ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

Mục lục


Nguồn: Cửa Việt, Quảng Trị, số 6 (Xuân Tân Mùi 1991)

 

 

BƯỚC PHÁT TRIỂN
CỦA VĂN XUÔI VIỆT NAM SAU 1975

LÊ TIẾN DŨNG

Trong 45 năm phát triển của văn học cách mạng, văn xuôi Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Bài viết này chỉ dừng lại khảo sát một giai đoạn. Đó là giai đoạn sau 1975 đến nay. Bài viết chủ yếu nêu lên những phương diện phát triển nội tại của văn xuôi mà sẽ không nêu lên những tổng kết có tính chất phong trào như đội ngũ, tác phẩm..., vì về phương diện này đã có những bài viết khá thấu đáo rồi.

Có thể nói 15 năm qua văn xuôi đã có nhiều khởi sắc. Dĩ nhiên không phải ai cũng thừa nhận sự khởi sắc đó. Thậm chí có người còn cho là có bước thụt lùi. Trong bài Thời kỳ văn học vừa qua và xu hướng phát triển của văn học, với tất cả sự thận trọng của một nhà nghiên cứu có kinh nghiệm, Hoàng Ngọc Hiến đã khẳng định: "Thời kỳ văn học từ 1975 đến nay đặc biệt quan trọng cho sự định hướng sắp tới... Đến nay đã 15 năm nhưng vẫn còn là sớm để thấy hết chân giá trị của những tác phẩm ra đời và những tác giả xuất hiện được chú ý thời kỳ này, một thời kỳ phong phú các hiện tượng văn học". Và theo ông, đây là thời kỳ của "một sự kinh nghiệm - bừng tỉnh"[1]. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Bùi Hiển nhận xét: "Ngay từ đầu những năm 1980, đặc biệt là trong văn xuôi, sân khấu và điện ảnh đã bắt đầu xuất hiện những sáng tác mang nhiều sắc thái mới[2]. Theo chúng tôi, đây là những nhận xét phù hợp với sự phát triển của văn xuôi sau 1975.

Vậy thì sự phát triển của văn xuôi sau 1975 như thế nào? Đâu là những cách tân và khởi sắc?

Quan sát văn xuôi sau 1975 chúng ta thấy có hai thời kỳ. Thời kỳ đầu là từ 1975 cho đến đầu những năm 1980. Văn xuôi thời kỳ này tuy có một số biến đổi như mở rộng đề tài, đề cập đến nhiều vấn đề hơn... nhưng về cơ bản vẫn gần với đặc điểm về văn xuôi giai đoạn trước. Nghĩa là ở những sáng tác này, cảm hứng sử thi vẫn giữ một vai trò quan trọng trong tư duy nghệ thuật. Chúng ta nhớ đến những sáng tác văn xuôi ở thời kỳ này như Tháng ba ở Tây Nguyên của Nguyễn Khải, Năm 75 họ đã sống như thế của Nguyễn Trí Huân, Trong cơn gió lốc của Khuất Quang Thụy, Nắng đồng bằng của Chu Lai, Miền cháy của Nguyễn Minh Châu...[3].

