ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 24 (16-6-1990)   

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH
TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI VĂN HỌC

(Lược thuật cuộc Hội thảo do Hội đồng Lý luận phê bình
Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức)

 

Sau một thời gian chuẩn bị, hội thảo về đề tài "Lý luận phê bình và sự nghiệp đổi mới văn học" đã được tiến hành tại trụ sở Hội Nhà văn trong hai ngày 22 và 23-5-1990 với sự có mặt của đông đảo hội viên lý luận phê bình cùng một số anh chị em làm công tác lý luận phê bình ở Hà Nội. Nhà văn Vũ Tú Nam, Tổng thư ký Hội cùng các nhà văn Chính Hữu, Hữu Mai, Nguyên Ngọc, Xuân Cang, Hữu Thỉnh, Ngọc Tú, ủy viên chấp hành và một số nhà văn nhà thơ như Bùi Hiền, Nguyễn Kiên, Ma Văn Kháng, Xuân Thiều đã tham gia hội thảo. Đặc biệt, sang ngày thứ hai, đồng chí Trần Trọng Tân, trưởng ban Tư tưởng - văn hóa của Đảng đã đến dự và phát biểu ý kiến.

Khai mạc hội thảo, đồng chí Hà Minh Đức giới thiệu danh mục 33- bản báo cáo khoa học. Đồng chí Nguyễn Đăng Mạnh, thay mặt Hội đồng Lý luận phê bình đọc báo cáo đề dẫn, nhấn mạnh tới tính chất khoa học, học thuật của hội thảo nhằm nêu lên và tìm cách trả lời cho hàng loạt câu hỏi bức xúc do những chuyển biến trong đời sống văn học của đất nước đặt ra. Bản đề dẫn nói đến tình trạng yếu kém về lý luận, đảo lộn về các tiêu chuẩn đánh giá văn học mà nguyên nhân sâu xa nhất là có sự ngộ nhận về vai trò và chức năng của phê bình cũng như hậu quả của tình trạng bao cấp về tư tưởng. Bản đề dẫn mong mỏi một cuộc hội thảo dân chủ, lành mạnh, lắng nghe lẫn nhau, dù chưa thể giải quyết nhiều vấn đề giúp cho hiểu nhau và có hướng đi đúng.

Cuộc hội thảo tập trung vào ba vấn đề lớn: nhận thức về phê bình, đổi mới về lý luận và xem xét lại trên tinh thần đổi mới các quy luật của quá trình phát triển văn học hiện đại.

Có thể thấy rõ, ở hội thảo này, vấn đề phê bình được quan tâm đặc biệt: 12/33 bản báo cáo đề cập các khía cạnh của phê bình. Một số ý kiến cho rằng thời gian qua có sự ngộ nhận về chức năng của phê bình, xem nó là phương thức lãnh đạo chủ yếu đối với văn nghệ, từ đó một mặt buộc phê bình phải luôn luôn đúng; mặt khác, đối với sáng tác, phê bình phải đóng vai hướng dẫn, "dạy dỗ". Tình trạng ấy đã trói buộc những tìm tòi của lý luận phê bình. Gắn với ngộ nhận đó, phê bình dường như tạo ra một thứ "cơ chế tự thỏa mãn", tâng bốc nhau theo kiểu mẹ hát con khen hay, hạ thấp tiêu chuẩn đánh giá, lạm phát uyển ngữ (Nguyễn Đăng Mạnh, Ngọc Trai, Vương Trí Nhàn). Một số ý kiến khác nhấn mạnh chức năng của phê bình trước hết là giúp điều tiết mối quan hệ giữa sáng tác có đổi mới và bạn đọc, giúp họ làm quen với ngôn ngữ nghệ thuật mới. Phê bình cần phải có khả năng khám phá những nội dung tiềm ẩn, phải có nhiều phong cách đa dạng để phù hợp với sự đa dạng của văn học (Trần Đình Sử, Đặng Anh Đào, Đỗ Đức Hiếu). Hiện tượng suy diễn, quy chụp trong phê bình vừa qua, nếu không do ác ý thì hẳn là do cách đọc chủ quan. Một số ý kiến khác đề xuất cần phát triển phê bình của phê bình (Đỗ Văn Khang), chuẩn mực của phê bình (Hà Minh Đức), phê bình cần đi vào tác phẩm cụ thể (Thúy Toàn).

