ĐỜI SỐNG VĂN
NGHỆ Nguồn: Văn nghệ quân đội, Hà Nội, số 4 (tháng 4-1989)
LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH VĂN HỌC
Vừa qua tại Hà Nội, Hội đồng lý luận phê
bình Hội Nhà văn và Viện Văn học đã phối hợp tổ chức cuộc Hội nghị
nhằm chuẩn bị cho Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV. Nội dung
hướng tới việc nhận định hoạt động lý luận phê bình hai năm qua,
trong đó nổi lên các ý kiến khác nhau khi đánh giá tình hình văn học
trong các giai đoạn vừa qua. Về dự có đại diện Ban Văn hóa văn nghệ Trung
ương, đại diện Ủy ban Khoa học Xã hội nhân văn, các đồng chí làm
công tác lý luận phê bình của Viện Văn học, Hội Nhà văn, nhiều cán
bộ nghiên cứu và giảng dạy khoa văn các trường đại học; những người
làm công tác lý luận phê bình ở các báo và tạp chí Văn nghệ, Văn
nghệ quân đội, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Văn học, Nghiên cứu nghệ
thuật, Tạp chí Cộng sản, Đài tiếng nói Việt Nam...
Các đồng chí Nguyễn Đình Thi, Hà Xuân Trường, Phong Lê, Phan Cự Đệ,
chủ trì Hội nghị. Do khuôn khổ bài báo có hạn chúng tôi xin
lược thuật một số ý kiến phát biểu trong Hội nghị.
PHONG
LÊ
Từ "bức
tranh chưa đầy đủ của lý luận phê bình", từ ý thức nhập cuộc với sự
nghiệp đổi mới, có thể thấy rõ hiện trạng "nếu quá khứ là tốt đẹp
thì hà tất cần phải đổi mới? Kết quả của đổi mới trong sáng tác là
rõ rệt, nhưng là một quá trình và không cắt rời với cái cũ... Tôi
giật mình vì "ai điếu" của Nguyễn Minh Châu, lại giật mình vì "cái
thời lãng mạn" của Nguyễn Khải. Sao các anh tâm huyết và thông minh
đến thế, nhạy cảm và thức thời đến thế. Nhưng rồi ngẫm lại, sau cái
giật mình, vì được cú đánh làm cho tỉnh ra, lại thấy phải giữ cho
được sự tỉnh táo... Các nhận định cũ có sai trái, có thiên lệch, thì
ta phải điều chỉnh, có sao đâu. Song có nên từ yêu cầu đổi mới mà
phủ nhận, coi cả giai đoạn văn học qua là không có gì, không ra gì?
Tôi
không hiểu lắm về câu chuyện về văn nghệ và chính trị như là bá
quyền. Tôi cho rằng mỗi nhà văn chân chính đều đứng vào thế đối lập
với mọi sự thoái hóa. Nhưng trong ý thức trong kết quả công việc của
họ, họ muốn đạt một cái gì khác chứ không phải bá quyền: Và thật ra
họ làm gì được với chính quyền, với bá quyền chính trị? Tôi cho
không thể xem văn nghệ như một thứ bá quyền, dẫu chỉ là một cách nói
bóng gió, một phép tu từ.
NGUYỄN
ĐĂNG MẠNH
Ai cũng
nói đổi mới nhưng đổi mới thực sự là gì? Theo tôi, đổi mới là nghĩ
đúng, làm đúng quy luật khách quan, là tôn trọng tính khoa học.
Tôi cho
lối tranh luận quy kết, nâng quan điểm là thiếu lành mạnh, kiểu bài
anh Lê Xuân Vũ trích dẫn cắt xén, thêm bớt các ý kiến của Lại Nguyên
Ân trên Tạp chí Cộng sản là một ví dụ.
Tôi là
người bị quy đã theo xu hướng phủ nhận. Song ngay cả ở bộ phận lý
luận phê bình, tuy chưa phát triển lại vẫn có thành tích đặc biệt ở
sự bình giảng. Hơn nữa, những người phê chúng tôi là phủ nhận quá
khứ thì chính họ phủ nhận hiện tại, phê phán văn học hiện tại mạnh
mẽ hơn ai hết.
