ĐỜI SỐNG VĂN
NGHỆ Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 30 (29-7-1989)
THƠ --
TỪ NGƯỜI VIẾT ĐẾN NGƯỜI ĐỌC
NGUYỄN BÙI VỢI
– Thơ và việc in thơ hiện nay
Có
một thời gian dài, thơ trên báo là thơ vụ việc, phục vụ sát sao các
ngày lễ, các chủ điểm tuyên truyền, thời sự. Kịp thời và không sai
sót về chính trị: đó là tiêu chuẩn hàng đầu, còn chất lượng nghệ
thuật thì được sao xào vậy!
Mãi
thành quen, người làm thơ và người biên tập đều thấy thế là phải.
Nếu mới tháng Một mà nhận được thơ về thương binh liệt sĩ, có khi
biên tập viên lại... ngạc nhiên, cho người viết là... hâm!
Kiểu in
thơ ấy không mấy khi có được bài hay và khổ nhất là người đọc cứ
phải đọc những bài thơ cái gì cũng đúng cả nhưng xoàng xĩnh, tầm
thường. Dĩ nhiên trong thời gian ấy, báo Văn nghệ của Hội Nhà
văn Việt
Rồi sau Đại hội Đảng lần thứ VI, sau
Nghị
quyết của Bộ Chính trị về công
tác văn hóa văn nghệ, sáng tác văn học có khởi sắc. Cùng với các thể
loại khác, thơ trên mặt báo đa dạng hơn, chân thực hơn. Không ai cấm
ta nói đến nỗi buồn, nỗi đau nếu nỗi buồn, nỗi đau ấy không làm con
người tuyệt vọng. Nhà thơ đưa lên trang giấy những chiêm nghiệm, nếm
trải qua số phận cá thể nên sự tự biểu hiện đã vẽ nên những gương
mặt thơ không ai giống ai làm cho thơ phong phú hơn trước. Thời gian
này có một số bài thơ "chống tiêu cực" ra đời, đáp ứng được sự đồng
tình nhất thời của một số bạn đọc. Những bài thơ ấy có khi đã sử
dụng nhầm chất liệu của ký, phóng sự, tân văn. Cũng có người quay
ngoắt 1800, hôm qua cái gì cũng ngợi ca, hôm nay thì cái
gì cũng chửi bới. Hơn thế nữa lác đác đây đó một số bài thơ có giọng
điệu chửi đổng hằn học. Bạn đọc nhiều người hoang mang, không biết
thẩm định giá trị tác phẩm như thế nào?
Việc
xuất bản các tập thơ tác giả bị đình trệ. Phát hành không nhận số
lượng hoặc nhận rất ít, thơ in bị lỗ nên nhà xuất bản không dám in.
Cũng một thời gian in theo kiểu bao cấp, các nhà xuất bản đã in thơ
theo nhiều tiêu chuẩn: tập này phục vụ nhiệm vụ chính trị nóng bỏng,
tập kia là của một đồng chí có cương vị cao, tập này là của đồng chí
có công lao trong công cuộc chống Mỹ, tập nọ của ông thường vụ, bà
chấp hành... Mọi việc đều êm cả ở một nước mà dư luận xã hội bị coi
thường như ở nước ta. Các tập thơ vào thư viện, vào tủ sách cơ quan,
nếu còn thừa thì bán giấy cân, ai biết. Có một nhà phê bình khen thế
là tập thơ tốt, còn anh không thấy hay vì anh không biết đọc thơ
hoặc lập trường quan điểm kém không cảm nhận được nội dung sâu xa
của tác phẩm!
Ngành
phát hành sách hôm nay có lẽ đã hoảng hồn vì thời thơ bao cấp ấy nên
đã tỏ ra vụ lợi và cực đoan trong việc từ chối thẳng thừng việc đặt
số lượng thơ của các nhà xuất bản.
Ai cũng
biết ở nước nào cũng thế, số người đọc thơ rất ít vì thơ không dễ
cảm nhận như ở các thể loại khác. Nó nó bằng biểu tượng, ẩn dụ, có
khi phải dùng cả trực cảm để nhận ra cái hồn ở ngoài câu chữ. Ở một
nước hơn 60 triệu dân, làm gì không tiêu thụ nổi 2000 bản thơ! (dĩ
nhiên là thơ có chất lượng còn thơ dở thì... "cho không lấy, thấy
không đọc"). Tất nhiên trong một xã hội nhiều biến động, xáo trộn
như xã hội ta, nhiều người không đủ tĩnh tâm để ngẫm nghĩ về sự thâm
thúy của một câu thơ thức tỉnh, nhấm nháp sự thú vị của một từ
thần. Dù thế đi nữa, nếu ta in thơ một cách chọn lọc, thơ vẫn có
một nhịp sống bình thường.
