ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Cánh én, Nha Trang, phụ trương tháng 12-1988

 

PHỎNG VẤN NHÀ THƠ GIANG NAM

     

          - Anh có thể nói gì thêm về Nghị quyết của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tháng 9-1988 về tuần báo Văn nghệ, với tư cách là người đã dự cuộc họp ấy?

Trả lời - Kết quả bỏ phiếu 100% là có thật. Về phần cá nhân mình cũng như một số đồng chí khác (trong đó có anh Nguyên Ngọc), tôi nghĩ đó là thái độ trung thực, sòng phẳng, có trách nhiệm đối với một số sơ hở, thiếu sót của báo Văn nghệ (đặc biệt trong truyện ngắn Phẩm tiết của anh Thiệp có động đến tình cảm kính yêu của nhân dân ta đối với anh hùng dân tộc Quang Trung).

Nếu có gì cần nói thêm, theo tôi có hai điểm đáng lưu ý:

1 - Văn bản thông qua miệng ở hội nghị so với văn bản in lên báo sau này có một chỗ khác nhau. Văn bản thông qua là "... có những khuyết điểm lệch lạc, trong đó có lệch lạc nghiêm trọng; văn bản in có thêm vào một từ những: "trong đó có những lệch lạc nghiêm trọng". Cái gọi là lệch lạc nghiêm trọng theo tôi hiểu chỉ có một và liên quan đến truyện ngắn Phẩm tiết tôi nói trên. Còn việc dùng từ đã chính xác chưa, nội dung nghị quyết đã đúng đắn chưa, ý đồ gì đằng sau nghị quyết đó... xin các nhà văn, dư luận xã hội và thời gian phán xét.

2 - Bản tin chi tiết đăng trên các báo Nhân dân, Văn nghệ theo tôi chưa thật khách quan nghiêng về phía kết án báo Văn nghệ (ví dụ: Các ý kiến phê phán Đại hội III Hội Nhà văn chưa thật sự dân chủ nhất là trong việc bầu cử Ban Chấp hành và Ban Thư ký, đề nghị đánh giá lại trên quan điểm đổi mới những sự kiện văn học năm 1979 cho thỏa đáng... không được đưa vào; một số ý kiến cá nhân hết sức gay gắt đối với báo Văn nghệ chưa được thảo luận và chưa phải được nhiều người đồng tình lại được đưa vào trong lúc những ý kiến hoan nghênh báo Văn nghệ chỉ được dẫn ra một cách sơ sài, thiếu sức thuyết phục.

- Hình như sau cuộc họp Ban Chấp hành, anh có gặp riêng anh Nguyễn Đình Thi để trao đổi về vấn đề báo Văn nghệ?

Trả lời - Vâng, tôi có một cuộc nói chuyện thẳng thắn, cởi mở với anh Thi về một số vấn đề của Hội Nhà văn và báo Văn nghệ. Tôi xin chỉ nói lại hai điểm:

- Anh Thi khẳng định một lần nữa là nhận xét của một đồng chí Phó tổng thư ký đối với tôi liên quan đến hoạt động của Ban liên lạc Hội Nhà văn ở Nam Trung Bộ (xin cho phép tôi không tiết lộ nội dung ở đây) chỉ là nhận xét cá nhân, không phải của Ban Thư ký. Anh còn nói thêm: đồng chí ấy mới về công tác ở Hội Nhà văn từ sau Đại hội III (1983) nên chưa hiểu anh Giang Nam bằng chúng tôi đã từng công tác với anh từ sau 1975.

Về báo Văn nghệ, anh Thi muốn thăm dò ý kiến của tôi về vấn đề tổ chức của báo Văn nghệ và đặc biệt là về anh Nguyên Ngọc. Tôi đã nói đại ý: Khi bỏ phiếu giao cho Ban Thư ký "uốn nắn, chấn chỉnh báo Văn nghệ về nội dung và tổ chức", chúng tôi tin rằng các anh sẽ xứng đáng với trách nhiệm được giao, sẽ trung thực và sáng suốt nhất là trong vấn đề tổ chức. Ý kiến của tôi là: các anh nên lập một hội đồng cố vấn để làm tham mưu cho Ban biên tập và anh Nguyên Ngọc. Còn về thành phần Ban biên tập, nhất là Tổng biên tập, xin các anh giữ nguyên như hiện nay cho đến Đại hội. Anh Nguyên Ngọc có một số khuyết điểm, nhược điểm nhưng là một người có năng lực tổ chức và quyết tâm đổi mới; từ lúc anh ấy làm Tổng biên tập, báo Văn nghệ thực sự đã tạo được uy tín và công chúng. Nếu các anh thay anh Nguyên Ngọc, anh chị em nhà văn và dư luận cả nước sẽ không đồng tình, họ sẽ cho Ban Thư ký là hẹp hòi, bè phái, trả thù (nhất là sau Phẩm tiết). Vì vậy, tôi tha thiết yêu cầu các anh tránh một việc làm có thể gây xúc động nhân tâm trong lúc này, trước khi Đại hội họp. Riêng cá nhân tôi, tôi tin ở bản lĩnh của Ban Thư ký không bao giờ tự hạ mình đến mức "ăn miếng trả miếng" một cách tầm thường được.

Cảm giác của tôi lúc đó là anh Thi có chú ý lắng nghe và suy nghĩ. Sau đó khi có anh em hỏi, tôi tỏ vẻ rất lạc quan về "số phận" anh Nguyên Ngọc. Có lẽ đó là do cái bệnh thật thà, cả tin cố hữu của mình chăng? Qua những sự kiện vừa qua, nhất là việc "thuyên chuyển" anh Nguyên Ngọc, tôi đã học được một bài học cay đắng.

 Nguồn: Cánh Én, Nha Trang, phụ trương tháng 12-1988

 

Mục lục 

28-8-22