Tôi cho
hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp không phải là xu hướng phổ quát và tất
cả của đổi mới nhưng nó là một dòng mạch xuất hiện đồng thời với đổi
mới. Văn học hiện nay đa dạng, có phần phức tạp nhưng không nên bơm
phình, quy chụp báo động giả.
ĐỖ VĂN
KHANG
Thời
gian trôi qua có nhiều bài viết thiếu công phu nghiêm túc. Tôi cho
về mối quan hệ văn nghệ và chính trị, chúng ta nhận thức thấu đáo.
Song tiêu chí đánh giá văn học bị rối. Thơ Hoàng Hưng đáng phê phán
mà có người khen. Nhà xuất bản Trẻ cho in vội vàng tác phẩm Nguyễn
Huy Thiệp. So sánh thấy truyện Huyền thoại phố phường giống
Con đầm pích của Puskin, Chút thoáng Xuân Hương thì
giống Nước mắt chim cu của V. Sussin, Không có vua
giống Anh em nhà Caramazov của Dostoevski. Cái gì anh viết
sau, viết giống người trước tức là không mới. Với Phẩm tiết
tôi đem danh dự bảo vệ đến cùng rằng Quang Trung là anh hùng.
Những bài học nông thôn thô tục, không biết giới hạn. Cách triết
lý cũng suồng sã quá đi, ai lại nói nền chính trị thế giới sẽ như
"món nộm suồng sã", văn minh Trung Hoa là "tên đàn ông khốn nạn".
Về cái
tâm đổi mới, tôi đề nghị đổi mới tức là làm cho xã hội chủ nghĩa hơn
nữa, nhập cuộc vào cuộc sống nhiều hơn nữa.
TRƯƠNG
CHÍNH
Tôi
chọn đề tài "Mấy ý kiến xung quanh việc Đảng lãnh đạo và phương thức
Đảng lãnh đạo văn học" vì mấy lẽ. Một, tôi là người ngoài Đảng, hơn
40 năm nghiên cứu giảng dạy liên tục, nghĩ rằng mình nói khách quan
hơn người trong Đảng, mình tự nguyện chịu sự lãnh đạo của Đảng, vậy
mình nghĩ gì và muốn Đảng lãnh đạo theo phương thức nào? Hai, tôi
viết sách từ sáu năm trước cách mạng, tất nhiên lý luận phải lượm
lặt trong sách Pháp, sách tư sản, thuộc đủ các thứ chủ nghĩa, trừ
chủ nghĩa Mác-Lênin. Sau này đi theo kháng chiến mới có thêm sách lý
luận mác-xít. Chúng tôi nghĩ rằng các vị lãnh tụ không có thì giờ
đọc sách văn nghệ, không đi sâu vào "bếp núc" văn nghệ, nhưng các vị
hiểu hơn ai hết cách mạng đòi hỏi gì ở văn học, và văn học phải như
thế nào mới có ích cho cách mạng, góp phần làm cho cách mạng thắng
lợi. Trước đây, chúng tôi tin tưởng như thế, bây giờ cũng tin tưởng
như thế. Khi nghe nói "đổi mới", "cởi trói" văn nghệ, chống giáo
điều, công thức, trong thâm tâm chúng tôi rất mừng, hưởng ứng liền.
Kinh nghiệm cho thấy văn chương rập khuôn, minh họa đều rơi rụng
hết. Cái còn lại, cái khác nhau là ở dấu ấn của cá nhân nhà văn...
