ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Văn nghệ, Hà Nội, số 26 (30-6-1990) 

THƠ TRONG TIẾN TRÌNH ĐỔI MỚI CỦA VĂN HỌC

Có mặt tại cuộc hội thảo có nhiều nhà thơ thuộc các thế hệ hiện công tác ở Hà Nội.

24 bản tham luận và lời phát biểu trực tiếp đã được công bố, trong đó 22 tham luận và ý kiến là của người làm thơ. Các hội thảo của các nhà thơ thuần nhã, song, không phải là không có những ý kiến tranh cãi ngược nhau hoặc đối ứng tại chỗ.

Thay mặt Hội đồng Thơ, trong Lời đề dẫn nhà thơ VŨ QUẦN PHƯƠNG, thường trực hội đồng, có một số ý kiến: "Trong mấy năm vừa qua, thơ có nhiều chuyển biến. Khu vực trữ tình cả thể được nói tới nhiều: Thơ tình yêu tràn ngập trên sách báo, trong các buổi đọc thơ. Hiện nay, người đọc không còn háo hức nhiều như trước.

Năm 1989 có hàng trăm tác giả xuất hiện với các tập thơ in riêng. Trên tuần báo Văn nghệ hầu như số nào cũng có tên tuổi mới. Những người làm thơ ít có đủ thời gian để đọc hết thơ của nhau.

Thể nghiệm dù ở lĩnh vực nào (làm thơ, làm thuốc hay làm nhà) khi đưa cho công chúng sử dụng cần có kiểm nghiệm xác nhận an toàn cho người tiêu dùng. Thể nghiệm trong đời khác thể nghiệm trong ống nghiệm. Một vài thể nghiệm trong 36 bài tình, trong Ngựa biển, trong Thơ tình Bùi Chí Vinh không được đông đảo bạn đọc chấp nhận có lẽ vì người viết chưa quan tâm đầy đủ đến các khía cạnh tác động của thơ mình, mặc dù các tác giả đó đã từng có nhiều bài hay, nhiều câu hay. Nhân danh đổi mới, dân chủ "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" mà lại chủ trương thứ thơ "bất khả tri", bay cao trên trí tuệ toàn dân là mâu thuẫn.

Gần đây, sự khen chê, chủ yếu là khen, có nhiều dễ dãi. Một tập thơ xoàng, nhưng tác giả chịu vận động nhờ vả, có thể có đến 15, 20 bài biểu dương. Với lý do "giúp cho tác giả bán sách, lấy lại vốn"; nhiều bài viết sa xuống mức quảng cáo, làm rối loạn thẩm định thơ của bạn đọc.

Sự đề cao quá đáng những thi phẩm của một vài cây bút lâu nay im ắng, dù với lý do bù trừ của tình người, cũng không phải là việc làm tốt cho quá trình xây dựng thị hiếu đúng".

Nhà thơ PHẠM TIẾN DUẬT có nhiều ý kiến gây sự ngạc nhiên và tranh luận ở người nghe.

Anh cho rằng thơ còn xa lạ với đời sống lắm. Anh có lý của anh: "Chưa có một bài thơ nào về các diễn biến thời sự đang xảy ra trên thế giới. Thơ hầu hết bàn về cá nhân. Chúng ta đang rất cũ. Cần nghiêm khắc hơn. Quá nhiều nhà thơ nghĩ bằng óc. Nhà thơ phải nghĩ bằng quả tim chứ. Tôi không thấy sự tìm tòi gì là mới mẻ. Những cái gọi là tìm tòi, chẳng qua là lười nhác. Mấy năm nay không xuất hiện tác giả thơ nào đáng lưu ý. Chúng ta nên lưu ý về phê bình thơ và hãy tạo ra những liên danh xuất bản thơ". Anh nói thêm về tổ chức: "Hãy để Hội đồng Thơ làm việc trực tiếp với Ban Chấp hành. Sinh hoạt Hội đồng nên được củng cố".

Nhà thơ TRẦN LÊ VĂN: "Tôi đồng ý với anh Duật, thơ ta ít đề cập vấn đề nhân loại. Về những bài thơ, tập thơ có tìm tòi, khó hiểu, tôi cho rằng: nhà thơ có quyền sáng tạo, song, bài thơ chớ như cái nhà khép kín. Nhà không nên khép kín đến nỗi bạn mình cũng không vào được!".

