ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Văn nghệ, Hà Nội, số đặc biệt kỷ niệm 40 năm báo Văn nghệ (tháng 4-1988)

 

MỘT VÀI GHI NHẬN

PHẠM QUANG LONG

 

Khoảng dăm bảy năm trước tôi có đọc trên tờ Văn nghệ hai bài thơ dự thi của Nguyễn Trọng Tạo Tản mạn thời tôi sống Lời hát ru của người đứng tuổi. Bài thơ đầu của anh lúc đó đã gây được sự chú ý của bạn đọc và nói chung khá nhiều người đã thấy thích thú cái giọng điệu mới lạ của nó. Trong cái không khí chung lúc bấy giờ người ta còn ngần ngại, e dè khi phải động chạm đến một số lĩnh vực mà cho đến thời điểm bài thơ ra mắt vẫn còn bị coi như là húy kỵ, thì tác giả Tản mạn thời tôi sống lại nhìn nhận nó với một thái độ khác hẳn. Song tiếc thay một thời gian sau, trong mục điểm tình hình bài thơ của báo Văn nghệ tác giả đã bị "uốn nắn" ngay. Bài thơ bị chê là tản mạn và tuy không nói thẳng ra nhưng người đọc qua giọng điệu của bài viết có thể cảm nhận được điều này; cái tạng của cái bài thơ loại này chưa được bản báo khuyến khích, thừa nhận.

... Bẵng đi một thời gian khá dài, tuần báo Văn nghệ tuy không đến mức bị độc giả lạnh nhạt, song người ta ít hứng thú, chờ đợi một sự đổi thay, một cải cách nào đó. Chìm đi trong dòng đời đầy biến động, sôi sục, bức bối đòi hỏi một "cái gì đó" sẽ đến, Văn nghệ dường như vẫn chưa chạm vào được các mạch chính của dòng đời.

Thế rồi một luồng gió mới đã thổi vào các trang Văn nghệ, làm cho nó sinh động hẳn lên. Tôi còn nhớ là sau khi báo đăng Sự thật về một ông vua lốp Lời khai của bị can, "vua lốp" trong tác phẩm đã trở thành đầu đề của biết bao câu chuyện hàng ngày, thành "dẫn chứng" cho biết bao "tài liệu" khác nữa. Rồi sau đó là những Suy nghĩ trên đường làng Cái đêm hôm ấy... đêm gì? đã gây ra những chấn động thực sự không chỉ trong dư luận mà còn trong suy nghĩ của nhiều người. Cùng với Người đàn bà quỳ (tuy tác giả không ghi tên thể loại cho bài viết của mình) thì nhóm các bài viết ấy đã trở thành một hiện tượng xã hội chứ không chỉ còn thuần túy là các tác phẩm nghệ thuật nữa. Tôi nói tới nhóm bài viết này vì hai lý do: thứ nhất, qua các bài viết ấy chúng ta có thể thấy, phải thấy việc cần nhận thức lại nhiều vấn đề của đời sống xã hội hiện nay đến mức nào (tiếc thay và cũng đau xót thay, lại là những vấn đề rất cơ bản của xã hội ta). Thứ hai, đã đến lúc cần phải nhận thức lại văn học. Bản chất vốn có của nó không thay đổi, song điều đáng phàn nàn là chúng ta đã hiểu về nó không đúng, thậm chí sai lầm, đã tước mất của nó thứ vũ khí kỳ diệu nhất. Nếu văn học không còn là tiếng nói của lương tri, của lẽ phải, không nhân danh con người, vì con người thì nó tồn tại vì mục đích gì?

Trước khi Suy nghĩ trên đường làng xuất hiện thì trên nhiều báo khác nhau, đặc biệt là Nhân dân đã đăng không ít ý kiến về tình hình sản xuất nông nghiệp. Song, trên thực tế chưa có bài viết nào lại thu hút được sự chú ý của độc giả như bài phóng sự này, không phải là nội dung của nó khác quá xa với một số bài viết khác (kể cả một số bài đã từng đăng trên báo Văn nghệ), mà ở cái cảm hứng sự thật, ở cách trình bày bằng nghệ thuật một sự thật đang làm đau lòng tất cả chúng ta. Chắc là khá đông chúng ta không xa lạ với nạn cường hào mới ở nông thôn, cũng như những sai lầm, thiếu sót của nhà nước ta trong một số chính sách với nông dân, song đọc Cái đêm hôm ấy... đêm gì?Người đàn bà quỳ vẫn thấy sửng sốt, bàng hoàng.

Không phải đợi đến lúc báo Văn nghệ tổ chức tọa đàm về nhiệm vụ của văn nghệ sĩ trong việc chống tiêu cực thì độc giả mới chú ý tới điều đó. Đúng là các báo Tuần tin tức, Lao động, Tiền phong, Phụ nữ, Đại đoàn kết v.v... đã có nhiều tin và bài về các sự việc tiêu cực và vi phạm pháp luật từ nhỏ đến lớn, song các sự vụ việc đó được người đọc tiếp nhận ở các góc độ khác với khi họ đọc về chúng qua các trang của Văn nghệ. Và tác động của Văn nghệ đến độc giả không chỉ dừng lại ở góc độ một thông báo, một tin thuần túy, mà nó mang sức ám ảnh, lay động sâu sắc hơn nhiều. Đó là sự khác nhau của báo chí và tác phẩm nghệ thuật.