Phải từ những năm 80 văn xuôi mới thật sự có những bước chuyển đáng kể. Trước hết là sự tự đổi mới của các nhà văn đã có sáng tác khá vững vàng ở giai đoạn trước. Người ta thấy trong văn xuôi của Nguyễn Minh Châu, Bùi Hiển, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Ma Văn Kháng, Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh, Lê Lựu... đã bắt đầu có những đổi mới. Ở đây không chỉ đổi mới ở phạm vi đề tài, vấn đề mà còn là ở tư duy nghệ thuật, cảm hứng, cách viết... Nếu trước đây Lê Lựu là Người về đồng cói, Mở rừng thì bây giờ là Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú; Nếu Nguyễn Quang Sáng trước đây là Chiếc lược ngà, Mùa gió hướng, Chị Nhung... thì bây giờ là Tôi thích làm vua, Thế võ... Rõ ràng trước một hiện thực mới, một công chúng mới không cho phép nhà văn viết như cũ. Sự đổi mới của các nhà văn do đó gần như là một tất yếu sống còn của chính họ. Trong số những nhà văn này không thể không kể đến một tên tuổi đã mang đến sự đổi mới rất sớm trong những trang viết của mình, và cũng bằng những trang viết đầy suy tư của mình đã dự cảm rất sớm những biến đổi của xã hội. Đó là nhà văn Nguyễn Minh Châu. Ngay từ sau 1975 và nhất là những năm đầu thập niên 80 với Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bức tranh, Bến quê, Mẹ con chị Hằng... rồi Mảnh đất tình yêu, Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát, Cỏ lau... Nguyễn Minh Châu thực sự đã để lại những trang viết của một kiểu tư duy nghệ thuật khác trước. Và chính ở đó, nhà văn đã nêu lên được, phân tích, lý giải nhiều vấn đề có tầm bao quát rộng lớn.

Đặc biệt với sự xuất hiện của một loạt cây bút trẻ đã làm thay đổi hẳn bộ mặt và diện mạo của văn xuôi. Các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh... đã mang lại cho văn xuôi những sắc thái mới mẻ. Đọc những cây bút này, người ta có thể chê trách điều này, điều nọ, thảo luận lại nhiều vấn đề, nhưng không thể không thừa nhận những đổi mới mà họ đã đem đến trong văn xuôi giai đoạn này.

Sau khi đã nhìn lướt qua một cách khái quát tình hình văn xuôi năm 1975 (ở đây chủ yếu là tiểu thuyết và truyện ngắn, truyện vừa còn ký chúng tôi sẽ đề cập ở một bài khác), có thể nêu lên một số đặc điểm để thấy rõ hơn bước phát triển của văn xuôi giai đoạn này.

Trước hết có thể thấy rất rõ bước phát triển của văn xuôi trên bình diện tư duy nghệ thuật. Văn xuôi của ta sau 1975 đã chuyển dần từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết[4]. Cần phải nói ngay rằng sự đối lập giữa tư duy tiểu thuyết và tư duy sử thi về mặt đặc trưng thể loại không có ý nghĩa phân biệt thang bậc giá trị. Có những đề tài, vấn đề có khi tiếp cận bằng tư duy sử thi lại có giá trị hơn tư duy tiểu thuyết và ngược lại. Vấn đề là sự tương ứng giữa đề tài với nội dung thể loại. Văn xuôi trước 1975 chủ yếu là văn xuôi sử thi. Và sự tiếp cận này về cơ bản là phù hợp với đối tượng mà nó phản ánh, cảm hứng mà nó bộc lộ. Với kiểu tiếp cận này, văn xuôi giai đoạn này cũng đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Điều này đã được nhiều người khẳng định, không cần chứng minh lại ở đây.

Sau 1975 như đã nói, hiện thực đời sống đã khác trước, cần phải có cách tiếp cận phù hợp. Điều đó đòi hỏi đổi mới tư duy nghệ thuật. Quá trình đổi mới này đã diễn ra đầy khó khăn và thử thách. Tư duy nghệ thuật đã dần dần chuyển sang tư duy tiểu thuyết là phù hợp với đối tượng phản ánh và là một quá trình tất yếu trong sự phát triển của văn học.