Dân ta
không ít người thích thơ. Trước đây, các ông Hoài Thanh, Xuân Diệu
đã "đem hàng thơ đến tận người tiêu dùng" (cũng vẫn cách nói
của nhà thơ Xuân Diệu). Mỗi ông trong đời mình đã bình thơ hai, ba
trăm cuộc trước công chúng thuộc mọi đối tượng. Bây giờ một số nhà
thơ, nhà phê bình lớp sau đã tiếp nối có hiệu quả công việc của lớp
đàn anh. Cho nên bảo rằng thời buổi này, công chúng chán thơ là
không đúng. Nhưng chắc chắn là công chúng chỉ thích những bài thơ
hay, những bài thơ nói hộ cho họ những nỗi niềm, những suy nghĩ để
họ giữ vững niềm tin vào con người, vào cuộc đời. Đấy là những bài
thơ liên quan đến những buồn vui, lo toan của họ.
Trước
con đường in thơ bị tắc như thế, một số tác giả vận dụng phương châm
"nhà nước và nhân dân cùng làm" tự bỏ tiền ra nhờ một nhà xuất bản
in tập thơ của mình. Số tác giả ấy có người dư dật, có người đủ ăn,
có người túng thiếu. Có người đã theo đuổi công việc nghiệt ngã này
20, 30 năm. Cũng có người chưa lăn lộn trả giá gì mấy (thậm chí chưa
có bài thơ nào in trên mặt báo) nhưng có tiền thì in!
Sự cố
gắng của các anh, chị ấy đều đáng quý. Nó mở ra một cách làm để giải
tỏa sự tắc lại của việc in thơ bấy lâu nay. Bỏ tiền ra in, tác giả
được quyền chọn những bài mình thích, biên tập viên của nhà xuất bản
chỉ cân nhắc liều lượng, chú ý mặt chất lượng chính trị của bản thảo
chứ không cửa quyền như thời in bao cấp.
Các tập
thơ ấy có tập trung bình, có tập khá, có tập có bài hay, có tập nhạt
nhẽo và không phải không có vài tập có những bài thơ tắc tị, bí
hiểm, bệnh hoạn. Ở các tập thơ này, người biên tập và người chịu
trách nhiệm xuất bản đã bỏ mất vị trí của mình.
Trong
khi đó, ở nhà xuất bản Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam có một
số tập thơ có chất lượng vẫn nằm đó "im lặng một cách đáng sợ", vẫn
có một số tác giả được in theo chế độ bao cấp bên cạnh những tác giả
phải bỏ tiền ra in hoặc nhận phát hành một phần lớn tập thơ của
mình! Đó là điều không công bằng.
Trước
tình hình thơ hiện nay, xin có một số đề nghị:
- Các
nhà xuất bản nên giữ nhịp độ in thơ bình thường như những năm trước
đây nhưng phải lấy chất lượng bản thảo làm tiêu chuẩn hàng đầu. Thơ
khá, thơ hay nhất định bán được. Nhà xuất bản phải hoạt động kinh
doanh nhưng không thể vụ lợi để cứ có tiền là in được, dở hay kệ
miễn là không sai phạm chính trị!
- Hội
Nhà văn nên cố gắng bảo trợ cho nhà xuất bản của Hội một số tiền cần
thiết hàng năm để nhà xuất bản có thể in thơ bình thường (bỏ hẳn
kiểu tác giả bỏ tiền ra in). Nhà xuất bản của Hội nếu in thơ theo
tinh thần đổi mới, chắc sẽ được ngành phát hành hưởng ứng, tác giả
và bạn đọc đồng tình.
PHAN CUNG VIỆT
–
Đậm và nhạt
Chỉ nói về thơ ta. Chưa có những thống kê có tính xã hội học. Chỉ
nói cái cảm nhận của người làm thơ (thực ra nó cũng đã có tính khoa
học rồi). Có một số tập thơ không nhạt, có nhiều tập nhạt. Có tác
giả quãng này nhạt, quãng trước lại không nhạt, trong nền thơ có
hiện tượng một bài nhưng lại không nhạt chút nào. Có khi chỉ một bài
thơ mà dư âm đậm hơn cả một tập, một đời thơ.