Có thể thấy bên cạnh ký, mảng truyện ngắn của báo Văn nghệ cũng đã đem trình làng nhiều tác phẩm xuất sắc. Sự tha hóa của con người, sự phi luân, thói ích kỷ, cái xấu đủ các màu sắc đã được các cây bút quen và lạ phanh phui, mổ xẻ, truy kích đến cùng. Số một và số nhiều, Lời nói dối đầu tiên, Chuyện như đùa, Lại chuyện như đùa, và đặc biệt là Tướng về hưu đã làm thành một mảng truyện ngắn về một xu hướng của văn xuôi hiện nay. Trước đó một số tác phẩm của Nguyễn Minh Châu như Khách ở quê ra, Bức tranh... cũng đã gây ra nhiều xôn xao, nhiều băn khoăn, và không ít hy vọng vào văn chương.

Sẽ không phải là quá lời nếu cho rằng nhóm truyện ngắn đã nêu ở trên là bằng chứng về sự lăn lưng của Văn nghệ vào cuộc đời. Cái mới của Tướng về hưu trước hết không hẳn ở bố cục, ở cách viết. Tác giả của truyện ngắn cũng không cần sử dụng bất kỳ một thứ kỹ thuật nghề nghiệp nào để thu hút sự chú ý của người đọc. Trùm lên tất cả câu chữ là sự thật, một sự thật thấp sát đất làm nát lòng người. Tôi không định nói rằng cảm hứng sự thật trong sáng tác, viết về sự thật như nó vốn có, chỉ mới bắt đầu từ các truyện ngắn đăng trên Văn nghệ vài năm gần đây. Song phải thừa nhận là cách nhìn nhận và viết về hiện thực một cách tỉnh táo, nghiêm ngặt, không tránh né, vòng vèo cũng chỉ mới trở lại trong các trang viết của một số người cầm bút. Những chuyện đùa ra nước mắt của Mai Ngữ cũng đã là nguyên nhân cho bao cuộc trao đổi ngoài cuộc đời. Câu chuyện thực đến nỗi một anh bạn của tôi vốn ít chú ý đến tờ Văn nghệ, vậy mà sau khi đọc xong Chuyện như đùa đã phải thốt lên: "Thánh quá, cứ viết thế này thì ai dám bảo các ông nhà văn nhà báo chỉ có nói láo ăn tiền nữa!". Anh cho biết thêm là bản thân anh đã "bão hòa" với các chuyện tiêu cực này hay khác trong các báo chí rồi, nhưng đọc Tướng về hưu hay Chuyện như đùa lại thấy nó lôi cuốn kỳ lạ tuy những tính cách ấy, con người ấy anh đâu có lạ. Và khi đọc xong Cái đêm hôm ấy... đêm gì? tôi thấy anh ngồi thở dài rồi mắt đỏ lên.

Một biểu hiện nữa của thái độ nhập cuộc của Văn nghệ là mảng các bài viết ở trang lý luận, phê bình đã khởi sắc hơn trước. Đang bớt dần đi những bài viết mà mới chỉ ngó qua tên gọi và tác giả là đã đoán được gần đúng nội dung là gì rồi. Lối viết khen một ít, chê một ít mà cách khen chê vẫn cứ lập lờ đến khó chịu đang bớt dần. Người ta đã được trao đổi khá thẳng thắn về một số vấn đề mà lâu nay đã được một số "chức sắc" văn nghệ xếp vào loại hồ sơ đã giải quyết xong. Quá trình nhận thức lại một số vấn đề mấu chốt của văn nghệ như quan hệ giữa văn nghệ với chính trị, giữa phục tùng chính trị với tự do sáng tác, về tính trường tồn của tác phẩm nghệ thuật v.v... đã được trao đổi, tranh cãi thẳng thắn trên tinh thần cố gắng tiếp cận chân lý chứ không phải theo kiểu nói lấy được, "cả vú lấp miệng em" như xưa. Một thời gian khá dài nhiều người đã quên mất một trong những thuộc tính quan trọng nhất của văn nghệ là tính dự báo, đi trước cuộc sống, mà lại cứ lăm le biến nó thành một thứ công cụ nhằm mục đích giáo huấn, giải thích, nói theo, "phục vụ kịp thời" cho yêu cầu này, mục tiêu nọ. Rồi cũng do cách quản lý của ta quá lắm chuyện lạ lùng nên tuy không có văn bản chính thức nhưng dần dần cứ nảy sinh hết áng văn chương này đến áng văn chương khác, dây dưa hàng chục năm trời, nên sĩ khí người cầm bút cũng vì thế mà cùn nhụt đi. Đóng góp của mảng lý luận, phê bình đối với quá trình văn học có lẽ mới chỉ dừng lại ở chỗ dần dần bằng tiếng nói của mình trả lại cho văn nghệ cái quyền cao quý của nó: tiếng nói của lương tri, lẽ phải, vì con người.

Song, lý luận phê bình muốn đáp ứng được yêu cầu của quá trình xã hội và văn học trước hết phải thực sự trở thành nơi tổ chức và hướng dẫn sáng tác. Ở ta đang thiếu những nhà phê bình lý luận chuyên nghiệp có trình độ cao, có bản lĩnh của một người "sống chết" với nghề, và trước hết phải có cái tâm của người cầm bút như hơn một thế kỷ trước nhà phê bình dân chủ cách mạng Nga vĩ đại N. Chernyshevski đã mơ ước: họ phải viết vì lợi ích chung của một nền văn học tương lai chứ không phải vì quyền lợi riêng tư của một cá nhân nhà văn hay nhà phê bình nào. Hy vọng rằng đội ngũ phê bình của ta sẽ xây dựng nó thành một khoa học thực sự - khoa học về một nền mỹ học đang vận động và phát triển.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số đặc biệt kỷ niệm 40 năm báo Văn nghệ (tháng 4-1988)

 

Mục lục 

23-10-2021