ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
Văn nghệ, Hà Nội, số 44 (31-10-1987)
CẦN PHÁT HUY ĐẦY ĐỦ CHỨC NĂNG
(Phát biểu trong cuộc gặp gỡ của Tổng Bí thư NGUYÊN NGỌC
Kính thưa đồng chí Tổng Bí thư, Thưa các đồng chí Từ sáng hôm qua đến giờ, nhiều đồng chí đã phát biểu rất sâu sắc về những vấn đề quan trọng. Tôi nhất trí với nhiều ý kiến trong số đó. Vì thời gian có hạn, tôi xin không nhắc lại những ý kiến đã nhất trí, chỉ nói thêm về một số vấn đề các đồng chí trước chưa nói, hoặc một số khía cạnh chưa được nói tới trong các vấn đề các đồng chí trước đã nêu ra. Tôi nghĩ trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, văn học nghệ thuật ta đã làm tròn xuất sắc nhiệm vụ của mình. Cùng với các ngành khác, văn học nghệ thuật đã góp phần xứng đáng tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc, của Đảng để đánh thắng kẻ thù. Từ đó, cùng góp phần quan trọng xây dựng, phát triển và khẳng định những giá trị tinh thần và đạo đức mới tốt đẹp cho con người, cho xã hội. Về phần bản thân mình, văn học nghệ thuật ta cũng đã có một bước trưởng thành lớn về nhiều mặt, trong đó có lẽ đáng chú ý hơn cả là sự trưởng thành về đội ngũ... Những điều này không còn gì phải bàn cãi nhiều. Tuy nhiên mặt khác cũng cần thấy rõ rằng trong suốt thời kỳ kéo dài hơn 30 năm ấy, văn học nghệ thuật nước ta đã phát triển trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt của chiến tranh. Cho nên tất yếu có những hạn chế không thể tránh khỏi, những hạn chế ấy đã để lại những dấu vết hằn sâu. Ví dụ: do điều kiện chiến tranh, trong văn học nghệ thuật đã thường quen chỉ nói một chiều. Chỉ nói thắng lợi không nói thất bại; chỉ nói bằng thành tích, không nói tổn thất; chỉ nói sự đúng đắn, không nói sai lầm... tuy ai cũng biết rằng mỗi thắng lợi trong cuộc chiến tranh đều đã phải trả giá bằng biết bao nhiêu tổn thất hy sinh, thất bại và cả sai lầm cay đắng... Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ một chế độ xã hội cũ, chúng ta mong muốn bắt tay xây dựng một xã hội mới tốt đẹp. Nhưng lập tức chúng ta bước ngay vào chiến tranh chống ngoại xâm, cuộc chiến ấy cực kỳ ác liệt và kéo dài. Điều kiện chiến tranh buộc chúng ta hầu như lúc nào cũng phải giải quyết ngay những việc cấp bách nhất, còn những việc lâu dài, cơ bản thì cứ phải gác lại. Trong công tác tư tưởng cũng vậy. Trong văn học cũng vậy. Ví dụ như, trong giáo dục, trong văn học nghệ thuật, suốt mấy mươi năm chúng ta đã nói rất nhiều, rất đậm về tình đồng chí, quan hệ đồng chí, điều ấy là đúng và tốt quá. Song ta lại chưa kịp, chưa có thời gian... và cũng quên không nói về một cái sơ đẳng hơn, nhưng cũng gốc gác hơn của con người là tình bạn... Hoặc chúng ta đã nói nhiều, sâu về đất nước, về Tổ quốc, về Đảng, về nhân dân, về kẻ thù..., nhưng gần như đã quên hẳn một thời gian rất dài không nói gì với các cháu bé của chúng ta về cha mẹ, về gia đình... Trong việc xây dựng tư tưởng, tình cảm, nhân cách cho con người, chúng ta vừa đạt được những tầm rất cao, lại vừa có sự hụt hẫng ở một số mặt gốc rễ, cơ bản, lâu bền. Có thể nói chừng nào đã có xu hướng "thực dụng" ở đây. Đó là một sự phiến diện không nhỏ. Điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh cũng dẫn đến khuynh hướng đồng nhất