Không
nên bi quan cho thơ, là thơ ta đến nay không chỉ một, hai bài, mà có
những tập thơ không nhạt hoặc một phần không nhạt. Có dành cho thơ
một tỷ lệ phần trăm sống thật cao mới thấy khó và mới thấy điều đáng
mừng này.
Không
dám nói về đại thi hào như Nguyễn Du. Tôi nhấm lại vị thơ, như nhấm
ngọn chè xanh, và thấy nhiều lắm các nhà thơ xưa không nhạt. Có thể
thời gian đã lắng lại chăng? Vâng, thời gian là cần đối với thi sĩ.
PHẠM NGỌC CẢNH
–
Ai còn, ai mất trong thơ
Tôi vừa
được in một tập thơ ở nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hẳn là nhà
xuất bản không vui. Vì trân trọng một tác giả mặc áo lính, vì trân
trọng một nghề vẫn cao quý mà họ phải chịu lỗ một khoản tiền. Tôi
cũng không thích thú gì. Phải mang một cái ơn không đáng mang. Và
cuốn sách cũng sẽ chìm lỉm vào cuộc đời đen bạc.
Tôi
cũng vừa hoàn thành một chuyến đi hầu chuyện thơ (chữ dùng
của Xuân Diệu). Người đến nghe của chừng ấy buổi cộng lại còn cao
hơn số lượng bản in tập thơ vừa rồi. Và tôi xin được phép không so
sánh khoản tiền thù lao của hai công việc (xuất bản miệng và xuất
bản trên giấy!). Cái được giá hơn là người ta nghe mình, người ta
đồng tình với mình và người ta sẵn sàng chờ đợi.
Có một
tình hình rất thực như thế trong đời sống xã hội hiện nay. Tình hình
đó nằm ngoài đời sống thơ mà chúng ta đã mất nhiều thế hệ vun đắp.
Chúng ta đã vun đắp một quang cảnh rực rỡ của thơ ca ngày còn đánh
giặc không phải bằng sự tính toán lỗ lãi trên số của máy tính. Chúng
ta vun đắp bằng linh hồn của đời sống, bằng tâm linh của mỗi con
người.
Thơ
cộng hưởng vào sự vun đắp ấy một cách có hiệu quả. Hiệu quả ấy vẫn
còn trong đông đảo người yêu thơ.
Nhưng
đời sống đã thay đổi - mỗi con người cất giữ cái tiếp nhận được của
thơ như một kỷ vật và nóng lòng chờ đợi cuộc tiếp sức mới của thơ ở
thời kỳ mới, thời kỳ mà họ đang sống vật vã, khó nhọc. Có một lúc
thơ chững lại như một người đuối sức, như một người chớm mắc bệnh
tâm thần. Các nhà thơ đã bừng tỉnh, cố vượt lên và đã đuổi kịp đời
sống. Không phải tất cả các nhà thơ đã vượt lên được, song ai còn có
mặt hôm nay đều đã là những người dũng cảm.
Người
tiếp nhận sự đổi mới này trong thơ cũng vẫn là đông đảo bạn đọc chứ
không phải các nhà phê bình. Ngay thời xa xưa, bạn đọc cũng đã biết
tiếp nhận như thế. Mặc cho các nhà hướng dẫn thẩm mỹ nói tràng giang
đại hải, bạn đọc vẫn nhặt ra được phần hay nhất của thơ thời đánh
giặc. Con cái họ phải thuộc, phải khen, phải bình nhà thơ này, bài
thơ nọ để hoàn tất một cuộc sát hạch lực học. Còn họ, họ tâm đắc với
cái gì thật đáng yêu, đáng nhớ để bổ sung vào sự thiếu hụt trong
đời.
Thơ
ngày xưa (trong thời đánh giặc) in ra một số lượng vừa đủ cho các
thư viện, các tủ sách. Người phụ trách thư viện mua thơ bằng ngân
phiếu của nhà nước. Chỉ người thật yêu thơ mới mua bằng tiền túi của
mình. Bây giờ hình như hệ thống thư viện ấy teo nhỏ lại, ngân sách
ấy teo nhỏ lại thì khoản bản in thơ dôi ra là phải. Lại nữa, người
thật yêu thơ bây giờ cũng nghèo lép đồng tiền. Mua báo phải cân nhắc
tính toán chi li.
