ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Công an thành phố, Tp.HCM (9-8-1995)

 

 

THAN ÔI, CÁI ĐẦU ÓC SÙNG NGOẠI

LƯƠNG SINH

Tuần báo Văn nghệ, số 30 (29-7-95) có đăng hai bài lý luận văn học của ông Trần Mạnh Hảo và ông Vương Trí Nhàn. Khoan hãy bàn đến bài báo của nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Trước hết hãy nói về cái đầu óc sùng ngoại hay bái ngoại của nhà lý luận văn học Vương Trí Nhàn thể hiện trong bài viết của ông.

Ít lâu nay đi ra phố thường gặp những cô gái đi giày Ý, váy áo Tàu, đeo kính Mỹ, tay buộc đồng hồ Thụy Sĩ và cưỡi trên xe máy Nhật. Nghĩa là từ đầu đến chân, cô gái toàn những hàng ngoại, thậm chí trong cái bóp tay kia cũng là tiền ngoại. Chỉ có thân thể cô là hàng nội bởi cha mẹ cô là người nội địa, người Việt. Cho dù cố đến mấy cô gái cũng không thể thay đổi dòng máu Việt của mình. Nếu có người ngoại quốc nào ngưỡng mộ cô thì chính là họ ngưỡng mộ cái vẻ đẹp Việt Nam, họ đâu có nhầm tưởng cô là người nước ngoài...

Văn chương cũng vậy, dù có hướng ngoại bao nhiêu, dù có theo "quy trình sản xuất hiện đại" bao nhiêu thì vẫn là văn chương Việt Nam và người đọc nước ngoài, nếu được dịch ra tiếng nước ngoài, họ khen hay chê là khen chê một áng văn chương Việt Nam. Ông Vương Trí Nhàn qua bài viết của mình tỏ ra nôn nóng muốn văn chương nước ta mau chóng hội nhập với thế giới (cái thế giới nào đây?) và nhìn lại nền văn học của ta lâu nay tuy có vẻ nhộn nhạo bề mặt nhưng bên trong là sự tịch mịch vắng lặng (?). Là người có tâm huyết cho nền văn học lâu nay tịch mịch vắng lặng ấy, ông trăn trở nghĩ suy để khuyên các nhà văn nên đổi mới quy định sản xuất văn chương của mình rồi gắng tìm hiểu xem nước ngoài họ ưa món gì thì sản xuất ra món ấy cho hợp khẩu vị của họ. Chỉ có như thế, theo ông Vương, văn học của ta mới hội nhập được với họ và khỏi bị tụt hậu trước đời sống (đời sống nào đây?). Có nghĩa là nhà lý luận văn học Vương khuyên các nhà văn Việt Nam nên chuyển đổi đối tượng hay bạn đọc nội địa của họ sang bạn đọc ngoại quốc. Nói như là một sự thách thức các nhà văn Việt Nam, đến bạn đọc nội địa còn không hiểu nổi thì làm sao hiểu được bạn đọc ngoại quốc. Mà đã phàm sản xuất hàng hóa (cứ coi sản phẩm văn học là hàng hóa đi cho nó phù hợp cơ chế kinh tế thị trường) làm ra mà người bản xứ không dùng thì đem đi xuất khẩu thế nào được, trừ phi là món hàng chính trị hay tâm lý chiến. Nghe nói ở bên Nhật, thứ hàng tốt nhất, đẹp nhất, bền nhất phải là hàng nội địa, sau đó mới đến hàng quốc phòng, hàng xuất khẩu đứng thứ ba. Còn những nước nghèo như nước ta thì vì nghèo nên dành dụm những thứ tốt nhất, ngon nhất đem ra bán cho nước ngoài để lấy ngoại tệ về giống như người nông dân, bao nhiêu thứ ngon nhất đem ra thành phố bán lấy tiền, gạo, thịt hay rau quả, mình thì bóp mồm bóp miệng. Đó là vì nghèo, là vì muốn nhanh chóng dựng xây đất nước hay gia đình. Văn chương tất nhiên không phải thứ hàng hóa vật chất, nó là sản phẩm tinh thần, là tâm hồn con người Việt Nam. Và làm giàu trong văn học hoàn toàn khác với làm giàu trong kinh tế. Người viết văn viết ra những tác phẩm đầy tâm huyết hoàn toàn không vì đồng tiền mà họ cũng chẳng bao giờ có thể giàu có nhờ nghiệp văn. Ngay các nước văn minh, số nhà văn giàu có cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sự giàu có của văn học là sự phong phú về tâm hồn, sự phong phú về nhân văn mà những thứ này không thể tính bằng tiền.

