ, Xi măng, Tiếng gió, Trước lửa, Sao băng, Thung lũng Cô Tan, Bạch đàn, Đường giáp mặt trận... viết về công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải v.v... có thể nói cả một loạt truyện sản xuất, tiểu thuyết sản xuất đã in thành một vệt rất đậm trong văn xuôi của ta. Phối hợp lại, mạch văn xuôi này đã ghi nhận, phản ánh khá cụ thể và sinh động các mặt khác nhau, các giai đoạn và thời kỳ khác nhau của hiện thực đấu tranh xây dựng cuộc sống mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên hậu phương lớn của cuộc kháng chiến, tính đến trước tháng 4-1975.

Thật ra, không có ranh giới nào rõ rệt giữa văn xuôi sản xuất trước và sau thời điểm kể trên. Có điều là từ khi cả nước thống nhất và nhiệm vụ xây dựng lại đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước trở thành nhiệm vụ chính trị thường trực và trung tâm thì điều kiện cho văn xuôi sản xuất phát triển lại càng thuận lợi. Kế hoạch đề tài của các nhà xuất bản, sự phân phối lực lượng viết văn theo đề tài địa phương và đề tài ngành nghề -- là những nhân tố hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của nó.

Có một điều rất đáng lưu ý là nếu ở văn xuôi sản xuất đầu những năm 60, vị trí hàng đầu thường thuộc về thể truyện -- truyện ngắn, truyện vừa và nhất là tiểu thuyết. Ngay ở những đề tài, những mảng thực tế còn nóng hổi tính thời sự, tiểu thuyết cũng đã xông vào, và ở đây, nó làm thay cả chức năng của ký sự, phóng sự, nó kiêm nghiệm cả chức năng của chính luận.

Những tập truyện ngắn và tiểu thuyết sản xuất in ra vào các năm đầu sau tháng 4-1975 hãy còn hướng tới hoạt động sản xuất trong thời chiến: Nơi anh sẽ đến của Huy Phương, Những ngày đã qua của Nguyên Bình, Tiếng gió của Lê Minh, Thung lũng Cô Tan của Lê Phương, Những người chinh phục của Nguyễn Quang Thân, Đường giáp mặt trậnChỗ đứng người kỹ sư của Nguyễn Khắc Phê, các tập truyện ngắn của Nhật Tuấn, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến v.v... Cốt truyện cấu tạo theo lối tường trình lai lịch một sáng kiến, tường trình việc thực hiện một nhiệm vụ sản xuất, tường trình một gương người tốt việc tốt v.v...vẫn là nét chung của các sáng tác này.

Tuy nhiên, do chỗ hoạt động xây dựng kinh tế từ đây trở thành một nhiệm vụ xã hội to lớn, cho nên nó cũng là một trong những đối tượng quan sát và miêu tả rất chăm chú của nhà văn. Và thông qua các trang văn xuôi sản xuất, ta cũng có thể thấy được các bước dò tìm trong các lĩnh vực kinh tế xã hội.