Các nhà xuất bản không in thơ. Xin các nhà thơ đừng trách họ. Nỗi
khổ này không của riêng ai. Nếu có trách là để họ tự trách. Vì
họ là cơ quan làm văn hóa. Cơ quan gìn giữ văn hiến cho dân tộc này,
đất nước này.
Những
người đã từng đến nghe tôi hầu chuyện thơ cũng phải bỏ tiền
ra mua một đêm vui. Họ không tính lỗ lãi. Bởi vì đồng tiền ấy
là văn hiến, là tấm lòng. Nếu là đồng tiền thương mại, hẳn họ mua
phân hóa học để bón cho cây trồng, sau 90 ngày là thu hái.
Tôi cứ
nghĩ đến một hiện trạng xã hội không thi sĩ, không thơ ca mà sợ đến
rợn người. Sợ hơn sự tàn phá của cơn bão số 3, số 7. Sợ hơn côn
trùng phá lúa. Bởi vì khắc phục một xã hội không thơ là điều một
đấng anh minh, một cơ chế tài ba không dễ làm nổi.
Điều đó
không thể xảy ra. Vì tôi tin vào bạn đọc, tin vào người yêu thơ vẫn
còn. Còn mãi. Chỉ e ngại thơ không chuyển mình theo họ.
Và điều
này lại có thể xảy ra. Đó là các cơ quan quản lý, xuất bản vì sự
được mất nặng nhẹ của đồng tiền lợi nhuận mà đánh rơi cái quý giá
của đất nước, của con người.
PHẠM TIẾN DUẬT
–
Mã và giải mã
Cách
đây mươi năm, tôi có sưu tầm được một bài thơ, trong đó có hai câu
sau đây:
Hoa
chưa nở, ớt ngoài vườn đã chín
Cơn mưa chưa giột đã nguôi lòng.
Tôi đem
hai dòng ấy ra đố bạn bè rằng đấy là thơ ai, sáng tác vào thời nào.
Có người trả lời là thơ thiền đời Lý, có người lại bảo là từ khúc
của Trung Quốc, đời Tống. Không, đấy là thơ của một thanh niên thời
nay ở phố Quảng Oai (Ba Vì, Hà Nội) làm nghề quay mỳ sợi. Anh ta còn
có những dòng thơ vừa tội nợ, vừa khó hiểu như câu "Khi ngủ lòng
bày như mảnh cói". Người thanh niên ấy tôi chỉ gặp có một lần và
chỉ biết là anh ta vẫn làm những việc khiêm nhường trên cái phố
khuất vắng ấy.
Một lần
khác, tôi có chép được mấy dòng thơ của một ông già ở xã Nam Hoành (
Tôi xin
tiết lộ thêm rằng, thơ của anh thanh niên Quảng Oai là thơ của người
bị bệnh tâm thần phân liệt. Thơ của ông già Nam Hoành là thơ của
người hai vợ. Còn dòng thơ của anh địa chất là thơ của người ham
rượu chè. Nét chữ biểu hiện nết người đã đành mà
nét thơ biểu hiện nết người còn rõ hơn nữa.
Tôi đưa
ra mấy ví dụ trên đây để thêm một lần nữa nói rằng sự phân cách giữa
người đọc và người viết là một phân cách tương đối.
Không
biết bạn đọc thời Nguyễn Du đọc thơ như thế nào? Có điều, quần chúng
của thơ hồi ấy chia ra làm hai loại rõ rệt: có chữ và không có chữ.
Số người không có chữ nhiều hơn so với số người có chữ. Văn học Việt
Quần
chúng của thơ ca ngày nay đã hoàn toàn khác. Không những có chữ mà
số đông trong họ còn có văn hóa cao về nhiều lĩnh vực khác nhau.
Phương tiện truyền đạt của thơ ca bây giờ cũng phong phú hơn trước
nhiều, cả phương tiện nghe đến phương tiện nhìn. Các
hình thức nghệ thuật khác, đặc biệt là âm nhạc và điện ảnh có tác
động một cách mạnh mẽ không chỉ đến quần chúng của thơ mà còn đến
các nhà thơ một cách tự giác hay không tự giác. Sự phá vỡ đáng kể
của đời sống nông thôn để biến thành thành thị cùng sự xáo trộn dữ
dội của nhịp điệu công nghiệp cũng làm thay đổi thị hiếu của cả
người đọc lẫn người viết.