Khác những ý kiến đã phát biểu, nhà thơ HOÀNG MINH CHÂU trình bày bản tham luận của mình bằng những quan niệm về thơ, của chính người làm thơ đang trăn trở. Anh đã dẫn chứng những câu thơ tiêu biểu để chứng minh cho ba yếu tố cơ bản đảm bảo nâng cao chất lượng thơ hiện nay, đó là ba chữ T: Tâm hồn, Tầm nhìn Tấm lòng của tác giả. Theo anh thì "thơ khởi sự ở tâm hồn, vượt lên bằng tầm nhìn và đọng lại nhờ tấm lòng của người viết".

Nhà thơ HOÀNG CẦM có mấy ý kiến ngắn gọn:

Ta nên đưa ra một số vấn đề cụ thể, thiết thực để thảo luận. Ví dụ:

a) Nên xuất bản thơ thế nào để đến tay nhiều người đọc?

b) Nhà nước và Hội Nhà văn nên giúp đỡ gì cho người làm thơ ở các thế hệ khác nhau để có thể có nhiều bài thơ hay, nhiều tập thơ tốt, nhiều tác giả vững mạnh?

c) Làm thế nào để thơ đi rộng, đi sâu vào công chúng?

Ông nói tiếp: "Mấy năm nay, thơ in ra khá nhiều, nhưng ít được giới thiệu kỹ. Tôi đề nghị các báo nhất là báo Văn nghệ nên thường xuyên giới thiệu, phê bình những tập thơ mới xuất bản".

Nhà thơ Hoàng Cầm còn có ý kiến trao đổi về lời đề dẫn hội thảo: "Nhà thơ Vũ Quần Phương thay mặt Hội đồng Thơ đã cho truyện thơ Men đá vàng là tác phẩm có tìm tòi nhưng thất bại. Tôi nghĩ chúng ta không nên võ đoán về một tác phẩm khi nó vừa ra đời mà chưa có sự phê bình thấu đáo của đông đảo bạn đọc".

Nhà thơ NGÔ VĂN PHÚ nói nhiều vấn đề trong một bài viết ngắn: "Nhà xuất bản tự nuôi nhau, không thể in theo kiểu bao cấp nữa là phải. Thơ ra hỗn loạn, người ta thờ ơ cũng là phải. Chỉ có một vài người chạy theo hình thức. Nhưng chỉ vài người đó đã buộc anh phải tìm tòi. Thời chống Mỹ, thơ ra phía trước. Bây giờ thơ lùi lại sau, là chuyện bình thường. Sốt ruột không được đâu! Thời thịnh Đường, hàng chục vạn bài thơ, chỉ còn đọng lại 300 bài đó sao? Ta nên mở rộng các hình thức sinh hoạt thơ ca. Chúng tôi không bận tâm nhiều về tổ chức, song, Ban sáng tác quan hệ thế nào với Ban Chấp hành, cũng nên nói rõ".

Nhà thơ KHƯƠNG HỮU DỤNG khi lên đến bục diễn đàn đã nói ngay: "Tôi nói rất ngắn". Quả thật, ông đã không nói dài. Ông hoan nghênh sự trở lại của một số nhà thơ bẵng đi nhiều năm không có tác phẩm in: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm. Ông đề nghị mọi người lưu ý đến bài thơ của thế hệ trẻ. Theo ông, họ xuất hiện khá ồ ạt, song, câu hay, bài hay chưa nhiều.

Nhà thơ TẾ HANH cũng lưu ý đến các bạn trẻ làm thơ. Ông tiếc cho các bạn ông: Xuân Diệu, Chế Lan Viên không được sống thêm đến hôm nay để chứng kiến các sự kiện diễn ra trong nước và thế giới. Ông mừng cho tình hình thời sự nói chung và mừng cho thơ.

Nhà thơ NGUYỄN ĐỨC MẬU phát biểu ba ý: "Việc nhà xuất bản hợp tác với các tác giả để in thơ là hợp lý. Song, mỗi tập thơ ra đời, dù mang nhãn của nhà xuất bản nào, cũng phải thông qua "con mắt xanh" của người biên tập. Mỗi nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm trước dư luận vì những tập thơ yếu kém, bệnh hoạn. Không nên thực dụng, thương mại đối với thơ. Các nhà xuất bản, nhất là nhà xuất bản của Hội Nhà văn cần đầu tư khuyến khích in những tập thơ có chất lượng. Hội đồng Thơ, cần đọc kỹ những tác phẩm thơ, đánh giá kịp thời để tiến hành việc kết nạp hội viên, trao giải thưởng cho chuẩn xác. Giới phê bình thơ nên có chính kiến hướng dẫn dư luận".