tất cả với chính trị. Cả giáo dục, cả văn học nghệ thuật, thậm chí cả những phạm trù khoa học như sử học, đạo đức học, tâm lý học... đều nhất loạt bị đồng nhất với chính trị. Cuộc chiến tranh giải phóng ác liệt đặt lên hàng đầu sự mất còn của toàn dân tộc. Số phận của toàn dân tộc lấn át hết mọi quan hệ khác. Trong văn học nghệ thuật điều ấy cũng in dấu rõ: cái chung, cái cộng đồng, cái toàn dân tộc là quan trọng nhất; cái riêng hầu như chưa được biết đến, nói đến. Chưa có quyền của cái riêng... Tất cả những điều trên đây là dễ hiểu, có tính lịch sử, là đương nhiên của một "thời kỳ văn học nghệ thuật chiến tranh". Chỉ có điều, khi chuyển sang thời kỳ khác, thời kỳ xây dựng hòa bình, tức là trở lại cuộc sống bình thường, lâu dài, hàng ngày... của một đất nước, một xã hội, nếu chúng ta không kịp nhận ra và kịp thời khắc phục những hạn chế có tính lịch sử trước đây, thì những hạn chế đó sẽ trở thành những nhược điểm, thậm chí những khuyết điểm sai lầm, cản trở sự phát triển của văn học nghệ thuật. Tiếc thay, vừa qua chúng ta đã phạm đúng điều này trong sự lãnh đạo văn học nghệ thuật. Thật ra, từ gần 10 năm trước đây, có người cũng đã thấy và chỉ ra. Nhưng liền bị quy chụp là "phủ nhận thành tựu", là ảnh hưởng đủ thứ quan điểm tư tưởng sai trái này nọ. Và những ý kiến trăn trở ấy bị dập đi... Theo tôi, chúng ta đã chậm trễ mất khoảng mươi năm. Trong văn học nghệ thuật mươi năm có thể là cả một thế hệ! Thế mới biết lỗi ở chỗ này không nhỏ. Đấy là một trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo nàn trong văn học nghệ thuật vừa qua như đồng chí Tổng Bí thư nhận xét. Một nguyên nhân khác, theo tôi, là đẻ ra từ hệ tư tưởng bao cấp nặng nề thống trị trong suốt thời gian rất dài, kể cả "bao cấp về tư tưởng". Có những thời kỳ dài, tôi xin nói một cách hình ảnh, cứ hàng quý đến kỳ anh tuyên huấn cấp dưới lại khăn gói lên tuyên huấn cấp trên, lĩnh một ít tư tưởng do cấp trên cấp phát cho, về để tiêu dùng cho mình và đơn vị mình trong suốt quý. Hết quý, lại đi lĩnh suất khác. Nếu chẳng may đến kỳ rồi mà giao thông trắc trở chưa đi lĩnh được suất tư tưởng mới thì đành lúng túng ngồi chờ vậy, chẳng thể tự mình nghĩ ra được và dám nghĩ ra cái gì khác. Bởi đã quen: quyền suy nghĩ là quyền của cấp trên! Tôi e rằng tình trạng này đến nay cũng chưa hết hẳn đâu. Trong văn học nghệ thuật, tình trạng này cũng nặng nề. Mãi gần đây, một hôm tôi được chứng kiến một nhà văn có tên tuổi hẳn hoi và đang giữ một cương vị khá quan trọng trong bộ máy lãnh đạo văn học ta, lên chỗ Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương của đồng chí Trần Độ, nằng nặc đòi: "Trung ương phải chỉ đạo cho chúng tôi nên xây là chính hay chống là chính chứ! Lúc này văn học nên ca ngợi cái tốt là chính hay đấu tranh chống tiêu cực là chính? Phê bình đấu tranh đến mức nào? Tỷ lệ như thế nào?... Yêu cầu Ban của Đảng phải chỉ đạo cho chúng tôi!...". Riêng tôi, hôm ấy, tôi nghĩ: nếu tự anh không biết được trước cuộc đời hôm nay anh cần ca ngợi cái gì, đấu tranh chống cái gì, anh yêu ai ghét ai, anh phải yêu như thế nào và ghét như thế nào... thì anh còn là nhà văn cái nỗi gì! Quả thật thói quen chỉ có thể, chỉ được phép suy nghĩ điều cấp trên đã suy nghĩ, thói quen chỉ được, chỉ dám và chỉ biết suy nghĩ theo phép cấp trên đã thống trị lâu dài trong xã hội ta. Mọi cái "lạ" đều phải kiêng kỵ. Tình trạng đó tất nhiên làm khô cằn mọi sự sáng tạo, trước hết là sáng tạo văn học nghệ thuật. Anh Huy Cận có nói những quan niệm thô thiển, hẹp hòi, cứng nhắc trong lãnh đạo, theo anh, ở các cấp ủy địa phương đã cản trở nhiều sự sáng tạo văn học nghệ thuật. Tôi nghĩ khác. Ở nước ta hiện nay, số lượng văn nghệ sĩ làm việc ở trung ương đông hơn ở các địa phương nhiều. Nếu sự thô thiển, hẹp hòi, cứng nhắc chỉ có ở các cấp ủy địa phương như anh Huy Cận nói, thì làm sao giải thích tình trạng nghèo nàn hiện nay của văn học nghệ thuật ta, không chỉ nghèo "ở các địa phương"? Phải tìm ở chỗ khác. Tôi nghĩ rằng trong sự lãnh đạo văn học nghệ thuật, chúng ta có sai ở một số vấn đề quan trọng cơ bản và sai ở ngay trong "hệ chính thống", chứ không phải ở bộ phận, ở cục bộ, ở địa phương. Tôi chỉ xin tập trung nói về một vấn đề theo tôi là nóng bỏng nhất và cũng là vấn đề cơ bản, lâu dài: Vấn đề chức năng xã hội, hay là vai trò vị trí xã hội của văn học nghệ thuật. Nhiều đồng chí đã nói về các vấn đề cơ chế, chế độ, chính sách, về sự đối xử với các văn nghệ sĩ v.v... Tôi nghĩ những điều đó đúng, cần nói, cần giải quyết. Nhưng có lẽ dẫu sao những cái đó cũng chỉ là hệ quả tất yếu của những cái quan trọng hơn: ấy là quan niệm về chức năng xã hội của văn học nghệ thuật. Ở ta cho đến nay vẫn thống trị hai quan niệm phổ biến về chức năng xã hội của văn nghệ. Một là văn nghệ minh họa. Chức năng phản ánh của văn nghệ được hiểu một cách thô thiển. Đại thể là: Đảng và nhân dân đã làm nên sự nghiệp anh hùng, văn nghệ hãy ghi chép lại đi, để ngợi ca, để cho mọi người biết, để cho con cháu mai sau hiểu. Hoặc cao hơn một chút nữa, thì: cuộc đấu tranh xã hội diễn ra phức tạp như thế đấy. Đảng, Nhà nước đã giải quyết như thế này, thế này... Văn nghệ sĩ hãy theo sát, tìm hiểu và ghi chép lại, trình bày những bài học Đảng đã rút ra được ở đó, một cách văn chương, để mọi người dễ tiếp thu, thấm thía... Văn nghệ là đi sâu chính trị. Chính trị giải quyết. Văn nghệ phản ánh... Quan niệm thứ hai là: "Văn nghệ xướng ca" (và đương nhiên dẫn đến: "xướng ca vô loài"!). Đại thể: văn nghệ là một thứ trang trí của xã hội. Khi no đủ, vui vẻ, gọi văn nghệ đến giải trí, mua vui. Còn khi mệt, bận, cáu thì văn nghệ liệu mà tránh xa ra, đừng có quấy rầy!... Vai trò xã hội của văn học nghệ thuật bị hạ thấp. Mọi thái độ đối xử không đúng với nó là bắt nguồn từ đó Anh Nguyễn Đăng Mạnh có nói đến sự "bí mật", sự khó định nghĩa của văn học nghệ thuật. Quả có thế thật. Cho đến nay có lẽ vẫn chưa hoàn toàn giải thích sáng rõ được hết tại sao văn học nghệ thuật lại cần thiết đến thế cho con người, đã có mặt từ khi loài người là loài người, và tồn tại mãi với nhân loại như một điều kiện của chính sự tồn tại của loài người. Và hình như xã hội càng tiến lên, đặc biệt ngày nay khi nền văn minh cơ khí càng phát triển thì nhu cầu nghệ thuật của xã hội, của con người lại càng cấp thiết, bức bách hơn. Phải chăng, trong rất nhiều lý do, có một lý do sâu xa này: nghệ thuật là một phương thức tồn tại của con người giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành con vật mà cũng không thành những ông thánh vô