Bộ sách
Đại nam nhất thống chí, một tập sách địa lý - lịch sử của
Quốc sử quán triều Nguyễn soạn là một bộ sách có nhiều câu văn tinh
vi của thơ ca. Về một nguồn nước ngon, sách ấy viết: "Ở đấy -
một địa phương miền Trung - nước ngon rất hiếm. Ở gần núi
thì cấp bách quá, ở gần biển thì trì trệ quá, muốn kiếm nước quý
không cấp bách mà không trì trệ thì chỉ có suối Hươu Hươu là ngon
hơn cả...". "Nước ở đó, khuấy cũng không đục hơn mà lọc cũng
không trong hơn". Dùng chữ như thế là kỹ lưỡng và tinh khéo lắm.
Văn ở chỗ không văn còn trọng sự tinh khéo thế huống chi trong thơ.
Ấy vậy
mà trong thơ ta mấy năm nay, trong sự thưởng thức của tôi thấy rất
hiếm sự tinh vi. Nhiều tác giả trẻ quá ham chuộng sự ồ ạt như là
nhân danh thời hiện đại - sống hiện đại, yêu hiện đại, thơ hiện đại.
Mắt thời gian, nỗi buồn đứng, vú đêm, óc não thế kỷ... nghe ồ
ạt mà lười biếng, dễ dãi. Hay là phải bỏ qua chữ nghĩa mà chỉ nên
thưởng thức bằng "chuỗi cảm giác", thưởng thức bằng "trường ấn
tượng"? Ấy là chưa kể đến những bờ mi, bờ mắt, bờ môi, bờ vai
tràn lan trong những câu thơ làm dáng khác.
Thơ có
vần thì lấy vần làm sự ràng buộc, thế còn thơ không vần thì lấy gì
làm mực thước? Hay là nhà thơ cứ hô "xung phong"! thế là chữ nghĩa
vần và dài, xuống dòng và không xuống dòng, bậc thang và không bậc
thang cứ ào ạt ấn tượng mà tiến lên chiếm lĩnh toàn trang!
Cũng có
thể người viết ồ ạt vì người đọc ồ ạt quá. Hay tại vì người đọc thây
kệ, không chấp?
Dường như thơ ca đang gặp khó khăn trên toàn cầu. Các nhà thơ, cả
phương Đông lẫn phương Tây, đều kêu ca về việc in thơ, bán thơ rất
khó. Có người cho rằng công chúng đang dần dần bỏ thơ mà đi. Thời
hiện đại là thời kỳ của những ấn tượng cực mạnh, của những khêu gợi
và kích động bằng tần số cao? Thế mà thơ cứ tồn tại một dáng mảnh
dẻ, yếu ớt. Người ta gọi thơ là nàng chứ có ai gọi thơ là
anh, là ông thơ mày râu đâu?
Gần đây, có một nhà văn khi được một tòa báo phỏng vấn rằng tại sao
lại bỏ thơ để viết văn thì nhà văn ăn khách này trả lời đại ý rằng
thơ bị hạn chế nên phải chuyển sang văn xuôi. Một bạn đọc có mắt
xanh nói với tôi rằng lẽ ra nhà văn ấy nên nói rằng: với mình
thì sức biểu hiện của thơ bị hạn chế. Chứ có những tập tiểu thuyết
tràng giang đại hải mà chẳng nói được gì mà chỉ bốn dòng thơ, thâu
tóm được cả một thời, thì sao?
Không,
không nên kiểm tra sự lâu bền của thơ bằng thị trường. Không nên
đánh giá rượu ngon ở chỗ tạp thực.
Khi nào trái tim người này còn cần đến trái tim người kia, khi nào
linh hồn con người còn cần được nâng giấc, khi nào tinh thần con
người cần chống lại sự dày xéo, khi nào tình cảm con người còn đòi
sự thăng bằng - khi nào con người còn tồn tại khi ấy còn thi ca và
người đọc thi ca.
***
Có 10
trường hợp không nên đọc thơ:
1 -
Những lúc thái quá của những cảm giác vật lý: còn no quá, đói quá,
rét quá, nóng quá.
2 - Lúc
vừa cãi nhau với vợ, với chồng, với người yêu. Những lúc quá tức
giận.
3 -
Ngay sau khi được lên lương, lên chức hoặc thăng trật, chuyển đổi
thất thường.
4 -
Những lúc có quá nhiều màu sắc và âm thanh.
5 -
Những lúc trong lòng quá nhiều vướng bận chưa tháo gỡ được.
6 - Khi
ngồi đối diện với chính tác giả.
7 - Khi
chưa tạm gạt được ra sau lưng tất cả các bài thơ, tác giả và lối đọc
mà mình quen thuộc.