Với tác phong điềm tĩnh, khiêm nhường, nhà nghiên cứu phê bình thơ, giáo sư Hà Minh Đức, nêu ý kiến thật xúc tích: "Thơ đã gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, những vấn đề của dân tộc, thời đại chưa tạo thành cảm hứng bức thiết trong thơ. Thơ chống Mỹ có giọng điệu riêng, không đa thanh, đa điệu nhưng đạt đến mức cao của một giọng điệu thơ. Ngày nay, thơ có nhiều giọng điệu, có buồn, có trăn trở, có vui nhưng không rõ một giọng điệu chính. Phê bình chưa giúp được gì nhiều cho thơ. Trong vấn đề này sự đóng góp của các nhà thơ rất quan trọng".

Nhà thơ THU BỒN: "Thơ ta chung chung quá, bảo là của miền Bắc cũng được, miền Nam cũng đúng, miền Trung cũng xong. Tác phẩm hay của ta chỉ như những cái ao, cái hồ mà chưa nổi thành dòng, ra được biển. Cái hay xưa ta bỏ đi nhiều. Lý luận chưa giải quyết triệt để. Ta lúng túng như gà mắc tóc.

Nhà thơ NGUYỄN THÁI VẬN cũng tán thành việc các nhà thơ bỏ tiền ra in thơ.

Nhà thơ VÂN LONG có ý kiến về "thơ phải nói như thế nào". Anh cho rằng có ba khuynh hướng thơ hiện nay. Một - nghĩ ngợi có phần duy lý. Hai - chú ý các biện pháp tu từ, cấu trúc câu gây ấn tượng. Ba - trung thành với các thể thơ truyền thống. Nhiều tác giả kết hợp được ưu điểm của các khuynh hướng khác nhau. Sự đan chéo, dao động giữa các khuynh hướng có thể có ở ngay từng nhà thơ.

Anh nói tiếp: "Chúng ta phải giành lấy độc giả cho thơ ngay từ giai đoạn nhiều biến động này. Muốn thế, phải nói được những điều mới bằng cách nói mới".

Có hai nhà thơ nữ dự hội thảo, nhưng chị NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT đã nhường chị PHAN THỊ THANH NHÀN phát biểu. Chị Nhàn nói về thơ phụ nữ và thơ của lớp trẻ. Chị cho rằng người làm thơ là nữ hoặc còn trẻ thì không ít, bạn đọc có chú ý tới họ, song, tổ chức Hội và các cơ quan xuất bản thì chưa quan tâm. Theo chị, nên mở nhiều lớp sáng tác (như Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội đã làm). Chị Nhàn cho biết các em học sinh tuổi khoảng 16, 17 làm thơ rất khá.

Nhà thơ BẰNG VIÊT cho rằng, lâu nay ta chưa chú ý đến tuyển dịch thơ hay, chưa dịch có hệ thống. Ta mới lưu ý đến nội dung được phản ánh mà chưa chú ý nhiều đến việc dịch cái gì, dịch như thế nào. Anh đề nghị nên làm hai tập tuyển: Thơ thế giới hiện đại thế kỷ XX Thơ tình trẻ thế giới hiện đại.

Nhà thơ TRẦN NINH HỒ nêu ba vấn đề: Thứ nhất, Có phải bạn đọc bây giờ không thích đọc thơ? - Tôi thích chữ bạn-đọc-yêu-thơ hơn là chỉ dùng chữ bạn đọc chung chung. Thứ hai, Trách nhiệm của nhà thơ trong công cuộc đổi mới hiện nay, và thơ đã có sự đổi mới chưa? Trước tiên là phải có thơ hay cho đông đảo bạn-đọc-yêu-thơ, đấy là trách nhiệm lớn nhất. Đó đây, cố nhiên ta có gặp một vài giọng thơ Tây-gỗ, một vài thói chuộng lạ, dở khùng, dở điên nào đó, nhưng rồi chỉ riêng về cách diễn đạt thôi, mỗi nhà thơ nước ta đều biết xác định vị trí tồn tại riêng của mình trên hành tinh này theo những câu hỏi đơn sơ "Phương Đông không? Việt Nam không? Anh là ai?".

