ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Văn nghệ, Hà Nội, số 17 (23-4-1988)

 

NHỮNG NGƯỜI ĐEM TỚI NIỀM VUI

Phan Hồng Giang

 

Các cụ ta từ xưa vẫn thường dạy: "Đất lành chim đậu", "Tiếng lành đồn xa"... Ấy là khi muốn nói về sự hấp dẫn tự nhiên của cái đẹp, cái tốt lành... Từ những ngày Hà Nội vào xuân, cái mùa xuân còn nguyên hương vị lạnh mùa đông, đã bao đêm rồi, các phòng hòa nhạc chật kín người mến mộ.

Song song với những Đêm nhạc Văn Cao của tốp nhạc Quý Dương - Hoàng My, chương trình Nhớ tuổi xuân của Khắc Văn - Phạm Thị Thành (Nhà hát Tuổi Trẻ), chương trình Khúc hát trữ tình của nhóm nhạc Khắc Huề - Dương Minh Đức với hơn 30 buổi diễn liên tục trong tháng qua đã góp phần tạo nên sự khởi sắc của sinh hoạt âm nhạc thủ đô gần đây. Các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc đã đối diện, đã trở về với người nghe, và người nghe đã tìm đến với họ, đã bỏ phiếu "bằng đôi chân" – âu đó cũng là sự sòng phẳng thường tình trong nghệ thuật.

... Nghĩ mà lạ lùng, mà thán phục cho sự bột phát của nền văn học nghệ thuật hiện đại nước ta từ sau Thế chiến lần thứ I. Nếu văn xuôi bằng quốc ngữ bắt đầu có những thành tựu đáng nhớ từ trước sau năm 20 rồi nhanh chóng thu hái những mùa gặt lớn, tiếp đó là thơ nở rộ vào những năm 30 mà dư âm còn lại mãi tới ngày nay, thì ca khúc hiện đại Việt Nam có thể nói đã chào đời vào những năm 40. Với khoảng cách hầu như là 10 năm, ba mảng nghệ thuật ấy lần lượt xuất hiện, và như tiềm ẩn trong mình "sức mạnh Phù Đổng" ngay từ đầu đã đạt tới những đỉnh cao.

Có thể nói được như vậy, bởi chỉ có đỉnh cao mới còn lại, mới đủ sức chống chọi với sự xói mòn khắc nghiệt của Thời gian và Quên lãng...

Tác phẩm văn nghệ nói chung cũng như ca khúc nói riêng gợi nhớ đến đời một con người: sinh ra, lớn lên, lan tỏa, lụi tàn và chìm vào quá khứ. Ấy là nói phần lớn các ca khúc. Chỉ không nhiều tác phẩm may mắn có được lẽ trường tồn, trường thọ bởi đã lay động tới cốt lõi của nhân sinh, tới cội nguồn của cuộc sống con người - niềm đau, nỗi nhớ, tình thương, khát khao hướng về cái đẹp trong lành, thanh khiết... Tiếng hát đã sinh ra từ đó.

Tiếng hát đã bắt đầu từ nơi mà lý trí dừng lại, từ lúc trái tim thắt đau, dồn dập gấp... Có lẽ nó là sáng tạo kỳ diệu nhất, biểu trưng nhất của con người văn minh (homo sapiens).

"Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, Ngàn năm chưa dễ đã ai quên"... – Câu thơ ấy của Thế Lữ được viết ra từ hơn nửa thế kỷ trước dường như dành để nói... về những khúc hát trữ tình đã lại vang lên sâu lắng hơn, thiết tha hơn sau nhiều năm tưởng chừng như đã hòa dần vào quá khứ, sau rất nhiều "bận rộn"... Khúc hát ấy đã lại trở về như hạt sen ẩn kín bao năm, nay lại hóa thành cây, lại nở thành đóa sen mềm mại...

Người nghe hôm nay, đã cảm động đón nhận những khúc ca năm xưa ấy, – những Thiên Thai, Trương Chi (Văn Cao), những Sơn nữ ca (Trần Hoàn), Mơ hoa, Ngày về (Hoàng Giác), Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong), Biệt ly (Doãn Mẫn), Dư âm (Nguyễn Văn Tý), Đêm đông (Nguyễn Văn Thương), Cô láng giềng (Hoàng Quý - Nguyễn Bính), Chiều (Dương Thiệu Tước - Hồ Dzếnh), Chuyển bến, Lá đổ muôn chiều (Đoàn Chuẩn)...

