ĐỜI SỐNG VĂN
NGHỆ Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 50 (10-12-1988)
VĂN HỌC
VÀ ĐỔI MỚI
Hỏi chuyện nhà văn NGUYỄN ĐÌNH THI
Tôi đến trụ sở Hội Nhà văn gặp anh Nguyễn Đình Thi. Câu chuyện
nghiêm trang được mở đầu bằng một câu nói đùa: "Tôi muốn hỏi chuyện
anh về đổi mới bắt đầu từ ý nghĩ ngồ ngộ, chính anh là nạn nhân của
tệ bảo thủ. Nhiều bài thơ và vở kịch của anh trong quá khứ đã bị làm
khó dễ...!" Anh mỉm cười bảo: "Không phải chỉ một mình tôi mà từ
Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân và nhiều anh chị em
khác cũng đã từng gặp chuyện này chuyện khác trong quá khứ. Nhưng
thôi, anh muốn quan tâm đến chuyện gì đây?". Tôi muốn hỏi về xung
quanh câu chuyện chuẩn bị Đại hội nghề nghiệp của chúng ta, câu
chuyện chung về phong trào văn học và những cuộc tranh luận rộng rãi
trong năm qua trong câu chuyện ấy có câu chuyện của báo
Văn nghệ. Tôi muốn xin anh mấy câu phát biểu chính thức với tư
cách là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Nhân nói về chức Tổng thư
ký, anh nhắc lại rằng, anh đã nói công khai rồi, là khóa này anh xin
nghỉ, xin được nhường cho anh em lớp trẻ. Anh hoàn toàn tin tưởng ở
anh em và sự sáng suốt của Đại hội. Và câu hỏi câu đáp của chúng tôi
đã được chép lại như sau, từ việc hẹp đến việc rộng.
P.V.
- Từ ít lâu nay, đặc biệt là từ sau Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhà
văn hồi tháng 9, xung quanh tờ tuần báo Văn nghệ rất nhiều ý
kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về phong trào văn học và
chất lượng đổi mới của tờ báo này. Trước khi đặt ra một vài câu hỏi,
tôi cố gắng vẽ ra một cách sơ lược một bức tranh tổng quát mà từ đó
các vấn đề tranh luận đã nảy sinh. Rằng từ hơn một năm nay, tờ báo
Văn nghệ đã trở thành tờ báo khá nổi bật trong sinh hoạt báo
chí và trong dư luận bạn đọc. Hàng loạt ký sự, phóng sự gây xôn xao
dư luận... Nhiều bài phỏng vấn nêu lên cái mất dân chủ trong Đại hội
lần trước, cái yếu kém của các tổ chức văn học hiện nay, dường như
những cái bia bảo thủ được dựng lên và hàng loạt súng chữ đã nổ trên
mặt báo. Rồi đến loạt truyện ngắn và các bài phê bình tranh cãi về
một vài tác giả được giới thiệu thành vệt trên Văn nghệ. Thế
rồi có thông báo của Hội nghị Ban Chấp hành. Thực ra, trước đó, trên
báo Quân đội nhân dân, Văn nghệ quân đội, Nhân dân, Tạp chí Cộng
sản và một số báo chí khác cũng đã có phê phán lẻ tẻ một số công
việc cụ thể của tờ báo này. Đến nay, xung quanh câu chuyện này có
rất nhiều thông tin, chính thức có, lời đồn có, thật có, nhiễu có.
Có một loạt ý kiến thế này: Trong công cuộc đổi mới hiện nay có hai
loại người, loại người đổi mới
và loại người
bảo thủ.
Và trên mặt báo, sau lưng tờ báo cuộc tranh luận đã và đang diễn ra
không phải là không náo nhiệt. Bạn đọc khao khát dân chủ và đổi mới
thật sự hết sức quan tâm đến tình hình và không thể không lo lắng.
Vậy, xin anh cho nghe ý kiến về những vấn đề mà anh cho là cần thiết
liên quan đến sinh hoạt văn học trong thời gian vừa qua.
N.Đ.T.