Việc thực hiện chủ trương đưa cơ giới vào đồng ruộng đã sớm được nói đến trong tiểu thuyết Buổi sáng của Ngọc Tú. Cũng Ngọc Tú đã dành cho vấn đề chọn giống một tiểu thuyết khác: Hạt mùa sau. Những đợt vận động cải tạo công thương tư bản tư doanh ở phía Nam cũng sớm in bóng vào các tiểu thuyết như Những khoảng cách còn lại của Nguyễn Mạnh Tuấn, Bông mai mùa lạnh của Lê Phương... Đặc biệt, từ cuối những năm 70 đầu những năm 80, phong trào khoán sản phẩm trong các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sau đó lan sang các xí nghiệp quốc doanh đã kéo theo một vệt sáng tác văn xuôi, từ các vở kịch Đất nghịch, Mùa hè ở Biển, Tôi và chúng ta, đến các tiểu thuyết Nhìn dưới mặt trời, Đứng trước biển, Tan mây, Bí thư cấp huyện... Chúng ta nhớ rằng phong trào khoán sản phẩm đã xuất hiện như một phong trào quần chúng, bắt đầu từ các cơ sở, sau đó được nghiên cứu, kết luận khẳng định trong các nghị quyết của Đảng, được thể chế hóa trong các văn bản nhà nước. Phong trào khoán sản phẩm cũng như phong trào xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế quan liêu bao cấp đều mang tính chất quần chúng khá rộng rãi, được phản ánh hàng ngày trên báo chí, dư luận. Văn xuôi đã tham gia vào phong trào này vừa như một sự hưởng ứng, cổ vũ, ủng hộ, vừa như một sự gợi ý, đề xuất. Chính vì vậy, đến lượt mình, các tác phẩm văn xuôi đó lại giành được sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng. Về mặt này, trường hợp Đứng trước biển Cù lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn khá tiêu biểu. Ở đây, có thể nói, văn xuôi và văn học nói chung đã chứng tỏ là nó có thể đóng vai trò như một lực lượng xã hội quan trọng, tham gia trực diện vào công cuộc tổ chức sản xuất và quản lý xã hội. Chính sự tham gia trực diện, sự "nhập cuộc" của nhà văn vào từng lĩnh vực sản xuất và kinh tế xã hội này là một nét đặc sắc của văn học chúng ta, nó cho thấy tính tích cực xã hội của nhà văn và của sáng tác văn học, tính tích cực xã hội của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đi vào các lĩnh vực sản xuất có áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, vào lĩnh vực của các kỹ sư và kỹ thuật viên - một lĩnh vực thường là khó khăn và mới mẻ đối với nhà văn -- các tác giả những tiểu thuyết như Hòn đảo một mình (Lê Minh), Lựa chọn (Nguyễn Quang Thân), Mưa mùa hạ (Ma Văn Kháng), những truyện ngắn của Nhật Tuấn, Tô Hải Vân v.v... đã dám mạnh dạn đứng về phía một trong hai hoặc nhiều phương án sản xuất ngay giữa tình trạng còn nhiều điều tranh cãi, bênh vực và bảo vệ nó, và như vậy đã dám chấp nhận tình trạng số phận tác phẩm phụ thuộc khá nhiều vào tương lai thực tế của phương án đó. Những điều như vậy - sự gắn bó giữa "số phận" một phương án sản xuất với số phận tác phẩm văn học - là những điều chưa từng thấy ở nền văn học cũ trước cách mạng.

Theo dõi thành phần xã hội của các nhân vật trung tâm trong văn xuôi sản xuất từ những năm 60 sang những năm 70-80, ta cũng thấy những chuyển đổi có ý nghĩa. Nếu khi trước, nhân vật trung tâm thường là một nông dân xã viên, một công nhân bình thường thì về sau nhân vật trung tâm lại thường là những kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, cán bộ lãnh đạo và quản lý sản xuất. Có thể hiểu được là, chẳng hạn, để diễn đạt cái lý của việc vào hợp tác xã, để đề cao một gương lao động tốt, để nêu những bài học đạo đức của người lao động, không nhất thiết phải mượn tới vai trò của những người có trọng trách trong hệ thống sản xuất, hệ thống quản lý xã hội. Trong khi đó, để triển khai sự suy nghĩ có tầm bao quát hơn về các vấn đề của sản xuất, và quản lý, lại cần đến những cương vị như vậy, để tác giả có thể trao gửi lời lẽ và ý kiến của mình cho nhân vật phát ngôn. Cái việc cần có "nhân vật phát ngôn" về các vấn đề kinh tế xã hội - là nét khá chung ở nhiều cuốn tiểu thuyết sản xuất hiện giờ, nó khiến cho thành phần chính luận trong tác phẩm gia tăng hẳn lên. Chính sự chuyển đổi nói trên cho thấy trong văn xuôi sản xuất, và văn xuôi nói chung, yêu cầu nhận thức đang tăng lên, đang dần dần được đặt ra như một nhiệm vụ nghệ thuật của sáng tác.