Có người nói, những bài ca ấy buồn. Đúng vậy, nhưng tôi muốn nói thêm, đó là cái buồn không bao giờ có ở những kẻ dửng dưng, ghẻ lạnh với cuộc sống. Đó là cái buồn làm nên vị mặn của cuộc đời, có sức thanh lọc tâm hồn, hướng con người về cái tận thiện tận mỹ. Đó là nỗi buồn mà thiếu nó niềm vui không còn mấy ý nghĩa.

Viết văn là chắt lọc từng chữ, trau chuốt từng câu. Hát, đàn cũng vậy – phải mài tô, phải luyện miết từng nốt nhạc, nhả từng âm, từng chữ, sao cho tâm hồn nghệ thuật của người nghệ sĩ hòa vào thấm vào từng âm từng nét nhạc, tiết tấu của nguyên tác. Dưới góc độ đó những người khắt khe dễ thấy những thành công từ những xao động li ti run rẩy nhất, cũng như những chỗ người biểu diễn còn có thể nâng lên để thoát được sự lặp lại đơn điệu thường nhật mà đạt đến sự gặp gỡ may mắn, sự hóa thân hoàn toàn vào tác phẩm.

Sự "trở lại chính mình" của giọng ca Ngọc Bảo, khi mái tóc trên đầu anh đã bạc, thật ngỡ ngàng và cảm động. Tuyết Thanh và nghệ sĩ ưu tú Tường Vi sau hàng chục năm, vẫn nguyên vẹn tình yêu với lời ca, điệu hát. Quốc Đông, Thu Phương hấp dẫn người nghe với giọng ca mượt mà, Thúy Nga, Mạnh Trung đang đi những bước đầu tiên đầy hứa hẹn trong cái "nghiệp" đơn ca. Với danh hiệu người đoạt giải thưởng thi hát quốc tế Cẩm chướng đỏ ở Sochi (Liên Xô) bảy năm trước đây, Dương Minh Đức quả đã làm chúng ta say mê với chất giọng khỏe, đầm ấm, vang xa. Thanh Hoa với giọng hát thân quen, khó lẫn, qua những giai điệu pha chút dân ca, nghẹn ngào niềm bi thương trắc ẩn, đã thêm một lần khẳng định vị trí của mình trong số vài ba ca sĩ được nhiều người mến mộ nhất hiện nay.

Trong thành công của chương trình Khúc hát trữ tình không thể không nói đến phần đóng góp của nghệ sĩ ưu tú Khắc Huề. Anh đã chỉ đạo nghệ thuật, đảm nhiệm phần phối khí, đã là "cây đàn violon số 1" trong dàn nhạc đệm. Tiếng đàn độc tấu hay họa theo của anh khi sôi nổi thiết tha, khi êm đềm sâu lắng, nhưng không lúc nào không da diết, say sưa, quyến luyến và tinh tế. Cùng đàn bên anh là những người bạn hiểu nhau chỉ cần qua ánh mắt đó là Hồ Cường (piano), Mai Giang (viola), Ngọc Toàn (violon 2), Hữu Anh (cello), Hoàng Khánh (guitar). Kim Tiến, người dẫn chương trình, vốn quen thuộc từ lâu với mọi người qua màn ảnh nhỏ, đã góp phần đem lại cho các đêm diễn không khí dịu dàng đằm thắm.

... Nghệ thuật, hay đúng hơn – sự tồn tại của nghệ thuật, là một vòng tròn khép kín với ba khâu: sáng tạo, chuyển đạt, thưởng thức. Có cái đẹp của tác phẩm sáng tạo. Có niềm vui của sự thưởng thức. Các anh chị nghệ sĩ biểu diễn là những người có thiên chức cao quý đầy nhọc nhằn, hạnh phúc: Những người đem tới niềm vui!

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 17 (23-4-1988)

 

Mục lục 

16-10-2021