Thật ra, tư duy tiểu thuyết không phải không có trong văn xuôi giai đoạn trước. Trong văn xuôi 1930-1945 mà biểu hiện rõ nhất là trong văn xuôi hiện thực phê phán, tư duy tiểu thuyết đã chiếm một vị trí đáng kể. Nhưng với văn học cách mạng 1945-1975 do đề cập đến những vấn đề lớn lao của dân tộc, của cách mạng nên tư duy sử thi chiếm ưu thế. Đúng như Hoàng Ngọc Hiến nhận xét: "Trong văn xuôi ta, tư duy tiểu thuyết thảng hoặc bộc lộ ở một số tác phẩm đơn lẻ, Cha và con, và... của Nguyễn Khải, Thời xa vắng của Lê Lựu, nói chung tư duy sử thi chiếm ưu thế"[5]. Phải đến sau 1975 và nhất là từ thập niên 80 tư duy nghệ thuật mới chuyển dần từng bước từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết. Có thể thấy quá trình chuyển biến này trong cả lớp nhà văn đã được khẳng định cũng như ở lớp nhà văn mới xuất hiện trong thời kỳ này. Đọc những Tâm tưởng của Bùi Hiển, Gió từ miền cát của Xuân Thiều, Sống với thời gian hai chiều của Vũ Tú Nam... đã bắt đầu thấy có cách tiếp cận khác trước. Ở đây không chỉ ngợi ca khâm phục mà còn là sự phân tích, lý giải các hiện tượng của hiện thực. Nếu trước đây chủ yếu là cách nhìn đơn điệu, rạch ròi thiện ác, địch ta, cao cả, thấp hèn... thì bây giờ cách nhìn nhiều chiều hơn, đa diện hơn, phức tạp hơn.

Đến Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Lê Lựu và nhất là ở lớp nhà văn trẻ sau 1975 cách nhìn tiểu thuyết thật sự chiếm vị trí chủ yếu và trở nên có sức thuyết phục trong việc nắm bắt và lý giải hiện thực.

Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu xuất hiện sau 1975 đã gây nên tranh luận khá sôi nổi. Nhiều người cho rằng anh đã "xa đề tài trung tâm" rằng trong sáng tác của anh "chủ đề không rõ ràng", rằng những nhân vật mà anh đề cập là "dị thường", "không có trong hiện thực", v.v... và v.v... Thật ra Nguyễn Minh Châu đã tiếp cận hiện thực từ một cách khác, cách nhìn tiểu thuyết nghiêng về khía cạnh đời tư, khía cạnh đời sống cá nhân phức tạp. Từ đó nhằm nêu lên những vấn đề có ý nghĩa nhân sinh rộng lớn, không chỉ dừng lại ở chiến đấu và xây dựng. Những ai quen với cách đọc cũ, cách tiếp cận cũ, dễ dàng từ chối cách viết này.

Đặc biệt văn xuôi của một loạt cây bút trẻ, đã làm thay đổi hẳn diện mạo văn xuôi thời kỳ này, mà nổi bật trong số họ là Nguyễn Huy Thiệp. Có thể nói trong văn xuôi đương đại của ta, chưa có một tác giả nào vừa xuất hiện mà lại gây tranh luận dữ dội như Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng không chỉ người khen anh mà cả người chê anh, nói như Nguyễn Kiên, "những người chê anh dữ dội cũng công nhận anh có tài"[6]. Cái tài của Nguyễn Huy Thiệp chính là ở chỗ đã thay đổi hẳn cách viết, cách tư duy trong truyện ngắn mà nói rộng ra là trong văn xuôi. Đó là lối tư duy tiểu thuyết đã có ở Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Lê Lựu... được Nguyễn Huy Thiệp phát triển đến cao độ. Văn xuôi của ta, nói như Hoàng Ngọc Hiến, "chủ yếu là kể lại nội dung chứ chưa phải là văn xuôi, viết lại nội dung. Với văn xuôi kể lại nội dung thì vấn đề quan tâm là kể lại cái gì? Còn với văn xuôi viết lại nội dung thì cái quan tâm là kể lại như thế nào? Tâm thế kể lại nội dung để đưa văn xuôi trượt theo văn đưa tin, loại văn này bao giờ cũng có độc giả của nó, nếu đưa tin những chuyện có ý nghĩa giáo huấn sẽ được đánh giá là cần thiết, có ích, kịp thời... nếu đưa tin những chuyện lạ, giật gân có khi sẽ được công chúng rộng rãi mến mộ. Trong văn xuôi "viết lại nội dung", sự kết hợp "viết cái gì" và "viết như thế nào" tạo ra sức căng cho câu văn, mạch văn, làm cho câu văn có giọng, có hồn, không bị "bẹt", bị "ỉu xìu"[7].