Con người trong văn xuôi sản xuất đương nhiên là con người sản xuất, con người được khai thác chủ yếu ở bình diện tham gia vào các hoạt động sản xuất, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Ba Đức ở Đứng trước biển, Năm Trà ở Cù lao Tràm đều là kiểu người quản lý, kiểu người tổ chức, nó khá gần với kiểu người chính trị viên của văn xuôi chiến đấu, nó được miêu tả đậm nét ở phẩm chất chiến sĩ, bởi vì sản xuất ở đây được quan niệm như một nhiệm vụ cách mạng. Những nhân vật như Ba Đức, Năm Trà chính là kiểu người anh hùng của hôm nay, kiểu người dám đương đầu với các tình thế khó khăn, hỗn độn trong quản lý kinh tế và quản lý xã hội, dám đấu tranh để chế ngự các tình thế đó, xác lập và làm chủ một trật tự mới trong kinh tế và sinh hoạt xã hội.

Với sự phát triển mạnh mẽ của văn xuôi sản xuất, nền văn học và văn xuôi của chúng ta đã tỏ rõ là nó đang thật sự lớn lên rất nhiều về lập trường xã hội và bản lĩnh xã hội, về năng lực lên tiếng trước các vấn đề kinh tế xã hội cấp bách, năng lực nhập cuộc vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới của toàn dân.

3 - Văn xuôi phong tục-lịch sử

Văn xuôi phong tục-lịch sử  là một trong những truyền thống mạnh của văn xuôi trước 1945, nhất là ở các sáng tác của các nhà văn mà hiện giờ thường được giới nghiên cứu gọi là các nhà hiện thực phê phán. Sau 1945, khá nhiều nhà văn - nhất là những người đã căn bản hình thành ngòi bút sáng tác từ trước 1945 - tiếp tục sáng tác trong mảng văn xuôi quen thuộc với họ. Cố nhiên, đặt trong khung cảnh chung của văn học cách mạng, văn xuôi phong tục - lịch sử từ đây đã mang nhiều biến đổi căn bản. Thay cho việc mô tả những bức tranh xã hội - phong tục màu xám, thay cho việc vạch ra những quá trình tan rã, tàn héo, giờ đây, dù viết về các thời kỳ trước, các tác phẩm cũng thường chú ý đến quá trình biến đổi cách mạng của đời sống, đến việc tố cáo chân tướng của thực dân, quan lại, địa chủ, đến việc tô đậm quá trình giác ngộ của quần chúng nhân dân. Trên các đề tài về đời sống đương thời, văn xuôi phong tục thường có sự kết hợp nhất định với văn xuôi chiến đấu, văn xuôi sản xuất. Cho đến trước tháng 4-1975, văn xuôi phong tục - lịch sử đã đạt được khá nhiều thành tựu lớn, nhất là ở các sáng tác của Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân... Sau thời điểm kể trên, thật ra, không có biến động gì thật rõ ở mảng văn xuôi này, ngoại trừ một tình hình đáng kể là tuổi tác của thế hệ những người chuyên viết thể tài này.

Như đã nói ở trên, số nhà văn viết thạo thể tài này, thường bắt đầu cầm bút từ trước 1945. Đến lúc này, hàng ngũ của họ thưa vắng dần. Nhà văn Nguyên Hồng sau khi hoàn thành bộ tứ Cửa biển (1960 - 1978), đã không kịp kết thúc tiểu thuyết lịch sử Núi rừng Yên Thế do cái chết khá đột ngột của ông.

Trong số những nhà văn ngoại "lục tuần" ấy, có lẽ chỉ còn Tô Hoài là dẻo dai nhất. Những cuốn tiểu thuyết của ông ra mắt gần đây như Người ngõ phố, Người đường phố, Quê nhà, Họ Giàng ở Phìn Sa tiếp tục bổ sung vào các nhóm tác phẩm phong tục lịch sử của nhà văn quần tụ quanh hai trung tâm mô tả của ông: vùng nông thôn ven thành Hà Nội và vùng núi Tây Bắc.

Ở các sáng tác thuộc thể tài phong tục - lịch sử của những nhà văn ít tuổi hơn, ta thường thấy sự pha trộn giữa cốt truyện phong tục - lịch sử với cốt truyện sản xuất, chiến đấu. Đó là trường hợp của Chu Văn từ Bão biển trước đây sang Đất mặn (1976), của Mạc Phi từ tập I sang tập II Rừng động. Đó cũng là trường hợp của Nguyễn Hiểu Trường trong Chân dung một quản đốc.