8 - Khi
cầm lên tay trang giấy chưa thấy nóng lạnh, đêm ngày.
9 - Sau
khi uống mật ong hoặc thứ gì đó na ná như mật ong.
10 -
Khi quá 10 ngày không ốm mà không ra khỏi cửa nhà mình.
***
Tôi quê
ở vùng chè. Tôi tìm thấy sự so sánh này: người làm thơ giống như
người làm trà và người đọc thơ giống như người uống trà vậy. Từ
những ngọn búp của cái cây đời xanh tốt trên nương kia nhà thơ thu
thập về, dùng nhiệt độ của tâm hồn mình mà sao, mà sấy, mà thu nhỏ
khối lượng tài liệu búp chè thành khối trà thơm. Điều kiện của người
đọc thơ cũng giống như điều kiện của người uống trà: phải có một ít
nước sôi của tâm hồn mình. Có thế thì đôi bên mới gặp nhau được.
Người làm thơ dùng một lượng chữ rất ít để mã hóa đời mình.
Còn người đọc là người giải mã. Mã của thi ca khác mã
của thông tin ở một điểm: nhà thơ phải bằng cách nào đó để chìa khóa
mã ngay trong bài thơ của mình và bằng cách tự nhiên người đọc có
được. Có phải thế hay không?
NGUYỄN HOÀNG SƠN
–
Ai đọc thơ bây giờ
Lâu nay
người ta vẫn nói đến thơ như là sự chiếu cố với ít người là một sự
"cực chẳng đã", không có thì áy náy, có thì thừa. Tâm lý của người
tiêu thụ (người đọc) tác động đến người cung ứng (người xuất bản và
phát hành) từ đó gây ảnh hưởng đến người sản xuất tức là nhà thơ.
Người ta thường bảo rằng nhà thơ là người dù thế nào vẫn không thể
từ bỏ thơ ca.
Bây giờ thì những sự cấm đoán đã bớt đi rồi. Lâu nay trong mỗi nhà
thơ đều có một "nhà biên tập". Nhà biên tập này canh gác mỗi vần thơ
sắp ra đời, gọt giũa làm sao cho nó tròn trặn hoặc nếu có "gai góc"
thì chỉ trong mức độ cho phép thôi. Nhưng cuộc sống mới phát triển
đều phải vượt lên những phép tắc mà một thời dù thành văn hay bất
thành văn, được thực hiện phần lớn qua những người biên tập ở các
báo và các nhà xuất bản. Cho nên có thể xét đến cùng những người
xuất bản, biên tập phải chịu trách nhiệm về những sản phẩm mà mình
đưa đến cho bạn đọc.
PHẠM ĐỨC
– Công chúng và nhà thơ
Bạn đọc
thơ là lớp bạn đọc tinh, có chọn lọc và thủy chung. Số đó không ít
nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ trong bạn đọc. Vậy nên việc thơ được in số
lượng ít cũng coi là bình thường.
Một
hướng giải quyết là: Các nhà thơ có quyền và cần phải tuyên truyền
(bằng nhiều cách) cho thơ nói chung, và thơ của mình. Gọi là quảng
cáo ư? Bày tỏ ư? Hướng dẫn ư? Cũng được cả. Tóm lại là thơ phải tìm
cách đến với công chúng của mình.
Đấy là
sự đánh động, và rồi những người tâm đắc sẽ một mình tìm đọc lại bài
thơ, câu thơ yêu thích dưới ánh đèn khuya.
Một
phần quan trọng nữa để tin vào công chúng thơ chính là sự chuyển
động của thơ gần đây. Có nhiều sự bung ra quá đáng (cả nội dung hình
thức, cả phương thức xuất bản) nhưng nhìn chung là có một luồng
không khí mới. Và ngay cả sự thất bại cũng cho các nhà thơ bài học
nào đó. Ví dụ sự đổi mới trong thơ là thế nào? Mức độ nào? Với đặc
trưng nào?
Phải
bằng sáng tác của mình các nhà thơ giữ và giành thêm công chúng. Và
các nhà thơ thật hạnh phúc vì chắc chắn có công chúng đón những bài
thơ tâm huyết và chính của mình.