Phải nói rằng tư duy tiểu thuyết này đắc dụng và chiếm ưu thế trong văn xuôi sau 1975, nhất là trong truyện ngắn. Nhà văn Nguyên Ngọc đã có một cảm nhận đúng khi cho rằng: "Một số truyện ngắn gần đây (như Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh... chẳng hạn) lại có tính chất tiểu thuyết hơn cả những sách có ghi là tiểu thuyết hẳn hoi"[8].

Tư duy tiểu thuyết đã đưa lại sắc diện mới cho văn xuôi không phải chỉ những mảng đề tài mới được đề cập, mà cả ngay ở mảng đề tài vốn quen thuộc như sản xuất, chiến đấu trước đây. Chẳng hạn ở mảng văn xuôi viết về chiến tranh sau 1975, với cách nhìn tiểu thuyết cũng có những biến đổi khác trước. Có thể kể ra một số sáng tác như: Họ cùng thời với những ai của Thái Bá Lợi, Gió từ miền cát của Xuân Thiều, Không phải trò đùa của Khuất Quang Thụy... văn xuôi ở mảng đề tài này trước đây đều được quan tâm chủ yếu là chiến công, lòng dũng cảm, tinh thần xả thân vì lý tưởng thì bây giờ không chỉ là những điều đó mà còn chú ý đến số phận riêng tư của từng cá nhân, từng con người trong cái khốc liệt, nghiệt ngã của chiến tranh. Đọc Không phải trò đùa của Khuất Quang Thụy người ta thấy là một tiểu thuyết viết về chiến tranh nhưng rất ít tiếng bom rơi đạn nổ. Cái mà tác giả quan tâm ở đây là số phận những người lính trong cuộc chiến đấu đó như thế nào. Họ hành động, suy nghĩ thể nghiệm mình trong khói lửa chiến tranh. Và ngọn lửa chiến tranh đã làm lộ ra đâu là những phẩm chất tốt đẹp, đầy lòng nhân ái, đâu là những kẻ dối trá, phi nhân. Người lính ở đây không chỉ hát bài hát của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mà còn là hiện thân của nỗi suy tư về số phận con người trong chiến tranh.

Sự đổi mới về tư duy nghệ thuật trong văn xuôi sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là thay đổi các yếu tố thuộc về cơ cấu của văn xuôi như bút pháp, nhân vật trung tâm, hệ vấn đề, cốt truyện, hệ đề tài, lời văn... Chẳng hạn về bút pháp văn xuôi của ta sau 1975 nhìn chung thay đổi khác so với trước. Xin dẫn ra đây ý kiến của nhà văn Bùi Hiển về vấn đề này: "Theo nhận xét riêng của tôi về khuynh hướng "hiện đại hóa" trong văn xuôi hiện nay, một trong những đặc điểm bút pháp của nó là trầm tĩnh hơn, tỉnh táo hơn, bớt đi vẻ say sưa, nồng nhiệt so với những sáng tác trước đây về cách mạng và kháng chiến, tạo một khoảng cách nhất định với đối tượng miêu tả, do đó bình thản hơn, trí tuệ hơn, thấm đậm hơn giọng điệu phê phán bình giá, trên cơ sở một cái nhìn thiên về bề sâu tâm tưởng, ý nghĩa nhân sinh, tuy nhiên không vì thế mà lạnh lùng khô héo, trái lại nữa, qua giọng điệu lời văn ta vẫn thấy cái hơi ấm nhân tình"[9]. Cái mà nhà văn Bùi Hiển nêu lên về mặt bút pháp như trầm tĩnh hơn, tỉnh táo hơn, ít vẻ say sưa nồng nhiệtthấm đậm giọng điệu phê phán, bình giá... thực chất là kết quả của tư duy tiểu thuyết, của cách tiếp cận tiểu thuyết đối với hiện thực. Cũng như giọng hào hùng của văn chương một thời là kết quả của cảm hứng sử thi, tư duy sử thi.