Sự xuất hiện gần đây những tập Đồng bạc trắng hoa xòe Miền biên ải của Ma Văn Kháng, Hoa hậu xứ Mường của Phượng Vũ cho thấy cố gắng của lớp nhà văn trẻ hơn trên mảng thể tài này. Và, như đã nói ở trên, ở mảng văn xuôi chiến đấu, với sự xuất hiện của tập I những bộ tiểu thuyết hứa hẹn ra nhiều tập như Người cùng quê của Phan Tứ, Đất nước của Hữu Mai, mảng văn xuôi chiến đấu – nhất là mảng viết về những cuộc kháng chiến đã qua – đang đi gần với văn xuôi lịch sử.

Nếu các tác phẩm của tác giả nêu trên thường có cả bình diện miêu tả phong tục lẫn bình diện miêu tả lịch sử, và cuộc sống được vẽ lại trong đó cũng chưa phải đã thuộc về một quá khứ thật xa, thì các tác phẩm của tác giả sẽ nói sau đây hầu như chỉ có bình diện lịch sử, nhằm vẽ lại những thời kỳ đã rất xa, khó có thể phục hiện diện mạo sinh hoạt - phong tục, hầu như phải chấp nhận cách miêu tả ước lệ.

Vào khoảng trước 1975 ít lâu, hai tập Bóng nước Hồ Gươm của Chu Thiên được coi là một thành công đáng kể của tiểu thuyết lịch sử. Các tiểu thuyết và truyện lịch sử của Hà Ân, Thái Vũ cũng từng gây nên sự chú ý trong dự luận. Từ 1975 đề tài lịch sử được chú ý có phần hơn trước kia. Nó lan từ truyện và tiểu thuyết sang cả kịch nói, lan từ truyện viết cho người lớn sang truyện viết cho trẻ em. Mặc dù đa dạng thêm về đề tài và thể tài, nhưng các tác phẩm văn xuôi lịch sử thường rất thống nhất ở chỗ đều tập trung xung quanh việc khẳng định truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, xung quanh việc tô đậm những trang sử chiến thắng hào hùng của dân tộc.

Nhìn chung lại, với sự phát triển của nhóm loại hình các tác phẩm văn xuôi phong tục - lịch sử, chúng ta thấy một cố gắng rõ rệt của văn xuôi: nhận thức lịch sử dân tộc từ xa xưa đến các thời kỳ cận đại, hiện đại. Nó cho người đọc một cái nhìn của thời chúng ta vào các thời kỳ khác nhau của quá khứ dân tộc. Và do vậy, nó tiếp tục đóng góp vào quá trình tự ý thức dân tộc của con người Việt Nam thời đại chúng ta. Nếu như các sáng tác đã ra mắt cho đến nay thường tập trung vào việc miêu tả các phương diện của đấu tranh dân tộc và chống xâm lược, thì từ nay về sau, bên cạnh chủ đề lớn nói trên, chúng ta có thể nghĩ là văn xuôi lịch sử sẽ đề cập thêm đến một phương diện khác nữa: cuộc đấu tranh xã hội trong nội bộ dân tộc suốt quá trình dựng nước và giữ nước, và việc dõi cái nhìn văn học vào quá khứ như vậy sẽ không phải thuần túy là "vị lịch sử". Chính các quá trình đời sống hiện tại cũng rất cần đến sự hỗ trợ của cái nhìn "hồi cố" đó.

Trong văn xuôi gần đây, cái nhìn "hồi cố" đang có cơ trở nên phổ biến, cả trong mảng tâm lý xã hội lẫn trong mảng phong tục - lịch sử. Một tập sách gồm "những chuyện nhỏ" (như cách tác giả gọi tên) của nhà thơ Duy Khán nhan đề Tuổi thơ im lặng đã gây được sự chú ý của rất nhiều người viết. Hóa ra, ngay khi tuổi thơ mình lên tiếng thì ở văn xuôi hồi ức của nhà thơ cũng không phải chỉ có yếu tố biểu cảm trữ tình. Những câu chuyện thực được kể lại ở đây dường như là có thể bổ sung vào các trang văn xuôi trước đây của các nhà văn Ngô Tất Tố, Nam Cao, miêu tả một nông thôn nghèo với những người nông dân nghèo trước cách mạng. Chất thực trong miêu tả sinh hoạt, phong tục ở đây dĩ nhiên là có ưu thế hơn, nhưng không che mờ hẳn yếu tố xúc cảm chứa đựng trong mạch hồi ức. Tuổi thơ im lặng là một cuốn sách độc đáo, nhưng nó cũng hé ra một hướng có thể phát triển trong dòng văn xuôi phong tục - lịch sử, như là sự kết hợp giữa văn xuôi tư liệu với văn xuôi trữ tình, thông qua cái "tôi" hồi ức của nhà văn.