Không thể đổi mới phê bình mà thiếu một cơ sở lý luận vững chắc. Sự lạc hậu và xơ cứng của lý luận văn học một thời so với thực tế sáng tác đã được nhiều người nhận ra, vì thế vấn đề đổi mới lý luận được hội nghị thảo luận sôi nổi. Tại hội thảo này một số ý kiến đề nghị xác định lại nội dung một số khái niệm lý luận như tính đảng, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, lý giải cụ thể các khái niệm lý luận mác-xít (Phương Lựu), coi trọng lý luận mác-xít như một khoa học (Thành Duy). Một số ý kiến khác đề nghị phải đào sâu thêm cách hiểu về con người mà không nên vội quy cho họ là sao chép lý thuyết tính người chung chung. Có ý kiến cho rằng cần phân biệt chủ nghĩa nhân văn cổ điển xem con người từ bên ngoài như một khách thể với chủ nghĩa nhân văn mới, nhìn con người như một chủ thể từ bên trong, có xác định quan niệm này mới có thể đánh giá được các hiện tượng văn học mới (Đỗ Lai Thúy). Có ý kiến phát hiện nội dung mơ hồ trong các khái niệm thường gặp hiện nay như nhân đạo, nhân văn, nhân bản, cũng như sự thiếu hụt các công cụ lý thuyết để đánh giá đúng các hiện tượng văn học quá khứ (Văn Tâm). Có ý kiến đưa ra như một phác thảo về nhận diện nền văn học trong quá khứ (Lê Chí Dũng).

Nội dung thứ ba của hội thảo là nhận định về các quy luật của văn học Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám đến nay.Có ý kiến xem văn học 1945 - 1975 chủ yếu là văn học sử thi, ý kiến cá nhân chậm phát triển theo xu hướng quy phạm hóa, ít tính đối thoại. Từ 1975 trở lại đây, trong văn học đã dần dần phá vỡ được tính quy phạm. Một số nhà văn vươn tới trình độ hiện đại (Lã Nguyên). Có ý kiến đề nghị đưa văn học không cách mạng vào thành phần văn học dân tộc bên cạnh văn học cách mạng, và xét tương quan hai thành phần ấy trong quá trình văn học hiện đại (Phạm Xuân Nguyên). Có ý kiến trao đổi lại với quan niệm của Hoàng Ngọc Hiến xem quá trình văn học trong tương quan âm tính dương tính (Nguyễn Văn Lưu). Trong tinh thần thẳng thắn Hồng Diệu góp ý với Ban Chấp hành về mối quan hệ của các hội đồng chuyên môn, Ban sáng tác và Ban Chấp hành.

Ngoài ra hội thảo còn nghe ý kiến của Nguyễn Văn Hạnh, Hoàng Xuân Nhị, Đỗ Đức Dục, Từ Sơn, Nguyễn Ngọc Thiện, Lại Nguyên Ân... về một số vấn đề khác. Một số đồng chí gửi báo cáo nhưng không đọc do không có thời gian hoặc do vắng mặt.