Trong
văn học, từ Đảng lãnh đạo đến quần chúng có một lớp người trung
gian. Lớp người ấy dễ mắc bệnh quan liêu, làm hại nhà văn, làm sai
lạc đường lối. Tình hình văn nghệ hôm nay có khác năm 56, ngoài căn
bệnh quan liêu còn thêm sự khủng hoảng về lý luận, không phải ở ta
mà ngay cả các nước anh em trong
phe ta. Muốn tìm phương thức lãnh đạo văn nghệ thích hợp, không cách
nào khác là tìm hiểu kỹ đối tượng. Đối tượng này, theo chúng tôi có
mấy đặc điểm: 1 - Về chính trị, trình độ các nhà văn ít ra cũng
không kém các ông Vụ trưởng
các Bộ, 2 - Văn hóa khá, không thể đưa lá chắn bắt họ chỉ nhìn con
đường trước mặt. Không thể cấm họ nhìn bên nọ bên kia, 3 - Khác với
khoa học tự nhiên, họ phản ánh xã hội, sáng tạo sự sống, muốn thành
kỹ sư
tâm hồn, muốn tác phẩm có tác dụng giáo dục, 4 - Họ viết văn là tự
nguyện không ai bắt buộc. Họ đều thành thực với mình và trung thực
với Đảng. Với một đối tượng như thế thì không nên lãnh đạo bằng uy
quyền, mệnh lệnh, nghị quyết. Trong thực tế nhà văn cảm thấy mình bị
trói, và Đảng cũng cảm thấy Đảng đã trói văn nghệ và kêu gọi cởi
trói. Hãy tìm nguyên nhân ở tầng lớp trung gian.
THÀNH
DUY
Đổi mới
cần mạnh dạn tìm tòi, khám phá sáng tạo, song không dựa trên cơ sở
lý luận đúng đắn thì có khi càng mạnh dạn càng sai.
Có tình
trạng nhận thức văn nghệ phức tạp là do nhận thức lý luận lạc hậu,
nhiều khi vận dụng máy móc như những tín đồ tôn giáo trước kinh
thánh của Chúa. Mặt khác, việc điều hành chỉ đạo của Đảng mà đại
diện là Ban văn học văn nghệ vẫn còn có tình trạng áp đặt, đôi khi
không rõ ràng, vẫn phản ánh cơ chế quan liêu, mà rõ nhất là việc can
thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của Hội Nhà văn, làm chỗ dựa cho
hiện tượng tiêu cực. Cũng cần thấy cái khó của lĩnh vực lý luận phê
bình, cần phải trọng thị, đào tạo chu đáo. Thế giới có hàng trăm nhà
văn tên tuổi nhưng là nhà lý luận thực tài thì rất hiếm hoi.
HỒ SĨ
VỊNH
Cho đến
nay, có người vẫn nghĩ rằng tư duy mới chỉ là phê phán - phê phán
những hiện tượng lãnh đạo văn nghệ hẹp hòi, quan liêu và thô bạo.
Song, vấn đề là rộng lớn và phức tạp hơn. Bởi lẽ chúng ta đang sống
trong thời đại đầy biến động, thời đại xuất hiện nhiều hệ thống tư
tưởng và thẩm mỹ phức tạp, nhiều trào lưu, phong cách chủ nghĩa ấn
tượng hay hậu ấn tượng, hiện đại chủ nghĩa hay baroque...
LẠI
NGUYÊN ÂN
Tôi có
vài điều cần trao đổi với anh Lê Xuân Vũ, rất may mắn là anh có mặt
ở đây, về bài Quan hệ văn nghệ và chính trị không phải là quan hệ
giữa hai "bá quyền" trong xã hội của anh, đăng trên Tạp chí
Cộng sản, số 11-1988. Xét cả hai mặt lý luận và thực tiễn đây là
một đề tài trọng tâm, một vấn đề lớn, rất cần được quan tâm trao
đổi.
Trước
tiên, xin bạn đọc của Tạp chí Cộng sản và nói riêng là bạn Lê
Xuân Vũ yên tâm về một điều: không hề có mà không thể có lý thuyết
"hai bá quyền" như bạn mường tượng. Nếu những bài viết của tôi và
những người khác đã khiến bạn rút ra điều ấy thì phần tôi nay xin có
lời phủ chính. Không nên tin vào một lý thuyết như vậy.
Bạn Lê
Xuân Vũ đã lưu ý trích dẫn và phản bác ý kiến của tôi và một vài
người khác về "quan hệ chứa đựng khả năng nảy sinh mẫu thuẫn giữa
người cầm quyền và giới trí thức sáng tạo nghệ thuật khoa học" nhưng
không chịu xác minh những việc chúng tôi đã nêu là có hay không.
