ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Văn nghệ, Hà Nội, số 42 (17-10-1987)

 

ĐỒNG CHÍ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH
NÓI CHUYỆN VỚI VĂN NGHỆ SĨ

 

Thưa các đồng chí,

Trong hai ngày qua, tôi được may mắn dự cuộc hội thảo này, được nghe nhiều đồng chí phát biểu. Tôi rất hoan nghênh ý kiến của tất cả các đồng chí vì các ý kiến ấy đều thẳng thắn, đa dạng, phong phú và sâu sắc. Có lẽ những điều các đồng chí nói ra đã được ấp ủ từ lâu, rất tâm huyết. Có thể nói, hai ngày vừa qua, các đồng chí đã thổ lộ can tràng.

Nhiều đồng chí đã phát biểu. Nhiều cách nói khác nhau. Nhưng xét cho cùng, nội dung các ý kiến đều giống nhau, thống nhất với nhau về những điểm sau:

Thứ nhất là về vai trò của văn hóa văn nghệ. Sự lãnh đạo của Đảng trong nhiều năm qua còn xem nhẹ, đánh giá thấp vai trò vị trí của công tác văn hóa văn nghệ và vị trí của các văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa trong đời sống xã hội. Đây là vấn đề nhiều đồng chí, bằng cách này hoặc cách khác, đã nói khá tập trung và đã đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể, sinh động.

Thứ hai là các đồng chí đều nhận xét rằng sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ còn có tình trạng thiếu dân chủ, còn độc đoán, áp đặt.

Thứ ba là cơ chế tổ chức, quản lý và các chế độ, chính sách đối với văn hóa, văn học nghệ thuật còn nhiều điểm không đúng, còn nhiều điều bất công. Sự thiếu sót này là một trong những nguyên nhân làm cho đời sống của các đồng chí gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Những người làm công tác văn hóa, văn nghệ cũng là những người sản xuất, lại là những người sản xuất ra sản phẩm cao cấp cho xã hội. Trong thời gian qua, sự đầu tư cho lao động trí óc, lao động sáng tạo không đủ để các đồng chí tái tạo lại sức sản xuất.

Đó là mấy điểm lớn qua phát biểu của các đồng chí. Có thể nói, các điểm ấy cũng là những nguyên nhân chính làm cho chưa phát huy tốt được khả năng của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Có lẽ, cho tôi tạm dùng một từ, tôi có cảm giác trong hơn 10 năm qua (từ khi nước nhà thống nhất, cả nước đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội), so với hai cuộc kháng chiến trước đó, thành tựu của văn học nghệ thuật của chúng ta còn nghèo. Trong hai cuộc kháng chiến, các đồng chí đã đóng góp rất nhiều, có công rất nhiều, có tài rất nhiều. Nhưng mười năm qua thì không được như thế. Tôi nói nghèo là vì như vậy. Qua phát biểu của các đồng chí, tôi thấy rõ thêm nguyên nhân vì sao sang giai đoạn cách mạng này, sự đóng góp của các đồng chí còn ít. Gần đây có một số tác phẩm tốt được sự hưởng ứng trong công chúng, nhưng còn ít quá. Đáng lẽ những tác phẩm như vậy phải có nhiều hơn.

Vấn đề đặt ra cho chúng ta là: với tinh thần đổi mới của Đại hội VI, ta phải truy cho ra vì nguyên nhân gì làm cho văn học nghệ thuật của chúng ta nghèo đi.

Trong lĩnh vực kinh tế xã hội, chúng ta không phủ nhận rằng chúng ta đã làm được một số việc tốt. Nhưng, bên cạnh đó, chúng ta mắc rất nhiều cái sai. Đáng lẽ đời sống nhân dân, đời sống người lao động chân chính không đến nỗi khổ như hiện nay nếu không có những sai lầm đã mắc phải. Như các đồng chí đã biết, Trung ương đang cố gắng sửa chữa những sai lầm. Muốn sửa sai thì phải tìm nguyên nhân. Có giải quyết, sửa chữa các sai lầm mới đổi mới được. Đổi mới là một cuộc cách mạng sâu sắc, triệt để: đổi mới tư duy, đổi mới chính sách, đổi mới tổ chức, đổi mới cán bộ... Người lãnh đạo mà bảo thủ, sai lầm, không chấp nhận đổi mới thực sự thì không thể lãnh đạo được.