BẾ KIẾN QUỐC
–
Tình hình xuất bản thơ gần đây
Sau
thời gian quãng vài ba năm chững lại, thơ chúng ta bắt đầu bộc lộ
những dấu hiệu rõ rệt của một sự khởi sắc đáng mừng. Gắn bó với đời
sống thật, để đón nhận những xúc cảm chân thực, và lắng nghe tiếng
vang của đời sống trong mọi ngóc ngách sâu xa của tâm hồn với đủ các
cung bậc buồn vui - thơ giờ đây đang cố gắng chiếm lại vị trí của
mình trong công chúng.
Vậy
nhưng, chính lúc này, thơ đang đứng trước một khó khăn to lớn. Đó là
khó khăn ở khâu xuất bản và phát hành. Tất cả các nhà xuất bản đều
không muốn in thơ, và các công ty phát hành sách đều không nhận phát
hành thơ. Vì lý do kinh doanh. Trong các hiệu sách, họa hoằn lắm mới
thấy bày bán một hai tập thơ. Điều ấy thật không bình thường!
Đồng
thời, lại xuất hiện một tình hình khác: Chỉ trong hai năm 1988,
1989, ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, và các địa phương, rất nhiều
tập thơ riêng của các tác giả đã được in (có lẽ cả 10 năm trước đó
cũng chỉ đến ngần ấy số đầu tập được in ra mà thôi!). Ngay với một
nhà nghiên cứu phê bình chuyên về thơ (chẳng biết bây giờ có còn một
nhà nghiên cứu phê bình nào như thế nữa không nhỉ?) hẳn cũng khó
lòng có đủ trên giá sách tất cả những tập thơ đã in trong hai năm
vừa qua.
Có tình
hình ấy, bởi các nhà xuất bản đã đưa ra một phương thức: sẽ xuất bản
(hay là chỉ xuất bản?) tập thơ nào mà tác giả của nó có thể chủ động
lo liệu được các khâu giấy má, in ấn, thậm chí cả tiêu thụ nữa. Nói
thẳng ra là: tác giả phải bỏ một phần hoặc toàn bộ (mà thường là
toàn bộ) số tiền chi phí cho việc in tập thơ của mình. Nhà xuất bản
thì đọc bản thảo cũng chỉ còn là một hình thức cho đủ. Tác giả có
thể chăm chút toàn bộ các khâu trình bày sách, nhờ họa sĩ vẽ bìa,
chọn phụ bản, tìm nơi in... Tùy theo số tiền cá nhân bỏ ra (tất
nhiên!), mức độ xấu đẹp của các tập thơ này rất khác nhau. Và, tùy
theo trách nhiệm của từng cơ quan xuất bản, chất lượng các tập thơ
này cũng rất khác nhau.
Một số
người cho rằng phương thức "liên doanh liên kết" này đã mở ra một
lối thoát cho việc xuất bản thơ. Các nhà xuất bản sẽ mạnh dạn (không
sợ lỗ) đối với việc in thơ. Mặt khác, do tác giả chủ động bỏ tiền,
tính chất "cửa quyền" của người biên tập nhà xuất bản sẽ bị hạn chế
đi: tác giả có thể chủ động chọn in những bài thơ tâm đắc nhất, tìm
tòi độc đáo nhất của mình. Và, sau nữa, nhờ tinh thần làm chủ ấy,
nhìn chung hình thức các tập thơ đã đẹp hơn trước đây rất nhiều.
Những
lý do nêu trên đều có phần nào đó là đúng. Chúng chỉ không đúng đối
với... những người không có tiền để in thơ mình ra! Mà, tiếc thay,
số người này ở giới làm thơ nước ta lại quá nhiều, và thuộc về số đó
có phần lớn những tác giả đáng chú ý của nền thơ ca hiện đại!
Các bạn
đã in thơ theo phương thức "liên doanh liên kết" hãy tha lỗi cho
tôi. Và xin hãy nghe tôi trình bày cho hết nhẽ. Trong hoàn cảnh hiện
nay, mà tự nguyện hy sinh những tiện nghi vật chất, thậm chí có
người còn phải chấp nhận sự túng thiếu trong gia đình, chỉ cốt sao
những rung động từ trái tim mình có được một con đường đến với công
chúng, mong tìm gặp một sự đồng điệu, cảm thông - bản thân việc đó
đã rất giàu chất thơ. Và, thực sự, trong các tập thơ được in theo
phương thức nói trên, có những tập rất đáng chú ý (của cả những
người đã là nhà thơ tên tuổi cũng như của một số cây bút mới). Ở
đây, rất tiếc là chúng ta đang thiếu cặp mắt xanh của những nhà
nghiên cứu phê bình, để kịp thời phát hiện, giới thiệu với công
chúng những tập thơ ấy. Phải công nhận rằng: đúng là có một số tập
thơ rất đáng được ra mắt bạn đọc, nhưng nếu cứ theo phương thức cũ
(xếp hàng lần lượt) thì không biết tới bao giờ mới đến tay bạn đọc,
và nếu như vậy thì sẽ là một sự thiệt thòi cho thơ ca nói chung.