LÊ XUÂN
VŨ
Qua
thảo luận, thực tiễn thấy phát sinh nhiều mặt, còn đường hướng chung
đi đúng quỹ đạo của Đảng tôi cho rằng không có sự đối đầu giữa chính
trị và văn nghệ. Nếu ai đồng ý với tôi như thế thì không có gì phải
tranh luận.
Tôi
mong góp một vài ý kiến vào việc đổi mới - dân chủ hóa. Dân chủ hóa
lãnh đạo văn nghệ vẫn là Đảng lãnh đạo toàn bộ đời sống văn nghệ,
nhưng là lãnh đạo về mặt chính trị mọi hoạt động văn nghệ và tổ chức
văn nghệ, chú ý dân chủ hóa sáng tác, được viết không chỉ định đề
tài, "tư duy sáng tạo mặc sức tung hoành", việc in hay không là
quyền của tác giả và nhà xuất bản, dân chủ hóa phê bình và dân chủ
hóa việc tiếp thu di sản văn nghệ dân tộc và tinh hoa văn nghệ thế
giới, Đảng "coi trọng vai trò và vị trí chính trị, xã hội của các
hội sáng tác, với tính chất là những tổ chức xã hội, nghề nghiệp độc
lập, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng" (Nghị quyết 05 của Bộ
Chính trị).
VŨ ĐỨC
PHÚC
Mấy năm
gần đây sáng tác và lý luận phê bình thật hơn song khá nhiều lộn
xộn. Tôi muốn nhìn nhận sâu hơn vào các vụ án văn học. Tôi cho không
khí phủ nhận là có. Trong mấy chục năm qua có tác phẩm sơ lược công
thức nhưng cũng có nhiều tác phẩm hay, chẳng hạn về đề tài xây dựng
xã hội chủ nghĩa có Đào Vũ, Vũ Thị Thường...
Gần đây, truyện của Nguyễn Huy Thiệp có cái tôi đọc, có cái không
đọc. Riêng Tướng về hưu tôi thấy cũng hay hay. Có truyện như
Trái tim hổ có vẻ như không tán thành cuộc kháng chiến chống
Mỹ của ta. Trái tim hổ nói về thanh niên trong làng ví cô gái
đi săn hổ (là đuổi giặc) thế mà giết được hổ lại không thấy tim đâu,
nên cô gái vẫn không khỏi bệnh. Tôi càng tin suy đoán của mình là
đúng vì trong Phẩm tiết tác giả phọt ra câu: nhận thức lịch
sử chỉ là ước lệ, tương đối. Truyện thế là có dụng ý loanh quanh.
Tôi không tin lối giải thích sử học khác văn học khác. Đó là cách
giải thích lờ mờ. Tôi cho Phẩm tiết là quả bóng thăm dò,
nhưng động chạm đến lòng tin nên bị phản ứng. Nếu cứ trả lời loanh
quanh, không rõ dụng ý thì tôi liệt vào loại tác phẩm lừa bịp. Nói
thật, nhiều tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đọc tẻ nhạt, chán ngắt...
TÔ HOÀI
Hiện nay, văn học cũng như các hoạt động kinh tế xã hội khác đang
đứng trước tình hình đối chọi gay gắt giữa bế tắc và lối thoát ra
khỏi bế tắc.
Điều
đáng lo hiện nay là tình hình in ấn, giới thiệu sách hết sức bừa
bãi. Hiệu sách đầy các loại hổ lốn, trang trí lòe loẹt, đầu đề giật
gân. Sách nước ngoài, vụ án, truyện tranh, truyện tình mùi mẫn ba xu
tràn lan. Nhiều người chạy theo đúng lối viết thời Mỹ ngụy mà ta vừa
phê phán. Tôi nghĩ không có sự trói buộc vô hình nào ghê gớm hơn sự
chìm ngập trong văn chương tầm thường...