Không chỉ bút pháp thay đổi, nhiều phương diện khác của văn xuôi cũng được biến đổi cho phù hợp. Chúng tôi xin lại phân tích kỹ hơn về sự thay đổi thể tài, một bước phát triển đáng chú ý của văn xuôi sau 1975.

Văn xuôi 1945-1975 về thể tài mà nói thì thể tài lịch sử - dân tộc chiếm vị trí chủ đạo, quyết định toàn bộ diện mạo thể tài, hệ thống thể loại của văn xuôi ta. Và do đó, văn xuôi ở thời kỳ này có tham vọng trở thành bức tranh hoành tráng về lịch sử dân tộc. Trong văn xuôi ở thời kỳ này, thể tài đời tư và thể tài thế sự giữ một vị trí thứ yếu không đáng kể. Nói chính xác hơn, thể tài đời tư và thể tài đạo đức thế sự không phải hoàn toàn vắng bóng trong giai đoạn này. Những chuyện đổi đời nhờ cách mạng, những chuyện con người lớn lên nhờ cách mạng, hay những chuyện gác tình riêng vì việc chung... đầy rẫy trong văn học giai đoạn này không thể không khai thác những đời tư. Nhưng những chuyện đời tư như vậy thường trở thành một yếu tố chức năng của thể tài lịch sử - dân tộc, bị chi phối và phối thuộc vào thể tài này. Ngoài chức năng phối thuộc này, thể tài đời tư cũng như thể tài đạo đức - thế sự ít phát triển với tư cách là một thể tài độc lập.

Khác với giai đoạn trước, giai đoạn sau 1975, thể tài đời tư và thể tài đạo đức - thế sự phát triển mạnh mẽ, và dần dần trở thành thể tài chính yếu của văn xuôi sau 1975. Có thể kể đến các tác giả và các tác phẩm thuộc thể tài này như Nguyễn Khải với Cha và con và..., Giữa cõi nhân gian bé tí...; Nguyễn Minh Châu với Bức tranh, Bến quê, Khách ở quê ra...; Vũ Huy Anh với Cuộc đời bên ngoài; Vũ Tú Nam với Sống với thời gian hai chiều; Lê Lựu với Thời xa vắng; Dương Thu Hương với Những bông bần li, Ngôi nhà trên cát...; Bùi Hiển với Tâm tưởng; Xuân Thiều với Gió từ miền cát, Người mẹ tội lỗi; Nguyễn Huy Thiệp với các truyện ngắn trong Tướng về hưu; Nguyễn Quang Lập với Một giờ trước lúc rạng sáng, Những mảnh đời đen trắng; Phạm Thị Hoài với Mê Lộ, Thiên Sứ; Ma Văn Kháng với Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú; Trần Văn Tuấn với Ngày thứ bảy u ám, Ngày không giờ  v.v...