Thứ ba, Hội Nhà văn Việt Nam, cụ thể là Ban Chấp hành khóa IV, cần tạo những điều kiện gì để các nhà văn, nhà thơ sáng tạo tốt nhất.

Nhà thơ CHỬ VĂN LONG, nói những điều tưởng như mâu thuẫn: "Bản chất thơ, không mới và cũ. Mới chăng là đổi mới sự hướng dẫn công chúng. Tài năng sinh ra là hiếm hoi. Tôi không tán thành lắm ý anh Phạm Tiến Duật nói cứ đều đều ba năm phải có một gương mặt thơ mới. Thật ra, bản chất thơ rất động, làm ta dễ lầm lẫn. Đối với thơ, người nào càng quá tự tin vào hiểu biết của mình, càng dễ nhầm. Tôi đồng ý với anh Hoàng Minh Châu là người làm thơ cứ đốt trái tim mình với nóng lạnh, còn việc xếp hạng thì cứ phó mặc cho người đọc và giới phê bình. Nỗi đau khổ lớn của người làm thơ là ở phần bí ẩn của anh ta - nhiều khi đã ngã ngựa rồi mà không biết".

Nhà thơ HỮU THỈNH: "Thơ ta đang đa dạng hóa về hình thức và nội dung. Nó đang tiến lên, nhưng kết tinh chậm. Đã thấy có xu hướng thiên về khai thác những ngậm ngùi, xót xa, bi phẫn. Theo tôi cái rắn rỏi, năng nổ, khai phá mới là sức khỏe tinh thần của dân mình bây giờ, cả những gan góc, dám trả giá những va vấp trên đường tìm kiếm. Tôi mong đọc những trang thơ giàu sức vang vọng nội tâm mà vẫn cường tráng".

Nhà thơ TRINH ĐƯỜNG: "Thơ vài năm qua còn khá, gần đây chỉ nặng về thơ tình và các loại thơ vô thưởng vô phạt, thảng hoặc có đôi bài về thời cuộc thì cũng quá mờ nhạt... Hay biết có nói cũng không được gì cho nên cố ý bàng quan? Hay thừa biết đâu là chân lý mà cầu an, né tránh không dám "chụp ảnh" và động đến những vùng cấm địa? Hay đã có viết mà các vị biên tập gạt đi không dùng? Nếu thực sự có sự né tránh hay mũ ni che tai thì chúng ta có làm tròn trách nhiệm đối với dân tộc và đất nước không? Riêng tôi, thà viết mà không được đăng còn hơn không, chí ít là đỡ phải nhận sự trách phạt của lương tâm chính mình".

Nhà thơ VƯƠNG TRỌNG: "Cốt lõi của đổi mới là ở nội dung chứ không phải hình thức. Lẽ nào viết như dịch mà lại cho mà mới, là hay? Không đáng bi quan về thơ ca hiện nay. Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, làm báo thuận lợi hơn làm thơ".

Nhà thơ TÔ HÀ đọc tham luận có nhan đề gây ấn tượng: Thơ không bi quan hay lạc quan. Anh nói: "Không thể nói bi quan hay lạc quan. Bản chất của thơ không có tiến bộ hay lạc hậu. Cái gì có là có, cái gì không là không. Tất cả đều phải trả giá. Tôi không tin vào sự nhốn nháo. Nhưng, tôi tin đằng sau sự nhốn nháo sẽ có một cái gì".

Nhà thơ NGUYỄN BAO nhấn mạnh đến tấm lòng chân thành trong thơ. Với tư cách là cán bộ nhà xuất bản Văn học, anh cho biết: "Năm nay, Văn học có thể xuất bản 15 tập thơ. Văn học sẽ đưa ra thị trường dấu ấn của mình. Đề nghị nhà nước bao cấp cho việc in thơ. Nếu biết cách tuyên truyền, thưo bán không khó lắm".

Nhà văn VŨ TÚ NAM và nhà văn NGUYÊN NGỌC đã tâm sự với các nhà thơ về những suy nghĩ đổi mới công tác của Ban Chấp hành, góp phần thuận lợi cho các cuộc sinh hoạt nghề nghiệp của các nhà thơ và việc công bố tác phẩm của họ. Về phần mình, các nhà thơ vẫn tâm niệm: Làm gì thì cuối cùng cũng phải có thơ hay, mỗi người tự hay hơn, làm cho cả nền thơ hay hơn.

P.V. lược thuật

 

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 26 (30-6-1990) 

Mục lục