- Trước hết cho tôi nhận xét rằng, bức tranh anh vẽ lên vừa rồi chỉ
là một mảng trong sinh hoạt văn học, chứ chưa phải là toàn cảnh đời
sống văn học. Hội Nhà văn chúng ta có gần 500 hội viên, chỉ một số
rất ít trong số họ được góp bàn trên báo
Văn nghệ - trong hơn
một năm vừa rồi. Số trang của báo có hạn đã đành, nhưng không chỉ vì
thế. Chuyện ấy tôi xin nói sau.
Trước
hết tôi phải nhắc lại ý kiến đánh giá của Hội nghị Ban Chấp hành vừa
rồi. Có lẽ cái thông báo của Hội nghị đã đăng, viết quá vắn tắt,
cũng đã gây nên sự thắc mắc trong công chúng.
Hội
nghị Ban Chấp hành đã nhiệt liệt biểu dương công cuộc đổi mới nói
chung và công cuộc đổi mới trong văn học. Hội nghị ấy đánh giá rằng,
sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đặc biệt là sau cuộc gặp
gỡ của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các nhà văn diễn ra
vào cuối năm ngoái, một không khí mới đã thổi vào văn học. Sáng tác
đã có thêm nhiều thành tựu mới. Nhiều vấn đề lớn và khó như mối quan
hệ giữa quyền lực và năng lực trong xã hội hiện tại, về cái thực và
cái giả trong tư tưởng và trong đạo đức, về việc định lại các giá
trị đã có trong quá khứ và các giá trị cần có trong tương lai. Những
thành tựu nói trên đã biểu hiện một phần trên tờ
Văn nghệ
trong đó có sự cố gắng rất lớn của tập thể tòa soạn. Nhà văn không
chỉ đi tìm cái hay, cái đẹp mà còn đi vào xã hội, suy ngẫm và bàn
bạc, cùng xã hội tháo gỡ các ràng buộc, phục vụ trực tiếp các nhu
cầu tiến bộ xã hội. Nhiều nhà văn đã khao khát tìm tòi, đổi mới
chính mình. Khao khát cái mới là tâm lý vốn có của tất cả những
người cầm bút. Làm sao lại không hào hứng ủng hộ sự đổi mới? Nếu chỉ
có mấy người "đổi mới" thì làm sao làm nên một nền văn học?
Tuy
nhiên, bên cạnh những thành tựu trong sáng tác đã có sự lúng túng,
sự lẫn lộn và cả sự lệch lạc nữa. Chẳng hạn, sự thật và sự tàn nhẫn.
P.V.
- Tôi xin được hỏi chen một câu, vậy theo anh có nên viết về
sự
thật tàn nhẫn hay không?
N.Đ.T.
- Tôi không nói về sự thật tàn nhẫn mà nói về sự tàn nhẫn.
Viết về ma
có thể là thực, viết về
người có thể là
giả, cái đó còn tùy. Nhưng cái tác giả đem đến cho bạn đọc thì không
được tàn nhẫn. Tôi nói tiếp về sự lúng túng, sự lẫn lộn. Có những
tác giả muốn đổi mới trong lối viết đã miêu tả tình yêu, tình dục
bằng những lời lẽ tục tĩu, thấp kém. Bên cạnh những dụng ý tốt mà
kết quả chưa tốt còn có những dụng ý xấu, đến những động cơ thấp
kém.
Thế còn
sự lệch lạc? Lệch thì sinh ra
lạc. Vậy có sự
lệch
không? Chỉ nhìn thấy cái tiêu cực mà không nhìn thấy cái tích
cực, hẳn là lệch. Nhưng điều đáng quan tâm hơn là kết quả
cuối cùng của tác phẩm có gây nên tâm lý tiêu cực hay không. Không
phải không có tác phẩm đã gây nên tâm lý hoài nghi, chán chường. Có
một cây bút trẻ đã cho in câu thơ tôi nhớ thế này: Em ơi,
bây giờ chỉ có một cái đúng thôi: Đừng
tin vào cái gì hết.
P.V.
- Cái bất khả tín này có lẽ bắt đầu từ
bất khả tri.
Tâm lý không muốn kiểm tra tri giác của chính mình, hình như có ở
hầu hết các nước sau cuộc chiến tranh lớn...
N.Đ.T.