Phát triển thể tài thế sự đời tư, văn chương có khả năng đi sâu vào ngõ ngách tâm hồn con người, suy nghĩ cặn kẽ về các trạng thái nhân thế, nhất là trong hoàn cảnh một xã hội từ trong chiến tranh 30 năm bước sang đời sống hòa bình đầy phức tạp và thử thách. Con người bình thường, con người đời thường được miêu tả sâu sắc. Nhiều truyện ngắn, truyện vừa và cả tiểu thuyết nữa tập trung miêu tả những con người bất hạnh với những bi kịch đời họ. Đấy là cái bi kịch của một thời con người tự hy sinh cá nhân để vươn tới cái tập thể một cách đơn giản, cứng nhắc để rồi suốt đời thất bại (Thời xa vắng). Đấy là cái bi kịch chấp chới giữa danh vọng và tình yêu với những tính toán thấp hèn không dám chịu trách nhiệm, cuối cùng đều trở thành ảo ảnh cả (Bên kia bờ ảo vọng). Đấy còn là những bi kịch của những ân hận xót xa, dằn vặt vì những lỗi lầm mà con người vô tình hay cố ý gây ra (Con ăn cắp, Bức tranh...). Hình như trong văn xuôi có một khuynh hướng nổi lên rất rõ là khuynh hướng nhận thức lại một thời. Có người xem đó là thời xa vắng, có người xem đó là một thời lãng mạn, lại có người xem đó là thời của những thiên đường mù... Dù những nhìn nhận này có chỗ phải bàn lại, nhưng với cách nhìn đó hiện thực được đào sâu hơn, và cái quan trọng là mang đến trong văn xuôi tính phân tích, tính triết luận rất đáng quan tâm. Đây là cái phẩm chất mà văn xuôi một thời thiếu vắng. Bởi như chúng ta đã biết, văn xuôi sử thi giàu chất thơ, thấm đẫm chất tráng ca, nhưng nó là văn xuôi ca ngợi những vẻ đẹp khác nhau của con người và xã hội trên bình diện lịch sử - dân tộc, do đó nó ít tính chất phân tích lý giải. Văn xuôi thế sự trái lại đầy nếm trải, suy tư, chiêm nghiệm, phanh phui, mổ xẻ sự vật hiện tượng để đi đến cùng cái bản chất của nó.

Cái "trạng thái nhân thế" (chữ dùng của Hegel) trong văn xuôi sử thi không phải không có, nhưng ở đó chủ yếu vẫn là trạng thái thời thế của vận mệnh lịch sử dân tộc. Với trạng thái đó, người ta thường nói tới "nhân dân ta, thời đại ta, đất nước ta". Còn phương diện thời thế như là nhân tình thế thái mà con người tồn tại, suy ngẫm trong đó ít được đề cập. Trong văn xuôi sau 1975, trạng thái nhân thế này không những được đề cập mà còn được cắt nghĩa, phân tích, lý giải. Người đọc thấy mình cũng được soi mình trong trạng thái nhân thế đó. Đọc Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng chẳng hạn, người đọc thấy sự phát triển xô bồ của Lý cũng như sự phát triển đơn giản của Đông trong đời sống cá nhân đều là sự phản ánh những trạng thái nhân thế khác nhau mà xã hội chúng ta đã và đang trải qua. Nêu điều này tác phẩm có ý nghĩa cảnh tỉnh và nhận thức rất sâu sắc. Các trạng thái nhân tình thế thái trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu, Dạ Ngân, Phạm Thị Hoài, trong tiểu thuyết của Nguyễn Khải, Trần Văn Tuấn, Ma Văn Kháng, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Quang Lập, Lê Lựu đều góp phần đáng kể trong việc nhận thức và lý giải hiện thực trong thời hiện tại cũng như trong quá khứ.

Có thể nói văn xuôi thế sự, đời tư đã phần nào đáp ứng được nhu cầu phân tích, lý giải suy tư về con người, xã hội của một thời đầy biến động. Đấy là một bước phát triển quan trọng của văn xuôi sau 1975. Cũng cần nói rõ thêm là không phải cứ chuyển từ thể tài lịch sử - dân tộc sang thể tài đạo đức thế sự là văn xuôi có "bước tiến", "bước phát triển". Vấn đề chúng tôi muốn nói ở đây là phát triển của văn xuôi phù hợp với yêu cầu của hiện thực, của đối tượng phản ánh. Và do đó, văn xuôi sau 1975 cũng đã gặt hái được những thành tựu nhất định.

Những phát triển về tư duy nghệ thuật, thể tài, bút pháp, giọng điệu, lời văn... của văn xuôi cũng như của văn học nói chung suy cho cùng đều bắt nguồn từ sự thay đổi về quan niệm nghệ thuật về con người. Một khi mà quan niệm nghệ thuật về con người chưa thay đổi thì các phương tiện thể hiện chúng cũng chưa thay đổi, nhiều lắm chỉ là những biến đổi bộ phận. Chỉ có sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người mới tạo ra sự biến đổi toàn diện của văn xuôi cũng như văn học nói chung.