Ông Vương Trí Nhàn lấy dẫn chứng về ngành hội họa, lấy lý do vì nhanh chóng hội nhập với thế giới mà hội họa của ta trở nên năng động, bao nhiêu phòng tranh được bày trong nước và ngoài nước, bao nhiêu họa sĩ bán được tranh cho người nước ngoài. Điều này chứng tỏ ông Nhàn chẳng có chút hiểu biết gì về ngành nghệ thuật tạo hình này. Trong khi ông Nhàn ngợi ca sự hội nhập của giới hội họa thì nhiều họa sĩ than thở: "Bây giờ có rất nhiều phòng tranh, cả trong nước và ngoài nước nhưng lại chưa có tác phẩm. Bây giờ có rất nhiều người vẽ tranh nhưng lại chưa có tác giả.". Xin nhắc để ông Nhàn nhớ rằng, trước kia những danh họa Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái hay Dương Bích Liên, thời của họ chưa có lời khuyên hội nhập của ông Nhàn, vậy mà bây giờ vẫn chưa họa sĩ nào bằng được họ, chưa nói vượt qua tài năng của họ. Và chính những họa sĩ ấy đã đem lại niềm tự hào cho nền hội họa Việt Nam. Nói như vậy không phải tôi phủ nhận sự năng nổ, sôi động trong thị trường hội họa mấy năm gần đây, tuy nhiên người nước ngoài mua tranh Việt Nam có nhiều loại khác nhau. Điều này giới hội họa chắc hiểu hơn ông Nhàn.

Ông Vương Trí Nhàn đề cập tới việc dịch thuật, dịch tác phẩm văn hóa nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại. Quả là mấy năm gần đây việc chuyển dịch tác phẩm nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn và có hệ thống hơn. Nhưng sở dĩ có chuyện bừa bãi trong dịch thuật là do tác động của cơ chế thị trường, nhưng nếu nước ta gia nhập Hiệp hội Bản quyền tác giả quốc tế thì tôi dám chắc việc dịch thuật ấy bị ngừng lại ngay. Bởi cứ theo giá nước ngoài, mình dịch tác phẩm của họ thì nhà xuất bản đến bán tất cả cơ nghiệp đi cũng không trả nổi tiền nhuận bút cho họ. Còn việc nước ngoài dịch tác phẩm văn học Việt Nam, ông Vương Trí Nhàn buông mấy câu xanh rờn: "... Dù còn rất ít, song đây đó bắt đầu có những tác phẩm văn học Việt Nam mới biết hôm nay được dịch ra tiếng nước ngoài. Có thể ở đây, bàn tay của những kẻ thù địch với ta thò vào quá rõ nên các cơ quan an ninh đã sớm chú ý để thực thi nghiệp vụ của mình..." và "... Thấy ai được dịch, nhiều người chúng ta không chia vui mà thường nhìn người ta như một kẻ dị giáo, một con chiên ghẻ, rồi xem đây là chuyện xấu, kiếm tiền hèn hạ... ". Chỉ mấy câu trên đây, nhà lý luận họ Vương đã tỏ ra thiếu sự bao quát. Trước hết những tác phẩm văn học Việt Nam đâu phải chỉ mới đây mới được dịch ra tiếng nước ngoài. Ông Nhàn quên rằng trước khi ông vào nghề văn học này đã không ít tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, của Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi đã được nước ngoài dịch sang tiếng của họ. Và bây giờ cái số dịch văn phẩm được dịch ấy đâu có nhiều. Có lẽ ông Nhàn có sự phân biệt cái nước ngoài trước kia với cái nước ngoài bây giờ khác nhau? Và ông coi trọng cái nước bây giờ chăng? Rồi ông lại nói trong việc dịch thuật ấy có bàn tay thù địch nước ngoài thò vào nên các "cơ quan an ninh đã sớm chú ý để thực thi nghiệp vụ". Tại sao lại kéo cả cơ quan an ninh vào đây? Và trong khi ấy thì các nhà văn khác thấy ai được dịch "nhìn người ta như một kẻ dị giáo, một con chiên ghẻ... ". Thật là lạ lùng khi ông Nhàn mạt sát các đồng nghiệp không được dịch ra nước ngoài của ông như vậy? Một mặt thì ông bảo cơ quan an ninh sớm chú ý thực thi nghiệp vụ, một mặt thì ông nói các nhà văn khác chẳng những không chia vui mà xem đó như một kẻ dị giáo, một con chiên ghẻ? Đáng thương thay những nhà văn có được tác phẩm mà nước ngoài quan tâm rồi đem dịch lại kia. Và cái số người không được dịch kia thật đáng ghét biết bao? Rồi ông Nhàn lại phê Hội Nhà văn là "gợi ra cảm tưởng chúng ta thu mình lại, coi văn chương là thứ hàng nội địa, nên căn bản là làm ta đọc với nhau. Ở đây không có hội nhập, hội nhiễu gì cả... (?)". Và vì thế nên "xã hội thì sôi nổi năng động mà văn chương... ngoài một ít chuyện nhộn nhạo vặt vãnh, căn bản vẫn có cái vẻ tịch mịch chậm rãi của mấy chục năm nay...", còn trình độ nhà văn thì "không được nâng lên tương xứng với trình độ làm nghề hiện nay trên thế giới..."

Đây là cái nhận định cơ bản của nghề văn học Việt Nam mấy chục năm qua. Kể ra như thế cũng là quá bạo gan bởi xét cho cùng thì nhận định này của một nhà nghiên cứu văn học tầm cỡ như ông Nhàn đâu có là chuyện nhộn nhạo vặt vãnh nếu người ta cần làm cho ra lẽ. Ông đã phủ định tất cả những điều mà ông hằng ca ngợi bấy lâu nay. Ông khuyến cáo các nhà văn cần có sự hội nhập với thế giới và mắng mỏ họ lâu nay coi văn chương là thứ hàng nội địa, ta làm và ta đọc với nhau, thế giới mù tịt là phải. Bởi vì các nhà văn Việt Nam trình độ không được nâng lên tương xứng với trình độ làm nghề của thế giới. Ông Nhàn chỉ có phản bác và mắng mỏ thế thôi chứ giá như là một nhà nghiên cứu văn học, ông nói ra được cái "trình độ làm nghề của thế giới hiện nay" nó ra sao, cái gọi là "quy trình sản xuất văn chương" của họ ra sao để các nhà văn học tập thì tốt biết bao nhiêu. Và nếu cần thì ông nên viết béng ra một tác phẩm văn chương bằng các quy trình sản xuất ấy để đưa nó hội nhập với thế giới làm hình mẫu cho các bạn đồng nghiệp của ông và nếu như nó được dịch ra tiếng nước ngoài, được giải thưởng của nước ngoài nữa thì tốt quá đi. Ông Nhàn sẽ là vị cứu tinh cho nền văn học Việt Nam, cứu các nhà văn ra khỏi tình trạng "tịch mịch vắng lặng", chỉ biết sản xuất hàng nội địa, không có mặt hàng xuất khẩu. Và biết đâu ông sẽ chẳng làm Tổng giám đốc một công ty TNHH nào đó mang tên VAHOMEX hay VUTRIMEX chẳng hạn, chuyên xuất khẩu các bài thơ, các tiểu thuyết theo com-măng của khách nước ngoài...

Nhưng cái sự đời nó lại không thể làm như vậy được, văn học không thể là thứ hàng xuất khẩu. Ví những tác phẩm là những đứa con tinh thần của các nhà văn như ông Nhàn chẳng hạn, ông lấy vợ sinh con thì đứa con của ông dứt khoát phải là đứa con nội địa dù ông có "đổi mới quy trình công nghệ sản xuất" đến đâu chăng nữa. Nếu như ông lại đi hội nhập với người đàn bà da trắng hay da đen nào đó đến khi đẻ ra nó lại là đứa con lai mất rồi! Cho nên vấn đề rất thiết yếu mà ông đặt ra cho Hội Nhà văn Việt Nam quả là khó lắm thay!

 

w Nguồn: Công an thành phố, Tp.HCM (9-8-1995)

18-2-11