- Ở Pháp, người ta đã vẽ râu cho tranh
La Giôcông... Những
chuyện ấy đều xảy ra sau chiến tranh. Nhưng đấy chỉ là quy luật của
tâm lý, còn những quy luật khác nữa chứ. Một việc lớn khác xin nói
luôn ở đây là những tác phẩm viết về chiến tranh và cách mạng. Gần
đây, do công cuộc đổi mới mở ra, nhiều cây bút đã viết một cách khá
sắc sảo về những khuyết điểm, sai lầm của ta. Tuy nhiên, nhìn về quá
khứ chỉ thấy sai lầm là lệch và lệch một cách nguy hiểm. Lớp
kỹ sư ra trường năm nay,
1988, hồi kết thúc cuộc chống Mỹ, họ mới 12, 13 tuổi. Với các
kỹ sư ra trường năm nay,
ký ức kháng chiến đã có thể lòe nhòe huống chi với bao thanh thiếu
niên đang lớn lên. Trách nhiệm công dân của người cầm bút ở điểm này
là rất đáng nói. Chúng ta đâu có bảo nhau tô hồng quá khứ, nhưng chỉ
nói một phía sai lầm cũng là xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử.
Rất mừng là trong sáng tác, điều này chỉ là lẻ tẻ thôi.
P.V.
- Vậy trong lý luận phê bình thì sao, thưa anh?
N.Đ.T.
- Cũng không nên nói là lý luận hay phê bình mà chỉ nên nói là trong
một số lời phát biểu trên báo, có lời lẽ phủ nhận quá khứ. Nếu quá
khứ đáng phủ nhận thì cứ phủ nhận, nhưng quá khứ của ta cơ bản là
quá khứ đánh giặc, việc đời còn rành rành ra đó, đã xa xôi gì đâu.
Hình như có một tiêu chuẩn về đổi mới mà một số người tự cho là "đổi
mới" đặt ra là thế này sao: chê hoặc chửi là đổi mới, chê càng
nhiều, chửi càng nhiều là đổi mới càng nhiều. Còn khen là bảo thủ.
Nói sai là mới, bàn khác đi là bảo thủ. Đấy là nói về quá khứ nói
chung. Còn quá khứ văn học nghệ thuật? Chính Tế Hanh, nhà thơ mà
người ta gọi là tiền chiến đã nói rằng việc đánh giá lại các
nhà thơ trước năm 1945 như Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Xuân Diệu... là
đúng, nhưng nếu dùng thành tựu hồi
Thơ Mới để coi là tuyệt
đỉnh, phủ nhận mọi thành tựu thơ ca cách mạng là sai lầm.
P.V.
- Có lẽ điều ấy dư luận cũng dễ dàng nhất trí. Bây giờ, xin anh cho
nghe tiếp về công cuộc đổi mới trong văn học.
N.Đ.T.
- Chúng ta, phải chống bảo thủ và phải chống "đổi mới" cực đoan.
Chúng ta chủ trương sự đổi mới tỉnh táo. Đổi mới là sự nghiệp chung.
Chưa ai có thể nói là đã nắm được chân lý. Đấu tranh không khoan
nhượng để tìm ra lẽ phải thì phải lắng nghe nhau, phải khách quan
trong đánh giá, trong phát biểu chính kiến. Không nên tồn tại tư
tưởng độc quyền về đổi mới. Ai theo mình, ai nói giống mình là đổi
mới, ai nói khác đi là chống đổi mới. Tờ báo
Văn nghệ thời
gian qua bộc lộ rõ khuyết điểm này. Muốn có đổi mới phải có dân chủ,
tư tưởng phe cánh trong văn học không phải là dân chủ. Tờ báo đã cho
nói đi thì phải cho nói lại. Và cũng không thể lấy tờ báo này làm
một cái chuẩn. Ai ủng hộ nó là đổi mới, ai phê bình nó là bảo thủ.
Thực chất làm đổi mới cực đoan là làm hại sự đổi mới thật, làm dân
chủ quá khích sa vào sự mị dân. Để đóng góp vào công cuộc này của
văn học và xã hội đòi hỏi công việc vận động cho cái mới. Số đông im
lặng là không tốt, số ít im lặng cũng không tốt, đặc biệt là văn
nghệ và trong khoa học. Chống độc quyền một thiên hướng là một trong
những kết luận sáng suốt của Ban Chấp hành.