Tôi nói nhiều hơn tới sáng tác vì có bột mới gột nên hồ. Sáng tác
được khởi động mạnh mẽ do tinh thần đổi mới tạo thành lực lượng đông
đảo. Sự phong phú đó chứng tỏ yêu cầu đổi mới là cần thiết, thấy rõ
sự hẫng hụt trong quá khứ cần bù đắp. Sự sáng tạo đồng nghĩa với đi
tìm cái mới, nó có mặt khiếm khuyết là lẽ thường. Song cần phải cảnh
tỉnh. Tôi cho một số khía cạnh trong tác phẩm Dương Thu Hương,
Nguyễn Huy Thiệp, Đoàn Lê, Phạm Thị Hoài... có dụng ý phi văn
chương.
Văn học
ta đang trong cảnh sôi động. Tôi chưa hề thấy nghị quyết nào triển
khai chậm như Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị, chậm trong việc thể
chế hóa, càng chậm trong việc cải tiến chế độ nhuận bút. Tôi đã ba
lần nghe anh Văn Phác nói đã xong rồi, chỉ đợi ký. Mới đây lại nghe
anh Phác nói Bộ văn hóa sẽ đặt vào kế hoạch 89. Mà chuyển 89 được
thì chuyển 90 cũng được.
Tôi xin
báo động toàn thể: thà cứ vừa làm vừa sửa còn hơn bỏ lửng, khất lần.
HÀ MINH
ĐỨC
Trong
mấy chục năm qua, các tác phẩm viết theo kiểu đề tài về hợp tác hóa,
sản xuất lớn ở nông thôn, lưu thông hàng hóa, tiền tệ... đều ít
thành công. Ngày nay nhìn lại các tác phẩm viết về cải cách ruộng
đất như Truyện anh Lục, Bếp đỏ lửa, Nông dân với địa chủ đều
không đứng lại được với thời gian. Thực tế trên đặt ra một vấn đề là
người viết văn không thể chỉ thụ động minh họa chính sách. Nếu chính
sách đúng tác phẩm cũng không hay mà nếu chính sách sai tác phẩm
càng không có cơ sở để có giá trị.
PHAN CỰ
ĐỆ
Quả
thật có tác phẩm sơ lược, có phê bình xu phụ song nếu coi đó là chủ
đạo thì dễ gây ấn tượng hoài nghi, nhất là trong giới sinh viên.
Vấn đề
không phải là minh họa hay không minh họa, tự do hay gò bó, mà là sự
sáng tạo say mê, là tuyên truyền cho lý tưởng cao đẹp. Xu hướng cần
tiếp tục xây dựng nền văn nghệ giàu tính hiện thực, kết hợp tính dân
tộc và hiện đại. Nêu cao tinh thần khắc phục tư tưởng gia trưởng,
phong kiến, tư sản.
Đổi mới
không có nghĩa là "thay máu" mà là tiếp tục khẳng định và phát triển
nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa.
NGUYỄN
VĂN LƯU
Tôi có
chuẩn bị bài Cảm hứng sự thật và đổi mới văn học, nhưng xin
chuyển đề tài tìm hiểu về những cách đọc văn khác nhau qua một số
sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Tác phẩm của anh Thiệp gây nên sự
đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược về mối quan hệ giữa hư cấu
và sự thật, về tâm và tài, cách đọc cách hiểu... Các ý kiến không
thống nhất, giới phê bình lúng túng, quay ra tranh luận và báng bổ
nhau, ai cũng cho mình là đúng hơn cả. Lối đọc văn khác đọc sử của
Lại Nguyên Ân tỏ ra thiên lệch, lối đọc "hệ thống" của tiến sĩ mỹ
học Đỗ Văn Khang cũng đơn giản, ngây thơ và thành thật như trẻ bóc
cam. Cách đọc đòi hỏi tri thức của Văn Tâm nhưng cầu kỳ, dẫn người
đọc vào mê hồn trận -- kẻ ngu muội này đề nghị trở lại đối tượng là
tác phẩm, không phải lý luận cao siêu, trích dẫn cổ kim.
BÙI
HIỂN
Tôi là
người lạc quan, luôn luôn lạc quan. Tôi thấy tác phẩm gần đây có sự
khám phá thực tại sâu sắc hơn. Về Nguyễn Huy Thiệp, tôi đồng ý với
một số ý kiến cho rằng Vàng lửa có nhiều vấn đề hơn Phẩm
tiết...