bổ và vô duyên. Nghệ thuật là sự vươn tới sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người. Cái cốt lõi của nghệ thuật là tính nhân đạo. Có một thời chúng ta sợ, coi việc nói đến những điều gọi là những "đề tài vĩnh cửu" của văn học nghệ thuật là tối kiêng kỵ, là "phi giai cấp", là "tư sản", "xét lại"... Song, mặc dù chúng ta kiêng kỵ và lo sợ, những đề tài như vậy vẫn cứ tồn tại. Có những câu hỏi cứ còn mãi, lặp đi lặp lại mãi, suốt đường dài của lịch sử con người, như những câu hỏi về sống và chết, tốt và xấu, thật và giả, thiện và ác, hạnh phúc và đau khổ... Đó là những câu hỏi quằn quại còn mãi. Chỉ có điều mỗi thời đại, mỗi giai cấp, đến lượt mình lại phải có câu trả lời riêng của mình cho những câu hỏi đó. Giai cấp vô sản và xã hội chủ nghĩa chúng ta cũng phải trả lời những câu hỏi đó, theo cách của ta. Và con cháu ta mai sau, đến lượt chúng, cũng vậy. Sau năm 1975, có một lúc chúng ta đã ngây thơ tưởng rằng đánh giặc xong chỉ còn nội bộ nhân dân, đồng chí với nhau, mọi quan hệ sẽ dễ dàng tốt đẹp ngay... Mười năm qua có lẽ một trong những sự giác ngộ quan trọng nhất của chúng ta là thấm thía hiểu ra rằng trong xã hội càng tiến lên thì cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, cái thật và cái giả, cái thiện và cái ác... không giảm, không mất đi, trái lại càng phức tạp, tinh vi, ác liệt hơn. Cái ác dường như cứ càng dữ dội, xảo quyệt... hơn mãi, và không những không biến đi mà chừng như ngày càng mạnh hơn. Trong cuộc vận động quyết liệt đó cái thiện vươn lên, thắng lợi một keo. Cái ác phải lùi lại, có lúc tưởng đã bị tiêu diệt. Nhưng rồi té ra nó chỉ chuyển đổi vị trí. Một bộ phận của cái thiện lại chuyển sang phía cái ác. Cái ác lành mạnh hơn. Và cuộc đấu tranh lại bắt đầu mãi mãi... Ngẫm cho cùng văn nghệ xưa nay chính là cái nôi về cuộc đấu tranh đó. Trong cuộc đấu tranh ấy, văn nghệ đặc biệt làm một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng: nhiệm vụ dự báo xã hội. Có thể coi văn học nghệ thuật như là một thứ giác quan đặc biệt, là cái ăng-ten nhạy cảm đặc biệt của xã hội. Có những ngày đang nắng chang chang, vậy mà mở cái radio ra cứ nghe rẹt rẹt trên các làn sóng, thì ra gió mùa đông bắc đã ở bên kia biên giới, cơn giông sắp đến. Văn nghệ là cái ăng-ten ấy. Puskin gọi thi sĩ là nhà tiên tri. Gorki thì nói đến Chim báo bão. Còn Nguyễn Du của ta thì viết "Bất tri tam bách dư niên hậu...". Dự báo nghĩa là nói cái chưa có, mắt thường chưa thấy, tai thường chưa nghe... Người nghệ sĩ lớn là người có con mắt tinh đời nhìn những thế lực đang hùng hổ thống trị xã hội mà đã sớm đoán và tiên báo sự tàn lụi của nó: nghe những mầm non của cái mới còn rất cô đơn, rất mơ hồ mà dám khẳng định nó sẽ làm chủ tương lai... Nhà văn càng lớn thì khả năng dự báo của họ càng xa, càng dài, càng chính xác. Tôi nghĩ cũng nên nói rõ thêm rằng ngay chính bản thân người nghệ sĩ nhiều khi cũng không tự mình cắt nghĩa rõ được, trình bày rõ được sự "tiên tri" của mình đâu. Nhiều khi đó là một thứ dự cảm. Tâm hồn đặc biệt nhạy cảm của họ rung lên vì những chấn động nào đó mà chính họ cũng chưa hiểu được hết ý nghĩa... Nhà văn nổi tiếng G. G. Marquez có nói rằng không nên đánh giá quá thấp vai trò của nghệ thuật, nhưng cũng không nên đề cao