ĐỜI SỐNG VĂN
NGHỆ Nguồn: Cửa Việt, Quảng Trị, số 3 (tháng 6 - 1990)
THƠ HÔM
NAY: GIEO VÀ GẶT
NGÔ MINH
Bàn về
thơ thật khó thống nhất, bởi thơ còn có cái gu nữa. Cái tạng
tôi: thích buồn trầm lắng, tạng anh thì say yêu cuồng nhiệt... Thế
nên mới có bài thơ người này thì khen, kẻ khác lại lánh xa dè bỉu.
Đó là chưa nói đến các khía cạnh thuộc về "chức năng văn học" (như
người ta thường dạy trong sách) của thơ. Nói đến còn đa sự nữa.
Nhưng
nói về thơ hôm nay, hay đúng hơn từ khi có chuyện "đổi mới" đến nay,
thì quả là có nhiều cái để ngẫm nghĩ, trao đổi. Cái ai cũng dễ nhận
thấy là Thơ đang in dấu chân đậm nét trên hành trình tìm lại
chính mình. Hình như thơ đang dằn vặt để cắt bỏ dần cục bướu của
chủ nghĩa duy lý thô thiển, sơ đồ hóa mọi cảm xúc và hình tượng thi
ca, từ bỏ thói lãng mạn cự đoan một chiều... để tiến về với con
người thật với tất cả rung cảm máu thịt của nó. Mừng lắm chứ: Cách
đây mươi năm, các nhà thơ ao ước "báo thêm chút thơ tình". Bây giờ
thì trên các mặt báo hàng ngày, kể cả những báo đạo mạo nhất, dẫu
chưa nhiều, cũng đã có đôi bài tình, đôi bài buồn đau, thế sự -
Nghĩa là có đủ ngũ vị cuộc đời của cái cá tính sáng tạo khó chịu xưa
nay! Thế là những hạt giống của Tự do sáng tạo đã được gieo - Và đây
đó đã có những quả bói.
Việc
các tác giả trong
Ấy là
thơ đang đổi mới đấy. Sao lại không. Thơ đang tìm những lối thơ phù
hợp để đến với người yêu thơ. Nhà thơ nhìn lại cuộc sống hôm qua,
hôm nay, nhìn lại chính mình với ý thức công dân và thái độ nhân văn
cao cả. Đừng giật mình lo lắng, đừng vội vàng nổi cơn thịnh nộ vô lý
trước sự kiểm nhận khắt khe của quy luật sáng tạo. Cái mới không bao
giờ tạo ra trước cái tiêu thức để đo nó, còn cái cũ thì hay đo cái
mới, hay phán xét cái mới bằng kích thước của mình. Nếu ta thấy
giọng cha chú dọa nạt quyển sách này, răn dạy tập thơ, bài thơ kia,
họ đều trái với quy luật của sáng tạo nghệ thuật. Giá như thời 1930
- 1945 người ta cực đoan, bắt bỏ tù những người theo trường phái Thơ
Mới, thì nền thơ Việt Nam hiện đại là sao có Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu,
Nguyễn Bính, Chế Lan Viên... Cả khi xét trên tập quán đạo đức truyền
thống, thì không chỉ thời nay, thời "Tình giả" của Phan Khôi, mà cả
thời Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương cũng đã phạm húy rồi đấy!
Tất
nhiên, cái gieo còn quá mới, quá ít, lại chưa quen, chưa nhiều về
thời vụ canh tác, nên cái gặt còn lổ đổ. Có hạt chắc, hạt lép, thậm
chí có cả cỏ dại đã được gặt về. Nên chăng với thơ ta hôm nay, chỉ
nên bộc bạch với nhau đôi điều bên chén rượu ở một góc trăng nào đó.
Ví như về sự chân thật - Thật và không thật, thơ và không thơ. Có
lần uống rượu ở hè phố Hàm Long, Hà Nội, một bạn thơ thốt nhiên hỏi
tôi "thơ có hư cấu không". Tôi đã không trả lời câu hỏi. Bịa như
thật - ấy là văn chương. Thế thơ có quyền bịa như thật không? Bịa ra
một nỗi đau, sự mất mát, tưởng tượng ra một tình yêu rồi làm những
bài thơ có được không? Ai cố làm đôi bài thơ đích thực tâm huyết
cũng dễ dàng trả lời: Không thể được! Xúc cảm thơ là không thể hư
cấu. Thơ là tâm trạng thực của nhà thơ trước nhân tình thế thái.
Gương mặt của nhà thơ do số phận nhà thơ quy định. Hay nói cách khác
nhà thơ là nhân vật chính của tác phẩm thơ. Nguyễn Hành, thế kỷ XIX,
từng viết: "Tiếng kêu của chim thế nào, âu cũng có nguyên do của nó.
Khi Triều đình hữu đạo, tôi hiền hòa hợp, quây quần, có lẽ vì vậy mà
chim Phượng, chim Hồng hót nghe vui vẻ chăng? Lúc đời suy tàn, muôn
dân ly tán, sầu oán có lẽ vì vậy mà chim Hồng, chim Nhạn kêu nghe
buồn bã chăng? Bởi nhịp cảm xúc không giống nhau mà thanh âm của
tiếng kêu cũng khác nhau... Tiếng kêu của ta đến thế chăng? Tiếng
kêu não nùng của con chim Cuốc...".