Các đồng chí có nói nhiều đến sự "cởi trói". Có như vậy mới phát huy được hết khả năng trong lĩnh vực của các đồng chí. "Cởi trói" như thế nào? "Cởi trói" nói ở đây trước hết tôi nghĩ rằng Đảng phải cởi trói. Cởi trói trong lĩnh vực tổ chức, chính sách, trong các quy chế, chế độ... Nghe các đồng chí phát biểu tôi cũng không ngờ rằng trong lĩnh vực này cũng có kiểu quản lý hành chính bao cấp, tới đây phải sửa chữa và phải xây dựng những văn bản pháp quy nhằm bảo đảm sự phát triển cho ngành cách đồng chí. Đảng và Nhà nước phải bắt tay mau lẹ vào công việc này.

Một mặt khác, tôi nghĩ, trong lĩnh vực của các đồng chí, không thể có ai khác hơn là các đồng chí phải tự làm. Hồi sáng, nhân có ý kiến đồng chí nào đó phát biểu, tôi có nói chen vào "Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu" là trên ý nghĩa như vậy. Chính các đồng chí cũng đòi hỏi rằng trong lĩnh vực của các đồng chí, không được áp đặt mọi công việc như đặt con tàu chạy trên đường ray, các đồng chí cần được tự do lo liệu cho các công việc của mình. Nếu như trong lĩnh vực kinh tế hiện nay cần phát huy dân chủ cho người sản xuất thì ở lĩnh vực của các đồng chí, các đồng chí cũng phải làm chủ.

Tôi nghe nhiều đồng chí nói văn nghệ sĩ còn bị cấm đoán, sát phạt... Và, cái các đồng chí lo sợ nhất là cái thường lơ lửng đâu đó trong không trung. Các đồng chí sợ nó hơn sợ sự kiểm duyệt. Đó là nỗi sợ những thứ dư luận nào đó kết tội các đồng chí viết không đúng lập trường, chống lại đường lối, chủ trương của Đảng v.v... Nghe các đồng chí nói lên điều lo ngại này, tôi rất thông cảm. Chính vì thông cảm mà sáng nay khi nghe các đồng chí phát biểu, tôi đã "ngửa miệng" kêu: "Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu". Mình phải chặt chẽ với mình. Khi thấy mình là đúng, có ý thức xây dựng thì phải kiên quyết bảo vệ chân lý, phải dũng cảm.

Tôi nghĩ, dù thế nào, các đồng chí cũng không nên uốn cong ngòi bút của mình. Thà rằng chưa viết được thì cứ đi vào thực tế đời sống tích lũy thêm vốn hiểu biết, chứ không viết theo kiểu tùy thời. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, người nghệ sĩ phải dũng cảm, có tấm lòng trong sáng, đừng chùn bước. Cần luôn luôn ghi nhớ câu của Bác Hồ: "Nay ở trong thơ nên có thép". Có thép, tôi hiểu là phải có tinh thần cách mạng.

Tôi có mấy đề nghị:

Các đồng chí hãy dũng cảm vượt khó khăn. Trước đây văn học nghệ thuật cách mạng phải vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm trong điều kiện hoạt động bí mật. Trong hai cuộc kháng chiến, văn học nghệ thuật của chúng ta có tính chiến đấu cao, được xây dựng và phát triển phục vụ đắc lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lúc bấy giờ các đồng chí gặp không khí thuận lợi cho lao động sáng tạo nghệ thuật. Lãnh đạo của Đảng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các đồng chí đóng góp tài năng của mình. Trong kháng chiến, chống lại bọn địch, chống bọn "sọc dưa" hèn nhát thì chả ai cấm, chả ai bắt tội. Khen ai, ca ngợi ai lúc đó cũng rõ ràng: chiến sĩ anh hùng, nhân dân anh hùng.

Ngày nay khen, chê như thế nào là rất khó. Cái xấu, cái tiêu cực lại nằm ngay trong nội bộ nhân dân, trong những kẻ có chức, có quyền trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước. Trước đây ta thường có quan niệm giản đơn: hễ đã nói tới xã hội chủ nghĩa là chỉ có những điều tốt đẹp. Quan niệm như vậy rõ ràng là ảo tưởng, ngây thơ. Trước đây, có lúc tôi cũng đã từng nghĩ như vậy. Nhưng khi chạm vào thực tế xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ với những con người từ chế độ cũ chuyển qua, mang theo bao tàn dư, thói hư tật xấu của chế độ cũ, với năng lực còn nhiều thiếu xót, kém cỏi v.v... nên nhìn nhận như thế nào thật là khó. Ranh giới giữa cái đúng với cái không đúng nhiều khi không rõ ràng.