4 - Văn xuôi tâm lý xã hội

Một nhóm loại hình nữa, có sự phát triển đáng kể từ 1975 đến nay - là văn xuôi tâm lý xã hội. Thật ra, loại hình văn xuôi này đã có trong văn học nước nhà từ trước 1945, đã đạt đến độ phát triển khá rực rỡ với sáng tác của các nhà văn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài v.v... Sau Cách mạng Tháng Tám, trong nền văn học mới, văn xuôi tâm lý xã hội đã có những biến đổi nhất định, có sự kết hợp nhất định với văn xuôi chiến đấu, văn xuôi sản xuất trong từng tác phẩm cụ thể. Nếu như văn xuôi tâm lý xã hội khá phát triển hồi đầu những năm 60 thì từ cuối những năm 60, nét chủ đạo của văn xuôi cũng như toàn bộ văn học đã thuộc về văn xuôi anh hùng, văn xuôi chiến đấu. Đấy là một điều hợp lý của tiến trình văn học đương thời, trong tương quan chặt chẽ với tiến trình xã hội.

Tính chất chuyển giai đoạn của đời sống xã hội đất nước từ sau 1975 đã tác động đến văn xuôi, cả về nội dung văn học lẫn diện mạo thể tài văn học. Đời sống xã hội từ thời chiến chuyển sang thời bình, sinh hoạt của con người xã hội thời bình với vô số vấn đề của nó - đã tác động đến văn xuôi, được phản ánh vào văn xuôi dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của cả văn xuôi sản xuất lẫn văn xuôi tâm lý xã hội.

Có một hiện tượng đáng kể, ấy là việc không ít nhà văn, từ những tác phẩm văn xuôi chiến đấu từng gây tiếng vang ở thời gian trước, lúc này đã dần dà chuyển sang văn xuôi tâm lý xã hội. Là nhà văn mang rõ cốt cách tâm lý thế sự, sau những cuốn truyện và ký chiến đấu viết trong thời chiến, Nguyễn Khải đã trở lại với mặt mạnh chủ yếu của mình bằng một loạt sáng tác - tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch - viết khá đều tay và may mắn, từ Cha và Con, và... (1979) qua Khoảnh khắc đang sống, Gặp gỡ cuối năm đến Thời gian của người (1985). Văn xuôi Nguyễn Khải đã tự vượt lên so với chính mình và so với đồng nghiệp xung quanh, trở nên già dặn, sâu sắc hơn hẳn. Những câu chuyện cuộc đời ở đây đang như muốn mang tải ngày càng nhiều những sự tổng kết về cách sống, về triết lý sống. Trí thức và xã hội, trí thức và chính trị, quá khứ đẹp đẽ hôm qua và cách sống hôm nay - là những vấn đề thường trở đi trở lại trên các trang văn xuôi Nguyễn Khải.

Một trường hợp thu hút ý kiến thảo luận khá nổi bật gần đây là văn xuôi Nguyễn Minh Châu. Từ những trang văn xuôi chiến đấu mà tiêu biểu là tiểu thuyết Dấu chân người lính (1967) đậm màu lãng mạn anh hùng, dăm năm trở lại đây, nhà văn như đã dành một phần không nhỏ sự chú ý của ngòi bút mình cho những thể nghiệm trong văn xuôi tâm lý thế sự, với các tập truyện ngắn và vừa: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê. Nhà văn như đang dẫn dắt các nhân vật của mình trong những tìm tòi đạo đức, nhằm khẳng định và biện minh cho những cách sống tốt đẹp cần lựa chọn giữa cuộc đời bình thường hàng ngày. Sự chuyển hướng về thể tài của Nguyễn Minh Châu không phải là trường hợp cá biệt. Ngược lại, nó là trường hợp nằm chung trong một số tiến trình chung (đã có nhiều biến đổi nội tại) giữa thời đại và văn học. Những truyện ngắn và kịch trong tập Tâm tưởng của Bùi Hiển vừa ra mắt gần đây cho thấy sức hút lớn của đương thời đã có tác động ra sao đến ngay cả một nhà văn cao tuổi. Từ những truyện sinh hoạt thời chiến, ông trở về với các truyện "ngày thường" để giãi bày những ý nghĩ có xu hướng triết lý. Và nhà văn có vẻ như cũng trở về với mạch văn xuôi tâm lý phong tục của mình từ thời Nằm vạ, để rồi gặp gỡ với cái xu hướng đang mạnh lên ở những đồng nghiệp trẻ tuổi hơn.