P.V.
- Xin anh nói thêm về vấn đề này. Sự độc quyền một thiên hướng ấy đã
biểu hiện như thế nào trong năm vừa qua?
N.Đ.T.
- Điều ấy tôi đã nói ở phần trên. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng, tư
tưởng độc quyền thường xuất hiện từ sự suy tôn chính mình chứ không
phải vì cộng đồng, nó không động viên được sự suy nghĩ khác nhau để
tìm ra chân lý mà cũng làm nghèo đi các hình thức vốn rất đa dạng
của văn học. Sự độc quyền này đã biểu hiện khá rõ rệt. Lấy một ví dụ
ai cũng thấy, có những cuốn sách bình thường, mà có đến năm sáu bài
phê bình, trong khi đó rất nhiều cuốn sách có giá trị thì không được
một dòng nào. Có nhiều cuốn sách có cách nhìn mới, có cách viết mới,
dư luận bạn đọc cũng biểu dương những cuốn ấy, nhưng trên
Văn
nghệ có một dòng nào đâu? Anh Nguyễn Văn Bổng đã nói như vậy.
Nếu chỉ đọc Văn nghệ trong một năm qua thì tưởng như các nhà
xuất bản nghỉ cả, chỉ có vài ba tác giả là đáng nói tới. Tờ báo như
vậy đã không đoàn kết được lực lượng. Tòa soạn tờ báo đã tự kiểm
điểm trong nội bộ rằng việc làm này gây ấn tượng bè nhóm. Những
khuyết điểm ấy là của tờ báo đã đành, nhưng trước hết là khuyết điểm
của Tổng biên tập. Nhưng cũng có người có lẽ là trong một lúc cao
hứng, bằng phép quy nạp thế nào đó, đưa ra công thức là muốn ủng hộ
sự nghiệp đổi mới, phải ủng hộ Tổng biên tập báo
Văn nghệ.
Tổng biên tập Văn nghệ, cứ theo thế, với đổi mới là một.
P.V.
- Tôi muốn hỏi anh ngay ở đây về những quyết định của Ban Chấp hành
và Ban Thư ký Hội Nhà văn. Trước hết, có người nói rằng Ban Chấp
hành hiện nay là kết quả của một đại hội mất dân chủ. Vậy xin anh
bình luận cho về vấn đề này.
N.Đ.T.
- Như anh và các nhà văn khác đã dự đại hội biết rõ việc bầu cử có
mất dân chủ hay không. Trước hết là việc họp đại hội đại biểu chứ
không phải là đại hội toàn thể. Điều ấy là ngoài ý muốn của ban trù
bị đại hội. Việc bầu cử ở tất cả các ngành, các địa phương lúc ấy
đều làm như thế này: Cấp trên dự kiến, đưa ra thăm dò, đại hội đề cử
thêm rồi bầu bằng phiếu kín. Đại hội Nhà văn khi ấy cũng làm gần như
vậy. Một cuộc thăm dò đã được tổ chức trong toàn thể hội viên. Kết
quả đã được công bố trong cuộc họp trù bị của toàn thể đại hội. Ban
Chấp hành (cũ) căn cứ vào đó, thực hiện chức trách của mình, đã đề
cử một danh sách hơn 40 người nhưng danh sách cuối cùng là do đại
hội đề cử tại hội trường. Con số đề cử là hơn 70 người trong đó có
tên nhiều người trùng với dự kiến của Ban Chấp hành (cũ). Cái thiếu
sót đã gây thắc mắc là trong phiếu bầu, danh sách do Ban Chấp hành
(cũ) giới thiệu in một khung riêng, danh sách do các đại biểu đề cử
thêm in một khung riêng.
Đại hội
đã bỏ phiếu kín. Ban kiểm phiếu cũng do đại hội cử ra. Anh nên xem
lại danh sách Ban kiểm phiếu trong cuốn
Văn học trong giai đoạn
cách mạng mới. Như thế không có nghĩa là Ban Chấp hành ấy là do
ai đó bày đặt ra. Kết quả bầu cử đã được toàn đại hội công nhận. Ban
Chấp hành ấy là cơ quan dân cử nói lên tiếng nói đoàn thể của các
nhà văn Việt Nam. Muốn có dân chủ phải để cho Ban Chấp hành thực sự
làm chủ công việc của mình. Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ VII vừa
qua đã thực hiện quyền làm chủ ấy.