quá đáng vai trò đó "Xưa nay nói cho cùng nghệ thuật cũng chưa bao giờ lật đổ được một chế độ chính trị nào". Quả là ở châu Mỹ Latinh đau khổ và sôi sục của ông, cho đến nay chưa có chế độ độc tài nào bị văn nghệ lật đổ! Nhưng - ông nói - văn nghệ lại làm một việc rất quan trọng: nó báo hiệu, nó gây men, nó chuẩn bị tư tưởng cho những biến đổi xã hội rộng lớn, những cuộc cách mạng. Trong ý nghĩa đó, nó đi trước. Tôi nghĩ khi nói chức năng phản ánh của văn nghệ là phải nghĩ như vậy. Phản ánh nhưng là nói trước, chuẩn bị tư tưởng trước, chuẩn bị tư duy mới cho xã hội, chứ không phải đi sau, ghi chép, minh họa. Anh Nguyễn Khắc Viện có lần nói: "Nhiệm vụ của kẻ sĩ trong mọi thời là gây dư luận", có lẽ cũng là trong ý này. Văn nghệ còn có một đặc điểm là nó "la cà" trong đời sống. Và bao giờ nó cũng là cụ thể, cá biệt, nó nói nỗi đau cụ thể, cá biệt, niềm vui cụ thể cá biệt, số phận cụ thể, cá biệt... Nó sinh động như chính đời sống. Nó là tiếng nói của chính đời sống. Cho nên nó có tính nhân dân, tính dân chủ, gần như là "tự phát" vậy. Văn nghệ chính là sự khát khao mãi mãi vươn tới cái toàn thiện toàn mỹ của con người, nó là "sự không bằng lòng" mãi mãi của con người với thực tại. Văn nghệ có vai trò như tiếng nói thường xuyên sinh động của đời sống kiểm tra nhắc nhở nhằm cải thiện các hoạt động xã hội. Cuối cùng, từ những suy nghĩ về chức năng xã hội của văn nghệ trên đây, tôi chỉ xin nói về một điểm trong sự đối xử với văn nghệ và văn nghệ sĩ. Nếu ta công nhận chức năng quan trọng của văn nghệ là dự báo xã hội, thì cũng phải nói rằng đã là dự báo thì bao giờ cũng có ít nhất hai khả năng: dự báo đúng và dự báo sai. Ngay dự báo thời tiết hàng ngày là cái thứ vật chất thấy được, đo được bằng máy móc hẳn hoi... còn lắm khi sai, báo mưa ra nắng, báo nắng ra mưa; huống hồ là dự báo xã hội, dự báo đạo đức. Vậy khi văn nghệ có sai, nên đối xử thế nào? Có lần tôi được nghe một vị giáo sư già đồng thời là một nhà phê bình văn học nổi tiếng Liên Xô, một người đã lăn lộn và trăn trở gần suốt đời trong thực tiễn văn học Xô viết, nói về vấn đề này. Ông nói: "Nếu quả là một người nghệ sĩ có tài, thì hôm nay họ có thể sai lầm, ngày mai họ có thể là thiên tài", ông cũng lại nói: "Một người nghệ sĩ có tài, thì khả năng sửa chữa sai lầm ở họ rất lớn". Tôi nghĩ đó là những lời nói sâu sắc, biểu hiện quan điểm đúng đắn của Đảng Cộng sản đối với vấn đề phức tạp và tế nhị này. Tất nhiên có được cách nghĩ như thế, cũng là trải qua kinh nghiệm 70 năm của văn học Liên Xô đầy thành tựu mà cũng đầy sóng gió, trong đó có cả những kinh nghiệm đã phải trả giá rất đắt, thậm chí bằng máu. Nhiều đồng chí đã nói: tài năng thì hiếm. Còn cần nói thêm: tài năng nghệ thuật lại có đặc điểm là đơn nhất, không bao giờ lặp lại. Trong nghệ thuật cái gì đã mất là mất hẳn, không thể làm lại, không gì thay thế được. Cho nên đến nay chính chúng ta cũng không thể biết, không thể lường được chúng ta đã đánh mất những gì do những vụ thô bạo đã xảy ra trước đây. Ý nghĩ đó có lẽ cứ còn theo đuổi chúng ta mãi như một món nợ. Hôm nay nói, cũng chỉ để tiếc nuối thêm. Và mong sao đừng bao giờ chúng ta phạm lại những điều như thế nữa.
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 44 (31-10-1987)
4-2-08
|