Về sự chuyển hướng sang văn xuôi tâm lý xã hội này, có thể dẫn ra nhiều trường hợp khác. Mặc dù vậy, cũng cần thấy là một nhà văn có thể thích ứng với một hoặc nhiều thể tài. Nguyễn Kiên hầu như đến gần đây còn tiếp tục viết trong mạch văn xuôi sản xuất Nhìn dưới mặt trời (1980), nhưng các truyện ngắn của anh vài năm nay lại đã ngả sang mạch tâm lý xã hội, khai thác các khía cạnh trong triết lý sống, lối sống. Vũ Tú Nam, từ các trang văn xuôi nông thôn đậm màu phong tục - sinh hoạt, gần đây ở các truyện ngắn trong tập Sống với thời gian hai chiều đã bắt vào mạch tâm lý thế sự, mạch của những suy nghĩ đánh giá lại những ứng xử đã qua trong cách sống, nhất là trong các quan hệ tình yêu, gia đình...

Nếu các tác phẩm văn xuôi sản xuất cho người đọc cái cảm giác rất đúng: "sản xuất xã hội và quản lý xã hội đang có rất nhiều vấn đề", thì các tác phẩm văn xuôi tâm lý xã hội cũng cho người đọc cảm giác không sai: "con người, thế sự, gia đình cũng đang đầy rẫy vấn đề", và tất cả đều là những vấn đề xã hội. Có lẽ vì vậy mà cuốn tiểu thuyết gần đây của Ma Văn Kháng nhan đề Mùa lá rụng trong vườn được khá nhiều người tìm đọc. Dù rằng tác giả có ý muốn bảo vệ các quan hệ của đại gia đình dưới một cái nhìn đạo lý rộng rãi, nhấn mạnh đến tình thương và trách nhiệm đối với người khác chứ không phải nhấn mạnh bổn phận của từng người trong các quan hệ gia đình (một ý muốn khá dàn hòa) thì vấn đề nêu ra -- qua các trang truyện, qua cách phác họa những con người -- vẫn không hề mất đi. Trách nhiệm đối với người khác, cụ thể là trách nhiệm của thế hệ cha mẹ với thế hệ con cái cũng là một chủ đề mà Thái Bá Lợi dành cho truyện vừa Bán đảo, dù rằng cách viết ở đây kín đáo và bằng lặng nhiều hơn so với sự hoạt bát bộc trực của tác giả Mùa lá rụng trong vườn...

Quan tâm đến vấn đề xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa là một trong những mối quan tâm lớn của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Và văn xuôi tâm lý xã hội, dù qua các biến thái khác nhau, vẫn châu tuần quanh nhiệm vụ to lớn và lâu dài ấy. Nó vừa làm rõ phương diện nhân bản, nhân đạo của cách mạng xã hội chủ nghĩa, vừa tham gia vào cuộc cách mạng ấy, góp phần nhân đạo hóa con người.

Tất nhiên sự tham gia cũng gồm ở nhiều cách, nhiều phía. Mỗi tác phẩm và nhà văn dẫn trên đều thuộc về những cách, những phía nhất định ấy. Và nếu nói đến những tác giả trẻ hơn, ta cũng thấy ở sáng tác của họ có nét sôi sục hơn.