Quan niệm nghệ thuật về con người được xem như là cách tân quan trọng nhất của văn học cách mạng, là thoát khỏi cái nhìn bế tắc về con người để hướng tới cái nhìn con người làm chủ vận mệnh của đất nước, dân tộc và cả vận mệnh của chính mình. Với quan niệm này con người được thể hiện chủ yếu trong văn học ta mấy chục năm qua là con người phơi phới lạc quan, dù gặp muôn ngàn khó khăn gian khổ nhưng cuối cùng nhất định chiến thắng. Đấy là những con người luôn luôn quên mình vì sự nghiệp chung, quên mình vì nghĩa lớn, quên mình vì tập thể. Đấy là những con người đầy ý chí, nghị lực, đầy niềm tin với tấm lòng vì tổ quốc, vì nhân dân, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Con người trong văn xuôi kháng chiến và văn xuôi xây dựng chủ nghĩa xã hội nói chung không nằm ngoài quy luật này.

Trong văn xuôi sau 1975, quan niệm nghệ thuật về con người đang dần dần hướng về con người cá nhân, con người của những số phận riêng tư. Dĩ nhiên là không quay trở lại con người cá nhân chủ nghĩa của văn học một thời đã từng bị phê phán. Không phải ngẫu nhiên mà khi Thời xa vắng ra đời có người đã thốt lên: "Hình như trong xã hội ta cá nhân đang ra đời"[10]. Từ những hình tượng tập thể và quần chúng, văn xuôi ngày càng quan tâm xây dựng các hình tượng có tính cách, có cá tính và có số phận riêng tư; từ những hình tượng tiêu biểu cho ý chí cách mạng, văn xuôi giai đoạn này đã xây dựng nên những tính cách đầy đặn trong mối liên hệ nhiều chiều của con người. Nhờ đó các nhân vật tồn tại như một nhân cách, chứ không còn là một ý niệm, nó cũng khác với con người giai cấp, con người dân tộc có tính chất đơn điệu của một thời. Đó là con người cá tính. Đúng như Ma Văn Kháng viết: "Phải chăm lo cho từng người. Cá tính mãi mãi tồn tại và đòi hỏi được quan tâm". Và nó không những được quan tâm mà trở thành đối tượng thẩm mỹ quan trọng của văn học đương đại.

Trên khuynh hướng chú ý đem con người cá nhân trong văn xuôi sau 1975 ở nhiều nhà văn đã làm rõ nét hơn quan niệm này. Người ta thấy con người sám hối, con người thức tỉnh, con người nhận đường và đầy suy tư dằn vặt trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu. Con người cô đơn đầy cay đắng trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Con người vừa anh hùng vừa hèn hạ trong truyện ngắn Nguyễn Quang Lập... Các thanh sắc khác nhau ấy đã tạo cho văn xuôi sau 1975 một diện mạo đa diện, hấp dẫn. Nếu trong văn xuôi sử thi quan niệm về con người tốt xấu rạch ròi, thì ở giai đoạn này con người được nhìn nhận trong cái đa diện của nó. Một kẻ từng được xem như là anh hùng có thể trong một phút nào đó là một tên hiếp dâm để rồi suốt đời ân hận, day dứt khôn nguôi về lỗi lầm ấy (Đò ơi! - Nguyễn Quang Lập). Trương Chi khát khao bài hát của tình yêu, nhưng rồi cũng phải hát bài hát đông người, bài hát ca ngợi danh vọng, tiền tài để rồi kết thúc tiếng hát cũng là lúc văng tục (Trương Chi - Nguyễn Huy Thiệp). Một người chạy theo lối sống xô bồ tưởng như chỉ bỏ đi như Lý trong Mùa lá rụng trong vườn vẫn khiến chúng ta xa xót, cảm thương và cả phần nào quý trọng. Quả là văn xuôi sau 1975 đã mở rộng cái nhìn đối với quan niệm nghệ thuật về con người. Đó là cái nhìn đa diện nhiều chiều. Vì lẽ này mà không ít nhà nghiên cứu phê bình văn học đã khuyên nhiều dấu son cho văn xuôi giai đoạn này với lời phê bình "đời hơn", "thực hơn".