P.V.
- Theo anh, tờ tuần báo Văn nghệ, trước mắt phải được tiếp
tục như thế nào?
N.Đ.T.
- Về phương hướng tờ báo, Nghị quyết của Ban Chấp hành đã nói rõ
phải "nâng cao chất lượng tuần báo
Văn nghệ theo hướng đổi
mới". Ban Chấp hành và Ban Thư ký Hội Nhà văn không để cho tờ báo
"xuống thang" hay "xuống cấp", không muốn tờ báo phân tâm mà co lại,
đăng những sáng tác và tiểu phẩm vô thưởng vô phạt. Phải tiếp tục
chống bảo thủ, tiến lên trên con đường đổi mới. Phải tiếp tục một
cách không khoan nhượng chống lại các biểu hiện tiêu cực trong xã
hội, đồng thời biểu dương các nhân tố mới đã và đang xuất hiện, nói
lên nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân.
Văn nghệ là
tờ báo của Hội Nhà văn. Phải phản ánh trung thực tiếng nói văn học
và tiếng nói chính trị của các nhà văn Việt Nam. Phải đoàn kết được
lực lượng. Theo tôi cần có dân chủ trong sáng tác, do vậy phải đa
dạng hơn trong nội dung. Việc hôm nay tờ báo không bỏ qua mà
việc muôn đời muôn thuở tờ báo vẫn nhớ tới. Cần đa dạng hơn
trong thể loại, trong phong cách, chấp nhận và nuôi dưỡng những tìm
tòi trong sáng tác, đặc biệt là với các cây bút mới. Chống bóp nghẹt
tác phẩm chân chính, khuyến khích tự do sáng tạo. Nhưng tự do không
có nghĩa là thả nổi. Về tổ chức, đồng chí Tổng biên tập của bất kỳ
tờ báo nào (không phải của tư nhân), một mặt phải chịu trách nhiệm
trước pháp luật, mặt khác phải chịu trách nhiệm trước cơ quan lãnh
đạo của đoàn thể mà nó phụ thuộc (bởi vì, về nội dung công tác,
không phải tất cả các vấn đề đều chỉ liên quan đến pháp luật). Đó là
nguyên tắc trong mối quan hệ chỉ đạo của cơ quan lãnh đạo và tờ báo
mà đoàn thể giao cho nó phụ trách. Một thời gian kéo dài Tổng biên
tập quay lưng lại, không chịu hợp tác với Ban Thư ký Hội Nhà văn.
Mặc dầu có thể có ý kiến khác nhau cần tranh luận giữa cơ quan lãnh
đạo và Tổng biên tập, giữa Tổng biên tập và tòa soạn, cần phát huy
vai trò cá nhân phụ trách nhưng cũng phải có một tập thể mạnh tránh
tình trạng một cá nhân Tổng biên tập chủ quan đi đến độc đoán. Ban
Thư ký Hội Nhà văn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tờ tuần báo
Văn nghệ theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Để đảm
bảo cộng đồng trách nhiệm giữa Ban Thư ký Tòa soạn tờ báo và đại
diện cho các nhà văn, chúng tôi đã cử một ủy viên thư ký trực tiếp
phụ trách tờ báo, cùng tập thể Ban biên tập và một hội đồng biên tập
với sự tham gia của một số nhà văn có khả năng nâng cao chất lượng
tờ tuần báo theo hướng đổi mới có tư tưởng và sáng tác đổi mới, có
kinh nghiệm làm báo, chủ yếu thuộc lứa tuổi chống Mỹ cứu nước. Chúng
tôi đã mời đồng chí Tổng biên tập cũ về làm phó Ban chuẩn bị Đại hội
để cùng chúng tôi xúc tiến công việc quan trọng này.
Tất
nhiên, câu chuyện của chúng ta còn bỏ qua rất nhiều việc chưa kịp
bàn. Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 50 (10-12-1988) 12-6-22 |