Tôi
không hoàn toàn phản đối phương thức in thơ "liên doanh liên kết".
Nhưng trên thực tế, một số cơ quan xuất bản đã buông lơi trách nhiệm
của mình, cho ra mắt những tập thơ yếu kém về chất lượng. Chỉ cần
mỗi nhà xuất bản, do dễ dãi, nhân nhượng, góp vào thị trường chung
đôi ba tập thơ yếu kém, thì, cuối cùng, chúng ta lại rơi vào một
tình trạng lạm phát khiến công chúng nản lòng và đâm ra hoang mang
chẳng còn biết thơ ca đích thực là thế nào nữa cả. Cần phải có chuẩn
mực nhất định, và chỉ khi nào một tập thơ vượt qua chuẩn mực ấy -
thì sau đó mới nên bàn tới chuyện liên doanh liên kết.
Trở lại
những tác giả không có điều kiện "liên doanh liên kết", tình hình
cũng không phải đơn giản. Nhà xuất bản sẽ rất lúng túng trong việc
chọn thơ của ai để bỏ vốn ra in (và có khi phải chịu lỗ nữa). Lại
xếp hàng lần lượt như trước kia chăng? Lại đương đầu với bao nhiêu
chuyện phiền hà, bao nhiêu lời trách móc, kiện tụng? Lại chịu kinh
doanh không có lãi, thậm chí chịu lỗ, lấy gì nuôi nhân viên? Vân vân
và vân vân...
Để tháo
gỡ hàng loạt vấn đề như vậy, trước hết phải khai thông khâu phát
hành. Các cơ quan phát hành sách phải thay đổi quan niệm đối với
thơ: Không phải là ít đâu, những người tới hiệu sách thất vọng vì
chẳng thấy tập thơ nào để mua! Sau nữa, trách nhiệm và trình độ
người biên tập thơ của các nhà xuất bản cần phải nâng cao hơn, phải
tin ở sự thẩm định của mình và dám chịu đựng. Ngoài ra, cần làm tốt
công tác thăm dò dư luận - dư luận trong giới làm thơ và dư luận
công chúng. Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn nên được kiện toàn để có
thể đưa ra những ý kiến cố vấn cần thiết cho các nhà xuất bản. Đặc
biệt, năm nay việc xét tặng giải thưởng của Hội đồng Thơ có lẽ sẽ
phải tốn khá nhiều thời giờ và công sức thì mới bao quát được toàn
bộ số tập thơ đã in. Và, theo tôi, nếu tác phẩm được tặng thưởng nằm
trong số những tập thơ do tác giả liên kết với một nhà xuất bản nào
đó, thì nhà xuất bản Tác phẩm mới của Hội Nhà văn nên cho in lại để
phát hành rộng rãi.
Trong
những cuộc hội thảo trước đây về thơ, đã có nhiều sáng kiến đi tìm
các hình thức xuất bản: in thơ thành tờ rời một bài, in những tập
thật mỏng 10 bài, v.v... Nhưng chưa thấy nói nào thực hiện thử xem
sao. Biết đâu, những hình thức gọn nhẹ, đơn sơ ấy lại hợp với thơ?
Hoặc in thơ thành những tập mỏng chừng 15, 20 bài, như cách làm của
nhà xuất bản Đội cận vệ thanh niên (Liên Xô)? Hoặc in theo hình thức
những cahier de poésie như tạp chí châu Âu (Pháp)? Tất cả mọi
hình thức phong phú ấy đều nên được các nhà xuất bản cân nhắc, suy
nghĩ, thể nghiệm. Dù sao, xuất bản vẫn là một khâu rất quan trọng để
thơ ca đến được với bạn đọc.
Còn
thì, nói cho cùng, thơ ca cũng còn có nhiều con đường khác để đến
với công chúng yêu thơ: trên trang báo, trên làn sóng phát thanh và
truyền hình, trên diễn đàn những buổi đọc thơ trực tiếp... Thơ tồn
tại, không phải chỉ trong các tập thơ, mà ở trong tâm hồn.
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 30 (29-7-1989)
|