ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
Văn nghệ, Hà Nội, số 43 (24-10-1987)
NHỮNG ĐIỀU CẦN CHO VĂN HỌC
(Phát biểu trong cuộc gặp gỡ của đồng chí NGUYỄN QUANG SÁNG
Ở thành phố Hồ Chí Minh tôi có dịp gặp và làm việc với anh Mười[1]. Cho nên, hôm nay, những điều tôi nói, đối với anh Mười không có gì mới (muốn có cái mới đâu có dễ), nhưng vẫn nói lại vì những điều ấy chưa thực hiện được, còn cay cú. Và đối với anh chị em ở đây cũng không có gì là lạ. Nhưng vẫn nói để thấy rằng suy nghĩ của chúng ta giống nhau, chúng ta không cô đơn. Như nhận xét của đồng chí Tổng Bí thư, văn học nghệ thuật của chúng ta mấy năm qua vẫn còn nghèo. Đúng như vậy. Vốn đã nghèo lại càng nghèo, ở chỗ ta có tác phẩm hay mà không thấy (có vàng mà tưởng là thau). Cái không hay lại khen bốc lên (thấy thau lại tưởng là vàng). Có anh nói: "viết không viết, vẽ không vẽ, chỉ có khen với chê cũng không làm đúng". Chưa đánh giá đúng giá trị của những tác phẩm đã có, do đó thấy nghèo hơn. Tôi nghĩ, muốn có tác phẩm hay phải có ba điều kiện: một là tài năng, hai là tiền, ba là tự do. (Tôi nói đùa là phải có ba chữ T). Những anh chị em đang ngồi ở đây và không có mặt ở đây là những người có tài năng, tài năng cộng với một cuộc sống của hai cuộc chiến tranh. Có một nhà văn nước ngoài tự hào đã có ba năm làm lính trong chiến tranh chống phát xít bảo vệ Tổ quốc. Với nhà văn ấy, cái vốn ba năm chiến tranh của anh là ngôi sao của văn học, anh sẽ viết suốt đời. Anh hỏi tôi có bao nhiêu năm tham gia chiến tranh. Tôi đáp: Tôi hơn anh con số không ở sau, nghĩa là có 30 năm. Anh cười và bảo tôi có thể viết đến kiếp sau. Chúng ta có một cái vốn lớn và quý không phải người nghệ sĩ nào cũng có, nhưng tại sao chúng ta ít có tác phẩm hay? Điều thứ hai tôi nói đến tiền là muốn nói đến phương tiện làm việc, muốn nói đến chế độ nhuận bút. Chế độ nhuận bút của ta vừa thấp đến vô lý, vừa bất hợp lý ở chỗ những tác phẩm được viết bằng tâm huyết, có khi viết bằng cả một cuộc đời thì tiền nhuận bút quá ít (ít đến nỗi không dám mua sách tặng cho bạn bè), còn cái dễ hơn, làm dễ dãi thì tiền được khá hơn. Tiền nhuận bút thấp kém đã ảnh hưởng đến sức sáng tạo và sức viết. Đó là một nguyên nhân. Điều thứ ba quan trọng hơn, là tự do cho sáng tác. Khi đặt vấn đề tự do cho sáng tác mà có đồng chí nào đó hỏi gặng lại: "Chế độ ta không có tự do à?" thì rất khó trao đổi. Từ hôm qua đến hôm nay, các đồng chí nói rất nhiều đến tự do sáng tác, chứng tỏ là tự do cho sáng tác có bị hạn chế. Rõ ràng là người viết luôn luôn có một mối lo, nói là sợ thì quá đáng, nói sờ sợ thì đúng hơn. Sợ trên, sợ xung quanh và nỗi sờ sợ ấy ở ngay trong bản thân mình. Trước khi đưa ra, tự mình đã cắt gọt cho trơn tru rồi. Có gì gai góc thì sợ "có vấn đề". Như tôi chẳng hạn, khi nghe tin bộ phim Cánh đồng hoang bị cấm trong quân đội, lập tức tôi nghĩ ngay lý lịch của mình (lý lịch của tôi không ngon lắm, nhưng không đến nỗi). Cái sợ ấy như là sợ ma vậy. Trong số bạn bè của tôi (một số thôi) tôi nghiệm thấy: người nào được cho là ngoan ngoãn, được xuôi chèo mát mái, thuận buồm xuôi gió thường không có cái gì hay, còn người gặp khó khăn, bị "để ý", bị coi như "có vấn đề" thì thường có cái hay. Tự do cho sáng tạo phải như không khí để thở. Ta luôn luôn thở, thở một cách tự nhiên, thở mà không hay biết. Thở mà nghĩ là đang thở, phải thở thì tức là bệnh rồi, như bị hen vậy. Tự do cho sáng tác phải được thoải mái tự nhiên như thở. Lúc ở thành phố Hồ Chí Minh, có lần tôi phát biểu với anh Mười, nói về sự quan tâm của cấp ủy đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật, tôi có nói: "Đối với văn nghệ, lâu lâu cấp ủy mới liếc qua một cái". Tôi nghĩ là anh Mười giận. Nhưng sau đó, trong một cuộc gặp gỡ với anh chị em văn nghệ sĩ thành phố, anh Mười có nhắc lại và nói: "Lần này thì tôi liếc tình". Và lần này, xa hơn cái "liếc tình" ấy, hôm nay, như là buổi kết hôn giữa anh với lĩnh vực của chúng ta. Nhiều hy vọng!
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 43 (24-10-1987)
1-2-08 |