PHẠM
NHƯ CƯƠNG
Cá nhân
tôi hoan nghênh sự đổi mới của văn học, chú ý theo dõi những hiện
tượng mới lạ, và cũng không ngạc nhiên khi có những lệch lạc. Đánh
giá lại quá khứ, tôi thấy có cái cần giã từ, có cái phải cải tiến,
nâng cao. Đổi mới là chưa định hình, đang vận động, ở nước ta và cả
phe ta. Nhưng đổi mới cần những nội dung gì, cái gì làm trước cái gì
làm sau, cái gì là chính cái gì phụ?
Tôi đề
nghị các nhà văn và giới lý luận phê bình để tâm tình hiểu nền tảng
khoa học xã hội. Tôi cho ta quan niệm mô hình xã hội có sai lệch,
xây dựng "chủ nghĩa xã hội thuần túy" không có trong thực tế, một
"chủ nghĩa xã hội nhà nước" cái gì cũng nhà nước, từ đó tạo ra chế
độ quan liêu bao cấp quá nặng nề. Nhưng đổi mới không thể cực đoan,
không thể cho rằng văn nghệ tách rời chính trị.
TẾ HANH
Tôi cho
không nên nói "văn nghệ phục vụ chính trị" vì dễ gây ấn tượng hiểu
lầm.
Với lý luận phê bình, tôi vừa phục vừa chưa phục. Phục vì nó là khoa
học, công phu lắm. Anh Nguyễn Đăng Mạnh bỏ ra 10 năm trời nghiêm túc
viết về Nguyễn Tuân. Ông Tuân bảo tôi: chú Mạnh viết về lý luận
chuẩn mực quá, giống nhau quá, phê bình thì không thấm, không thuyết
phục, không chỉ ra các đặc điểm cá tính sáng tạo của nhà văn.
NGUYỄN
VĂN HANH
Tôi
không đồng ý cách viết quy chụp của Lê Xuân Vũ. Không nên trích cắt
xén và nâng thành quan điểm.
Trong
việc đào tạo đội ngũ kế tiếp, tôi hết sức tin tưởng ở anh em viết
trẻ...
Có thể
nói xu thế đổi mới là không thể đảo ngược. Nhìn rộng ra các ngành
nghệ thuật khác như điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, tạo hình, tôi thấy
nhiều ý kiến phát biểu đề cao tinh thần bảo vệ các sáng tác mới lạ,
có chất lượng của anh em. Tôi biết Đảng rất chú ý lắng nghe các hội,
vì đây là đội ngũ làm chuyên môn có uy tín.
ĐỖ ĐỨC
DỤC
Tôi
không chuẩn bị bài trước, chỉ xin phát biểu. Tôi thấy hội thảo trong
hai ngày nay tỏ ra bình tĩnh, thấu đáo, thống nhất nhiều hơn. Về
giai đoạn văn học qua, tôi gọi chính xác là ấu trĩ tả khuynh.
Về hiện
tượng Nguyễn Huy Thiệp, vì là mới cho nên lạ dị thường, cần xem xét
kỹ. Song, thách thức lại niềm tự hào của cả dân tộc thì đó là sự dại
dột, tôi nói quá đi là ngu muội.
Cần chú ý đối trọng của đổi mới là sức ì, là thói quen nhưng nó dễ
đổi màu - một thứ kỳ nhông. Đồng ý cần phủ định nhưng nếu phủ nhận
cả mặt giá trị, lại không xác định được tiêu chí cái mới, là hóa hư
vô, là bình thường hóa cái tiêu cực, ảnh hưởng tới chế độ và cả thế
hệ mai sau.
TẠ NGỌC
LIỄN
Tôi cho
quan niệm viết về đời thường người anh hùng với các khía cạnh nóng
nảy, độc ác, bỗ bã, hám gái ở Quang Trung thì là hạ thấp văn học,
chứ không phải là sự mô tả toàn diện.