Vấn đề là phải có cách nhìn nhạy bén và có cơ sở khoa học. Trong sáng tác văn học nghệ thuật cũng phải dũng cảm nêu ra những vấn đề của đời sống, của xã hội. Lịch sử phán xét những vấn đề anh nêu ra là đúng hay sai. Nếu là sai thì phải sửa.

Một cái khó nữa mà tôi có cảm giác là khi có chính quyền rồi bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội thì có tư tưởng cho rằng mọi việc đều tốt đẹp cả. Vì vậy trong sáng tác thường thiên về hướng ca ngợi một chiều, "tô hồng". Người ta dễ chấp nhận lối viết "tô hồng". Ai viết về người không tốt, việc không tốt thường bị mang tiếng là "bôi đen". Theo tôi, trong lĩnh vực của các đồng chí ngoài việc thể hiện những người tốt, việc tốt thì cũng phải nêu lên, phải vẽ ra những con người xấu, việc xấu để mọi người khinh ghét, tránh xa những cái xấu, làm như vậy không phải là để lên án chế độ mà để chống lại những con người, những sự việc làm trái với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.

Bệnh quan liêu, ức hiếp quần chúng, thói ăn cắp của công, đầu cơ tích trữ, ăn bám, sống phè phỡn trên lưng những người lao động chân tay và trí óc, những hủ tục như mê tín, dị đoạn, sự suy đồi thoái hóa về đạo đức v.v... cần được ngòi bút của đồng chí mô tả sắc sảo và lên án mạnh mẽ. Phải làm sao cho toàn xã hội căm ghét cái xấu, đẩy lùi và tránh xa cái xấu. Bên cạnh công việc này, các đồng chí cũng cần chú ý xây dựng trong tác phẩm của mình những hình tượng chân thật, truyền cảm, có sức thuyết phục cao về những người lao động chân chính đang lao động chân tay và trí óc quên mình, dũng cảm vượt qua mọi thiếu thốn, khó khăn, vượt qua sự cám dỗ ma quỷ để xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới mà Đảng ta đã đề ra.

Đảng ta là đảng cầm quyền, quy luật tồn tại và phát triển của Đảng là phải dựa vào dân "lấy dân làm gốc". Khi chưa có chính quyền Đảng ta đã bám vào quần chúng, sống nhờ vào quần chúng. Nhưng khi đã nắm được chính quyền rồi, dễ sa vào khuyết điểm bỏ rơi quần chúng, ức hiếp quần chúng, ăn cắp của quần chúng: để phát sinh ra bệnh quan liêu, mệnh lệnh trong lãnh đạo kinh tế và tư tưởng. Những khuyết điểm này cần phải bị phê phán và lên án sâu sắc. Sáng tác tác phẩm đụng chạm đến "nhà" quan liêu mệnh lệnh nào đó đương chức, đương quyền là điều khó nhưng phải dũng cảm bằng cách này, cách khác mà viết. Có khi phải mượn chuyện đời xưa để nói làm cho ai có tật phải giật mình, phải thấy nhột. Trước đây có những tác phẩm vì thế mà bị sổ toẹt. Tác giả phải hứng chịu nhiều sự phiền toái, thậm chí lao đao. Nhưng có phải vì thế mà ta phải uốn ngòi bút cho "hợp khẩu vị" những con người xấu ấy không? Tôi cho rằng nếu phải làm như vậy thì người nghệ sĩ bị mất hết chất cách mạng rồi!

Phải đứng vững trong trường phái tả chân xã hội chủ nghĩa. Cũng có những người tự xưng là ở trường phái tả chân xã hội chủ nghĩa nhưng họ không dám viết sự thật, không dám phê phán lên án cái xấu để xây dựng con người mới. Là những văn nghệ sĩ chân chính, các đồng chí phải giữ gìn sự trung thực của ngòi bút, giữ gìn tư duy trong sáng của mình.