Câu chuyện trong Cuộc đời bên ngoài của Vũ Huy Anh tập trung vào "nội thất" của những tu viện, vào nội tâm của một con người để phát hiện một quá trình tâm lý, cắt nghĩa và ủng hộ cách xử sự cuối cùng của nhân vật: từ bỏ cảnh sống trái tự nhiên để trở về cuộc đời trần gian thông thường như tất cả người đời, có vui có buồn, có hạnh phúc có đau khổ, nhưng mới thực là sống. Một điều giống như cái luận đề đã cũ ấy của chủ nghĩa duy cảm, qua tác phẩm lại tạo được đầy đủ sức thuyết phục nghệ thuật, nhưng không phải chỉ do sự thành công về ngôn ngữ mà còn do nó nối được với những quá trình tâm lý xã hội đang diễn ra trong lớp trẻ ngày nay, kích thích lòng ham sống, ham hoạt động của họ.

Những truyện ngắn của Dương Thu Hương thường gây nhiều bàn cãi trong giới người viết và người đọc. Ở văn xuôi của nữ nhà văn gần tứ tuần này, sự sôi sục của tuổi trẻ -- sôi sục đến độ như hàm hồ, như cay cú -- vẫn còn đậm, và thật sự là một ưu thế nếu đem so với hình bóng những con người ít nhiều như đang co mình lại mà hồi tưởng và suy tư trong văn xuôi tâm lý của lớp nhà văn "ngũ tuần". Ở các truyện của Dương Thu Hương không thiếu những con người tốt, nhưng một trong số loại người loại việc mà ngòi bút nhà văn soi vào là những kẻ xấu, những mặt xấu vẫn còn hiệu diện giữa cuộc đời hôm nay, trong tâm lý, lối sống, trong quan hệ giữa người với người. Để dồn sức tấn công vào các đối thủ ấy, nhà văn có khi đã dựa vào cả những định kiến, những tập quán và ý niệm đạo lý cũ kỹ - việc này gây nên những chỗ không đồng tình nào đó ở những độc giả nhất định - nhưng việc chọn và "truy kích" các thứ thói xấu và kẻ xấu thì lại là đích đáng.

Có thể thấy là hầu hết các tác phẩm văn xuôi tâm lý xã hội đều mang cảm hứng đạo đức, dù rằng cảm hứng ấy có sắc thái khác nhau chút ít: với các nhà văn "ngũ tuần" thì đáng chú ý là bình diện triết lý đạo đức với các nhà văn "tứ tuần" - là bình diện đạo đức sinh hoạt. Xu hướng biểu cảm trữ tình của văn xuôi tâm lý trước đây - mà tiêu biểu là văn xuôi Đỗ Chu - đang nhường chỗ cho sự phân tích, mổ xẻ. Đây cũng là chỗ cho thấy sự phát triển của văn xuôi tâm lý xã hội là đáp ứng nhu cầu nhận thức - một nhu cầu lớn của thời đại ngày nay. Tất nhiên, xu hướng biểu cảm trữ tình không phải là đã mất: cố gắng của Đỗ Chu ở các truyện ngắn trong tập Tháng hai vừa ra mắt gần đây là một ví dụ. Ý đồ muốn nắm bắt những nét "nên thơ" của đời sống để thể hiện lên các trang văn xuôi trữ tình cũng còn thấy ở một số cây bút mới, nhất là các cây bút nữ (Lý Lan, Trần Thùy Mai). Dù sao, trong khi tầm nhận thức của văn học và của độc giả đã, đang và cần được nâng cao, văn xuôi tâm lý trữ tình cũng đứng trước những yêu cầu mới, cần vượt khỏi sự dễ dãi, nông cạn để có thể gây được sức thuyết phục nhiều hơn nữa.

Thử điểm lại diện mạo văn xuôi 10 năm qua như trên, bằng cách phân tích sự phát triển của các nhóm loại hình văn xuôi, chúng tôi muốn cho thấy sự đa dạng và khá phong phú của văn xuôi thời gian qua. Nếu một nền văn học đang phát triển bao giờ cũng gồm hàng loạt nhân tố động và không dễ thấy rõ thì việc nắm bắt một số trong hàng loạt nhân tố ấy lại là cực kỳ quan trọng, để nhận ra những con đường phát triển đang diễn tiến, để tác động tích cực đến sự phát triển của văn học. Theo ý nghĩa ấy, sự phân tích trên đây là những gợi ý để suy nghĩ tiếp tục, hơn là những kết luận đã xong xuôi.

Nguồn: Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 1 (tháng 1 & 2-1986)

 

Mục lục

 

10-1-19