NGUYỄN
ĐÌNH THI
Tôi
nghiệm thấy văn hóa mỗi dân tộc, mỗi thời đại đều có dòng chảy ngầm.
Tôi vẫn nghĩ, dân tộc mình ví như chìm sâu dưới đất với chính thể
quân chủ phong kiến phương Đông, sau lại chịu ách đế quốc thực dân.
Bây giờ ngoi dậy, vất vả và đau đớn. Mình muốn vượt lên nhưng họ đã
đi xa, mình vẫn đói nghèo, lạc hậu. Mình muốn dân chủ nhưng không đủ
ăn, còn tranh cướp nhau. Mà còn phải lo miếng ăn, còn thấy kẻ trộm
cướp mà không dám can ngăn, thì làm sao có dân chủ? Chính vì thế tôi
càng thấy dân tộc mình có nhiều cái lạ, cái lạ của văn hóa xóm làng.
Một dân tộc đói rét, vất vả là thế mà nó vẫn chịu đựng được, vẫn
ngoi lên một cách ngoan cường. Lạ thật!
Xem xét
văn học mấy năm nay, tôi cảm thấy rõ không khí phục hưng, một sự hồi
sinh của chí khí và văn hóa dân tộc.
Trở lại
vấn đề đang bàn, tôi cho chỉ có hai thứ văn nghệ (tốt đẹp và thô
thiển) hai thứ chính trị (tiến bộ và phản động). Tôi thấy anh Ân nói
vấn đề quan hệ giữa người cầm quyền chính trị với văn nghệ là sự
thật, cũng gần như quan hệ đạo và đời ở phương Tây. Song, không phải
văn nghệ nào cũng chống chính trị, vì có chính trị phù hợp với văn
nghệ. Còn anh Ân dùng chữ "bá quyền" làm anh em họ kêu là phải – và
có thế anh Ân mới có dịp giải thích rõ cho anh em nghe.
HÀ XUÂN
TRƯỜNG
Tôi
được giao nhiệm vụ tổng kết hội nghị, thấy có cái khó vì cả sáng tác
và lý luận phê bình đều đang ở giai đoạn biến động mạnh, thấy có mặt
thuận vì chúng ta nhìn rõ hơn và ý kiến cũng xích lại gần nhau trong
nhiều vấn đề.
Nhiều
đồng chí đã phát biểu trực diện, công khai, thật sự hướng tới đoàn
kết, đổi mới. Tôi cho vấn đề quan hệ văn nghệ - chính trị đánh giá
tình hình văn học đã được thảo luận khá kỹ. Riêng chủ điểm văn học
và hiện thực chưa được tìm hiểu một cách tương xứng. Trong chủ điểm
đó, nhất thiết cần nhấn mạnh lòng tin, xây dựng lòng tin vào chế độ
ta.
Về lãnh
đạo văn nghệ, tôi cho Đảng phải làm thế nào cho văn nghệ sĩ tự điều
chỉnh theo đường lối, chứ không ép buộc. Hôm qua, anh Tô Hoài nói
Nghị quyết 05 chậm triển khai làm tôi rất suy nghĩ.
Hội
nghị chúng ta gồm những vấn đề vừa rộng vừa lớn, tôi không dám đưa
kết luận cuối cùng, chỉ xin gom lại các ý kiến như một sự tóm tắt và
đề xuất. Chúng ta khẳng định văn nghệ đương thời đang chuyển động,
đi lên. Tuy còn nhiều cách hiểu, đánh giá khác nhau, nhất là ở những
mặt cụ thể, nhưng xu thế thống nhất là rõ. Sự phân tích về Nguyễn
Huy Thiệp cả ở đóng góp lẫn hạn chế là tương đối thỏa đáng, người
khen vẫn chê những mặt chưa đạt, người chê vẫn thừa nhận những mặt
thành công. Một số vấn đề cần được tiếp tục tìm hiểu, trao đổi --
đặc biệt ở chủ điểm văn học và hiện thực -- với tinh thần cộng sản,
khoa học và đổi mới...
Nguồn: Văn nghệ quân đội, Hà Nội, số 4 (tháng 4-1989) 24-8-19 |