Trong phần trao đổi, các nhà văn Nguyễn Kiên, Bùi Hiển, Xuân Cang, Nguyên Ngọc đều phát biểu ý kiến về văn học và phê bình hiện nay. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, biến đổi quan trọng trong văn học hiện nay là chất liệu văn học anh hùng ca đang chuyển sang chất liệu đời sống xã hội và con người. Văn học hiện nay khắc khoải nỗi khắc khoải của con người, trong cuộc sống đầy biến động. Có dấu hiệu một tư duy mới đang hình thành, song nói chung còn thô sơ, chưa trọn vẹn, chưa định hình thành thi pháp mới. Nhà văn chưa quen xử lý chất liệu mới ngổn ngang, nhiều chiều, chưa đủ từng trải để nắm bắt các hiện thực phức tạp, nhiệt tình xã hội chưa đi đôi với một sự tỉnh táo cần thiết. Một đôi khi còn có giọng điệu hằn học. Hạn chế oái oăm của tình hình này là có thể quay lại tư duy sơ lược, định kiến, bất công ngoài ý muốn. Một số cây bút đã vượt qua được chỗ khó này. Cảm hứng của nhà văn hiện nay bắt nguồn từ kinh nghiệm cá nhân của riêng mình, ngọn nguồn của sự bùng nổ nằm trong cá tính sáng tạo. Mở ra nhiều con đường, đa thanh trong văn học. Nhiều tác phẩm mang tính tự thuật xuất hiện như Đám cưới không có giấy giá thú (Ma Văn Kháng), Góc tăm tối cuối cùng (Khuất Quang Thụy), Vĩnh biệt những ngày buồn (Trung Trung Đỉnh), Tiểu thuyết cuộc đời (Nguyễn Văn Bổng)...

Nhà phê bình cũng là nhà văn, sáng tác và phê bình là hai mũi hỗ trợ nhau, cùng khai phá hiện thực mới.

Qua một ngày trao đổi ý kiến sôi nổi, thẳng thắn, cởi mở, cuộc hội thảo đã đi đến nhất trí được một số vấn đề, song cũng còn có bất đồng ý kiến trong một số vấn đề khác như đánh giá sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu (Lê Quang Trang, Bùi Công Hùng không tán thành đánh giá cao một số sáng tác của hai tác giả này), vai trò của thi pháp học trong phê bình (Bùi Công Hùng cho rằng không cần cốt mà vẫn đọc ra mùi vị chính trị của sáng tác, Lê Quang Trang cho rằng mọi phương pháp, công cụ, lý thuyết gì đi nữa cũng đều chỉ nhằm mục tiêu là làm rõ cái hay, cái dở, cái xấu tốt của tác phẩm, không nên quan trọng hóa "cách đọc" như một số ý kiến); tính chất sử thi của giai đoạn văn học vừa qua, chức năng của phê bình. Mặt khác, nhiều ý kiến khẳng định mặt tiến bộ của đổi mới văn học, bất bình với địa vị phê bình trong báo chí và xuất bản hiện nay, có ý kiến không tán thành lối phê bình của tiến sĩ Đỗ Văn Khang trên một vài tờ báo (Vân Thanh, Ngô Thảo)...

Trong phát biểu của mình, đồng chí Trần Trọng Tân khẳng định: Mục đích của Đảng là làm sao cho dân mình được tự do (trừ tự do làm trật, làm bậy). Không đáp ứng được điều đó là không giữ được ngọn cờ tiên phong. Chúng tôi đang tìm cơ chế chính sách thế nào để đảm bảo cho anh em thực sự tự do sáng tác.

Đảng đặt trách nhiệm xây dựng văn hóa văn nghệ thông qua tất cả đảng viên nhà văn, nhà phê bình. Không có nhóm nào tự cho mình là khuôn vàng thước ngọc để bắt mọi người theo mình cả.

Chúng ta cùng Đảng chăm sóc văn hóa nghệ thuật, làm sao cho Đảng luôn luôn giữ vị trí tiên phong trong xã hội, là Đảng của trí tuệ. Thông qua công tác tổ chức Đảng, đưa anh em có tài năng vào Đảng.

Ban Tư tưởng - văn hóa vừa qua đã kiến nghị với Ban Bí thư từ nay đại hội các hội văn học nghệ thuật sẽ bỏ kiểu có các bức thư của đồng chí lãnh đạo hoặc lãnh đạo phát biểu, làm sao cho Đại hội quây quần quanh báo cáo Ban Chấp hành.