Tôi không phải là một nhà chuyên môn về văn học nghệ thuật nên không thể bàn sâu vào những vấn đề trong lĩnh vực của các đồng chí. Tôi chỉ là một người yêu thích văn học nghệ thuật. Tôi rất đồng ý rằng người chiến sĩ văn nghệ cần có con dao thật sắc để gọt sửa những cái xấu, và còn cần phải có chất "gây men" để hình thành những cái mới trong đời sống xã hội. Người nghệ sĩ phải có con mắt tinh tường để phát hiện những cái mới mẻ. Như vậy, văn học nghệ thuật mới đóng được vai trò đi trước (devancer) trong đời sống tinh thần của xã hội. Trong cuộc gặp gỡ này, nhiều đồng chí đã nói về tính dự báo của văn học nghệ thuật. Bằng sự nhạy cảm của mình, thông qua tác phẩm, văn nghệ sĩ tiên đoán về những điều tốt hoặc xấu sẽ xảy đến, về cái cũ sẽ tàn lụi dù cho hôm nay nó còn đầy sức mạnh, về cái mới sẽ nảy sinh mạnh mẽ dù cho hôm nay nó đang mang một dáng vẻ mơ hồ. Sự dự báo ấy là rất cần thiết.

Các đồng chí là những kỹ sư tâm hồn, phải góp phần xây dựng con người mới từ những con người cũ còn mang nhiều thiếu sót, thậm chí còn mang nhiều cái xấu. Đừng rơi vào khuynh hướng duy tâm, duy ý chí mô tả con người mới luôn luôn toàn vẹn như ông thánh. Phải thấy rõ cả nhược điểm mới xây dựng được con người mới.

Tả chân xã hội chủ nghĩa nếu không làm cho con người hướng về tương lai tốt đẹp với một niềm tin lớn để vượt qua những khó khăn trong hiện tại thì không đúng với lòng mong muốn của chúng ta. Công chúng khi thưởng thức tác phẩm của chúng ta không thể chỉ thấy tối sầm mà phải thấy được ánh sáng để nhảy qua bóng tối.

Qua phát biểu của các đồng chí, tôi thấy các đồng chí đã có đầy đủ các quan điểm tôi vừa nói trên rồi. Nhưng các đồng chí còn sợ những "bóng ma". Với sự đổi mới từ Đại hội VI, Nghị quyết của Đại hội đã mở cửa cho các đồng chí. Tuy cửa mở rồi nhưng không phải từ nay mọi sự đều dễ dàng. Không phải chúng ta đang đi trên con đường nhựa bằng phẳng mà là con đường còn khúc khuỷu, gập ghềnh. Tôi không phải là nhà văn nghệ, nhà báo nhưng "ngứa ngáy" quá nên vừa rồi mới viết "Những việc cần làm ngay". Nhiều người hoan nghênh, hưởng ứng nhưng không phải không có những người cho rằng: "Sao lại bôi đen chế độ", "không khéo đây là một kiểu phát động cách mạng văn hóa" v.v... Tôi nghĩ cần phải đẩy lùi bóng tối như làm ruộng phải nhổ cỏ cho lúa có sức mọc lên. Người tốt, việc tốt sẽ nảy nở nếu đẩy lùi được người xấu, việc xấu. Cái khó bây giờ là dám nêu ra cái xấu. Chính vì thế mà tôi thông cảm với các đồng chí.

Cuối cùng, tôi xin nhắc lại: cửa Đại hội VI đã mở ra cho các đồng chí. Rồi đây, căn cứ vào đề cương dự thảo của Ban Văn hóa văn nghệ, Bộ Chính trị và Ban Bí thư sẽ thảo ra Nghị quyết về văn hóa văn nghệ.

Ta có câu: "Có thực mới vực được đạo". Tôi thấy cần giải quyết những vấn đề thuộc về đời sống, về quản lý để ngành của các đồng chí tiến lên.

Chúng ta tin chắc rằng sắp tới đây Đảng và Nhà nước sẽ có thêm những chủ trương đúng đắn, thích hợp đối với ngành của chúng ta. Tôi tin rằng những sợi dây ràng buộc được cắt đi sẽ làm cho ngành ta như con chim được tung cánh bay lên trời xanh. Văn học nghệ thuật nước nhà sẽ đạt thêm nhiều thành tựu phong phú và tốt đẹp.

Chúc các đồng chí mạnh khỏe, kiên trì, dũng cảm trong công tác. Tôi mong được hưởng những tác phẩm hay của các đồng chí, sát hợp với giai đoạn mới của cách mạng nước ta.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 42 (17-10-1987)

 

Trở về mục lục