Tiếng
chim ấy là tiếng thơ vậy. Thế mà thơ ta hôm nay còn khối tiếng kêu
không thật bụng đấy - tức là than vay khóc mướn cho ngành này, ngành
khác, than cho ngày kỷ niệm, kêu vì một món quà. Đó là cái cũ còn
nhơn nhơn tự đắc, chưa kịp lui quân. Có cái tưởng như mới lại rởm đó
là thói bắt chước giọng điệu cho ra vẻ. Viết vô tội vạ về "em" về
"tình yêu" trong lúc chẳng yêu ai cả. Có anh bạn ở trường đại học
viết văn Nguyễn Du tâm sự với tôi "mình đọc cả một tập thơ, có nhiều
bài thơ khóc người này người nọ của một tác giả, đọc xong thậm chí
đôi chút ngậm ngùi cũng không có, làm sao mà khóc được. Có phải thế
là rởm không?" Đơn giản là tất cả xảo thuật ngôn từ không được sinh
ra từ sự ấm nóng của trái tim, thì dễ bị lộ vì câu thơ vô cảm, cứ
chuồi đi theo vần điệu. Khuyết điểm "bịa ra thơ" này tôi gặp
từ các nhà thơ đã có tuổi cho đến người mới viết. Cũng phải mở chút
ngoặc đơn cho chặt chẽ là cái thật ở đây là cái thật của tâm hồn,
tâm trạng. Cũng có sự thật của cõi mộng. Đó là sự ám ảnh, ám thị, sự
tương tư khao khát đến mê si kiểu như Hàn Mạc Tử đến mức thành thơ,
thành đạo thơ - Đó cũng là sự thật tuyệt vời của một tấm tình yêu.
Tình sinh ý, ý sinh chữ, bởi cái này mà có cái kia, mà gọi cái kia
là vậy. Còn như sự "hư cấu" ra tình cảm thơ thì thật làm khổ nhau
quá!
Ở khía
cạnh khác, cũng cần bàn đôi câu về cái thật mà không thơ, mà nhiều
người làm thơ do bức bách về tâm lý mà hiểu nhầm. Uất hận về sự mị
dân, dối trá, cưỡng hiếp giết hại dân lành, đục khoét của công của
các cấp "quan cách mạng" thì người chính trực ai mà chẳng uất. Nhà
thơ thì càng dễ nổi máu tam bành hơn. Nhưng từ chỗ căm thù đến thơ
lại là một cấp độ khác. Thực tế mấy năm qua, chúng ta được đọc quá
ít bài thơ thật sự thơ về đề tài này. Thơ viết liên tục, có báo tập
trung cả trang, cả chuỗi, nhưng phần đa là những câu rủa, câu chửi
lộng ngôn cho hả giận. Cái gọi là thơ chống tiêu cực khó có
đất sống nếu nó không đạt dến độ thâm trầm cay độc như Tú Xương ngày
trước. Cũng rất may loại thơ này xuất hiện rầm rộ một thời gian ngắn
rồi cũng tự lùi dần. Còn chăng là còn những bài trữ tình chính
luận nhức nhối, nóng bỏng kiểu như Nhìn từ xa... Tổ quốc
của Nguyễn Duy, Đối thoại với Chí Phèo của Trần Mạnh Hảo,
Hà Nội Têrextroika của Nguyễn Trọng Tạo v.v...
Một
biểu hiện trong thơ thời gian gần đây cần lưu ý là sự chùng lại về
nhịp điệu và sự lặp lại mô típ cũ. Có thể là do sự mở rộng phạm vi
đề tài, sự thiếu thành công của những bước đầu thể nghiệm về đổi mới
hình thức biểu hiện trong thơ của vài ba tác giả. Cũng có thể do sự
sống lại của thơ ca tiền chiến mà một thời gian dài ở miền Bắc,
nhiều thế hệ học sinh không được đọc không được hiểu đúng, đã làm
cho sự định hướng của thơ ta về phía trước bị yếu đi chăng? Dù sao
đó cũng là điều có thực. Thế hệ chúng ta biết uống nước nhớ nguồn
nhưng phải làm ra cái của mình, không thể làm cái của thế hệ trước
đã làm.
Nói thế
chứ làm thơ cho đời thuộc đôi câu đã khó. Thuộc đôi bài còn khó hơn.
Chứ gọi là hay để đời khen thì thật sung sướng. Trong ngày Đại hội
Nhà văn Việt Nam lần thứ IV tại Hội trường Ba Đình tháng 10-1989,
chúng tôi nhận được câu hỏi phỏng vấn của một tạp chí văn nghệ do
một nhà thơ đã cao niên chuyển đến: "Làm thế nào để có thơ hay". Câu
hỏi thật chết người. Thơ hay cơ mà, phải đùa đâu?...
Ôi, thơ
hay không thể cầu xin. Ai dám nói là mình sẽ làm những bài thơ hay!
Thôi thì hãy nói với nhau một câu: hãy viết cho chân thật, "chữ tâm
kia mới bằng ba chữ tài". Cái thật là khởi đầu của cái hay vậy.
Nguồn: Cửa Việt, Quảng Trị, số 3 (tháng 6 - 1990)
|