Thế là gần như văn học ta nói chung, văn xuôi nói riêng đã đi trọn một đường trôn ốc trên con đường chiếm lĩnh con người bằng nghệ thuật. Gạt bỏ con người cá nhân chủ nghĩa trong văn học trước cách mạng, văn học cách mạng nhận thức con người như một chủ thể của lịch sử, và con người tập thể là âm chủ của văn học 1945-1975. Ở giai đoạn sau 1975 văn xuôi trở lại con người cá nhân nhưng ở trình độ phát triển cao hơn, không phải kiểu con người cá nhân chủ nghĩa, mà là một nhân cách với đầy đủ tính chất phức tạp của nó.

Sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người đã đưa đến việc thay đổi hệ thống miêu tả, phương thức thể hiện, phương thức tư duy, thể tài... tạo nên bước phát triển đáng kể của văn xuôi sau 1975.

Nguồn: Cửa Việt, Quảng Trị, số 6 (Xuân Tân Mùi 1991)

 


 

[1] Hoàng Ngọc Hiến. Văn học, học văn, Trường Cao đẳng Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh và trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, 1990, trang 137, 138.

[2] Bùi Hiển. Gắn bó tâm huyết với công cuộc đổi mới. Tuần báo Văn nghệ, số 49 ra ngày 3-12-1989, trang 7.

[3] Tất cả các tác giả, tác phẩm được nhắc đến hoặc liệt kê trong bài viết xem như là những dẫn chứng minh họa cho luận điểm đang đề cập. Ở đây người viết không có ý đánh giá tổng kết về đội ngũ, tác giả cũng như tác phẩm.

[4] Sự đối lập giữa tư duy tiểu thuyết và tư duy sử thi là một trong những tư tưởng quan trọng của Bakhtin trong những công trình nghiên cứu về tiểu thuyết (xin xem Bakhtin - Những vấn đề mỹ học và văn học, Moskva, 1976). Ở ta nhiều nhà nghiên cứu đã sử dụng thuật ngữ này khi nghiên cứu văn học như Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân, Trần Đình Sử, Lã Nguyên. Do đó ở đây chúng tôi không giải thích khái niệm này nữa.

[5] Hoàng Ngọc Hiến. Tư duy tiểu thuyết và folklore hiện đại. Tạp chí Sông Hương, số 35, 1989, tr.78 - Chúng tôi nhấn mạnh LTD.

[6] Nguyễn Kiên. Bước khởi đầu của công cuộc tìm tòi. Tạp chí Văn học, số 2-1989.

[7] Hoàng Ngọc Hiến. Hai tác giả mới trong nền văn xuôi đang đổi mới. Kỷ yếu Những vấn đề thời sự văn học, ĐHSP Hà Nội, 1988, tr.64. Về vấn đề này, nhà văn Liên Xô Xoloukhin khi đánh giá văn xuôi hiện đại Xô viết cũng cho rằng văn xuôi Xô viết đến 90% là kể lại nội dung, còn chỉ khoảng 10% là viết lại nội dung.

[8] Nguyên Ngọc. Hội thảo về tình hình văn xuôi hiện nay. Văn nghệ, số 15 ra ngày 14-4-1990, tr.7.

[9] Bùi Hiển. Bài đã dẫn, tr.7 - Nhấn mạnh trong nguyên văn.

[10] Hoàng Ngọc Hiến. Sđd, tr.103.

 Mục lục

13-1-19