ĐỜI SỐNG VĂN
NGHỆ
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số
13 (26-3-1988)
ĐỔI
MỚI QUA NHỮNG TRANG VĂN XUÔI
NGUYỄN KIM ANH
Khoảng nửa năm
nay, hơn bao giờ hết, tôi đón đọc một cách sốt sắng tờ báo
Văn nghệ.
Cũng không lấy làm ngạc nhiên khi thấy chung quanh tôi có nhiều
người như vậy. Tôi nghĩ chính là vì báo
Văn nghệ
của chúng ta đã có đổi mới và chuyển biến
thật sự; từ phần văn xuôi đến thơ, cho tới các bài lý luận phê bình,
các bài giới thiệu hay dịch sáng tác văn học nước ngoài... Tôi không có tham vọng nói về tất cả những
thể loại trên, chỉ xin nói một vài cảm tưởng của mình về phần văn
xuôi, gồm truyện ngắn, bút ký, phóng sự. Báo
Văn nghệ
gần đây có những truyện ngắn thu hút nhiều sự quan tâm của người
đọc. Truyện Tướng về hưu
của Nguyễn Huy Thiệp kể về một vị tướng sau khi tham gia các cuộc
kháng chiến anh dũng đánh đông dẹp bắc trở về lại phải cô đơn trong
chính gia đình mình, lạc lõng với tất cả, đến nỗi phải nói với con:
"Sao tôi cứ như lạc loài?". Đất nước ta sau những năm tháng chiến
tranh, những người đáng kính như ông tướng Thuấn đã đánh thắng giặc,
nhưng khi trở về bàn giao cho thế hệ sau xây dựng đất nước thì cô
đơn, hoảng loạn trước thực trạng rối ren, phức tạp thực sự của cuộc
sống, của đời thường. Tác phẩm là hồi chuông thức tỉnh, báo hiệu sự
xuống cấp của đạo đức xã hội. Cũng là sự cô đơn,
nhưng trong truyện ngắn Rét lộc
của Hoàng Thế Sinh là cái cô đơn của một nhà giáo, một người thẳng
thắn quá nên cô đơn trong đám người không thẳng thắn và không dám
thẳng thắn. Cái trăn trở của nhân vật Đặng là cái trăn trở của không
ít người ngay thật trong xã hội. Nhân vật đã vượt khỏi những dằn vặt
triền miên. Tác giả đã phản ánh được nội tâm của nhân vật Đặng.
Đúng, cuộc đời hôm nay còn lắm bất công, những người có tài,
đấu tranh
cho lẽ phải, lẽ công bằng, còn chưa biết
tránh đâu
nhưng như Đặng họ sẽ lấy lại được niềm tin và nhất định họ sẽ chiến
thắng. Đọc Rét lộc,
tôi đã phải khóc, nhưng rồi cuối cùng tôi cũng cố nở một nụ cười hy
vọng. Còn
Chuyện như đùa
và Lại chuyện như đùa
của Mai Ngữ thì thật chẳng đùa được chút nào, chỉ thấy xót xa cho
những người làm khoa học chân chính của đất nước. Câu chuyện thật
là... cười ra nước mắt. Chuyện "đi nước ngoài" mới phức tạp làm sao! Không biết những
người khác đọc Cái đêm hôm ấy...
đêm gì? của Phùng Gia Lộc có cảm
tưởng thế nào, chứ tôi thì tôi sợ quá. Có lẽ tôi cũng sợ sự thật
chăng? Hay vì lâu nay tôi đã quen với "lãng mạn xã hội chủ nghĩa"
ngọt ngào nhiều nên lạ lẫm trước "hiện thực phê phán đắng cay"? Tôi
có cảm giác như là đang đọc những câu "nửa đêm thuế thúc trống
dồn..." của Tố Hữu, hay những trang
Tắt đèn
của Ngô Tất Tố. Tâm trạng anh Lộc khác gì tâm trạng anh giáo Thứ
trong Sống mòn
của Nam Cao ngày nào? Đáng sợ đấy chứ! Đau thương đấy chứ! Cám ơn
tác giả Phùng Gia Lộc đã kể về cái đêm khủng khiếp, thê thảm ấy. Truyện ngắn
Người đàn bà quỳ
của Trần Khắc cũng làm tôi suy nghĩ nhiều. Người đọc thấy tác hại
của chuyện quan liêu, làm bậy ở xã, huyện, tỉnh... có đoạn trong tác
phẩm khác nào đoạn vào cửa quan nơi
Bước đường cùng
của Nguyễn Công Hoan trước đây. Nhưng đọc
Người đàn bà quỳ
tôi tin lắm - tin vào những người như bà Khang, và tin vào sự thay
đổi theo hướng "Những việc cần làm ngay". Đúng, tác giả đã liên
tưởng đến bức tượng người đàn bà quỳ tay nâng lá đơn kiện trên đầu
rất hay. Những người như thế thật dũng cảm, đáng khâm phục, họ sẽ
làm đổi mới đất nước. Tôi chưa thấy yên
lòng khi chưa nói đến bài phóng sự
Làng giáo có gì vui
của Hoàng Minh Tường. Có phải định nghĩa
về người giáo viên bây giờ là "người nông dân, người thợ thủ công có
nghề phụ là nghề dạy học" không? Đã bao nhiêu nhà giáo bỏ nghề? Sự
đổi mới ở đây ra sao? Tóm lại là sự thật - chúng tôi cần sự thật.
Nếu như được đau cái đau thật, được buồn cái buồn có ý nghĩa, được
suy nghĩ những suy nghĩ đúng đắn và cần thiết để rồi có ý thức về
trách nhiệm của mỗi người, có niềm tin thật chứ không phải viển
vông, thì hơn là khoanh tay ngồi đợi với ý nghĩ rồi thời cuộc sẽ trả
lời, và đọc những bài báo véo von, vô bổ. Tình trạng kiểm
duyệt trước đây đã tạo ra phản xạ "tự kiểm duyệt" của nhiều người
cầm bút - tự bớt sự thật. Chúng tôi cần biết sự thật, cần nói thẳng;
nhưng cũng cần nói một cách có nghệ thuật trên báo
Văn nghệ,
vì Văn nghệ
không đơn thuần là một tờ báo thông tin. Cuối cùng, xin nói
rằng, chúng tôi, những độc giả - sinh viên rất mong được tiếp tục
đón đọc báo Văn nghệ
với những truyện ngắn, bút ký, phóng sự... thật hơn nữa, hay hơn
nữa, và cũng mong được đọc nhiều bài của các tác giả mới và trẻ, cả
về văn xuôi, thơ, lý luận phê bình... Nguồn: Văn
nghệ, Hà Nội, số 13 (26-3-1988) 4-11-2021 |