ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 43 (22-10-1988)

 

 BÁO VĂN NGHỆ  LÀ MỘT
BIỂU HIỆN ĐỔI MỚI CỦA VĂN HỌC

NGUYỄN QUANG SÁNG

1 - Sau Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ, báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đã làm được một việc quan trọng. Sáng tác cũng như lý luận phê bình đã hấp dẫn bạn đọc, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, khiến bạn đọc quan tâm và tranh cãi. Không như tờ báo trước kia vừa một chiều, vừa nhạt nhẽo buồn thiu.

Theo tôi, đổi mới trong văn học của chúng ta là như vậy (như báo Văn nghệ hiện nay), có cái ta bằng lòng và có cái ta không bằng lòng. Đổi mới không thể làm cho mọi người vừa ý. Đổi mới có niềm vui, có đau khổ. Đổi mới có nghĩa là khẳng định lại thành tích, là phục hồi lại những giá trị bị lãng quên, có cả phủ nhận những giá trị "rởm". Đổi mới có người được, có người mất, lại có thể có cả người bị chết oan. Theo tôi đó là quá trình vận động của công cuộc đổi mới. Đánh giá về sự đổi mới đòi hỏi phải có bản lĩnh, có thời gian và một tấm lòng trung thực, bao dung. Phải có đủ bản lĩnh để nhận ra cái gì là cái mới. Không phải cái gì mà ta bằng lòng đều là cái mới và ngược lại. Bản lĩnh cùng với sự phán xét của thời gian. Và phải có tấm lòng bao dung đối với người có tâm huyết có thể vấp váp trên bước đường tìm tòi.

2 - Dư luận đang bàn báo Văn nghệ có cái sai gì? Ý riêng tôi, báo Văn nghệ có cái sai rất rõ không thể chối cãi là: không in văn bản của Hội, như phát biểu của Tổng thư ký Hội. Báo có quyền không in sáng tác của bất cứ ủy viên Ban Thư ký hay Ban Chấp hành nếu thấy tác phẩm đó không đạt tiêu chuẩn, nhưng những gì thuộc về Hội, báo không được quyền từ chối.

Nhân đây tôi cũng xin có ý kiến về Phẩm tiết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, là một tác phẩm được nhắc đến nhiều khi nói về sai lầm và lệch lạc của báo Văn nghệ.

Trong cuộc hội thảo về Nguyễn Huy Thiệp do tờ Tin thanh niên tổ chức, tôi đã phát biểu, Nguyễn Huy Thiệp, khi anh gõ vào cánh cửa văn học thì lập tức anh là một nhà văn, một nhà văn tài năng với một phong cách độc đáo (nhiều nhà văn mơ ước được như anh lắm). Với tôi, anh viết thật mà bay.

Nhưng Phẩm tiết thì tôi không thích. Phẩm tiết không phải xúc phạm vua Quang Trung mà xúc phạm đến lòng thờ phụng của mỗi người đối với tổ tiên. Ta thờ kính anh hùng, có khi cũng có những cái không có thật mình cũng tô đắp và thờ. Nguyễn Huy Thiệp đã đụng đến lòng thờ kính của từng người.

Còn nghe nói Phẩm tiết có ý đả kích vào cá nhân. Chẳng biết có đúng hay không, vô tình hay cố ý. Dù vô tình cũng không nên vô tình nữa.

Về Nguyễn Huy Thiệp, theo tôi là một nhà văn có tài cần được nâng niu, vun đắp thay vì vùi dập.

3 - Để phản ánh đầy đủ đời sống của cả nước trên mặt báo, tôi đề nghị báo nên tổ chức một đội phóng viên thường trú ở phía Nam và nên tổ chức một mạng lưới cộng tác viên (có trả lương đàng hoàng), phải chủ động, không nên chờ đợi.

4 - Nhân đây, tôi xin nói lạc đề một chút, lạc đề đối với mục đích của cuộc họp, nhưng vẫn nằm trong văn học.

Trên mặt báo cũng như trong dư luận có nói đến việc chạy đua và tranh giành ghế trong Đại hội Nhà văn sắp tới.

Theo tôi, đối với nhà văn, nơi tranh giành là trang giấy. Cái "ghế" không có giá trị văn học. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh như sau: Có lần tôi giới thiệu với bà con một tỉnh ở đồng bằng một văn nghệ sĩ có chức vụ cao, bà con chỉ chào tiếp một cách xã giao. Tiếp đó, tôi giới thiệu một văn nghệ sĩ không có chức tước gì, nhưng bà con được biết, được nghe tác phẩm của anh. Mọi người đều niềm nở, vồ vập. Những anh em nghệ sĩ ấy thường được nhân dân tiếp đãi rất nồng hậu. Những món quà, những buổi tiệc mà nhân dân mang đến cho văn nghệ sĩ (có tác phẩm) tôi gọi đó là nhuận bút nhân dân. Vinh quang đó mới thật là vinh quang của người nghệ sĩ...

... Trong dư luận của anh chị em nhà văn cũng như công chúng văn học, đang xôn xao về số phận của Tổng biên tập báo Văn nghệ. Như tôi đã nói ở trên, báo Văn nghệ là tờ báo đang trong quá trình đổi mới; đối xử với Tổng biên tập cũng là đối xử với công cuộc đổi mới.

Còn trong Đại hội Nhà văn toàn quốc sắp tới, tôi xin đưa một đề nghị, nếu số đông hội viên thấy cần thì có thể để cho toàn thể hội viên bầu cử Tổng biên tập báo Văn nghệ. Vì theo tôi, tờ báo Văn nghệ là tiếng nói, là bộ mặt của Hội Nhà văn, để lấy dân làm gốc, những người dân hội viên Hội Nhà văn sẽ cử Tổng biên tập cho tờ báo của mình.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 43 (22-10-1988)

Mục lục 

28-12-2021