Định hướng tạo điều kiện cho anh em có tác phẩm. Ban tư tưởng - văn hóa làm tham mưu cho Trung ương Đảng, tạo điều kiện cho anh em tự do sáng tác, không dành quyền sinh quyền sát tác phẩm. Cần thu thập kinh nghiệm lý luận mới, tri thức của đảng viên ở các cấp. Xin tiếp thu ý kiến phê bình của các đồng chí, về tình hình lãnh đạo quản lý xuất bản sách và video có nhiều thiếu sót. Làm sao để các đồng chí khi đặt bút xuống thì cái đầu hết sức thảnh thơi. Từ nay sẽ thôi chuyện một ai đó gọi điện thoại, đánh công văn... lấy vai trò của một người để quyết định số phận một tác phẩm.

Đồng chí Trần Trọng Tân cũng cởi mở bày tỏ một số thắc mắc cá nhân như ý kiến chia văn học trước đây là sử thi, nay là đời thường. Theo đồng chí, văn học thời trước bên cạnh chiến tranh cũng có đời thường, vậy khái quát như thế có thỏa đáng không? Có đồng chí cho kinh tế tư nhân là cơ sở của tự do cá nhân. Nhưng kinh tế tư nhân hiện nay là do kinh tế quốc doanh chỉ đạo, không phải tư nhân thuần túy. Xóa bỏ tư hữu là để tạo điều kiện cho tự do cá nhân phát triển. Danh hiệu nhà văn chiến sĩ là cao quý. Bây giờ vẫn nên làm chiến sĩ -- đó là vinh dự. Nhà văn có thể vượt qua cấm kỵ, nhưng vượt qua cấm kỵ không phải là mục đích của sáng tác.

Đồng chí Nguyễn Đăng Mạnh tổng kết hội nghị, nhận xét hội nghị đã thật sự thành công trước hết ở tính học thuật: 10/33 báo cáo hay của các nhà nghiên cứu - phê bình nhà văn già, trẻ. Hội thảo đã phát huy dân chủ, cá tính sáng tạo. Nó chứng tỏ đội ngũ lý luận phê bình của ta tỏ ra có năng lực. Hội thảo đã nêu được nhiều vấn đề như: tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới lý luận phê bình, đổi mới quan niệm và bản chất, chức năng và phương pháp phê bình, vấn đề quan niệm con người, đánh giá các thời kỳ văn học và tác phẩm cụ thể, vấn đề bồi dưỡng đội ngũ lý luận phê bình. Hội thảo đã thể hiện thái độ khoa học, lắng nghe nhau, cũng có đôi điều đáng tiếc nhưng rất ít.

Đồng chí Vũ Tú Nam, Tổng thư ký Hội phát biểu kết thúc hội thảo. Đồng chí nói: mọi người chờ đợi việc đem ứng dụng những vấn đề vừa được hội nghị trao đổi. Trước đây, trong chiến tranh chúng ta thực hiện quyền tự do cao nhất là đánh giặc nên có phần hạn chế các quyền tự do khác. Bây giờ chúng ta sử dụng quyền tự do để viết sao cho hay, cho có ích vì tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Các nước tư bản cũng không thương mại hóa văn hóa. Cần tăng cường tin sách, giới thiệu sách mới. Có những tác phẩm dư luận không nhất trí nên đưa ra trao đổi. Các nhà phê bình nên giúp các nhà văn tỉnh táo, tránh rơi vào một chiều mới, công thức, viết ẩu. Hội Nhà văn là nơi tạo điều kiện để chúng ta cùng ngồi bàn bạc chung các vấn đề liên quan đến văn học. Giải đáp một vài thắc mắc, đồng chí Vũ Tú Nam nói rõ Ban sáng tác không hề là cấp trên của các Hội đồng. Ban sáng tác giúp Ban Chấp hành trong quan hệ công tác với các hội đồng. Các Hội đồng là tư vấn cho Ban Chấp hành, đã được Ban Chấp hành cử ra một cách có cân nhắc, thận trọng và đều làm việc có sự trao đổi với Ban Chấp hành, được sự chỉ đạo của Ban Chấp hành.

P.V. lược ghi

 

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 24 (16-6-1990)

Mục lục 

28-8-19